Phiêu du ở “Thung Nham nơi chốn ngàn năm”
Trong một đời người, đã bao giờ bạn có được một chuyến du ngoạn ở một cảnh sắc sơn thủy hữu tình bằng trên một chuyến đò để được cảm nhận một cảnh sắc đất Việt, được hòa nhịp thở vào chốn bồng lai, rồi hoài niệm về lịch sử của cảnh sắc đó, mảnh đất đó trong sừng sững lịch sử của Việt Nam chúng ta.
Đọc “Thung Nham nơi chốn ngàn năm” của tác giả Phạm Hồng Điệp người đọc như cảm thấy mình có được cảm giác đấy và dường như cảm thụ được những sắc thái, nhịp đò khi rong ruổi trên dòng sông lịch sử, nhẹ nhàng mái chèo, thẳm sâu nỗi nhớ, hoài niệm rồi ngất ngây trong âm hưởng của nơi đây – Bến Thung Nham ở đất Cố đô Ninh Bình.
Cái khéo của Phạm Hồng Điệp đưa người đọc vào Thung Nham như một lời kể chuyện của người lái đò:
“Đò về với bến Thung Nham
Lặng yên nghe kể chuyện ngàn đời xưa.
Từ thời Đinh Hoàng mở non
Lẫy lừng đất Việt ngàn năm vững bền.
Thung Lau, Thung Lá dấu mòn
Thung Nham nay đẹp cảnh tiên chốn này”.
Và, cảnh tiên chốn này được mở ra đầy thi vị và thắm đượm cảnh sắc sơn thủy hữu tình nơi đây bằng dạng thơ lục bát – một kiểu thơ truyền thống của dân tộc dễ đọc, dễ nhớ. Tác giả Phạm Hồng Điệp đã kéo người đọc và đưa người đọc vào cảnh tiên Thung Nham thật ấn tượng:
“Non xanh nước biếc tình đầy
Chênh chao ngọn gió lay hồn bèo trôi.
Núi xanh xanh mãi ngàn đời
Dòng xanh chảy mãi chưa nguôi nỗi niềm.
Dập dờn cò trắng chao nghiêng,
Đều đều tiếng mái chèo thương mạn thuyền.
Hỡi ai qua bến xuống thuyền,
Cỏ xanh bãi sậy, rong chìm, bèo hoa”.
Vẫn tiếp trong cuộc hành trình vào cảnh tiên này Phạm Hồng Điệp đã dùng thủ pháp nghệ thuật ẩn từ khi dùng câu :
“Trở về một cõi ta bà,
Thả chân mặt nước mà nghe lòng mình”
Đây là một thủ pháp đưa trạng thái tĩnh vào trong trạng thái động để người đọc như thấy mình nhỏ bé trước hùng vĩ cảnh sắc nhưng không hòa tan mà bùng lên những hoài niệm, cảm xúc về dấu tích nguồn cội của cảnh sắc nơi đây. Người đọc như cảm thấy mình được tự tôn về một mảnh đất đã có một lịch sử hào hùng, và hôm nay sau những biến thiên lịch sử Thung Nham vẫn sừng sững, mượt mà tạo một sức cuốn hút kỳ lạ cho mỗi người đến đây.
Ảnh minh họa.
Đọc “Thung Nham nơi chốn ngàn năm” của Phạm Hồng Điệp người đọc như bị cuốn hút bởi một âm thanh, nhịp điệubởi như có một giọng trong trẻo của cô lái đò đưa du khách về với miền cảnh tiên này:
“Hò ơ…
Kìa ai nón lá nghiêng che
Che chi cho gió bung mềm tóc mây.
Kìa ai tà áo trắng bay
Bay trong hương cỏ, rong vươn đáy dòng”.
Vẫn trong câu hò đó cô lái đò của PHĐ đã níu lòng mọi người với cảnh sắc Thung Nham:
“Hò ơ…
Thung Nham vãn cảnh mê lòng
Thênh thang non nước giữa dòng yên trôi
Hỡi người quân tử ghé chơi!
Thong dong dạo cảnh mây trời nước xanh”.
Xong, người đọc vẫn thấy như mình không lạc lõng mà tràn đầy cảm xúc bởi cảnh tiên Thung Nham được Phạm Hồng Điệp níu vào trong thơ của mình:
“Thênh thang là chốn hữu tình
Non non nước nước đắm mình lặng nghe”.
Để rồi mỗi người đến đây sẽ có những cảm xúc bâng khuâng tự hào về đất nước mình. Như trong bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi đã viết:
“Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa”
Còn “Thung Nham nơi chốn ngàn năm” của Phạm Hồng Điệp lại lắng đọng với cảnh sắc của một vùng ở đất Việt Nam mình với tâm thế rất chững chạc:
“Di sản nơi chốn ngàn năm
Địa linh tụ hội Ninh Bình dấu son.
Thung Nham một chốn yên bình
Người về gửi chút ân tình lại đây”.
Đã có rất nhiều những tác phẩm thơ tạo dựng một cảnh sắc Việt Nam trữ tình và đầy ân tình, những cảnh sắc đó được ông cha chúng ta giữ gìn bảo vệ. Nhiều bài thơ đã đi vào tâm can của bao thế hệ người Việt. “Thung Nham nơi chốn ngàn năm” của Phạm Hồng Điệp là một trong những tác phẩm thơ ở trong dòng chẩy đó. Bài thơ không chỉ thoảng qua cho người đọc mà đã đọng lại trong tâm trí người đọc bao nghĩ suy về trách nhiệm của mỗi người Việt Nam phải làm gì, cống hiến thế nào để giữ gìn những cảnh sắc của cha ông để lại, để Việt Nam tự hào là đất nước đẹp ở cảnh sắc hào hùng về lịch sử và ân tình của mỗi lòng người. Bởi:
“Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn”.
Đó hình như cũng là cảm tác của Phạm Hồng Điệp khi về tới Thung Nham chốn ngàn năm này?

Gần hai mươi năm trước, vào tháng 9/2004, trong một bài viết về CCB – Doanh nhân Phạm Hồng Điệp, tôi đã có đoạn kết...
Bình luận