Đã sáng một đường văn

Khi ngồi viết bài này, tôi mới chỉ một lần gặp mặt Trương Ngọc Hùng. Lần đầu tiên tôi biết tên chàng văn nhân cùng quê Nam Định với tôi là vào tháng 4 năm 2022, khi tôi lập danh sách Trại viên tham dự Trại sáng tác Văn học Công nhân của Hội Nhà văn Việt Nam sẽ được tổ chức tại Nhà sáng tác Cồn Khương, thuộc thành phố Cần Thơ. Đây là Trại sáng tác Văn học Công nhân thứ 6 kể từ khi tôi được giao làm Quyền Trưởng ban, rồi làm Trưởng ban Văn học Công nhân của Hội Nhà văn.

Trại viên dự trại, ngoài số nhà văn, nhà thơ là thành viên của Ban, tôi chọn mời một số cây bút thuộc khu vực Hà Nội và một số tỉnh, thành phố. Lần mở trại thứ 5 ở Nhà sáng tác Đại Lải, tôi mời hai cây bút thơ quê hương Nam Định. Vậy nên, mở trại viết thứ 6 này tôi muốn mời hai cây bút văn xuôi quê nhà. Ngặt nỗi, tôi xa quê từ năm 1966, không nắm được lực lượng sáng tác Nam Định, phải nhờ nhà thơ Phạm Trọng Thanh giới thiệu, với gợi ý cụ thể: mời hai cây bút văn xuôi khá của tỉnh, chưa phải hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Và thế là, lần đầu tiên tôi nghe tên cây bút viết văn Trương Ngọc Hùng, với mấy dòng nhân thân như sau:

Họ và tên: Trương Ngọc Hùng, 65 tuổi.

Chức danh: Đại tá - Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nam Định, Nguyên Chánh văn phòng Quân khu 3.

Đã nghỉ hưu từ năm 2015.

Lý lịch văn học: đã xuất bản 3 tập truyện ngắn, 1 tiểu thuyết: 

+ “Trở lại Campuchia”, tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Thanh Niên, 2017.

+ “Chất lính”, tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Thanh Niên, 2018.

+ “Điều còn lại”, tiểu thuyết, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2019.

+ “Chuyện vẫn xảy ra trong chiến tranh”, tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Thanh Niên, 2020.

Tôi đọc lại mấy dòng vừa ghi được và yên tâm điền tên Trương Ngọc Hùng vào danh sách trại viên dự Trại sáng tác Văn học Công nhân tổ chức ở Cồn Khương, Thành phố Cần Thơ, tháng 5 năm 2022.

Trại sáng tác ấy tôi không dự được, vì ốm. Thế là không gặp được số anh chị em dự trại lần đầu, trong đó có Trương Ngọc Hùng. Và bất ngờ đã xảy ra: tháng 10 năm 2022, Trương Ngọc Hùng đã gửi qua bưu điện “báo cáo” với tôi kết quả dự trại sáng tác Cần Thơ: bản thảo đánh máy khổ giấy A4, đóng bìa đàng hoàng, cả một tập truyện ngắn dày dặn, trong đó có truyện viết ngay trong thời gian dự trại, mang tên “Sóng vỗ Cồn Khương”, được anh lấy luôn làm tên truyện.

Đã sáng một đường văn - 1

Tập truyện ngắn “Sóng vỗ Cồn Khương”

Chất lính có khác, vào việc là hết sức nghiêm túc. Tôi thoáng nghĩ khi đón nhận bản thảo tập truyện của Trương Ngọc Hùng từ tay người bưu tá giao cho.

Và tôi bắt đầu đọc thử, từ truyện Trương Ngọc Hùng viết trong trại sáng tác: “Sóng vỗ Cồn Khương”. Truyện kể về một chiến sĩ giải phóng, từ miền Bắc vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam, tại B2, vùng đất có doi cát Cồn Khương.

Tại đây, chàng trai dính vào tình yêu với một cô gái trong tổ giao liên của Huyện ủy, quên rằng mình đã cưới một cô vợ ở quê ngoài miền Bắc, cũng quên rằng mình đã từng bị kỷ luật, đẩy từ đội Tuyên - Văn xuống làm lính ở tiểu đội trinh sát. Và khi biết tình yêu ấy đã dẫn đến hậu quả là cô người yêu mang thai, thì anh chàng liền tính chuyện đào tẩu, đưa người yêu về sống tại Cồn Khương. Cuộc đào tẩu trót lọt. Dù người vợ mới nhiều lần thúc giục, nhưng mãi năm 1978, anh chàng mới làm cuộc hồi hương về Bắc xem bố mẹ và cô vợ trước thế nào. Thì, anh chàng gần như sụp đổ khi hay tin cả bố và mẹ đều đã chết khổ sở vì cái tiếng có con trai theo giặc, còn người vợ cũ cũng bỏ nhà, bỏ làng đi biệt tích. Đau đớn cùng cực, anh chàng đắp hai mộ mới cho bố mẹ ngay trong đêm về quê, đến hừng đông lại lén rời quê vào Nam. Truyện kết thúc bằng nỗi đau khôn nguôi của anh chàng sau khi người vợ mới lìa đời, và đêm đêm người lính mắc tội lớn đó nằm võng, ôm đàn hát ru cho giấc ngủ của người vợ trẻ trên doi đất Cồn Khương...

