Bác Hồ với các nhà báo

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 97 năm qua báo chí cách mạng Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc cả về số lượng lẫn chất lượng và về nội dung cũng như hình thức, cùng sự lớn mạnh chưa từng có của đội ngũ những người làm báo.

Bác Hồ, người sáng lập và phát triển báo chí cách mạng Việt Nam không chỉ một lãnh tụ chính trị kiệt xuất, một danh nhân văn hóa của Việt Nam, Bác thực còn sự là nhà báo vĩ đại.

Bác Hồ với các nhà báo - 1

Bác Hồ với các nhà báo (Ảnh tư liệu)

Bài báo đầu tiên của Bác được tờ L’Humanité (Nhân đạo), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp đăng vào ngày 18/6/1919, dưới đầu đề Yêu sách của nhân dân An Nam. Năm 1921, dưới tên Nguyễn Ái Quốc, Bác cùng một số nhà hoạt động cách mạng châu Phi như Algeria, Maroque, Tunisia… thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa và ra tờ báo Le Paria (Người cùng khổ), số đầu tiên ra ngày 1/4/1922. Nguyễn Ái Quốc trở thành trụ cột của tờ báo: vừa là chủ nhiệm kiêm chủ bút, quản lý, phóng viên, phát hành…

Bác cũng là người sáng lập ra tờ báo Thanh niên số ra đầu tiên vào ngày 21/6/1925. Và ngày 21/6 đã trở thành ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Sau gần nửa thế kỷ bôn ba ở nước ngoài, tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc, sáng lập ra tờ Việt Nam Độc lập, kêu gọi nhân dân đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp.

Điều đó cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng báo chí, đây là vũ khí sắc bén của cách mạng Việt Nam. Từ tác phẩm đầu tay Yêu sách của nhân dân An Nam đăng trên báo L'Humanité, đến tác phẩm cuối cùng Thư trả lời Tổng thống Mỹ đăng trên báo Nhân dân ngày 25/8/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm báo đến trọn đời. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã viết trên 2.000 bài báo gồm nhiều thể loại với 174 bút danh khác nhau. Đó là những tác phẩm lý luận quan trọng là cẩm nang chỉ đường cho Đảng và nhân dân trong các giai đoạn cách mạng.

Bởi Bác quan niệm “Bài báo là tờ hịch cách mạng”, người làm báo phải hiểu rõ mục tiêu, nhiệm vụ của mình trên mặt trận tư tưởng. Báo chí là để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Bác khẳng định: “Một tờ báo không được đại đa số (dân chúng) ham thích, thì không xứng đáng là một tờ báo” và “không riêng viết sách, viết báo mà công tác gì muốn làm tốt phải coi trọng ý kiến của nhân dân”. Dù bận trăm công nghìn việc của một nhà lãnh đạo tối cao của đất nước, nhưng Bác vẫn luôn luôn quan tâm đến sự phát triển của nền báo chí cách mạng.

Tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ II, Người đã chỉ rõ: “Về nội dung viết, mà các cô các chú gọi là đề tài thì tất cả những bài báo Bác viết chỉ có một đề tài là chống thực dân, đế quốc,chống phong kiến, địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó”.Xuất phát từ mục đích hoạt động của nền báo chí cách mạng là vì dân và từ vai trò to lớn của báo chí đối với xã hội, Bác nhắc nhở các nhà báo: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết càn”.

Bác Hồ với các nhà báo - 2

Bác Hồ chụp ảnh chung với các nhà báo (Ảnh tư liệu)

Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác báo chí và những người làm báo là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân. Đồng thời Bác chỉ ra: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Cho nên điều đầu tiên mà bất cứ người cầm bút nào trên mặt trận báo chí cách mạng phải hiểu rõ mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng là gì. Bác chỉ ra rằng “Bắn phải có bia, phải có mục tiêu”. Nghĩa là ngòi bút phải gắn với đối tượng, mà đối tượng phục vụ chính là nhân dân.

