Phạm Hồng Điệp - Một người truyền cảm hứng

Gần hai mươi năm trước, vào tháng 9/2004, trong một bài viết về CCB – Doanh nhân Phạm Hồng Điệp, tôi đã có đoạn kết “… giải thưởng Sao Vàng Đất Việt dành cho thương hiệu Shinec và giải thưởng Sao Đỏ cho Nhà doanh nghiệp trẻ Phạm Hồng Điệp là những minh chứng cho sự phấn đấu của một Tổng Giám đốc năng động và sáng tạo trong sự nghiệp hiện đại hoá, công nghiệp hoá xây dựng đất nước. Và như có người đã nói vui: nhắc đến Phạm Hồng Điệp người ta nhớ ngay đến Shinec bởi Shinec đã làm nên một Phạm Hồng Điệp”.

Chẳng phải có tài tiên tri hay dự đoán gì, nhưng quả thực đến bây giờ thì người ta hoàn toàn có cơ sở để nói Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Shinec Phạm Hồng Điệp đã đi tới thành công trong sự nghiệp của mình và đã được rất nhiều người không chỉ riêng ở Hải Phòng biết đến.

Khi làm MC cho các chương trình có liên quan, tôi thường nói vui rằng không biết giới thiệu Phạm Hồng Điệp là gì!

Doanh nhân? – Thì hẳn thế. Anh đang đương nhiệm là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec, chủ đầu tư Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền – Hải Phòng; là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hải Phòng các khoá 3, 4, 5 trước đây.

Luật sư? – Thì nhiều người biết anh là thành viên của Hội Luật sư thành phố Hải Phòng, đã tham dự nhiều phiên tố tụng dân sự ở Đất cảng.

Nhà hoạt động môi trường? – Điều này chẳng phải bàn cãi nhiều, khi mà từ những công việc cho đến những giải thưởng đủ loại từ trong và ngoài nước, đủ các cấp trao tặng anh trong lĩnh vực này thật dày đặc đến hiếm có ở Việt Nam.

Một CCB luôn đau đáu mang nặng nghĩa tình đồng đội qua những chương trình tìm về cội nguồn thật đáng trân quý – Đương nhiên như tính cách của anh.

Chưa hết. Anh còn là một Chuyên gia kinh tế vĩ mô, rồi Giảng viên quản trị rủi ro; và mới đây anh còn sang Ấn Độ nhận bằng Tiến sĩ Danh dự của Viện đại học Kỷ lục thế giới.

Vẫn chưa hết, tôi còn nói vui bây giờ Phạm Hồng Điệp còn lấn sang cả sân chơi “sâu bít” khi anh làm thơ, rồi tổ chức các đêm nhạc thật hoành tráng ở sân khấu nổi trong Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền hay tại Nhà hát Thành phố…

Bởi vậy tôi chỉ giới thiệu anh bằng 7 chữ đơn giản mà đủ ý: Phạm Hồng Điệp - người truyền cảm hứng!

Phạm Hồng Điệp - Một người truyền cảm hứng - 1

Doanh nhân Phạm Hồng Điệp.

Biết, rồi đồng hành và chơi với Phạm Hồng Điệp từ ngót ba mươi năm nay, nên tôi quá rõ về một người với vẻ ngoài lành hiền, dễ mến, còn cái tâm thì luôn biết sống vì mọi người và cái trí luôn muốn được thể hiện và cống hiến cho cộng đồng, cho xã hội.

Bởi vậy, bài viết này với những lát cắt khái quát, để tôi được khoe với mọi người rằng mình có một người bạn là Phạm Hồng Điệp – người truyền cảm hứng.

*

Doanh nhân Sao Đỏ - Hiệp sĩ bảo vệ môi trường

Bây giờ cái cụm từ Shinec – Phạm Hồng Điệp – Nam Cầu Kiền luôn đi liền với nhau, và nói đến Nam Cầu Kiền thì người ta lại biết ngay đang nói về một khu công nghiệp sinh thái, một địa chỉ được các bạn trẻ tìm đến check in sống ảo bên những thảm cỏ xanh hay hồ nước tung tăng từng đàn cá lượn…, bởi khi bước chân vào đó thì chẳng khác gì như đang đi trong một công viên, bởi ở đó có những nhà máy, xí nghiệp đang ngày đêm sản xuất mà chẳng hề thấy những cuộn khói bay giữa trời xanh hay những dòng nước thải đen kịt như đã thấy ở đó đây. Có được điều đó, đơn giản chỉ là vì môi trường ở đây được coi trọng và bảo vệ một cách hết sức triệt để.

