Iran tuyên bố chấm dứt hoạt động của lực lượng "cảnh sát đạo đức"

Tổng Công tố Iran thông báo, nước này đã loại bỏ lực lượng “cảnh sát đạo đức” và có thể xem xét sửa đội quy định liên quan tới việc bắt buộc phụ nữ đội khăn trùm đầu.

Iran tuyên bố chấm dứt hoạt động của lực lượng "cảnh sát đạo đức" - 1

Một cảnh sát ở Iran nói chuyện với người phụ nữ trên xe do cô này “ăn mặc không phù hợp” (ảnh: Aljazeera)

“Cảnh sát đạo đức không liên quan gì tới cơ quan tư pháp và đã bị giải thể”, ISNA (hãng thông tấn Iran) hôm 4/12 dẫn lời Tổng Công tố Iran – ông Mohammad Jafar Montazeri.

Ông Montazeri cho hay, Quốc hội và cơ quan tư pháp ở Iran cũng đang thảo luận về việc có nên sửa đổi quy định về việc bắt buộc phụ nữ phải đeo khăn trùm đầu hijab hay không. Hijab hiện là một phần trang phục bắt buộc phải có khi ra đường của phụ nữ Iran.

Tuyên bố của ông Montazeri không nêu rõ lực lượng “cảnh sát đạo đức” ở Iran có bị loại bỏ vô thời hạn hay không. Theo DW, một số chuyên gia phương Tây cho rằng, “cảnh sát đạo đức” ở Iran vẫn có thể được tái lập hoặc hoạt động dưới một tên gọi mới.

Kể cả khi “cảnh sát đạo đức” bị loại bỏ, các hình phạt về hành vi “vi phạm đạo đức” ở Iran sẽ vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, một số quan chức Iran đã gợi ý về việc sử dụng camera để phát hiện vi phạm và xử phạt hành chính thay cho lực lượng cảnh sát vốn dính nhiều tai tiếng, theo Reuters.

Quyết định giải thể “cảnh sát đạo đức” được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Iran chịu nhiều áp lực từ các cuộc biểu tình sau cái chết của cô gái tên Mahsa Amini. Theo Reuters, hồi tháng 9, Mahsa Amini, 22 tuổi, bị “cảnh sát đạo đức” bắt giữ vì đeo hijab sai quy cách. Cô tử vong trong khi bị tạm giam.

Xuất hiện từ năm 2006, “cảnh sát đạo đức” là một phần nỗ lực của giới chức Iran nhằm giám sát công chúng tuân theo các giá trị Hồi giáo. Lực lượng này thường tuần tra trên đường phố và có thể phạt, thậm chí tạm giam phụ nữ nếu họ mặc sai quy cách.

“Cảnh sát đạo đức” ở Iran thường tuần tra trên những chiếc ô tô màu trắng hoặc xanh lục. Vài tuần gần đây, những chiếc xe này không còn xuất hiện trên đường phố thủ đô Tehran và các thành phố lân cận, theo Aljazeera

Từ giữa tháng 9, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình, yêu cầu chính phủ sửa đổi những quy định “nghiêm khắc” về trang phục. Chính quyền Iran sau đó cáo buộc Mỹ, Israel và một số nước phương Tây đứng sau xúi giục người biểu tình.

Chính Pháp - Aljazeera, DW

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.