Từ Ung Châu tới Nam Ninh

Cuộc chiến chống chiến tranh Trung Quốc xâm lược của nhân dân ta kết thúc năm 1979 nhưng còn dây dưa kéo dài nhiều năm sau, mãi tới năm 1990 quan hệ hai nước mới dần trở lại bình thường. Trên nhiều lĩnh vực, những biểu hiện bình thường hóa không phải lúc nào cũng dễ nhận ra, duy có lĩnh vực thương mại, mà đặc biệt là thương mại tiểu ngạch biên giới là dễ thấy nhất. Sau chuyến đi thăm và khảo sát thị trường Trung Quốc qua đường biên giới của đoàn doanh nhân Hà Nội, khi trở về tôi có viết một loạt truyện ký kể về chuyến đi. Nay xin gửi tới bạn đọc để cùng nhớ về một thời được gọi là “Mở cửa” sau những tháng năm đất nước bị kẻ thù bao vây cấm vận.

Nối hai trạm kiểm soát cửa khẩu Lạng Sơn - Hữu Nghị Quan của hai nước là con đường bê tông rộng rãi và thoai thoải dốc. Mùa này hoa gạo nở sáng rừng biên giới và rụng đỏ đường đi. Nhớ lại lời ca một bài hát bốn mươi năm trước, đại ý, hoa mộc miên (hoa gạo) đỏ thắm biên cương, như máu đào hoà chung của hai dân tộc anh em...

Hôm nay nhìn hoa gạo đỏ vô tư buông cành giữa hai trạm gác, lòng tôi xao xuyến một cảm xúc, độc lập cho các dân tộc nô lệ xưa nay đều phải trả bằng xương bằng máu đã đành, mà sao ngay cả sự hòa hợp, thân hữu giữa những người cùng cảnh nô lệ lầm than một thuở, sao vẫn phải trả bằng xương bằng máu ngập tràn biên cương?

Từ Ung Châu tới Nam Ninh - 1

Tác giả và đồng nghiệp thăm công viên Thanh Tú Sơn thành phố Nam Ninh.

Đón chúng tôi bên phần đất Quảng Tây - Trung Quốc là hướng dẫn viên du lịch công ty Kim Đàn - Nam Ninh, cô Tưởng Tiêu Quần. Cô tự giới thiệu mình 26 tuổi, chưa có chồng, nên đề nghị mọi người cứ gọi là Tiểu Quần. Cô cho biết, nếu xưng hô xã giao kiểu Trung Quốc thì gọi là Tưởng tiểu thư. Cô nói: "Cháu mong các cô chú, các anh chị gọi cháu là Tiểu Quần cho thân mật, vì cháu đi phục vụ đoàn từ đầu đến cuối hơn mười ngày mà". Cô nói tiếng Việt khá chuẩn về ngữ pháp, âm điệu Hà Nội, chỉ một vài âm tiết đuôi câu hơi pha nhẹ, kéo dài, nhưng nghe rất duyên dáng.

Tiểu Quần phất phất một lá cờ bằng lụa xanh màu nước biển có in tên công ty du lịch Kim Đàn - Nam Ninh, to bằng già nửa trang báo và dặn dò mọi người: "Đến chỗ đông người, tất cả phải chú ý đi theo ngọn cờ xanh của cháu để khỏi lạc nhau nhá...! Còn mũ du lịch này mọi người cũng phải đội để dễ nhận ra nhau. Phù hiệu có tên và địa chỉ công ty Kim Đàn cũng cứ đeo vào ngực, nếu lạc đường thì ô tô sẽ đưa về công ty. Mọi người nhớ cho cháu, được chưa nào?".

Từ Ung Châu tới Nam Ninh - 2

Bằng Tường là một thị trấn biên giới, nằm cạnh cửa khẩu Hữu Nghị.