Với các doanh nghiệp thì mục tiêu số 1 luôn là lợi nhuận, bởi thế mà họ luôn cố gắng tiết giảm mọi chi phí đến tối đa để đạt lợi nhuận nhiều nhất. Vậy nhưng để có một môi trường của KCN đạt được các điều kiện Xanh, Sạch, Đẹp thì đương nhiên không thể không bỏ nhiều chi phí cho công việc này.

Có một phép màu gì chăng?

Tất cả các nhà đầu tư thứ cấp trong khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đều nhận thức rõ rệt về tầm quan trọng và đưa việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững vào chiến lược kinh doanh của mình. Có được tư duy này là khởi nguồn từ chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền (Công ty cổ phần Shinec) với tư tưởng bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế cần hình thành trong tập quán sản xuất của từng nhà đầu tư trong KCN. Biến việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trở thành lợi thế của các nhà đầu tư trong KCN khi thương hiệu và sản phẩm đầu ra mang theo giá trị cốt lõi của một KCN sinh thái.

Để làm được điều này, Shinec đã xây dựng mạng lưới cộng đồng kết nối các doanh nhân từ tầng lãnh đạo đến cán bộ chuyên môn; và Câu lạc bộ Doanh nhân ECO Nam Cầu Kiền đã ra đời trong hoàn cảnh đó. CLB tập hợp các doanh nhân của các doanh nghiệp cùng tham gia cộng đồng hỗ trợ và chia sẻ cùng nhau trong phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường tại Nam Cầu Kiền, với nhiệm vụ xây dựng hệ thống quản trị môi trường từ việc tập hợp các cấp lãnh đạo dưới cương vị người quản lý trong Hội nhóm Doanh nhân, song song với đó tổ chức câu lạc bộ cán bộ nghiệp vụ trẻ là lực lượng nòng cốt của từng doanh nghiệp, trực tiếp triển khai các kế hoạch hành động.

Với mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn trong KCN sinh thái, Shinec đã tiên phong trong việc vận động, kết nối và dẫn dắt sự lớn mạnh của CLB thông qua việc để các doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong KCN tham gia CLB, với mục đích cùng phát triển kinh tế, nhờ đó trong những năm qua hầu hết các doanh nghiệp đã tham gia nhiệt tình và đạt được nhiều lợi ích kinh tế cũng như lợi ích về môi trường và nhận được sự ủng hộ to lớn của cộng đồng. Đến bây giờ tại KCN Nam Cầu Kiền đã hình thành 3 mô hình cộng sinh công nghiệp. Đó là: Liên kết cộng sinh ngành cơ khí – luyện kim; Liên kết cộng sinh ngành sản xuất nhựa và các sản phẩm từ nhựa; và Liên kết cộng sinh ngành phụ trợ điện.

Sự liên kết này là hình ảnh sinh động của Nam Cầu Kiền trong tiến trình hình thành và phát triển chuỗi cộng sinh năng lượng sạch cho toàn bộ KCN; và dự án KCN sinh thái Nam Cầu Kiền thực tế đã đem lại những hiệu quả tích cực:

- Hiệu quả về kinh tế: tăng thu thuế nội địa; phát triển năng lượng tái tạo điện mặt trời.

- Hiệu quả về môi trường: đạt 8 tiêu chí eip; phát triển kinh tế tuần hoàn; và đạt 100% tiêu chuẩn môi trường.

- Hiệu quả về ảnh hưởng từ cộng đồng xã hội: nhận được sự ủng hộ lớn từ cộng đồng dân cư; tạo ra “Cộng đồng xanh” trong KCN Nam Cầu Kiền IP.

