Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù văn hóa, văn học nghệ thuật tạo điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo

Chúng ta vẫn xác định thường xuyên “Văn học nghệ thuật là bộ phận quan trọng và tinh tế nhất của văn hóa”. Nhưng liệu chúng ta đã thấu suốt tính chất quan trọng và tinh tế của nó trong ứng xử thực tế?

Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về Xây dựng và phát triển Văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, đã đi vào hiện thực đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội nói chung, giới hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật nói riêng.

Nghị quyết thông thường mang ý nghĩa chiến lược, tầm vĩ mô, có tính chất hoạch định chiến lược trong một giai đoạn lịch sử cụ thể. Nhưng để đi tới đích thì cần tinh thần thực tiễn cao vì “Lý thuyết thì xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi” (Gớt), vì “Thực tiễn là thước đo chân lý” (Lênin). Như cách nói hiện nay thì “Từ lời nói đến việc làm là con đường xa nhất hành tinh”.

Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ III vào tháng 11/2021, nhận thức của chúng ta về văn hóa là 1 trong 4 trụ cột (chính trị - kinh tế - xã hội - văn hóa) đã thấm nhuần đến tận chân tơ kẽ tóc trí tuệ và tình cảm của toàn dân, vì “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Nhưng đạt tới một “Nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” thì sự nỗ lực của chúng ta cần nâng lên ở tầm cao mới, mạnh mẽ hơn, triệt để hơn, hiệu quả hơn.

Ngày 12/5/2024, tại Quảng Ninh diễn ra Hội thảo Văn hóa 2024 với chủ đề Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong phát biểu đã nhận xét về tình trạng “Thiết chế văn hóa, thể thao ở nhiều địa phương vừa thừa vừa thiếu”. Theo đó, các đại biểu đều thống nhất ý kiến cho rằng kinh phí đầu tư để phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao còn hạn chế, được tiến hành theo lối “nhỏ giọt, ăn đong”. Hội nghị cũng đúc rút giải pháp coi trọng và thực hiện xã hội hóa với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” văn hóa; đặc biệt cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cần nghiên cứu, sửa đổi chế độ đãi ngộ với đội ngũ văn nghệ sĩ, diễn viên tham gia hoạt động các loại hình nghệ thuật truyền thống (theo Vietnamnet, 13/5/2024).

Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp đặc thù của Việt Nam dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với đội ngũ hùng hậu về số lượng (hơn 40.000 hội viên các ngành nghệ thuật thuộc 10 hội đồng chuyên ngành Trung ương và 63 hội văn học nghệ thuật địa phương) và chất lượng ngày càng được nâng cao, có thể coi đây là những “Binh đoàn nghệ thuật”, như cách gọi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ (1945-1975); là “Đội quân văn hóa” với tinh thần đồng hành cùng Nhân dân và đất nước.

Đội quân có tổ chức này cần được kích hoạt bằng những cơ chế, chính sách văn hóa hợp thời, khoa học và hiệu quả hơn trong tình hình mới để xứng đáng là những chiến sĩ văn hóa trên mặt trận văn hóa “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù văn hóa, văn học nghệ thuật tạo điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo - 1

Ảnh minh họa.

Xây dựng không gian/ môi trường văn hóa nhân văn kích hoạt phát triển văn học, nghệ thuật nhìn từ thiết chế văn hóa

Một hạt giống tốt phải được ươm mầm, vun xới, chăm sóc trên một điều kiện về “thổ nhưỡng”, “khí quyển”, “thung thổ” tương thích. Các - Mác viết: “Muốn cho con người nhân đạo hơn thì phải tạo ra hoàn cảnh nhân đạo hơn”. Nếu chúng ta chỉ hô hào suông “Hãy sống có văn hóa”, “Hãy nâng cao hàm lượng văn hóa của tác phẩm văn học nghệ thuật” thì hóa ra là người duy tâm trong khi tự nhận là người duy vật.

Không gian văn hóa vừa mang tính vật thể, vừa mang tính phi vật thể. Không gian văn hóa không thể hình thành tự phát, phải có luật lệ đi cùng. Chẳng hạn, người nông dân Việt Nam xưa sống trong lũy tre làng nhưng đã có “hương ước” khắc chế và điều phối hoạt động ứng xử, rộng ra thì có luật lệ Nhà nước, phải thực thi (tuy nhiên đôi khi “Lệnh vua thua lệ làng”, nhưng không nên cổ súy trong tình hình hiện nay).