Từ cửa khẩu tới thị trấn Bằng Tường chúng tôi ngồi ô tô 20 chỗ. Xe Trung Quốc không xịn như xe Nhật xe Hàn, nhưng cũng máy lạnh, caset, micrô. Con đường bê tông rộng hai làn xe cắt ngang rừng cây. Bây giờ đang là giờ ngọ nên không gian quá tĩnh lặng. Thỉnh thoảng một vài ngôi nhà đơn lẻ mái ngói âm dương, tường vôi màu xám chợt hiện, chợt khuất trong lùm cây. Có chỗ xe lướt cạnh một bức thành cổ bên trên có mái như cửa vọng lâu thời xưa, rồi lại rừng cây, rồi lại im ắng. Con đường rừng vắng lặng, gợi cho du khách liên tưởng tới những con đường chiến trận thuở nào. Đoạn đường chỉ 20 km, nhưng ô tô phải chạy mất nửa giờ, vì có nhiều chỗ đang sửa chữa, mở rộng.

Từ Bằng Tường lên Nam Ninh đoàn chuyển sang đi xe hoả. Con đường sắt uốn lượn theo sườn đồi, sườn núi, khi chui qua hầm, lúc cắt ngang đồng ruộng, nhiều đoạn dài chạy song song với tuyến đường nhựa. Những hàng cây trồng đều tăm tắp bên đường mùa này lá mới nhú chồi, trên những thân cành khẳng khiu đã thấy loang loáng một chút sắc màu xanh ấm của tiết thanh minh.

Đến Nam Ninh khoảng 4 giờ chiều (giờ Việt Nam là 3 giờ chiều), xe ô tô đón sẵn đưa chúng tôi về thẳng khách sạn Ngân Hà ở phố Triều Dương, nơi đoàn chúng tôi ăn nghỉ trong thời gian ở lại Nam Ninh. Sau khi làm thủ tục và nhận phòng, cánh phụ nữ lo tắm giặt nghỉ ngơi, cánh đàn ông liền tranh thủ đi tham quan phố xá.

Khoảng 6 giờ chiều, mấy anh em rẽ vào phố Tân Hoa, cũng là một phố lớn gần phố Triều Dương thì bỗng thấy một số người mặc sắc phục giống như quản lý thị trường bên ta, họ chắn barie ngang đường, xe cộ đang đi cứ thế tuần tự rẽ sang phố khác. Ngay lập tức, hàng trăm người ùa ra từ các ngõ ngách nhẹ nhàng vác các bó cột gỗ và vải bạt xuống lòng đường. Chẳng có hiệu lệnh nào mà cứ đều tăm tắp, chỉ trong phút chốc, hàng trăm ki ốt mọc lên đều đặn ngang dọc, hàng lối tinh tươm. Cũng lại cứ nhịp nhàng như vũ đạo của một điệu múa lớn, người ta treo quần áo, hàng hoá các loại, treo biển hàng, treo bảng giá. Thế là một khu chợ xuất hiện, chợ đêm ở Nam Ninh đấy.

Đêm hôm ấy cả đoàn rủ nhau đi dạo phố. Vào đến chợ đêm là chẳng chị nào muốn đi tiếp. Chị này kêu “ối”, chị kia kêu “ái”. Nói thách quá nhưng rồi giá bán rẻ quá. Một cái quần tây nói giá 60 tệ, trả 20 tệ cũng bán. 1 tệ ăn 1.750 đồng khi ấy, vị chi là 35 ngàn. Hà Nội chắc phải bẩy, tám chục mới mua được. Giầy dép, túi xách, cái gì cũng thế, cứ nói 3, nói 4, trả 1 là vừa. Rất nhiều ki-ốt bán hàng một loại giá: 5 tệ, 9 tệ, 15 tệ... đều có. Trả giá đó thì muốn lấy hàng gì ở quầy đó cũng được, tất nhiên chỉ một thứ thôi. Bộ sửa móng tay, đèn pin, ví da, thắt lưng,… hàng tầm tầm cùng loại, nhiều vô kể.