Một chuyện buồn với nỗi khắc khoải đớn đau của một người lính mắc sai lầm trong cuộc chiến chống Mỹ, để lại xót xa trong tâm tưởng người đọc.

Đọc tiếp bản thảo, tôi gặp một người lính già đi thăm ông bạn cùng là lính lái xe thời chống Mỹ. Một chuyến đi thấm đậm tình đồng đội trong truyện “Bạn lính”. Gặp thêm một người lính già nữa từng yêu cô giáo dạy văn của mình, nhưng sợ mắc tội hủ hóa, đã chạy trốn tình yêu của cô, thành vết sẹo tình cảm trong lòng suốt thời chiến trong truyện “Ám ảnh”. Rồi gặp lại “Chuyện kể trước lúc giao thừa”, một người lính nhập ngũ khi chưa đầy 17 tuổi, hết chiến tranh xin về quê làm ruộng, sau cậy cục làm công nhân trực tiếp một xí nghiệp may mặc, rồi yêu và lấy một người đàn bà làm nghề đồ tể, cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc. Và truyện “Trong nhà dưỡng lão”. Vân vân, và vân vân.

Tôi chọn được 14 truyện ngắn nữa, làm thành tập truyện “Sóng vỗ Cồn Khương” với tổng cộng 15 truyện, dày 248 trang in, do Nhà xuất bản Văn học cấp phép phát hành vào tháng 3/2023. Cầm tập truyện ngắn mới của một tác giả mới, chưa từng gặp mặt, lòng tôi dâng lên niềm vui khó tả.

Suốt mấy chục năm làm biên tập xuất bản sách văn học, đây là lần đầu tiên tôi cầm trên tay một tập truyện do mình tuyển chọn, đưa in mà đến khi sách ra mắt mình và tác giả vẫn chưa hề gặp nhau. Mừng cho cây bút mới, viết những chuyện về người lính, về chiến tranh với nhiều góc độ, cấp độ khác nhau, tuy còn điều này điều kia về nghề cần trao đổi, nhưng rõ ràng “Sóng vỗ Cồn Khương” đã có được dáng vẻ riêng, nhiều ý tưởng muốn gửi gắm vào mỗi truyện, với giọng điệu linh hoạt, tạo nên một sự hấp dẫn đáng yêu.

Xong duyên nợ với cây bút mới cùng quê Nam Định, qua mấy ngày nghỉ ngơi đầu óc, tôi bắt tay vào việc khác: viết một “Chuyên luận Tác gia - Tác phẩm” về một nhà văn nổi tiếng của văn học Việt Nam đương đại. Mất hơn bốn tháng trời dẹp bỏ mọi chuyện, tôi tập trung đọc, ghi chép cẩn thận về mấy nghìn trang truyện ngắn và tiểu thuyết của nhà văn Ma Văn Kháng. Rồi ngẫm nghĩ, tìm cho được cái hồn cốt của văn chương Ma tiên sinh. May mắn là nhà văn cũng dành cho sự ưu ái, nhiệt thành, nên hai anh em thường xuyên trao đổi qua zalo. Cuối cùng, chuyên luận đã hoàn thành sau hơn bốn tháng miệt mài đọc và viết, viết và đọc, căng thẳng, say mê.

Tôi định dành cho mình một thời gian nghỉ ngơi thỏa đáng. Thì, một chiều muộn lại nhận được bản thảo tập truyện ngắn mới của Trương Ngọc Hùng, với cái tên tập khá lạ: “Mùi Hà Nội”.

Vậy là lại phải ngồi vào bàn làm việc, sau vài ngày đặt kính, buông bút. Bởi, trên bàn tôi không chỉ có “Mùi Hà Nội” của Trương Ngọc Hùng, mà vừa có thêm bản thảo tập truyện “Tiếng mõ cầu trong gió” của Trần Đắc Hiển Khánh từ Thành phố Hồ Chí Minh gửi ra nữa.