Người nêu rõ: Phải viết cho đúng trình độ của người đọc, viết phải rõ ràng, gọn gàng. Người căn dặn: phải học cách nói, tiếng nói của quần chúng, chớ ham dùng chữ, những chữ mà không biết rõ thì chớ dùng, những chữ mà tiếng Việt ta có, thì phải dùng tiếng ta, bất đắc dĩ mới dùng chữ nước ngoài, vì tiếng ta chưa có. Viết làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm làm theo lời kêu gọi của mình. Viết phải thiết thực, kịp thời “nói có sách, mách có chứng”, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào và kết quả ra sao?

Bác kịch liệt phê phán: có người “muốn viết báo cho oai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn. Cái đó không đúng. Những khuyết điểm đó đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra”. Họ không thấy rằng: “làm việc gì có ích cho nhân dân, cho cách mạng đều là vẻ vang. Muốn tiến bộ, muốn hay thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện. Chớ tự ái cho mình là tuyệt rồi. Tự ái tức là tự phụ, mà tự phụ là kẻ địch dữ tợn, nó ngăn chặn con đường tiến bộ của chúng ta”. Tóm lại, Bác căn dặn người làm báo phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng thỏa mãn…, thiếu tinh thần học hỏi, cầu thị.

Về đạo đức nghề nghiệp, Bác lưu ý người viết, tuyên truyền cần chống thói ba hoa và chỉ ra 7 biểu hiện: dài dòng, rỗng tuếch, cầu kỳ, khô khan… bệnh sáo cũ. Nói không ai hiểu. Bệnh hay nói chữ.

Theo Bác, giữa cách mạng và báo chí có một sự thống nhất hữu cơ, bởi “chế độ ta  là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Đối với một vấn đề mọi người đẫ bày tỏ kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó, quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc của nhân dân tức là không phải chân lý”.

Về cách viết, Bác nhấn mạnh: viết báo phải thật giản dị, chân thật, để nhân dân dễ hiểu nhất. Bởi nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân. Tại Đại hội III của Hội Nhà báo Việt Nam (1962), Bác một lần nữa khẳng định: “nhiệm vụ chính của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”. Tất cả những nhiệm vụ  cách mạng đều là nhiệm vụ của báo chí, nhiệm vụ ấy bao trùm toàn bộ cuộc cách mạng, phục vụ mọi mặt đời sống xã hội, kinh tế, an ninh-quốc phòng và quan hệ quốc tế.

Bác còn căn dặn thêm, người viết báo phải viết đúng sự thật. Người lưu ý trước tiên đề tài cho người cầm bút  là “những điều mắt thấy, tai nghe. Nghĩa là viết báo trước tiên phải đúng sự thật, bắt nguồn từ thực tế cuộc sống, với những con số, những sự kiện đã được xem xét, kiểm tra, chọn lọc. Bởi sự thật vừa là sức mạnh của bài viết, cũng đồng thời là thước đo đạo đức của người làm báo cách mạng ”.

Tại Đại hội II, Hội Nhà báo Việt Nam (16/4/1959), Bác nhận xét: Ưu điểm các nhà báo là cơ bản, nhưng khuyết điểm cũng còn nhiều. Một trong những khuyết điểm đó là “nắm vấn đề chính trị không được chắc chắn”. Do đó, Người khuyên “Tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”.

Để hoàn thành nhiệm vụ vinh quang của người làm báo, trước hết chúng ta phải học tập Bác ở tính trung thực trong tác nghiệp báo chí. Đấy là phẩm chất đạo đức nghề nghiệp nền tảng của người làm báo. Khi viết báo hoặc chụp ảnh đòi hỏi nhà báo phải trung thực, tôn trọng sự thật, không làm sai lệch thông tin, hoặc chạy theo lợi nhuận mà đưa những sự kiện “giật gân” để câu khách, “xào xáo” những thông tin có sẵn để viết bài. Mọi thông tin ra công luận phải phản ảnh đúng bản chất sự thật khách quan, cung cấp cho công chúng hình ảnh chân thật về sự kiện và tình huống được thông tin thông qua đó, định hướng dư luận.

Trần Mạnh Thường

Tin liên quan

Tin mới nhất