- Hiệu quả về việc ứng dụng và khả năng mở rộng dự án: đó là nghiên cứu và ứng dụng trong các mô hình tương lai của các KCN ở Việt Nam.

Phạm Hồng Điệp chia sẻ: Với kinh nghiệm trong việc phát triển KCN sinh thái và Kinh tế tuần hoàn, Shinec sẽ tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng tại các KCN và CCN trong tương lai theo định hướng đến 2030 tại các tỉnh: Thái Bình; Quảng Ninh; Khánh Hoà; Quảng Nam; Hậu Giang và Gia Lai.

Đây chính là điều đã làm nên thành công của chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền – Shinec, hay nói cách khác chính là thành công của Doanh nhân Sao Đỏ Phạm Hồng Điệp, người được vinh danh là Nhà hoạt động môi trường không mệt mỏi từ suốt chặng đường dài hàng chục năm qua.

Nhưng sẽ là chỉ biết vậy mà khó hình dung về một KCN sinh thái đang độ “hot” như Nam Cầu Kiền, nếu như người ta chưa được biết về 3 điểm nhấn độc đáo ở đây. Đó là: Vườn kỷ vật Đại tướng; Sa hình Điện Biên Phủ; và Khu vườn Nhật Kyo-sei-no-niwa.

Chính 3 điểm nhấn này đã góp phần tạo nên sự khác biệt của Nam Cầu Kiền lâu nay.

Vườn kỷ vật Đại tướng

Từ cái ngày 22/01/2008 không thể nào quên, khi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho gặp, cơ duyên đẹp này dường như càng ngày càng sâu đậm hơn với CCB Phạm Hồng Điệp cùng Shinec. Hình như đây cũng là tình cảm chung của mỗi người lính khi được về bên Đại tướng.

Sau hai bức thư Đại tướng gửi cho, cũng trong năm 2010, Shinec lại vinh dự được Đại tướng tặng cho một cây đa, được đánh từ khu vườn của Người tại nhà số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội). Quả thực, đối với cựu chiến binh Phạm Hồng Điệp cũng như CBCNV Shinec thì đây là một hạnh phúc bất ngờ và vô cùng to lớn. Tư tưởng phát triển kinh tế phải gắn liền với việc bảo vệ môi trường của Đại tướng, đã trở thành giá trị sâu sắc mà Shinec và CCB – Doanh nhân Phạm Hồng Điệp luôn luôn đặt lên hàng đầu trong định hướng phát triển doanh nghiệp.

Ý thức được không chỉ một mình thực hiện mà cần phải lan toả sâu rộng những giá trị tư tưởng bảo vệ môi trường đến cộng đồng, Shinec đã xây dựng ngay tại khu văn phòng công ty một khu thực nghiệm giáo dục. Đây chính là một không gian học tập cho học sinh, sinh viên của nhiều trường Trung học phổ thông và Đại học nhiều nơi đến đây trải nghiệm. Thực tế qua hoạt động đã cho thấy đây là một phương pháp giáo dục thực tiễn hiệu quả nhất. Chỉ trong hai năm 2020 – 2021 đã tổ chức được 125 khoá học với 22.000 học viên các cấp trường tham dự.

Từ đây, để phát huy những hiệu quả này, Shinec xây dựng Khu vườn kỷ vật Đại tướng, để giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn không chỉ đối với CBCNV Shinec mà còn cho cả du khách đến tham quan, học tập; đặc biệt đây là địa điểm để CCB Phạm Hồng Điệp tổ chức các buổi gặp gỡ anh em đồng đội của mình qua các hoạt động vào các dịp 7/5 và 22/12 hằng năm.

