Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng

Ngày 23/4, đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) thuộc Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên hợp quốc (UNOPS) phối hợp với Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Hội thảo tham vấn "Chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng" nhằm nâng cao hiểu biết của công chúng về chuyển đổi năng lượng giữa các thành phần xã hội khác nhau ở Việt Nam.

Chương trình có sự tham dự của hơn 200 đại biểu trực tiếp và trực tuyến là các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các đại diện của một số cơ quan bộ ngành, tổ chức nghề nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ quan báo chí ở trung ương và Hà Nội. Hội thảo tham vấn, lấy ý kiến các chuyên gia đầu ngành về kế hoạch truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về chuyển dịch năng lượng, góp phần đẩy mạnh sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo trong cộng đồng thời gian tới.

Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng - 1

Toàn cảnh Hội thảo tham vấn "Chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng" 

Chương trình hướng đến mục tiêu đặt người dân làm trung tâm, đảm bảo rằng mọi chủ thể trong xã hội tham gia tích cực, chủ động vào quá trình chuyển dịch năng lượng, một nội dung quan trọng của tăng trưởng xanh mà chính phủ Việt Nam đang hướng tới, và cũng là yếu tố tiên quyết hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chương trình dự kiến được thực hiện trong 15 tháng.

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Minh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, công nghiệp dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Quyết định 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu tăng trưởng xanh là bình đẳng, bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau. Thực hiện tăng trưởng xanh sẽ giảm bệnh tật, đem lại ích cho tất cả các đối tượng, trong đó nhóm yếu thế sẽ được hưởng lợi hơn hết.

Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng - 2

Ông Phạm Minh Hùng, Phó Vụ trưởng Kinh tế, công nghiệp dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu khai mạc Hội thảo

Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh có 10 định hướng chiến lược với các ngành, lĩnh vực và 8 nhóm giải pháp, nhấn mạnh giải pháp ưu tiên, khả thi, sẵn sàng nguồn lực, đồng lợi ích và có khả năng lan tỏa thay vì các phương án chỉ khả thi về kinh tế; trong đó, giải pháp về truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức được quan tâm, ưu tiên xếp ngay sau giải pháp về hoàn thiện thể chế chính sách tại Chiến lược.

Bà Nguyễn Ngọc Thuỷ, Điều phối viên quốc gia của ETP/UNOPS khẳng định tầm quan trọng của chuyển dịch năng lượng và cho rằng đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ và sự chung tay góp sức của toàn xã hội, thay vì mỗi tổ chức, doanh nghiệp, hay cá nhân đơn lẻ.

Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng - 3

Bà Nguyễn Ngọc Thuỷ, Điều phối viên quốc gia của ETP/UNOPS

Với vị trí, vai trò, và tác động của truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính sách, trong nhận thức, hành vi, và trong việc tạo sự đồng thuận xã hội ngày càng được khẳng định. Truyền thông đã và đang được sử dụng như một công cụ tư tưởng và cầu nối thông tin, là diễn đàn để mọi cộng đồng nêu lên tiếng nói của mình, và là phương tiện đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội. Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cập - truyền thông chính sách tốt sẽ mở ra nguồn lực, tạo sức mạnh lớn. Do đó, Chương trình Truyền thông do ETP/UNOPS phối hợp với Vụ Kinh tế Công nghiệp Dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được thực hiện với mong muốn tạo ra những thay đổi tích cực, giúp công chúng tiếp cận nhanh chóng các vấn đề phức tạp nhưng mang tính bức thiết của chuyển dịch năng lượng” – Bà Thủy cho biết.

Nhà văn, nhà báo Hoàng Dự - Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật, Trưởng nhóm tư vấn của Chương trình Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng chia sẻ: "Chương trình truyền thông của chúng tôi không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức; mà còn nhằm mang lại những giá trị thiết thực, gây được tiếng vang trong công chúng và lan tỏa những hành động đẹp, những câu chuyện hay về chuyển dịch năng lượng, tạo điều kiện cho đối thoại, học hỏi lẫn nhau và chia sẻ kinh nghiệm, từ đó thúc đẩy niềm tin và sự tham gia của công chúng đối với các chính sách liên quan đến chuyển dịch năng lượng trong cộng đồng.

Chúng tôi cũng áp dụng truyền thông tương tác theo hướng tiếp cận hai chiều – khuyến khích sự phản hồi của khán giả, nhằm tăng cường đối thoại và trao đổi về chuyển dịch năng lượng. Với việc tổ chức các hội thảo tham vấn, đối thoại là cơ sở để chúng tôi tập hợp được nhiều ý kiến đa dạng trong giai đoạn lập kế hoạch, cũng như quá trình triển khai chương trình sau này.

Đặc biệt, chúng tôi sẽ sử dụng các nền tảng trực tuyến để khuyến khích người dân đưa ra nhận định, phản hồi và đề xuất của mình góp phần nâng cao nhận thức về vấn đề chuyển dịch năng lượng, khiến chúng trở nên gần gũi và gắn bó hơn với cuộc sống thường ngày của người dân, trọng tâm là truyền thông báo chí và mạng xã hội".

Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng - 4

Nhà văn, nhà báo Hoàng Dự - Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật, Trưởng nhóm tư vấn của Chương trình Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng chia sẻ tại Hội thảo

Nhà văn, nhà báo Hoàng Dự cho biết, nhóm tư vấn của Chương trình rất đề cao ý kiến của công chúng và xuyên suốt quá trình thực hiện dự án này, nhóm tư vấn sẽ tham vấn và thu thập ý kiến không chỉ từ các chuyên gia năng lượng hay truyền thông, mà còn từ các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng và đặc biệt là nhóm đối tượng chưa quan tâm và ít hiện diện trong các câu chuyện về chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.

Tham luận tại Hội thảo, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, việc truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng rất quan trọng vì tạo sự thấu hiểu và ủng hộ; khuyến khích hành động cá nhân và cộng đồng; huy động nguồn lực và đầu tư; tác động đến chính sách công; phản ứng trước các thách thức và rủi ro… “Truyền thông là một công cụ thiết yếu trong việc xây dựng sự đồng thuận, huy động sự tham gia và thúc đẩy các hành động thiết thực trong lộ trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Chiến lược truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng cần được thiết kế một cách toàn diện và đa dạng, tập trung vào việc truyền đạt thông điệp một cách rõ ràng, thuyết phục và dễ tiếp cận”- TS. Nguyễn Sỹ Dũng cho biết.

Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng - 5

TS. Nguyễn Sỹ Dũng cho biết việc truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng rất quan trọng

TS Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nêu tình trạng đáng báo động của vấn để cacbon phát thải khí nhà kính, những mặt trái của khoa học kỹ thuật đối với thiên nhiên môi trường. Theo ông kinh tế xanh, khoa học xanh ngày nay đang rất được quan tâm. Tuy nhiên truyền thông cho những vấn đề này tỏ ra yếu hơn so với truyền thông những lĩnh vực khác. Ông đồng thời đưa ra nhiều giải pháp hữu hiệu cho truyền thông về chuyển dịch năng lượng.

Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng - 6

TS Lê Xuân Nghĩa tham luận tại sự kiện

Chuyên gia Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội năng lượng Việt Nam là người có nhiều năm nghiên cứu, công tác trong ngành năng lượng đã phân tích sâu sắc những cơ hội và thách thức trong chuyển dịch năng lượng và khẳng định tầm quan trọng của công tác truyền thông trong lĩnh vực này

Tại hội thảo, Ban tổ chức đã tiến hành hoạt động khảo sát lấy ý kiến trực tiếp các khách mời và đại biểu về những nội dung, chủ đề tiềm năng có thể triển khai liên quan đến quá trình chuyển dịch năng lượng, qua đó đóng góp vào sự thành công trong giai đoạn triển khai chương trình về sau, nhằm đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả và tính bền vững của hoạt động truyền thông.

Phiên thảo luận mở của Hội thảo mở xoay quanh chủ đề “Tầm quan trọng của chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng” diễn ra sôi nổi ghi nhận những ý kiến trao đổi của PGS.TS Đào Duy Quát - nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, TS Trần Văn Miều - Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Truyền thông Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, PGS, TS Phạm Hoàng Lương – nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội đã có những trao đổi về công tác truyền thông, báo chí trong đó việc nâng cao năng lực của đội ngũ làm truyền thông báo chí về chuyển đổi năng lượng, những giải pháp giúp vượt qua rào cản nhận thức của cộng đồng về chuyển đổi năng lượng và những trao đổi của các nhà báo tham dự Hội thảo.

Thay mặt Ban Tổ chức, Ông Phạm Minh Hùng, Phó Vụ trưởng Kinh tế, công nghiệp dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, Hội thảo tham vấn sẽ ghi nhận những ý kiến tại hội thảo và cả những ý kiến đóng góp thu thập được sau đó để hoàn thiện kế hoạch truyền thông trong khuôn khổ chương trình truyền thông để chương trình sau 15 tháng thực hiện có kết quả thiết thực.

Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng - 7

Các đại biểu tham dự trực tiếp tại Hội thảo tham vấn "Chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng" chụp ảnh lưu niệm

Nguyễn Chi

Tin liên quan

Tin mới nhất