Chị em ta cứ chết mê chết mệt vì kiểu bán hàng này, bên ta chưa có mà. Nhưng ngắm mãi, chọn mãi, trả giá mãi rồi chẳng biết cầm cái gì. Có ai đó nhắc là để hôm về hãy mua, biết đâu Thượng Hải, Bắc Kinh còn nhiều, còn rẻ hơn. Có thế mới dứt được các bà ra khỏi khu chợ đêm. Tôi có hỏi mấy ngưòi bán hàng khi nào thì tan chợ, họ cho biết là 12 giờ đêm. Kết thúc cũng như bắt đầu, ai vào việc nấy, chỉ một loáng là đường thông hè thoáng. Một đội đi quét dọn, thế là lại thành đường cho ngày hôm sau. Khéo thật!

Từ Ung Châu tới Nam Ninh - 3

Chợ đêm ở Trung Quốc (Ảnh minh họa)

Sáng hôm sau ngồi ăn trên phòng kính quay khách sạn Ngân Hà. Một phần thành phố Nam Ninh hiện ra trước tầm mắt. Dòng sông Ung Giang cắt ngang một phần thành phố, óng ánh như một dòng sông thuỷ tinh dưới ánh mặt trời buổi sớm mai. Nhà cao, phố rộng, cây xanh, hồ nước đan xen hài hoà, nét nào ra nét ấy, xinh xinh như một mô hình sa bàn qui hoạch đô thị mà người ta hay đem trưng bầy ở các hội chợ triển lãm kinh tế quốc dân.

Sau bữa ăn sáng, trong lúc mọi người nghỉ ngơi uống nước trà để chuẩn bị đi tham quan thành phố, cô Tưởng Tiêu Quần tranh thủ giới thiệu với chúng tôi những nét khái quát về Quảng Tây và Nam Ninh.

Quảng Tây là một tỉnh phía Nam Trung Quốc giáp với Việt Nam, dân số 46 triệu người, trong đó người Choang chiếm 15 triệu, nên Quảng Tây còn được gọi là khu tự trị dân tộc Choang. Năm 1958, Nam Ninh trở thành thủ phủ tỉnh Quảng Tây (trước đó là Quế Lâm). Tới nay Nam Ninh đã có 1680 năm lịch sử. Thời nhà Đường, nhà Tống, Nam Ninh gọi là Ung Châu. Nam Ninh hiện có 2,9 triệu dân, trong đó nội thành là 1,2 triệu. Nam Ninh có 6 khu (Quận) và 2 huyện trong đó khu mới thành lập là Nam Hồ.

Dân tộc đại đạo là một trong những phố lớn nhất Nam Ninh, nối trung tâm thành phố cũ sang trung tâm khu Nam Hồ. Các cơ quan chính phủ của khu tự trị, của thành phố Nam Ninh, các cơ quan quản lý Nhà nước... đang chuyển dần về khu Nam Hồ. Các ngân hàng lớn, trung tâm giao dịch quốc tế, trung tâm thương mại hiện đại, đang dần dần được xây dựng tại đây.

Ung Giang là con sông lớn nhất tỉnh Quảng Tây, chia đôi thành phố Nam Ninh theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Trong nội thành, sông quanh co uốn khúc, tạo nên nhiều bán đảo đẹp. Ung Giang là biểu tượng của Quảng Tây từ xưa đến nay. Ngày xưa Ung là tên đất, Ung Châu, Ung Thành. Ngày nay Ung là tên chữ của tỉnh. Nhiều trường học, công ty, cửa hàng, khách sạn lấy tên là Ung Châu, Ung Thành. Biển kiểm soát giao thông của Quảng Tây hiện nay là chữ Quế của Quế Lâm, tâm tư nhiều người dân Quảng Tây muôn đổi ra chữ Ung. Ở Trung Quốc cách đánh biển giao thông là thế, tên chữ của tỉnh rồi mới đến số. Giang Tây tên chữ là Cán vì tỉnh có sông Cán lớn nhất chảy qua. Hồ Nam tên chữ là Tương vì có sông Tương chảy qua. Bắc Kinh tên chữ là Kinh vì là kinh đô của cả nước...