Trong khuôn viên của khu vườn, tại vị trí đẹp nhất có ngôi Đền thờ Đại tướng với một quy mô vừa phải, đúng như với đức tính khiêm cung, giản dị của Người. Hai bức thư Đại tướng gửi cho CCB – Doanh nhân Phạm Hồng Điệp và Shinec, đã được tạc khắc vào hai phiến đá lớn, đặt trang trọng hai bên trước lối vào Khu vườn kỷ vật. Ngay trước sân Đền là hai trụ lớn vươn giữa trời xanh cùng đôi câu đối có ý nghĩa hết sức sâu sắc, mà nhiều người đã biết:

Văn lo vận nước, Văn thành Võ

Võ thấu lòng dân, Võ hoá Văn

Còn trong Đền là tượng đồng Đại tướng được đặt nghiêm cẩn trên ngai, cùng bức đại tự phía trên cao lấp lánh ánh vàng bốn chữ “Dĩ công vi thượng”. Chỉ bấy nhiêu thôi đã thấy tầm vóc của vị tướng huyền thoại được tôn vinh và tri ân tại Khu công nghiệp như thế nào rồi.

Tại đây, khi có một sự kiện diễn ra, tất cả đều làm lễ dâng hương báo cáo lên Đại tướng, để tỏ lòng yêu kính trước vị tướng huyền thoại, tài năng và đức độ.

Tôi càng thêm hiểu vì sao khi vào ngày cuối cùng mỗi năm, CCB – Doanh nhân Phạm Hồng Điệp, trong bộ quân phục người lính năm xưa, đứng nghiêm trang theo đúng điều lệ, báo cáo công việc đã thực hiện trong một năm trước Đền thờ Đại tướng.

Và tôi gọi đây là chất lính của Anh Bộ Đội Cụ Hồ trong con người CCB – Doanh nhân Phạm Hồng Điệp.

Sa hình Điện Biên Phủ

Năm 2021, đón chào kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 67 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhằm truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư và những người lao động làm việc trong Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, cùng tất cả mọi người khi đến đây tham quan và học tập; vào đúng ngày Môi trường thế giới 5-6, Shinec đã tiếp nối chuỗi hoạt động “Trồng một triệu cây xanh - Vì một Việt Nam xanh” bằng việc xây dựng Sa hình chiến dịch Điện Biên Phủ tại khu công nghiệp.

Nếu chỉ là việc xây dựng một sa bàn của chiến dịch lịch sử này thì chẳng có gì xa lạ với mọi người, vậy nên phải thể hiện như thế nào để đạt được mục đích vừa là nơi giáo dục truyền thống lịch sử, vừa là nơi tạo thêm điểm nhấn phong phú về môi trường, lại bày tỏ được lòng yêu kính với Đại tướng. Từ suy nghĩ ấy của một người đã từng đứng trong hàng ngũ QĐND Việt Nam và lấy cảm hứng từ năm 37 tuổi, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong hàm Đại tướng đầu tiên trong Quân đội nhân dân Việt Nam; CCB – Doanh nhân Phạm Hồng Điệp đã cho xây dựng sa bàn Điện Biên Phủ với việc trồng thêm 36 gốc đa trong khuôn viên của diện tích sa bàn, bên cạnh cây đa mà Đại tướng đã tặng cho Shinec từ năm 2010, nay đã xum sê toả bóng. Tất cả được kết nối thành vòm xanh cả khuôn viên của một vòm đa 37 gốc. Dưới vòm xanh là con sông Nậm Rốm uốn lượn, là hầm D’caxtri, với các cứ điểm, rồi sân bay… tạo nên một sự độc đáo chưa ở đâu có.

Ngày khánh thành Sa hình Điện Biên Phủ, thiếu tướng Lưu Xuân Cải, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hải Phòng đã không khỏi ngạc nhiên và xúc động khi thấy người cựu chiến binh Phạm Hồng Điệp đã làm được những việc thật ý nghĩa và ngoài cả sự tưởng tượng của mình, mà điển hình là Sa bàn Điện Biên Phủ mà ông tâm đắc gọi là “một công trình có ý nghĩa để đời”.

