Người đàn ông bất ngờ mắc uốn ván dù không có vết thương ngoài da

10 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng đau họng nhưng không sốt và không có bất kỳ một vết xước nào trên cơ thể.

Bệnh nhân L.V.S, nam, 65 tuổi, trú tại Hải Dương, có tiền sử khỏe mạnh và không có dấu hiệu vết thương hoặc xây xước nào. Tuy nhiên, 10 ngày trước khi nhập viện, ông xuất hiện triệu chứng đau họng nhưng không sốt. Khi đi khám tại cơ sở y tế, ông được chẩn đoán viêm họng cấp và kê đơn thuốc điều trị ngoại trú.

Sau 6 ngày dùng thuốc, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng bất thường như khó há miệng, khó nói và ăn uống kém. Nhận thấy biểu hiện nghiêm trọng hơn, gia đình đã đưa ông nhập viện. Tại đây, ông được chẩn đoán mắc uốn ván và chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Người đàn ông bất ngờ mắc uốn ván dù không có vết thương ngoài da - 1

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân.

Tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tình trạng ban đầu của bệnh nhân tương đối tỉnh táo, không sốt và không co giật, nhưng khả năng há miệng hạn chế, chỉ mở được khoảng 1 cm. Đáng chú ý, bệnh nhân có hiện tượng tăng trương lực cơ vùng bụng và toàn thân. Khi có kích thích cơ học, cơ thể phản ứng mạnh qua các cơn co cứng và gồng cứng. Với những triệu chứng này, bệnh nhân được chẩn đoán uốn ván toàn thể và hiện đang được an thần, thở máy qua nội khí quản.

ThS.BS Nguyễn Thanh Bằng – Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, ở trường hợp của ông S., không tìm thấy vết thương ngoài da hoặc dấu hiệu chấn thương có nguy cơ là đường xâm nhập của nha bào uốn ván. Thông thường, vi khuẩn uốn ván xâm nhập qua vết thương hở ngoài da, chấn thương hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên, khi không xác định rõ đường vào, nguy cơ nhiễm uốn ván vẫn có thể xuất phát từ những vết xây xước nhỏ trong sinh hoạt mà bệnh nhân không để ý, do thời gian ủ bệnh dài.

Có những trường hợp báo cáo uốn ván xuất hiện sau các nhiễm trùng răng miệng như sâu răng, nhổ răng hoặc áp xe quanh răng. Trong trường hợp bệnh nhân S., các bác sĩ nghi ngờ uốn ván có thể khởi phát từ khoang miệng. Ngoài ra, một số trường hợp hiếm, vi khuẩn uốn ván có thể xâm nhập qua tổn thương hoặc nhiễm khuẩn đường ruột.

Nhận biết sớm các dấu hiệu như cứng hàm, co cứng cơ, và thực hiện các biện pháp phòng ngừa là yếu tố then chốt giúp bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa diễn tiến nghiêm trọng của bệnh.

BS. Bằng nhấn mạnh: “Những người làm nghề nông, lao động tay chân, thường xuyên tiếp xúc với đất nên tiêm phòng uốn ván định kỳ và có biện pháp bảo hộ khi lao động. Bất kỳ vết thương nào trên cơ thể, dù nhỏ, cũng cần được xử lý đúng cách, đặc biệt là vết thương sâu bẩn nên được xử lý tại cơ sở y tế. Đồng thời, cũng cần chú trọng vệ sinh răng miệng. Nếu có các dấu hiệu như khó há miệng, khó nói hoặc ăn uống kém, bệnh nhân nên đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và phát hiện bệnh sớm.”

Hà Anh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Trưng bày “Quà tặng của nhân gian”: Hội tụ nhiều nghệ nhân cùng những sáng tạo độc đáo

Trưng bày “Quà tặng của nhân gian”: Hội tụ nhiều nghệ nhân cùng những sáng tạo độc đáo

Với mong muốn gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống của các làng nghề Việt Nam và tôn vinh sự sáng tạo, tài hoa của các nghệ nhân, Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp cùng Công ty TNHH Việt Mốt tổ chức trưng bày với chủ đề “Quà tặng của nhân gian”.