Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Hội nghị “Hà Nội - Điểm đến Du lịch Văn hóa - Lịch sử” được tổ chức nhằm giới thiệu, tôn vinh những giá trị bền vững về văn hóa, di sản Thủ Đô, đồng thời mở ra những cơ hội đối với sự phát triển du lịch văn hóa – lịch sử Hà Nội. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Lễ Hội Du Lịch Hà Nội 2024 với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ” được tổ chức từ ngày 25-28/4 tại Công viên Thống Nhất.

Hà Nội là một điểm đến không thể bỏ qua khi khám phá vẻ đẹp và sức hút của văn hóa Việt. Nghìn năm văn hiến đã gây dựng một vai trò quan trọng cho Hà Nội - một trung tâm văn hóa, chính trị và kinh tế của đất nước. Những di tích lịch sử, những phố phường cổ kính và những ngôi đền chùa cổ xưa tại Hà Nội là những minh chứng rõ ràng cho sự phồn thịnh và uy nghi của vùng đất kinh kỳ.

Hà Nội có mật độ di tích lịch sử văn hóa hàng đầu cả nước với trên 6000 di tích đã được xếp hạng, trong đó có nhiều di sản đã được UNESCO xếp hạng như di sản văn hóa thế giới Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, di sản văn hóa phi vật thể Lễ Hội Gióng. Bên cạnh đó, Hà Nội còn có trên 1.200 di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích quốc gia, nhiều di tích quốc gia đặc biệt hứa hẹn là điểm đến du lịch văn hóa - lịch sử hàng đầu cả nước và khu vực Châu Á.

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội - 1

Quang cảnh Hội nghị “Hà Nội - Điểm đến Du lịch Văn hóa - Lịch sử”. Ảnh: Huyền Thương

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Bùi Duy Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội cho hay, những năm qua du lịch Hà Nội phát triển với vai trò là một trung tâm du lịch dẫn đầu cả nước. Tuy vậy, sự giàu có về văn hóa của Hà Nội vẫn chưa được khai thác tương xứng, chưa làm hài lòng người Hà Nội cũng như du khách thập phương.

“Theo định hướng phát triển du lịch văn hóa trong chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam, có thể thấy những cơ hội mở ra đối với Hà Nội là phát triển du lịch văn hóa là trọng tâm. Vì thế, việc phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trong bối cảnh đất nước đang phát triển mạnh, đặc biệt là các giá trị di sản văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch ở các địa phương trong cả nước được coi là nhiệm vụ trọng tâm, vừa khai thác giá trị văn hóa, đồng thời bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững ở các địa phương trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay”, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội nhấn mạnh.

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội - 2

Ông Bùi Duy Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Huyền Thương

Bà Phạm Diễm Hảo, Phó trưởng phòng Kế hoạch và Phát triển Tài nguyên Môi trường, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, để phát huy những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, đồng thời phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá, hướng tới xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành Du lịch Hà Nội sẽ tập trung triển khai thực hiện một số công việc như: Phát triển du lịch có trách nhiệm, phát triển du lịch hướng đến cộng đồng, thực hiện bảo tồn văn hóa dựa vào cộng đồng dân cư địa phương; Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho nguồn nhân lực tại chỗ, đặc biệt là người dân ở các khu du lịch.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh khai thác các yếu tố đặc trưng văn hóa của Hà Nội để tập trung phát triển sản phẩm du lịch với tính đặc thù và có tính cạnh tranh cao. Tập trung đầu tư, khai thác hiệu quả và phát huy thế mạnh không gian kiến trúc, giá trị văn hóa khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; phát triển dịch vụ du lịch gắn với bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ, di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến.

Cũng như chú trọng công tác đầu tư, xúc tiến sản phẩm du lịch văn hóa nhằm phát triển, định vị và quảng bá rộng rãi thương hiệu du lịch dựa vào những giá trị nổi bật về di sản, những giá trị chân thực về văn hóa truyền thống, lối sống của người dân Thủ đô Hà Nội.

“Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc chính là lấy văn hóa làm nền tảng để phát triển du lịch. Ngược lại, phát triển du lịch làm động lực và tạo nguồn lực để tăng cường bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, đó chính là sự phát triển tương hỗ của du lịch và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử. Muốn phát triển du lịch bền vững cần phải phát huy hiệu quả mối quan hệ này”, bà Phạm Diễm Hảo khẳng định.

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội - 3

Bà Phạm Diễm Hảo, Phó trưởng phòng Kế hoạch và Phát triển Tài nguyên Môi trường, Sở Du lịch Hà Nội phát biểu. Ảnh: Huyền Thương

Là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, di tích quốc gia đặc biệt, điểm đến tiêu biểu, địa danh du lịch quan trọng của Thủ đô Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quý, chứng tích của nền văn hoá, giáo dục, thi cử của các triều đại phong kiến Việt Nam, thể hiện nét truyền thống, trí tuệ, triết học của con người Việt Nam.

Chia sẻ về việc định hướng xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành trung tâm, không gian văn hóa giáo dục, không gian văn hóa khoa học, điểm du lịch nổi tiếng, cao cấp của quốc gia, quốc tế, ông Nguyễn Văn Tú, Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, tới đây Trung tâm sẽ triển khai tăng cường cả về số lượng và chất lượng, đa dạng hoạt động, dịch vụ phục vụ du lịch.

Trong đó, các hoạt động trưng bày, triển lãm với sự sáng tạo, đổi mới sẽ được tổ chức thường xuyên. Đặc biệt là việc đẩy mạnh nghiên cứu sản phẩm mới để khai thác không gian di tích về đêm như: Áp dụng khoa học công nghệ để tạo sản phẩm; Phục dựng các hoạt cảnh liên quan đến học hành, thi cử đỗ đạt xưa như: phục dựng lễ vinh quy bái tổ, lễ xướng danh, hay lớp học xưa,...

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội - 4

Ông Nguyễn Văn Tú, Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chia sẻ về những định hướng hoạt động du lịch tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ảnh: Huyền Thương

Năm 2024, Hà Nội đặt mục tiêu đón 26,5 triệu lượt khách (tăng 10,4% so với năm 2023); trong đó gồm 5 triệu lượt khách quốc tế (3,2 triệu khách có lưu trú) và 21,5 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 99.770 tỉ đồng.

Để góp phần đạt được mục tiêu đó, Công ty Lữ hành Hanoitourist, Tổng công ty Du lịch Hà Nội đề xuất một số giải pháp gắn với du lịch văn hóa – lịch sử như: Phát triển các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa là trọng tâm như sản phẩm du lịch Sông Hồng, vừa có trải nghiệm mới và gắn với các di tích lịch sử, làng nghề…; Xây dựng sản phẩm tour đêm như di tích nhà tù Hỏa Lò, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu; Phát triển thêm sản phẩm du lịch về nghệ thuật truyền thống văn hóa như Cải Lương, Chèo với những trích đoạn nổi tiếng như truyện Kiều…; Xây dựng một số sản phẩm mới lạ về làng nghề truyền thống gắn với tham quan các di tích lịch sử như: Nón Chuông, làng hương Quảng Phú Cầu,…

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội - 5

Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Huyền Thương

Văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực của phát triển xã hội. Sự thống nhất trong đa dạng văn hóa Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng với những giá trị đặc sắc đã và đang trở thành nguồn lực vô tận để phát triển du lịch. Với những giá trị tinh túy và đặc sắc hội tụ văn hóa Việt, Hà Nội đang đón nhận những cơ hội trở thành điểm đến ưa chuộng của du khách trên phạm vi toàn cầu với những giá trị thăng hoa về văn hóa.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phụng dựng và biểu diễn những tác phẩm xuất sắc tại Đại hội văn công toàn quốc lần thứ nhất năm 1954

Phụng dựng và biểu diễn những tác phẩm xuất sắc tại Đại hội văn công toàn quốc lần thứ nhất năm 1954

Lần đầu tiên sau 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, các tác phẩm xuất sắc đạt giải Nhất, giải Nhì tại Đại hội văn công toàn quốc lần thứ nhất, tổ chức năm 1954 được phục dựng lại và biểu diễn tại Nhà hát Hồ Gươm trong chương trình nghệ thuật đặc biệt “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên”.