Khu vườn Nhật Kyo-sei-no-niwa

Hải Phòng là thành phố cảng của Việt Nam kết nghĩa với thành phố cảng Kitakyushu của Nhật, và hai bên đã có những sự tương đồng để giao lưu và hợp tác; bởi vậy nằm trong chương trình hợp tác giữa hai thành phố, Shinec đã phối hợp cùng Công ty TNHH Tashiro Zouen, cải tạo và xây dựng cảnh quan khuôn viên xung quanh Nhà máy xử lý nước thải trong Khu công nghiệp, mang phong cách Nhật Bản. Một hồ nước xanh soi bóng lầu thuỷ tạ được thiết kế đúng kiểu dáng của Nhật, mà đứng đây ta thoả thích ngắm nhìn từng đàn cá đủ loại từ chép, trê, đến trắm, mè, đang bơi lội, quẫy sóng tranh nhau đớp mồi mỗi khi du khách tung từng nắm thức ăn xuống hồ (thức ăn này được bán ngay tại quán café phong cách Nhật, nằm cách đấy không xa trong khuôn viên của Vườn Nhật). Nếu không được giới thiệu thì không ai biết rằng nước trong hồ không phải là nước tự nhiên mà chính là nước thải của các nhà máy trong khu công nghiệp, đã qua xử lý bằng cả một hệ thống lọc hiện đại. Không xa là bãi cỏ xanh như một thảo nguyên thu nhỏ. Những lối nhỏ đi giữa bãi sỏi trắng, thảm cỏ xanh, dẫn đến một hồ nhỏ, chật kín đàn cá Koi đang đua nhau dỡn bọt nước từ thác nhỏ róc rách chảy xuống. Không gian này chính là nơi thu hút hàng trăm bạn trẻ cuối tuần đến đây để check in cùng những tấm hình đẹp. Đối diện phía bên kia là Nhà máy xử lý nước thải mà ta ngỡ như đang ở trong một khu rừng anh đào, hay một làng Nhật, qua những bức tranh lớn được hoạ sĩ vẽ lên những bức tường khu nhà xử lý hay bể lọc.

Một điều đặc biệt là khi bước chân tới đây, khách không chỉ cảm nhận được một vùng cảnh quan bắt mắt, mà còn rõ được thông điệp mà Shinec muốn nhắn nhủ đến cộng đồng qua một phiến đá được khắc trên đó những câu chữ giản dị nhưng thật ý nghĩa, bằng cả hai thứ tiếng Việt và Nhật: “Chúng tôi sẽ chung tay xây dựng thành công Khu công nghiệp sinh thái theo đúng nghĩa tại Nam Cầu Kiền, mang niềm tự hào này từ Hải Phòng để truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư trong cả nước có cách nhìn đầu tư bền vững, đầu tư cho tương lai phát triển kinh tế gắn chặt với bảo vệ môi trường. Từ đó tạo ra nhiều hệ sinh thái cộng sinh đem lại niềm hạnh phúc cho mọi người”.

Khu vườn Nhật này giờ đây đã trở thành một địa chỉ tham quan, vui chơi hoặc là nơi các bạn trẻ thích đến đây để tổ chức sinh nhật, hội họp. Tại đây còn có thêm hai điểm nhấn mang phong cách Nhật khá độc đáo là quán café và nhà hàng bánh ngọt, để du khách có cảm giác như đang ở một nơi nào đó của xứ sở Hoa Anh Đào. Bạn chỉ cần vào google gõ cái tên Kyosei Garden Coffee là sẽ được nhìn thấy những hình ảnh thật ấn tượng thay cho lời mời gọi hấp dẫn.

Trong dịp khánh thành, khu vườn Nhật đã được Liên minh kỷ lục thế giới - Kỷ lục Việt Nam, xác nhận kỷ lục là Khu vườn Nhật lớn nhất Việt Nam, trong khuôn viên một khu công nghiệp.

Chỉ bấy nhiêu thôi để tôi đã hiểu vì sao CCB – Doanh nhân Phạm Hồng Điệp đã được công nhận là người xác lập kỷ lục Việt Nam là luật sư nghiên cứu, thực hiện các đề tài đạt nhiều giải thưởng quốc gia trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhất; là người được nhận Đĩa Vàng sáng tạo - Huy hiệu thành viên Liên đoàn các nhà sáng tạo thế giới năm 2020; là người được nhận Giải Nhì giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam 2021; và đặc biệt năm 2022 Phạm Hồng Điệp đã được nhận bằng Tiến sĩ Danh dự của World Record University.