Khác với một năm trước chọn gửi 19 truyện qua 2 đợt, lần này Trương Ngọc Hùng chỉ gửi cho tôi 15 truyện. Sẵn có thiện cảm sau cuộc thẩm định làm tập truyện “Sóng vỗ Cồn Khương”, tôi hào hứng ngồi vào bàn, đọc bản thảo tập truyện “Mùi Hà Nội” của cây bút mang quân hàm Đại tá đồng hương Nam Định.

Bắt đầu từ truyện ngắn có tên được tác giả dùng làm tên tập truyện. Thì cũng vẫn là chuyện tình yêu trong chiến tranh. Một cô sinh viên Sài Gòn trong thời chiến, nghe lời đường mật của bọn sỹ quan tâm lý chiến quân đội Việt Nam Cộng hòa, cộng thêm cái háo hức tò mò, vui vẻ tham gia đoàn sinh viên Văn khoa, diện áo dài trắng, khoác dải băng xanh, lên máy bay bay lên Tây Nguyên để úy lạo binh sĩ đang đánh nhau với Việt cộng. Kế hoạch của đoàn chỉ úy lạo binh lính một ngày rồi quay về Sài Gòn. Nhưng rồi tiếng súng rộ lên khắp nơi, viên đại úy - người săn đón, chăm sóc cô - dẫn trung đoàn của hắn ta đi ứng cứu Buôn Ma Thuột.

Và rồi lính hầu của đại úy báo cho cô tin xấu: Buôn Ma Thuột thất thủ, trung đoàn của đại úy bị đánh tan tác. Một ngày một đêm qua đi trong tiếng súng hỗn loạn và trong nỗi sợ hãi của cô, thì bất ngờ, đại úy đạp cửa vào nhà, mặt bạc phếch đầy râu ria, hằm hè dữ tợn. Và hắn sấn sổ định biến cô thành đàn bà. Đúng lúc đó, tên đại úy bị đánh nằm sõng soài trên nền nhà. Người cứu cô là một chiến sĩ giải phóng. Anh cởi áo nhường cho cô khoác che thân. Anh nhường cho cô đôi dép và dắt cô chạy vào rừng, trú tạm trong một ngôi nhà.

Rồi Hoàng Huy - tên người chiến sĩ giải phóng đi theo đơn vị, với lời dặn trong mảnh giấy để lại: “Hãy tự chăm lo cho mình”. Sau 30 tháng 4 năm 1975, cô chờ anh giải phóng gần một tuần, không thấy anh quay lại, đành đón xe về Sài Gòn mới biết cả nhà cô đã di tản sang Đài Loan. Sẵn thiện cảm với Huy, cô tham gia công tác đường phố và học tiếp đại học. Tốt nghiệp ra trường, cô về làm việc ở trung tâm văn hóa quận. Rồi cô lấy chồng vì không gặp lại Huy nhưng cô vẫn gặp Huy đêm đêm trong tưởng tượng và không có tình yêu với chồng, dù anh là bác sĩ người Hà Nội. Cô vẫn giữ tấm áo Huy đưa vào ngày cứu cô ở Tây Nguyên. Cô giữ nguyên tấm áo cho vào gối để lúc nào cũng có mùi của Huy - mùi Hà Nội - mà Huy để lại. Cho đến lúc chồng cô phát hiện ra, làm đơn ly dị, cô thành người tự do.

Chuyện là thế. Tôi lược kể lại toàn truyện, vì đây là một chuyện tình không đơn giản. Tình yêu trong chiến tranh nhưng không một chiều và không dễ viết. Trương Ngọc Hùng không chỉ viết được mà còn viết có sức hấp dẫn người đọc. Anh đã chọn được tình huống xảy ra chuyện và tìm ra người kể, cách kể hợp lý.

Xin dẫn thêm truyện “Ảo vọng”, cũng là chuyện tình trong chiến tranh chống Mỹ. Những nữ thanh niên xung phong làm đường dưới mưa bom bão đạn không sợ chết, nhưng canh cánh một nỗi niềm: khao khát tình yêu, khao khát được làm vợ, làm mẹ. Bởi trên các tuyến đường họ mở, phần đông là chị em, chỉ vài ba nam thanh niên được coi như “mì chính cánh” và thỉnh thoảng có đơn vị bộ đội hoặc cánh lái xe đi qua.

