Khắc họa chân dung vua Lê Thánh Tông qua tranh sơn dầu

Để vẽ tranh chân dung nhân vật lịch sử ở triều đại cách đây nhiều thế kỷ, người họa sĩ cần nghiên cứu nhân vật từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau như tranh, tượng trong các đền, chùa hay được miêu tả trong văn chương, sử liệu và cả truyền miệng dân gian, đồng thời nghiên cứu chân dung qua sự nghiệp, tư tưởng cũng như hành động của nhân vật mà các tài liệu, sách sử ghi chép…

1. Khái quát về cứ liệu lịch sử và sự nghiệp vua Lê Thánh Tông

Triều đại nhà Lê kéo dài gần 400 năm. Nếu nói từ Lê Sơ, anh hùng dân tộc Lê Lợi là người thiên tài trên nhiều phương diện bậc thầy về chính trị, quân sự, ngoại giao thì thời hậu Lê cũng có những vị vua anh minh vì dân vì nước như Lê Thánh Tông.

Trong quá trình điều hành kinh tế xã hội, nhất là khuyến khích trồng cây nông nghiệp đi đôi với đẩy mạnh nghề tiểu thủ công nghiệp; kết hợp hướng quản lý giữa sản xuất với thương mại buôn bán lưu thông hàng hóa giữa các vùng miền trong nước và nước ngoài, Lê Thánh Tông rất coi trọng phòng thủ đất nước, chống ngoại xâm.

Ông là một vị vua tâm đức, sáng suốt trong việc mở rộng bờ cõi, xây dựng sức mạnh quân sự bằng cách đào tạo rèn luyện quân đội, chỉnh đốn quân ngũ có khả năng chiến đấu lâu dài, cải tiến vũ khí mới tinh xảo, sắc bén bao gồm cả các loại pháo tấn công có sức công phá mạnh như súng thần công được cải tiến có độ chính xác cao và bắn xa hơn. Lê Thánh Tông rất chú trọng đến tăng cường năng lực quân số đi đôi với việc đào tạo tướng giỏi, tài đức, trung thành với nhân dân để đánh giặc là thắng.

Lê Thánh Tông rất khuyến khích đến chất lượng khoa thi, đỗ đạt, chọn nhân tài, mở rộng trường lớp tuyển dụng người thông minh, đức độ để sử dụng quản lý và điều hành nhà nước. Ông là người coi trọng văn nghệ sĩ, nhà thơ, thành lập Hội Tao Đàn, một hình thức quy tụ và mở rộng hoạt động tài năng của các thi sĩ trong nước.

Trong việc sử dụng quan lại, Lê Thánh Tông chọn người tài năng vì đất nước, vì triều đình hưng thịnh, không sử dụng những người con ông cháu cha bất tài kém đức dù người đó là con ông quan to nào của triều đình. Trong sự nghiệp cai quản đất nước, lý tưởng cao nhất của Lê Thánh Tông là đưa sự nghiệp Đại Việt phát triển, phồn thịnh, mở mang đất đai, đưa đời sống nhân dân no ấm hơn, xã tắc an bình.

Ông là vị vua rất coi trọng đạo đức con người, xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ, bình đẳng bác ái, tôn trọng sử dụng những người có hoài bão về văn hóa lớn, biết làm kinh tế tự chủ và phát triển để đất nước phồn vinh.

Lê Thánh Tông rất chú trọng kỷ cương phép nước, từ triều đình đến cơ sở làng xã phải thực hiện tốt luật pháp. Luật Hồng Đức ra đời đánh dấu một trang sử mới trong việc cải cách quản lý đất nước bằng luật pháp.

Nhìn lại cứ liệu lịch sử và những truyền kể dân gian, dù đó là huyền thoại hay là cứ liệu có thật thì việc ca ngợi nhìn nhận chân dung một con người vị vua Lê Thánh Tông là dựa trên nhiều mối quan hệ giữa nhân sinh quan của ông với xã hội đương thời là điều rất cần thiết.

Theo sử sách chép lại, khi còn nhỏ Lê Thánh Tông là một cậu bé khôi ngô tuấn tú, chăm học, có tài nhớ nhanh các mặt chữ và ý nghĩa của câu chữ trong sách, lớn lên Lê Thánh Tông mỗi ngày một biết rộng hơn người.

Với ông, việc nghiên cứu kinh sử là vấn đề được coi trọng nhằm tích lũy kiến thức trau dồi kỹ năng sống để quản lý đất nước. Ông là con người của lịch sử nên quá trình điều hành xã tắc chắc là phải có đúng và cũng có sai nhưng nhìn chung là một vị quân vương được nhân dân tôn vinh, trân trọng.

Song sự nghiệp với cương vị quân vương có dài nhưng tuổi thọ của Lê Thánh Tông thì không sống lâu. Ông sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442) và ngày 30 tháng 1 năm Định Tỵ (1497) Lê Thánh Tông băng hà, ngôi vua 38 năm thọ 56 tuổi.

Một vị vua anh minh được nhân dân tôn vinh là vị vua cai quản đất nước hưng thịnh, vẻ vang nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam thời hậu Lê.

