Nỗ lực hoàn thành 6 chỉ tiêu chủ yếu về chính sách xã hội

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, thành phố Hà Nội cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu đề ra về chính sách xã hội. Đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng được cải thiện, nhiều chính sách được thực hiện ở mức cao hơn mức Trung ương quy định.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa có Báo cáo số 254-BC/TU về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020”.

Theo báo cáo, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, thành phố Hà Nội đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng được cải thiện, nhiều chính sách được thực hiện ở mức cao hơn mức Trung ương quy định.

Hiện nay, toàn thành phố đang quản lý gần 800.000 người có công với cách mạng, trong đó đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng là gần 84.000 người, với tổng kinh phí chi trả hơn 152 tỷ đồng/tháng.

Ước tính đến hết năm 2022, thành phố tiếp nhận, giải quyết khoảng 315.000 hồ sơ liên quan đến chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho khoảng 435.000 lượt người; giải quyết chính sách cho người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế theo quy định, trong đó trợ cấp một lần cho 259.315 người, trợ cấp hằng tháng cho 1.514 người.

Nỗ lực hoàn thành 6 chỉ tiêu chủ yếu về chính sách xã hội - 1

Ảnh minh họa

Về trợ giúp xã hội, thành phố hiện có trên 200.000 đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng và trên 2.700 đối tượng đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội (chiếm 2,3% dân số Hà Nội), trong đó có 99.000 người cao tuổi. Mức chuẩn trợ cấp xã hội của Hà Nội hiện là 440.000 đồng/tháng (cao hơn mức của Trung ương, hiện là 360.000 đồng/tháng). Kinh phí thực hiện trợ cấp xã hội là hơn 100 tỷ đồng/tháng, từ nguồn ngân sách thành phố…

Ngoài các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Chính phủ quy định, Hà Nội còn ban hành nhiều chính sách đặc thù phù hợp với thực tế của địa phương. Các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch, đạt nhiều kết quả ấn tượng. Cuối năm 2020, có 19/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo, trong đó có 2 quận không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Phát huy kết quả đạt được, Ban Thường vụ Thành ủy xác định rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI. Theo đó, thành phố phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 6 chỉ tiêu chủ yếu về chính sách xã hội.

Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội trên lực lượng lao động trong độ tuổi đạt 60%; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi đạt 40%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95%; tỷ lệ hộ nghèo dưới 3%; tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe đạt trên 85%...

Hà Nội cần thu hút hơn 44.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết, năm 2022, thành phố đặt mục tiêu có 1,5% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ở Thủ đô tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tương ứng khoảng 109.000 người.

Tuy nhiên, đến hết tháng 7, số người tham gia chính sách này mới đạt gần 65.000 người, bằng 1,3% lực lượng lao động trong độ tuổi. Như vậy, 5 tháng cuối năm 2022, thành phố cần phát triển thêm hơn 44.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Mục tiêu này không dễ thực hiện, bởi từ đầu năm 2022 đến nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ tăng gần 1.000 người so với thời điểm cuối năm 2021.

Để đạt mục tiêu đề ra, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội phối hợp với các địa phương triển khai Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 6/7/2022 về quy định một số nội dung và mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố Hà Nội, trong đó có hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện giai đoạn 2022 - 2025.

Ngoài ra, các bên liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ hơn tính ưu việt của bảo hiểm xã hội tự nguyện, từ đó chủ động tham gia.

Minh Tâm

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Đường lên Điện Biên”, giới thiệu tới công chúng 70 tác phẩm hội họa, đồ hoạ, điêu khắc, ký hoạ, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949 - 2009 của 34 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng.