Nhạc kịch Việt Nam: Từ “Cô sao” đến “Vầng trăng Him Lam”

Thuở ấu thơ, tôi được ở với mẹ tôi - nghệ sĩ Tân Nhân - tại khu văn công Cầu Giấy rồi sau chuyển về khu văn công Mai Dịch. Là bởi từ năm 1960, một Nhà hát nghệ thuật mới được thành lập tại Hà Nội: Nhà hát Giao hưởng hợp xướng nhạc vũ kịch Việt Nam. Nhiều diễn viên xuất sắc của Đoàn ca múa nhân dân Trung ương như Ngọc Dậu, Khánh Vân, Tân Nhân… hợp cùng các nghệ sĩ xuất sắc khác như Quý Dương, Trần Hiếu, Trung Kiên, Quang Hưng, Tâm Trừng, Viễn Lữ, Anh Đào, Bích Liên, Lê Gia Hội, Kim Định, Nguyên Hà, Đức Lộc… về tham gia xây dựng nhà hát, trở thành những diễn viên nòng cốt của nhà hát. Và bản doanh nhà hát từ khu văn công Cầu giấy là những dãy nhà lợp mái gianh về khu văn công Mai dịch với những tòa nhà 4 tầng bề thế...

Trong ban giám đốc Nhà hát ngày ấy, có giám đốc là ông Phạm Ngọc Lê, nghe nói là một Chính ủy Trung đoàn quân đội từng tham gia đánh trận Điện biên, phó Giám đốc là Nhạc sỹ Văn Chung “Từ ngày giải phóng quê tôi mít tinh lại họp, a la hô hoan hô, rợp trời cờ đỏ tung bay...”, và một phó giám đốc khác kiêm Bí thư Đảng ủy Nhà hát là ông Lương Văn Trọng, nguyên là sỹ quan trong Phái đoàn quân sự Nam Bộ ra miền Bắc. Ông người cao to, mùa đông hay mặc một chiếc áo ba đờ xuy, thoạt nhìn thì nghiêm khắc nhưng bản tính thì hiền lành, khi cười  rất đôn hậu, cảm mến. Có lẽ bởi là những người miền Nam tập kết trên đất bắc, nên ông rât thân với mẹ tôi hay các nghệ sỹ Khánh Vân, Quốc Hương... Bởi thế thi thoảng ông lại gọi lũ trẻ chúng tôi vào cho dăm cái kẹo, mấy quả chuối, đẵn mía. Ông từ tâm như một ông bụt với chúng tôi.

Cũng ở căn phòng ông, có một người khách lạ hay xuất hiện, Ông ta to mập, cũng hay mặc một chiếc áo khoác “Va rơi”, đi một chiếc xe máy phân khối lớn, tiếng máy nổ bình bịch. Thường ông hay đi thẳng vào phòng ông Lương Văn Trọng, nói cười hết sức thân mật.

Sau chúng tôi được biết đấy chính là ông Nhạc sỹ Đỗ Nhuận lừng danh, có những bài hát về Điện Biên mà ở trường chúng tôi hay múa hát tập thể. Nghe nói ông từng là một chiến sỹ cách mạng bị mấy phen tù đầy lên tận nhà tù Sơn La nhưng quyết không đầu hàng, rồi sau cách mạng tháng 8 là một nhạc sỹ quân đội, từng tham gia chiến dịch Điện Biên phủ lịch sử, sau hòa bình làm lãnh đạo Hội Nhạc sỹ và mấy năm qua ông đi học sáng tác tại Liên xô.

Nhạc kịch Việt Nam: Từ “Cô sao” đến “Vầng trăng Him Lam” - 1

Nhạc sỹ Đỗ Nhuận

Chính nơi này, ông đã sáng tác opera Việt Nam đầu tiên mang tên “Cô Sao” về miền đất Tây Bắc và những năm tháng tù đầy của chính ông và những người cộng sản, sáng tác theo đúng những chuẩn mực và phong cách âm nhạc kinh điển phương Tây. Kể như lần đầu tiên nền nghệ thuật của chúng ta có tác phẩm Opera. Khi  về nước ông đã trao gửi ngay tác phẩm của mình được Liên Xô đánh giá rất cao cho Nhà hát Giao hưởng hợp xướng nhạc vũ kịch Việt Nam, với nhiệt tình và quyết tâm cùng Ban giám đốc và tập thể nghê sỹ Nhà hát Giao hưởng hợp xướng nhạc vũ kịch Việt Nam có một vở nhạc kịch Việt Nam đầu tiên, góp phần buổi đầu dựng nên một nhà hát Opera tầm vóc sánh với các nền nghệ thuật tiên tiến  trên thế giới. Không thể nói khác rằng, opera Cô Sao và nhạc sĩ Đỗ Nhuận là những người đi tiên phong cho nền nhạc kịch Việt Nam.