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, văn hóa được xác định là một trong bốn trụ cột chính kiến tạo nên sự phát triển bền vững của đất nước (chính trị - kinh tế - xã hội - văn hóa). “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “Văn hóa còn thì dân tộc còn” là chính cương/luận cương tinh thần của dân tộc, đất nước xuyên suốt hàng ngàn năm lịch sử “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” (Nguyễn Trãi - Bình Ngô đại cáo).

Hai nhiệm vụ kép xây dựng không gian/ môi trường văn hóa nhân văn và  nhân cách văn hóa con người Việt Nam là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật. Không gian văn hóa nhân văn có thể do “trời cho” nhưng trong tuyệt đại đa số trường hợp là “người làm”. Chẳng hạn như trời cho di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long nhưng nếu con người không đủ ý thức bảo tồn và phát triển, chỉ chăm lo khai thác dịch vụ vì lợi nhuận thì cũng đến lúc di sản thiên nhiên khô cạn, tàn lụi (chưa nói đến thực tế di sản thiên nhiên thế giới đang bị “xả thịt” phục vụ cho các mục tiêu thương mại kinh doanh, như truyền thông Nhà nước đã đưa tin).

Nếu coi giáo dục là hạt nhân, chân tủy của văn hóa thì nhiệm vụ xây dựng không gian văn hóa nhân văn gắn liền hữu cơ với nhiệm vụ cải tiến, xây dựng nền giáo dục theo hướng hiện đại - nhân văn - hiệu quả (thực học - thực dạy - thực làm). Một nền giáo dục có triết lý đúng đắn và chất lượng cao tất yếu sản sinh ra và cung cấp những nhân cách văn hóa con người cho xã hội tương thích mang tính chủ động tích cực.

Những người có trách nhiệm và lương tri không khó nhận ra “không gian văn hóa” ở ta đang có vấn đề đáng quan ngại, thậm chí cần báo động (người nghiêm khắc thì nói “ô nhiễm văn hóa”). Không gian văn hóa thực tế đang bị xâm thực bởi cuộc “xâm lăng văn hóa” từ bên ngoài “đổ bộ” vào Việt Nam (gọi là “thế lực mềm”), rõ nhất trong ngành điện ảnh; trong văn học cũng không thể nói là “nhẹ” khi các thứ ism (chủ nghĩa) được nhập cảng không kiểm soát trở nên ám ảnh giới nghiên cứu, lý luận và cả sáng tác chạy theo “mode” (thời thượng), không phù hợp với đời sống văn hóa - tinh thần người Việt.

Dường như không ít người sợ mình lạc hậu nên hay cố kiễng chân cho cao bằng thiên hạ. Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là, người làm văn học nghệ thuật ở ta dường như bị đứt rễ với truyền thống văn hóa dân tộc, coi việc noi theo/ tiếp biến truyền thống thì dễ bị lạc hậu trước thời đại toàn cầu hóa, thế giới phẳng, trong khi chưa thấm nhuần chân lý “Đi hết dân tộc chúng ta sẽ gặp nhân loại”.

Xây dựng không gian văn hóa nhân văn là một nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng không thể chậm trễ. Nhân đây chúng tôi cùng đề cập đến sự lãng phí (có khi còn nguy hiểm hơn tham nhũng) không gian văn hóa nhân văn khi nó không được khai thác, phát huy hiệu quả đúng công năng, tiêu biểu phải kể đến Bảo tàng Hà Nội, từ khi khai sinh đến nay cứ “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Nó là gì nếu không là tiền thuế, mồ hôi nước mắt của nhân dân bị ném ra ngoài cửa sổ, chưa nói đây là sự xấu hổ của những người tử tế trong lĩnh vực hoạt động văn hóa của Thủ đô nói triêng, cả nước nói chung

Hiện nay khái niệm/phạm trù văn hóa có “phổ” rất rộng bao quát toàn bộ các phạm vi/ trạng thái hoạt động của hạ tầng cơ sở cũng như kiến trúc thượng tầng xã hội (văn hóa giao thông, văn hóa giao tiếp công cộng, văn hóa học đường, văn hóa ẩm thực, văn hóa doanh nhân, văn hóa quản lý, văn hóa công chức, văn hóa lãnh đạo, văn hóa ngoại giao,...). Không gian văn hóa nhân văn là một phạm trù/ khái niệm/ hệ thống mở trong một thế giới phẳng. Vì thế nhiệm vụ xây dựng không gian/ môi trường/ hệ thống văn hóa nhân văn càng trở nên khó khăn gấp bội khi các giá trị đời sống luôn biến động và trình độ quản trị xã hội của chúng ta còn nhiều bất cập.

