Facebook của Mark Zuckerberg kiếm bộn tiền từ quảng cáo sai lệch về bầu cử Tổng thống Mỹ
Chỉ còn chưa đầy một tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024, Facebook vẫn tiếp tục chạy hàng trăm quảng cáo chứa nội dung sai lệch về cuộc bầu cử, gây hoang mang cho cử tri Mỹ và thu về hơn một triệu USD.
Chỉ trong tuần qua, Meta đã thu hơn 350.000 USD từ các quảng cáo chứa thông tin sai lệch về cuộc bầu cử sắp tới. Theo kho lưu trữ quảng cáo của Meta, tổng số tiền các trang chi trả cho những quảng cáo này đã vượt ngưỡng một triệu USD. Những quảng cáo này lan truyền nhiều thông tin vô căn cứ, từ việc bầu cử sẽ bị hoãn đến ám chỉ rằng Phó Tổng thống Kamala Harris có thể sẽ rút khỏi cuộc đua.
Nhiều quảng cáo mang hình ảnh ghê rợn, gây cảm giác lo sợ và hoang mang. Chẳng hạn, một quảng cáo vẽ hình bà Kamala Harris với sừng quỷ trên đầu, cùng lá cờ Mỹ đang cháy phía sau. Một số quảng cáo khác có hình ảnh Harris và Tim Walz trong những khung cảnh thảm họa, hoặc hình ảnh mô phỏng bà Harris chuẩn bị tiêm cho một đứa trẻ đang la hét trong phòng bệnh. Ngoài ra, quảng cáo cũng đả kích các ứng viên khác và thậm chí đưa ra các tuyên bố gây sốc rằng nước Mỹ đang “chuẩn bị bước vào nội chiến.”
Năm 2020, Mark Zuckerberg và vợ, Priscilla Chan, đã quyên góp hơn 400 triệu USD cho cuộc bầu cử, nhưng có vẻ như họ sẽ không tiếp tục quyên góp cho cuộc bầu cử vào năm 2024.
Dù Meta có chính sách nghiêm ngặt cấm các quảng cáo có thông tin sai lệch về thời gian, địa điểm và phương thức bỏ phiếu, nhưng những quảng cáo này vẫn tồn tại trên nền tảng của họ. Phát ngôn viên Meta, ông Ryan Daniels, cho biết công ty đang xem xét lại và sẽ gỡ bỏ những quảng cáo vi phạm chính sách. Tuy nhiên, những quảng cáo này đã thu hút sự quan tâm lớn và được phát tán rộng rãi.
Một số quảng cáo dẫn người xem đến các trang bán sách và nội dung của Jim Rickards, một nhà kinh tế có xu hướng ủng hộ thuyết âm mưu về “Trật tự Thế giới Mới”. Nhiều quảng cáo khác hướng người xem đến trang với thông tin sai lệch về việc một “Đảng Thống Nhất” sẽ thắng cử nhờ sự hậu thuẫn của các tập đoàn dược phẩm lớn.
Meta từ lâu đã bị chỉ trích vì không quản lý chặt chẽ thông tin sai lệch liên quan đến bầu cử. Năm 2016, Cơ quan Nghiên cứu Internet của Nga đã lợi dụng các quảng cáo và bài đăng “tự nhiên” trên Facebook để gây chia rẽ trong dư luận Mỹ, định hướng ủng hộ ứng viên Donald Trump. Năm 2020, Facebook cũng là nơi lan truyền phong trào “chống lại kết quả bầu cử” và cổ vũ cho cuộc bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội vào ngày 6 tháng 1. Mặc dù Meta đã giảm đáng kể lượng bài viết chính trị kể từ năm 2021, việc này có thể làm tăng ảnh hưởng của các quảng cáo chính trị được trả tiền.
Bình luận