Dù còn nhỏ nhưng tôi vẫn cảm nhận các ông tâm đắc lắm cho Nhà hát và cho vở nhạc kịch Cô Sao lắm, cà giàm đốc Phạm Ngọc Lê, cả các Phó giám đốc Văn Chung, Lương Văn Trọng, cả các lãnh đạo Bộ Văn hóa thường hay xuống đôn đốc chỉ đạo. Đặc biệt là Bí thư Đảng ủy Lương Văn Trọng và tác giả Đỗ Nhuận. Họ trao đổi, say sưa  làm việc ngày đêm cho vở nhạc kịch .Thỉnh thoảng ông Trọng lại nấu cơm hay đi mua chén rượu về đãi đằng ông nhạc sỹ với tình thân vô cùng. Sau này tôi mới biết giữa hai ông, ngoài tình nghệ thuật đồng chí hướng xây dựng một nhà hát, một nền nhạc kịch Việt Nam hiện đại và có bản sắc, còn ;à có một tình anh em ruột thịt, tình đồng chí thân thiết đã nhiều năm qua trên con đường cách mạng và con đường nghệ thuật. Họ đều là những chiến sỹ cách mạng trước khi là Nghệ sỹ cách mạng như hôm nay.

 Tôi có dịp được nghe ông Lương Văn Trọng kể:

“Khoảng mùa xuân năm 1940, khi ấy Đỗ Nhuận đang còn là một chàng trai 18 tuổi, còn tôi thì hơn ít tuổi và đang trôi dạt lên Phố Mới Lào Cai theo nghề hỏa xa đường sắt. Một hôm, bởi có sự giới thiệu của các anh Vũ Quý và Ngô Văn Giao, vừa là anh em hướng đạo, vừa là đồng chí thân thiết với tôi ở Hải Phòng, chàng thanh niên Đỗ Nhuận lên tận Phố Mới Lào Cai tìm tôi, nhờ tôi xin việc làm ở đường sắt để đỡ gánh nặng cho gia đình.Tôi nhận Đỗ Nhuận làm em nuôi và ở với tôi trong khu nhà Phố Mới. Tôi sẽ tìm việc làm cho Nhuận và quyết bồi dưỡng em thành một thanh niên tốt, phục vụ cho cách mạng.”

Trong khi chờ việc, ông Trọng đã đặt chương trình và mỗi khi đi tàu về, trực tiếp hướng dẫn và kiểm tra Đỗ Nhuận đọc sách báo, học thêm tiếng Pháp, học võ Tàu, quyền anh, tập đàn sáo, tập vẽ… Có lúc Nhuận khoe với ông Trọng những bài thơ ngắn, hát cho ông nghe những bài hát Nhuận mới sáng tác. Ông Trọng rất vui vì những bài hát ấy đều tỏ lòng yêu nước, chống ngoại xâm. Không những thế, nhiều lần Đỗ Nhuận còn theo ông Trọng tham gia những công việc của Đoàn thể cách mạng rất nguy hiểm như vượt sông Nậm Thi, đưa hàng qua biên giới thuốc Tây, thuốc súng, bông băng... cho Hội giải phóng ở Vân Nam do Đảng ta thành lập ở Hải ngoại để giúp đỡ chính phủ Vân Nam kháng Nhật. Ngoài ra là chắp nối, liên lạc với những nhóm công nhân cách mạng do ông Trọng thành lập để thống nhất và đẩy mạnh hành động.

Những ngày này, như tâm sự của chàng trai Đỗ Nhuận:”Ở Phố mới vắng người, cũng có cảm giác buồn, nhưng tôi có rất nhiều việc phải làm như đọc sách báo và tóm tắt lại, tập vẽ phong cảnh, tập làm thơ...Có một bài thơ tôi làm về chuyện dân đốt rừng, khiến cho chim rừng không nơi trú ấn, nhớn nhác bay về khu người làm tổ, được anh Trọng khen: Tứ khá, mượn chuyện chim rừng để nói tâm trạng của mình, (Anh Trọng thuộc rất nhiều thơ cổ và nắm chắc niêm luật)”

Đỗ Nhuận cũng rất nhớ những ngày chủ nhật, anh Trọng dẫn Nhuận vào Lào Cai, đi thăm Cốc Lếu. Tâm hồn nghệ sỹ của Đỗ Nhuận đã nắm bát rất nhanh hình ảnh các cô gái Mèo che ô giữa chợ, anh chồng say rượu và những con ngựa thồ, giữa màu xanh núi rừng bật lên cái chấm đỏ của hoa chuối dại... Lương Văn Trọng cũng kể Đỗ Nhuận nghe về tuổi thanh xuân lãng mạn của mình, có lần gặp một cô ca sỹ Trung Hoa chạy loạn, đã dạy Trọng đánh đàn tam thập lục và khi rời đi, cô đã tặng người “ giang hồ lãng tử “Lương Văn Trọng cây đàn tam thập lục ấy của cô.

Cũng thời kỳ này, Nhật đã bắt đầu mò tới cửa khẩu Lào Cai. Sở hỏa xa thấy vận tải đường sắt có mòi bị đe dọa, nên không lấy người vào làm. Bởi thế Đỗ Nhuận vẫn chưa có việc làm. Mà nơi họ ở là khu nhà công nhân viên chức đường sắt, chỉ có trên chục hộ ở, lũ mật thám cảnh sát thường để ý dòm ngó, nên có một thanh niên thất nghiệp lại ở trong nhà  là điều bất lợi, mà nơi ở này thưa thớt, ông Trọng không biết gửi gắm, nên một ngày dành cho Nhuận về xuôi.