Phạm Hồng Điệp - Một người truyền cảm hứng - 2

Tác giả bài viết, nhà thơ Hương Thảo Nguyên.

Chàng Doanh nhân lãng tử

Đến bây giờ thì dư âm của đêm ca nhạc “Khát vọng Doanh nhân” tổ chức bữa cuối Thu 2022 tại Nhà hát thành phố nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), dường như vẫn còn lan toả không chỉ trong giới văn nghệ mà còn cả trong anh em doanh nhân. Thôi thì đủ cả khen rồi cả “chê”.

Để có một chương trình ở Nhà hát thành phố thì người tổ chức cũng phải thuộc dạng “không phải vừa” đâu. Thì đấy, từ kinh phí thực hiện đến nội dung rồi chất lượng chương trình để có một đêm diễn với chật kín khán giả hơn 350 ghế trong một nhà hát thuộc hàng danh tiếng ở Hải Phòng thì không là một bầu sô khét tiếng cũng phải cỡ một nghệ sĩ tên tuổi. Ấy thế mà nhà tổ chức lại là một… doanh nhân, thế mới đáng nể.

Người ta bàn tán về một đêm ca nhạc với những ca khúc khá hay, hát về Doanh nhân, mà đặc biệt phần lớn những ca khúc ấy lại phổ từ thơ của một doanh nhân Đất Cảng; và doanh nhân ấy không ai khác chính là Phạm Hồng Điệp, đồng thời cũng là nhà tổ chức đêm ca nhạc.

Còn “chê” thì cũng có ý kiến cho rằng Phạm Hồng Điệp làm màu làm mè, đánh bóng thương hiệu?

Ơ kìa, sao lại là làm màu làm mè chứ? Doanh nhân bây giờ đâu chỉ cứ chăm chăm tích luỹ làm giầu để như một thời xa xưa bị mang tiếng là “trọc phú”? Doanh nhân thời nay không chỉ là người làm kinh tế mà còn là người biết phấn đấu để được gọi là Doanh nhân Văn hoá. Điều này bây giờ là hiển nhiên bởi người ta đã nhận thức được rõ rằng “Văn hoá là giá đỡ cho sự phát triển bền vững của một doanh nghiệp”.

Không chỉ mới bây giờ mà cách đây hơn hai chục năm về trước, thỉnh thoảng Điệp lại nhí nhủm với tôi: “Anh đọc giúp em bài này xem em viết có được không?”. Ấy là khiêm tốn mà nói thế thôi, chứ tôi biết Phạm Hồng Điệp có một niềm say mê vui cùng con chữ trong những bài viết của mình từ lâu lắm rồi; còn bây giờ như tôi thường đùa trêu Điệp rằng “tự dưng lại đi say sưa, phải lòng với Nàng Thơ”. Mới đây, Điệp đưa tôi một tập bản thảo ngót ba chục bài thơ ghi lại những cảm xúc của anh qua mỗi ngày làm việc hay qua mỗi vùng đất mà anh đặt chân đến, mà điều thú vị là tất cả những bài thơ ấy đều được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, như: Ngọc Sơn, Xuân Bình, Quốc Phòng, Duy Thái, Bùi Ngọc Thành… ở Hải Phòng, rồi Ngọc Tuyết ở Thái Nguyên; Ymoan Hmok ở Đắk Lắk…

Đêm Gala Lễ trao Giải thưởng Sao Đỏ của Doanh nhân trẻ Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình 08/11/2020, ca khúc mở màn vang lên thật ấn tượng. Tiết mục vừa kết thúc, cả hội trường lớn trên ngàn người đã vang rộn tiếng vỗ tay không ngớt. Người ta ấn tượng vì giai điệu ngợi ca trong sáng, hào hùng của bài hát; vì màn múa phụ hoạ thật đẹp và sinh động trên sân khấu lớn và nhất là ca từ bài hát đã nói hết được mọi cung bậc cảm xúc của Doanh nhân. Ca khúc ấy có tên là “Khát vọng Doanh nhân” – Nhạc của Xuân Bình và lời thơ của Phạm Hồng Điệp. Phải là một người trong cuộc, yêu và vật vã với cuộc chiến trên thương trường mới hiểu hết được những nghĩ suy của Doanh nhân và cũng phải là một người yêu thơ, đắm say với từng con chữ mới viết lên được bài thơ dung dị mà ý nghĩa như vậy để khi được những giai điệu của 7 nốt nhạc thổi hồn chắp cánh cho bay lên cao hơn và xa hơn, chạm đến sâu thẳm lòng người, nhất là những Doanh nhân có mặt tại Mỹ Đình đêm đó.