Cứ thế, cứ thế, Tưởng tiểu thư giới thiệu với chúng tôi mọi điều cứ nhẹ như nói chuyện. Số liệu, địa danh, sự kiện, cô nhớ lắm. Ngôn từ thì chuẩn mực, âm điệu lại ấm áp truyền cảm. Người nghe cảm nhận được sự trôi chảy mà không thấy trơn tuột, văn vẻ mà mà không sáo mòn. Thế mới là cái đạt, cái nhã của sự giao tiếp vậy.

Cả ngày hôm đó chúng tôi lần lượt đi thăm khu phố mới Nam Hồ, với những con đương lớn hai chiều, sáu, tám làn xe và điệp trùng các toà cao ốc hiện đại, thăm công viên Thanh Tú Sơn vi vút cây rừng và bàng bạc sương giăng. Nhưng thời gian được dành nhiều hơn cả là đi khảo sát và tham quan hệ thống thương mại của thành phố.

Theo sự hướng dẫn của Tiểu Quần, chúng tôi vào thăm siêu thị Mông Chí Đảo trên phố Tân Dân. Siêu thị cao 6 tầng nhưng rộng hơn Bách hoá Đại lầu Triều Dương. Mông Chí Đảo xây năm 1995, nơi đây chỉ kinh doanh hàng cao cấp. Những hàng hoá chất lượng cao, đắt tiền, mang nhãn hiệu Thượng Hải, Bắc Kinh, Tô Châu, Thâm Quyến, Quảng Đông... để cạnh hàng hoá cùng loại của Nhật, Mỹ, Pháp, như có ý để cho người mua có dịp so sánh.

Chúng tôi lại vào thăm Bách hoá Đại lầu Tân Vạn Thông trên phố Nhân Dân, qui mô to lớn hơn Triều Dương nhiều. Rồi siêu thị Hoa Liên phố Dân tộc Đại Đạo và phố Đình Hồng là hai siêu thị lớn ở Nam Ninh thuộc tập đoàn công thương Hoa Liên, có trụ sở tại Bắc Kinh, và có mạng lưới siêu thị khắp toàn quốc. Chúng tôi còn vào thăm một siêu thị có tên Khánh Long, đây là 1 trong số 12 siêu thị của tập đoàn Khánh Long - Quảng Tây, mà mạng lưới kinh doanh được phân bố khắp các thành phố, thị xã của tỉnh Quảng Tây.

Từ Ung Châu tới Nam Ninh - 4

Phong cảnh ở Quảng Tây Trung Quốc

Mọi người còn có dịp đi qua các phố buôn bán theo kiểu chuyên doanh như phố Bốn Sao Nhỏ chuyên kinh doanh hàng thời trang cao cấp, với hàng chục Shop thời trang nho nhỏ hai bên đường. Phố Dân Sinh với hai dẫy san sát các cửa hàng tạp hoá qui mô vừa và nhỏ nối tiếp nhau. Còn nhiều, còn nhiều phố buôn bán sầm uất các ngành hàng khác nữa cứ lướt qua, mà thỉnh thoảng chúng tôi mới dừng lại chốc lát. Cái cảm nhận chung nhất sau khi đi khảo sát thị trường ở đây là, thương mại Nam Ninh phát triển rất mạnh, đủ loại hình, từ hiện đại tới bình dân, qui mô từ nhỏ đến lớn, tầng tầng lớp lớp, đáp ứng mọi nhu cầu tiêu dùng của mọi tầng lớp dân cư.