2. Tái hiện lại chân dung Hoàng đế Lê Thánh Tông

Khắc họa chân dung vua Lê Thánh Tông qua tranh sơn dầu - 1

Hoàng đế Lê Thánh Tông - Tranh sơn dầu Hoàng Hoa Mai

Để hậu thế có chân dung tôn vinh và tưởng nhớ vị vua anh minh Lê Thánh Tông rất cần được miêu tả sát thực về ông, họa sĩ Hoàng Hoa Mai đã nhiều năm nghiên cứu sử sách và phác thảo nhiều dung quang ông bằng chất liệu sơn dầu để chọn một phác thảo có tâm thế đúng nhất với dung mạo mà bắt đầu từ cách nhìn khái quát và cụ thể trong lịch sử đã sao chép lại.

Lê Thánh Tông là một nhân vật của lịch sử trong thời đại hậu Lê. Việc miêu tả chân dung Lê Thánh Tông sát với con người tài năng của ông bằng da bằng thịt là một vấn đề rất khó. Xưa nay cũng có nhiều họa sĩ đã vẽ vua Lê Thánh Tông nhưng cũng chỉ dừng lại ở loại tranh minh họa cho bài viết truyện kể dân gian theo cách khái quát ước lệ, không phải là tả thực một cách có phân tích khoa học theo chính sử.

Điều đó cũng có nghĩa là chưa có họa sĩ nào tập trung nghiên cứu một cách công phu trên nhiều yếu tố như tính cách, tướng mạo, giáng thế và đặc biệt dung quang thông qua các chi tiết như mắt, mũi, miệng, khuôn mặt nói gọn lại là dung mạo thần thái vì đây là một con người rất đặc biệt và cũng rất hiện thực.

Trên cơ sở phân tích một cách khoa học logic, hoàng đế Lê Thánh Tông sẽ được khắc họa với các cứ liệu cơ bản nổi bật về tư tưởng, tình cảm, quan niệm triết học, sách lược, chiến lược quản lý và điều hành đất nước mà trong lịch sử chính thống đã chép lại.

Nhiều mẩu truyện dân gian, truyền miệng của nhân dân cũng như sử sách đã lưu lại sau này thì Lê Thánh Tông là con người có dáng vóc khỏe mạnh, bước đi nhanh nhẹn, có lối sống rất bình dị gần gũi với dân. Ông có mặt chữ điền mắt to sáng, sống mũi cao, miệng rộng, có chòm râu đen dày và dài.

Với cách nghiên cứu chuyên sâu dáng mạo con người để tạo hình thì phàm những người như ông là một con người có trí tuệ thông minh vượt trội và đức độ hơn người. Từ cảm nhận thông qua quan niệm sống và cách thức điều hành, ứng xử trong quản lý đất nước mà đặc biệt ông còn là tác giả của bộ luật Hồng Đức thì đây là một con người không những vừa kế thừa sự nghiệp của các tiền nhân, lại vừa đổi mới để phát triển xã tắc.

Dựa trên tư liệu lịch sử, truyền thuyết dân gian nói về thân thế và sự nghiệp vua Lê Thánh Tông, họa sĩ đã miêu tả dung quang ông với tư thế một minh quân chỉ đạo thế cuộc điều hành đất nước phải dựa trên luật pháp, kỷ cương phép nước mới ổn định vững vàng được. Lê Thánh Tông với gương mặt nghiêm nghị, dáng ngồi oai phong mắt hướng về phía trước, hai tay đang lật những trang sách trong bộ luật Hồng Đức rồi tư duy suy ngẫm để điều hành công cuộc kiến quốc và bảo vệ chủ quyền dân tộc.

Bức tranh được cấu trúc, Lê Thánh Tông mặc áo vua màu vàng có thêu một con rồng trên ngực, đầu đội mũ bình thiên màu đen tím, chuẩn bị cho buổi thiết triều. Với cách thức suy luận biện chứng, nhân sinh quan duy vật lịch sử, họa sĩ đã kết hợp hai yếu tố đó là tạo hình logic cứ liệu lịch sử theo phương pháp cấu trúc tướng mạo con người tài năng với phương pháp tâm linh để khắc họa lại chân dung Lê Thánh Tông.

Có thể nói thời gian phác thảo chân dung vị vua Lê Thánh Tông là một trong những người mà tác giả đã nghiên cứu lâu nhất, từ năm 1966 đến năm 1987 mới hoàn thành. Bởi lẽ theo họa sĩ khó khăn về việc tiếp cận tư liệu lịch sử và nhất là yếu tố tâm linh. Miêu tả chân dung người đã khuất lâu đời không thể chỉ căn cứ một yếu tố về lịch sử để công bố tác phẩm vì đây là tổng hòa của các phương pháp tạo hình để miêu tả một vị vua có thật trong lịch sử.

Sau khi công bố tác phẩm hội họa về vị hoàng đế Lê Thánh Tông mà họa sĩ đã sáng tác trên phương tiện thông tin đại chúng đã được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, sử học đồng tình tích cực về cách thức nghiên cứu và khắc họa nhân vật có thật trong lịch sử Hoàng đế Lê Thánh Tông.

Là một hội viên chuyên ngành hội họa của Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Hoàng Hoa Mai đã tập nghiên cứu sáng tác về các đề tài chân dung lịch sử các anh hùng, nhà văn hóa lớn của dân tộc như đề tài về Bác Hồ và các danh nhân lịch sử như Bà Triệu, Lê Hoàn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Hồ Quý Ly,... Lê Thánh Tông, Lê Văn Hưu. Trong đó có nhiều tác phẩm đã được trưng bầy, lưu giữ ở các bảo tàng Trung ương và địa phương.

Đăng Hải

Tin liên quan

Tin mới nhất