Đấy chính là Văn hoá của Doanh nhân chứ còn gì nữa?

Tôi bất chợt nhớ đến những câu thơ thật đẹp trong bài “Em về trong mùa Phượng” của Phạm Hồng Điệp:

Em nghe chăng khúc hè rộn rã

Nắng buông lơi nhuộm ngọt vùng trời

Hoa phượng đặt dấu hôn lên lá

Chú ve nào gọi bạn quên chơi …

Đọc xong rồi lại thầm nghĩ không biết chàng CCB - Doanh nhân mang hồn thi sĩ này đang ngẩn ngơ nhớ đến “em” nào mà tối ngày bận bịu với bao công việc của một KCN đang đà phát triển lại vẫn dành ra được những giây phút thả hồn lãng đãng cùng Nàng Thơ?

Thế nên càng thêm có cơ sở để tôi tin lời Điệp có lần đã nói với tôi rằng “Đến một lúc nào đó em sẽ viết cuốn tiểu thuyết về đời doanh nhân của mình”.

Với tôi, thì không phải cần đợi đến một lúc nào đó như CCB – Doanh nhân Phạm Hồng Điệp nói, mà ngay bây giờ anh đã và đang viết nên cuốn tiểu thuyết thật hay về cuộc đời một Doanh nhân Sao Đỏ của Đất Cảng, bằng chính những việc làm của anh trong những tháng năm qua.

Hương Thảo Nguyên

Tin liên quan

Tin mới nhất

Bom tấn “Superman” thu về 22,5 triệu USD chỉ sau vài giờ

Bom tấn “Superman” thu về 22,5 triệu USD chỉ sau vài giờ

Bộ phim “Superman” mới nhất của DC đã mang về 22,5 triệu USD chỉ trong suất chiếu sớm tối thứ Năm tuần trước. Đây không chỉ là cú hích doanh thu mà còn là lời tuyên bố mạnh mẽ cho một thời kỳ mới dưới bàn tay của James Gunn và Peter Safran.

Tôi yêu văn học Ba Lan

Tôi yêu văn học Ba Lan

Tôi yêu văn học Ba Lan đã từ lâu, trong những năm học đại học tại Ba Lan tôi đã tôn sùng các nhà văn nhà thơ lỗi lạc Ba Lan, như Henryk Sienkiwicz, Adam Mickiewicz, Wladyslaw Reymont, Boleslaw Prus, Helena Mniszek… Sau khi trở về nước, tình yêu nói trên đã khiến tôi theo đuổi con đường dịch sách văn học Ba Lan sang tiếng Việt. Tôi hành động như vậy với ý thức rằng, niềm đam mê và nhiệt huyết của mì

“Mạch nguồn sông Côn” - Thành công mới của nhà văn Hồ Ngọc Quang khi đến với thể loại tiểu thuyết lịch sử

“Mạch nguồn sông Côn” - Thành công mới của nhà văn Hồ Ngọc Quang khi đến với thể loại tiểu thuyết lịch sử

Hiện nay, sách báo chính thống nói về nhà Tây Sơn, Nguyễn Huệ - Quang Trung khá nhiều, tuy nhiên có lẽ chưa có cuốn sách nào viết về mối quan hệ giữa họ Hồ ở Nghệ An với anh em nhà Tây Sơn ở Bình Định. Mặc dầu lịch sử Việt Nam đã thừa nhận nguồn gốc của họ Hồ Tây Sơn chính là họ Hồ ở xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) và ở Thái Lão huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) di dân đến. Bằng chứng đ