Còn về hàng hoá thì khỏi phải nói. Đi đến bất cứ cửa hàng hay siêu thị nào, tôi cũng đều nhận thấy cảnh hàng hoá đầy ăm ắp. Gian hàng nào, tủ hàng nào cũng chật cứng hàng hoá. Tuy khách vào ra mua sắm lúc nào cũng đông, nhưng cảm nhận của những kẻ trong nghề như chúng tôi đã mách bảo rằng, thị trường thế này là bão hoà, là cung lớn hơn cầu rất nhiều rồi đó.

Tôi đem suy nghĩ trao đổi với Tiểu Quần và một số chủ cửa hàng thì được họ trao đổi lại, nếu chỉ người dân ở đây không thôi thì đúng là khủng hoảng thừa hàng hoá. Nhưng đã từ lâu, Nam Ninh trở thành nơi tập kết hàng đủ loại của nhiều địa phương phía Nam Trung Quốc, để bán qua biên giới cho Lạng Sơn, cho Việt Nam. Trông nhiều như thế mà cũng có lúc mặt hàng này, mặt hàng khác bị thiếu. Kinh tế Quảng Tây, kinh tế Nam Ninh phát triển nhanh cũng là nhờ một phần vào làm hàng biên mậu bán sang Việt Nam.

Thì ra là thế! Bao điều cắc cớ của tôi trong phút chốc đã được giải mã. Kinh tế cũng có qui luật như tự nhiên, nước chảy chỗ trũng. Hàng hoá thừa và rẻ nơi này, tất yếu phải tràn về nơi khan hiếm. Kinh tế Việt Nam hôm nay đã tươm tươm mà còn thế này, thì chẳng hiểu mươi năm trước áp lực còn lớn tới đâu. Theo cái logic đó, thì tất nhiên Bằng Tường, Nam Ninh phải trở thành tuyến 1, tuyến 2 cho các chiến dịch đánh hàng biên mậu chiếm lĩnh thị trường Việt Nam là điều dễ hiểu.

Từ Ung Châu tới Nam Ninh - 5

Phố Tây Dương Sóc, Thị trấn Dương Sóc, Quảng Tây, Trung Quốc.

Hôm nay đây, có dịp soi bóng xuống dòng Ung Giang trong xanh, có dịp đứng giữa phố phường Nam Ninh nhộn nhịp, được chứng kiến cái cảnh hàng hoá điệp trùng, chất ngất, cứ như lúc nào cũng mấp mé dâng bờ định tràn qua biên giới Việt Nam, tôi vẩn vơ suy nghĩ, tưởng tượng ra cuộc chiến không cân sức, chống lại dòng lũ hàng tiểu ngạch Trung Quốc của các cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng nước ta, mà bỗng thấy đoản hơi.

Thế rồi những chữ thương trường, chiến trường, Nam Ninh, Bằng Tường... cứ diễu qua suy ngẫm. Rồi những liên hệ bắc cầu lại đưa tôi về các từ Ung Châu, Ung Giang, Ung Thành, để rồi đọng lại với một hình ảnh về một võ công hiển hách của tổ tiên ta cuối thế kỷ XI.

Hồi đó, biết được nhà Tống đang gấp rút chuẩn bị một cuộc xâm lược lớn với nước ta, mà lương thực, quân trang, khí tài phục vụ cho cuộc viễn chinh này lại tập trung ở Khâm Châu, Liêm Châu, và đặc biệt ở Ung Châu thuộc hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Để chủ động ngăn chặn cuộc xâm lược này, quân đội Nhà Lý nước ta dưới sự thống lĩnh của Lý Thường Kiệt, đã bất ngờ đánh chiếm Khâm Châu và Liêm Châu, sau đó tiến lên bao vây thành Ung Châu (Nam Ninh ngày nay).

Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Lý Thường Kiệt, ngày 18/1/1076, quân ta tấn cống Ung Thành. Sau 42 ngày công phá, ngày 1/3/1076, quân ta hạ được thành Ung Châu. Sau khi tiến hành triệt phá thành trì, đốt cháy kho tàng, tháng tư năm đó, Lý Thường Kiệt chủ động tổ chức rút quân về nước, khẩn trương cho lập “phòng tuyến Sông Cầu”, góp phần đại thắng quân Tống một lần nữa khi chúng kéo sang trả thù cho chiến dịch tập kích Lưỡng Quảng trước đó của quân dân Đại Việt.

Nghĩ tới câu “thương trường là chiến trường”, lại vừa đi ra từ một giấc mơ lấp lánh hào quang thuở cha ông dựng nước, và trong một phút phấn khích nghề nghiệp, tôi bỗng bật ra một câu hỏi: “Tại sao các doanh nghiệp của ta lại không học cái cách phòng thủ từ xa của tổ tiên thời Lý, mà chủ động đánh hàng Việt Nam sang chiếm lĩnh thị trường Nam Ninh, Quảng Tây nhỉ?”.

Nghe tôi thắc mắc như vậy, chị Lê Thanh Dung, giám đốc một công ty xuất nhập khẩu hàng nông sản Hà Nội, người đi cùng đoàn với tôi, phản ứng ngay tức thì: “Gớm! Lại phải chờ ông dạy khôn. Đã có vô số doanh nghiệp, Nhà nước có, tư nhân có, đã từng chủ động cái công việc đó cả chục năm nay rồi là gì. Mủ cao su sống, cá khô, thanh long tươi, bánh đậu xanh, rắn rết, ba ba, tê tê, rùa rùa, rồi sắn khô, rồi gạo, rồi nước hoa Miss Sài Gòn ... đủ cả. Nhưng mỗi thứ mỗi tí, èo uột như hàng xén.

Tuần trước bên Phòng Thành bảo nhập cao su, thì tuần sau cao su đổ lên trắng bến, tuần sau nữa nó bảo thôi, thế là khóc như cha chết cả lũ, mạnh ai nấy chạy tháo thân. Không chơi được cái kiểu đánh hàng sang đâu. Như công ty tôi đây này, không chuyển nhanh sang ngạch buôn hàng về, mà còn cố giữ cái ngạch đánh hàng đi như mấy năm trước, thì có mà đã chết sặc gạch từ lâu rồi. Gớm! Tranh mới chả đấu”.

Một mạch không nghỉ, không kịp cho tôi phản ứng, Dung phu nhân đã cho tôi một bài học khai tâm về nỗi, đã mỏng vốn sống mà lại cứ hay định hướng! Tôi gượng gạo cười chữa ngượng: “Nhưng rồi ta cũng phải làm thế nào chứ? Chẳng lẽ cứ để họ ép mình mãi thế này hay sao?”. “Làm thế nào, làm thế nào... ông cứ đi rồi sẽ thấy. Đi gì nhỉ? Ông bảo du lịch với khảo sát là du gì nhỉ? Ờ, ờ, du khảo. Phải! ông cứ chịu khó du khảo rồi sẽ thấy”.

Tôi định cãi thêm vài nhịp nữa, nhưng lượng sức mình chưa đủ lý sự, cũng chưa đủ nếm trải mất mát thương trường, nên đành im lặng, nhưng còn cố nhún vai một cái như thể muốn tỏ ra rằng, chưa khẩu phục tâm phục đâu nhé!

Tôi lại cố gắng hít một hơi dài để lấy lại sự thăng bằng rồi tự an ủi, đây là việc lớn, việc quốc gia đại sự, so với mươi năm trước là hay lắm rồi, chẳng thể vội, Dục Tốc Bất Đạt, cổ nhân đã chẳng dạy thế là gì. Nghĩ tới đây, tôi lại thấy lòng khoan khoái để rồi tự nhủ, phải cố giữ lấy sự thanh thản để có được những dặm đường vui tiếp theo của cuộc hành trình vạn lý, trên đất nước bao la hùng vĩ này.

Nguyễn Đắc Như

Tin liên quan

Tin mới nhất