Ít thời gian ngắn sau, ông Trọng cũng bị sa thải khi cầm đầu anh em công nhân làm thất bại một công việc chuyển tải hàng. Khi về Hà Nội, ông Trọng bắt mối hoạt động với đồng chí Vũ Quý, và lại được nhận những công tác cách mạng mới. Và cũng qua đồng chí Vũ Quý, Lương Văn Trọng cũng được biết chàng trai Đỗ Nhuận đã được giao công tác hoạt động ở Hải Phòng và Hải dương ...

Nhạc kịch Việt Nam: Từ “Cô sao” đến “Vầng trăng Him Lam” - 2

Mùa thu 1943, bị địch khủng bố lùng sục, Đảng giao Lương Văn Trọng chuyển hoạt động vào miền  Nam, Sài gòn. Cho đến năm 1948, trong một phái đoàn quân sự Nam Bộ ra miền Bắc, ông Trọng có dịp gặp lại Đỗ Nhuận lúc này đã là một nhạc sỹ bên bờ sông Thao, Ấm Thượng. Hai anh em vô cùng xúc động khi gặp lại nhau, mừng thấy nhau đều cùng sống và cùng trưởng thành. Khi chia tay, ông anh Trọng biếu ông em nhạc sỹ 20 đồng để ăn đường. Đỗ Nhuận cầm tiền anh cho, xúc động lắm, nói với anh sẽ để dành tiền này sắm cây đàn violon và cố gắng tập đàn. Về đến Hà Nội, Đỗ Nhuận tìm đến một hiệu đàn cũ, mua được một cây violin đã long mặt, rồi đem về Hải Phòng lấy sơn ta gắn vào để tập. Và chỉ một thời gian ngắn sau, cây đàn violin này lại réo rắt cùng nhạc sỹ Đỗ Nhuận trên những nẻo đường kháng chiến...

Và đến năm 1965, họ lại gặp lại nhau trong một sự nghiệp chung xây dựng nền nhạc kịch Việt Nam, xây dựng nhà hát nhạc kịch Việt Nam, và vở diễn nhạc kịch “Cô Sao”, nhạc kịch opera đầu tiên của nền nhạc kịch hiện đại của Việt Nam.

Và bây giờ là nhạc kịch “Vầng trăng Him Lam” của chính con trai nhạc sỹ đã làm nên “Cô Sao”, “Người tạc tượng” Đỗ Nhuận, những vở opera xuất sắc của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Hy vọng cũng như “Lá đỏ”, “Vầng trăng Him Lam" sẽ là vỡ nhạc kịch hoành tráng và rực rỡ của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, nhà hát mà thế hệ cha anh đặt nền móng xây dựng là những chiến sỹ cách mạng, những chiến sỹ Điện Biên, cùng bao thế hệ nghệ sỹ tài năng đã góp phần xây dựng nên tầm vóc suốt 65 năm qua, theo từng bước đi lên của đất nước và nền âm nhạc thanh xuân của chúng ta...

Nhạc kịch Việt Nam: Từ “Cô sao” đến “Vầng trăng Him Lam” - 3

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - người khôi phục "Cô Sao" từ tổng phổ, biên tập, bổ sung phối khí và chỉ đạo âm nhạc.

Xin được nói thêm về nhạc kịch “Cô Sao”, đây là vở nhạc kịch đầu tiên của nền âm nhạc Việt Nam, cũng là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của nhạc sỹ Đỗ Nhuận. Vở nhạc kịch được sáng tác vào đầu thập niên 1960 trong khi Đỗ Nhuận đang theo học tại Nhạc viện Tchaikovsky, sau đó được công diễn lần đầu năm 1965.

Trải qua 2 lần công diễn và dàn dựng, “Cô Sao” bị thất lạc bản tổng phổ và sau đó được con trai Đỗ Nhuận là Đỗ Hồng Quân phục dựng với gần 1000 trang tổng phổ. Sau gần 40 năm kể từ lần công diễn thứ hai, “Cô Sao” đã được dàn dựng lại nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Đỗ Nhuận vào năm 2012. Với việc phục dựng và công diễn lần thứ 3, “Cô Sao” mang nhiều ý nghĩa với nền âm nhạc Việt Nam khi lần đầu có số lượng lớn người dân nơi đây được xem một loại hình nghệ thuật có tính chất quốc tế như opera. Những khúc aria trong vở nhạc kịch này luôn được xem là "điểm sáng" với các giọng ca opera tại Việt Nam qua nhiều thế hệ.

Châu La Việt

Đường lên Điện Biên
Đường lên Điện Biên

Tôi là một người lính viết văn trưởng thành từ những mâm pháo, những con đường ra trận, từ mặt trận Cánh Đồng Chum......

Tin liên quan

Tin mới nhất