Nói đến không gian văn hóa nhân văn đồng thời không thể không nói đến “không gian sáng tạo” của người nghệ sĩ hoạt động/ lao động trong lĩnh vực mang tính đặc thù của mỗi chủ thể với tính chất cá nhân tự do cao độ. Người nghệ sĩ luôn muốn sản phẩm của mình đạt chất lượng cao, bởi nếu chỉ trung bình coi như thất bại. Tất nhiên tự do sáng tạo cũng đi đôi với tuân thủ luật pháp.

Người ta nói tự do như là một không gian tinh thần cho sáng tạo. Song bản chất của tự do nằm trong sự tự do lựa chọn của mỗi nghệ sĩ, nó mang tính tự thân, dấn thân vì lý tưởng đạo đức và lý tưởng thẩm mĩ. Tài năng và tự do là hai mặt của một vấn đề, cũng như là hai động lực dẫn đến thành công trong hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật của giới văn nghệ sĩ hiện nay. Tuy nhiên, không tránh khỏi tình trạng một bộ phận văn nghệ sĩ đề cao tự do như là điều kiện sống còn mà quên đi sự vun xới tài năng, theo ý nghĩa nhân văn: thành công bất kỳ nào cũng cần hội đủ hai yếu tố tâm và tầm trong lĩnh vực sáng tạo văn học nghệ thuật.

Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù văn hóa, văn học nghệ thuật tạo điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo - 2

Ảnh minh họa

Xây dựng chế độ, chính sách hợp lý kích cầu hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật được nhận thức như là công việc cần làm ngay và triệt để

Một chính sách hợp lý (giàu tính khoa học và thực tiễn) có thể tạo nên bước chuyển về chất của sự vật, như chính sách “Khoán 10” trong nông nghiệp là một bài học lịch sử có ý nghĩa chính trị - kinh tế - xã hội - văn hóa. Việt Nam từ một nước phải nhập khẩu gạo để cứu đói trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới.

Nói chính sách đúng có tác dụng kích cầu hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật không thể không liên quan đến hai yếu tố nhân lực (con người) và vật lực (điều kiện vật chất). Nhưng như dân gian nói “cái khó bó cái khôn”, cũng nói “cái khó ló cái khôn”. Hiện trạng thì cái khó đang bó cái khôn. Người nghệ sĩ hoạt động trên lĩnh vực sáng tạo văn hóa, văn học nghệ thuật trước hết do thúc giục và yêu cầu nội tâm để phụng sự “chân - thiện - mĩ”. Nhưng văn nghệ sĩ cũng là con người của trần thế, bằng xương bằng thịt nên có những nhu cầu tối thiểu để trước hết tồn tại (“Cơm áo không đùa với khách thơ” – Xuân Diệu), sau nữa là sống có chất lượng.

Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2022 để lại một dư âm không vui vẻ khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Tài chính đã không tìm được tiếng nói chung nên để chậm trễ tiền giải thưởng đến tay các văn nghệ sĩ đã được vinh danh.

Nêu một ví dụ như thế để thấy khoảng cách giữa nói và làm là xa xôi ngàn trùng. Chế độ đãi ngộ với những người làm công tác văn hóa, văn học nghệ thuật còn chưa hợp lý thì đã rõ ràng như dưới thanh thiên bạch nhật, nhưng vấn đề nằm ở chỗ sự khắc phục tình trạng này lại quá chậm trễ vì có quá nhiều rào cản đôi khi bất hợp lý. Có đúng là vướng mắc ở khâu “trung gian” với người trực tiếp thực thi giải quyết chế độ chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực hoạt động tinh thần? Một câu hỏi chưa có câu trả lời thẳng thắn và kịp thời. 