Thế là xảy ra chuyện tranh nhau đàn ông, mà trong “Ảo vọng” thì đó là anh chàng lãnh đạo đại đội. Anh ta sang say đắm Duyên, cô gái đẹp nhất đơn vị, nhưng lại làm tình với một cô khác khi hai người tình cờ ở trong một cái hang tránh bom, và Duyên tình cờ bắt gặp. Sợ bị kỷ luật, anh chàng đẩy Duyên ra túi bom trên tuyến, Duyên chết vì bom. Đau đớn, ân hận, rồi anh ta cũng tan xác vì bom. Một chuyện tình yêu đầy khúc mắc, nhiều cung bậc, được viết dưới thủ pháp (có thể gọi là thi pháp) hiện thực huyền ảo sinh động. Chuyện được kể bởi các âm hồn của Duyên, của người cán bộ đại đội và của nữ thanh niên xung phong đã hy sinh. Vì thế mọi lỗi lầm, oán trách, giận hờn lúc họ còn sống được người đọc thông cảm, bỏ qua. Cái kết chuyện vẫn pha trộn giữa hư và thực: linh hồn Duyên về giúp con chị bạn đồng đội - người đã đồng lõa cùng anh đại đội trưởng làm tình trong hang, cướp mất tình yêu của Duyên - để cháu bỏ việc đào vàng, về với mẹ, làm con liệt sĩ đại đội trưởng thanh niên xung phong.

Có thể coi “Ảo vọng” là truyện viết thành công, một bước tiến của ngòi bút Trương Ngọc Hùng trong việc sử dụng các thủ pháp nghệ thuật viết truyện ngắn.

Mừng cho Hùng, tôi tiếp tục miên man trên các trang bản thảo tập truyện. Tôi dõi theo một chuyến phượt của ông cựu chiến binh có máu mê thăm lại chiến trường xưa trong truyện “Mây mù giăng giăng” để hiểu thêm về những tình cảm người bộ đội thời chống Mỹ và cả thời hậu chiến của họ. Thêm một chuyện tình cảm của người lính trong “Bầu trời nằm nghiêng”. Rồi tôi phân vân. Kể mãi tình yêu người lính thế này? May mà tập truyện có “Cái giá phải trả”, “Giọt nước mắt âm thầm trong đêm” và “Luân chuyển” - những chuyện “dân sự”, chuyện cuộc đời bên ngoài những người lính. Đó là những tr

Chuyện để người đọc có dịp thấy những phức tạp, éo le trong cuộc sống ngày nay. Nó nhắc nhở người đọc: hãy cảnh giác, đừng tưởng làm vợ sếp là cuộc sống toàn màu hồng, cũng như phải cẩn thận nếu bỗng dưng được ban phát nhiều bổng lộc.

Đọc đến truyện “Ngược miền biên ải” càng thấy lạ cho cây bút Trương Ngọc Hùng. Có gì đó gợi nhớ “Chuyện kể trước lúc giao thừa” anh in cách đây một năm trong tập truyện “Sóng vỗ Cồn Khương”. Nhưng đọc kỹ, ngẫm nghĩ, thấy hai cái chỉ giống chuyến đi lên miền biên giới của một người lính, còn thì “Ngược miền biên ải” đầy đặn hơn, rắc rối hơn, và đặc biệt là hấp dẫn hơn nhiều. Thêm điều đáng lưu ý, đáng mừng cho cây bút Thành Nam.

Gấp bản thảo tập truyện “Mùi Hà Nội” của Trương Ngọc Hùng, tâm trí tôi vẫn bâng khuâng những ngẫm nghĩ về cây bút mới rời quân ngũ được mấy năm này. Hai năm, viết và in liền hai tập truyện ngắn, Trương Ngọc Hùng tỏ rõ một vốn sống về người lính và chiến tranh dày dặn, phong phú về nhiều mặt. Vốn sống ấy là một bảo đảm cho cây bút văn xuôi muốn đi dài, đi xa trên con đường văn chương. Anh cũng đã chứng tỏ khả năng nắm bắt tình hình huống chuyện của đời sống và năng lực tạo dựng cốt truyện. Nghệ thuật bố cục truyện thì “Mùi Hà Nội” đã chặt chẽ, hợp lý hơn “Sóng vỗ Cồn Khương”, biên tập viên khỏi mất công sức sửa sang, cắt cúp. Về giọng điệu, tập truyện sau đã sinh động, biến hóa hơn, có sức níu kéo người đọc hơn. Nhưng vẫn còn nhiều lỗi về câu chữ. Vẫn có sự nhầm lẫn về thể loại. Đặc biệt, chưa sành (hay chưa quan tâm đúng mức?) việc đặt tên tác phẩm.

Ngẫm nghĩ lúc lâu về tất cả cái được và cái chưa được của cây bút vừa thôi mặc áo lính này, nhưng tôi vẫn giữ niềm tin vào Trương Ngọc Hùng, tôi vẫn thấy qua hai tập truyện ngắn “Sóng vỗ Cồn Khương” và “Mùi Hà Nội” anh xuất bản liền trong hai năm, rõ ràng tác giả văn xuôi này đã sáng một đường văn.

Phạm Ngọc Chiểu

Tin liên quan

Tin mới nhất