Khi chúng ta nói “Tận cùng văn hóa là con người” thì đồng nghĩa với thực trạng là các chính sách đào tạo nhân tài trong trong lĩnh vực hoạt động sáng tạo văn hóa, văn học nghệ thuật còn là một “vùng trũng”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong bài Người tài và một khe cửa hẹp đã mạnh dạn và thẳng thắn viết “Có những người cho rằng chúng ta chưa có chính sách đãi ngộ người tài một cách tương xứng để khai thác trí tuệ và năng lực của họ. Nhưng tôi thấy điều quan trọng hàng đầu để sử dụng được trí tuệ và sự dâng hiến của họ là niềm tin của người quản lý vào họ. Và lâu nay, những người tài đợi chờ niềm tin từ những người quản lý đất nước ở mọi cấp. Chính sách của chính quyền đối với người tài mang nhiều tính ưu việt và có tính chiến lược. Nhưng những người trực tiếp sử dụng người tài vẫn là một cánh cửa chỉ mới hé ra một khe hẹp mà những người tài lại không có khả năng và không muốn cố “luồn lách” để đi qua” (theo Vanvn.vn).

Dẫu đã có Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến 2030” của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 1341/QĐ -TTg 8/7/2016), nhưng hiện thực hóa và hiệu quả của Đề án lại là một câu chuyện về “nhân tài như lá mùa thu” thuộc không gian của tinh hoa, tiềm năng và tương lai. Thiết nghĩ, cần có chính sách đào tạo tài năng nghệ thuật tại nước ngoài - những trung tâm, những cái nôi văn hoá, văn học nghệ thuật lớn của nhân loại, dẫu cho “vấn đề đầu tiên” (ngân sách còn hạn chế), nhưng đó là tầm nhìn của đại bàng bay cao và xa. Nếu làm được như thế sẽ tạo ra được những “thế hệ vàng”, “hậu sinh khả úy” trong hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật, tuân theo quy luật “tre già măng mọc”.

Từ thực tiễn này đặt ra vấn đề về phẩm chất của những cán bộ được Nhà nước giao trực tiếp quản lý văn hóa, văn học nghệ thuật phải đủ “tâm” và “tầm” mới thể hiện được vai trò tổ chức, dẫn dắt, khích lệ đội ngũ văn nghệ sĩ say mê sáng tạo và cống hiến. Không nên để diễn ra tình trạng cán bộ quản lý văn hóa, văn học nghệ thuật có cái tâm thế “thua em kém chị” với mọi người vì “bị đặt” vào vị trí “khóa đuôi”.

Các chính sách về hỗ trợ đầu tư sáng tác (xây dựng bảo tàng, hệ thống thư viện cộng đồng, trường quay phim, xây dựng nhà hát cũng như mở trại sáng tác, tổ chức các triển lãm nghệ thuật, tập huấn nghiệp vụ, thâm nhập thực tế đời sống, tổ chức các cuộc thi, chế độ nhuận bút cho nhà văn, thù lao cho nghệ sĩ biểu diễn,...) tốt sẽ tạo nên tính “đồng bộ” của chính sách văn hóa hợp lý và khoa học. Chính sách đãi ngộ văn nghệ sĩ phải được cập nhật bằng những “thước đo” (tiêu chuẩn/ chế độ) mới phù hợp với tình hình thực tế để không xảy ra tình trạng lạc hậu, mất cân đối, thậm chí bất công giữa nghệ thuật công (Nhà nước) và nghệ thuật tư (thị trường tự do). Nếu không sẽ xảy ra tình trạng chảy máu chất xám, chảy máu tài năng như đã từng diễn ra trong các lĩnh vực khoa học, giáo dục, y tế.

Trong cơ chế, chính sách có tác dụng kích cầu phát triển bền vững văn hóa, văn học nghệ thuật hiện nay xuất hiện một động lực mới mang tính thời đại, dấu ấn của thị trường - xã hội hóa, như là một phương thức mới khi “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trong tình hình hiện nay, Nhà nước không thể bao cấp toàn bộ các hoạt động xã hội, trong đó có văn hóa, văn học nghệ thuật.

Một sự kiện gần đây gây chú ý của dư luận là không gian văn hóa “Làng văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam” (thuộc Sơn Tây, Hà Nội) với diện tích hơn 1500ha đang cần vốn để đầu tư nâng cấp và phát triển bền vững. Ban quản lý kêu gọi đầu tư đã 10 năm nay nhưng chưa có đơn vị nào “đủ gan” (chứ không phải không đủ nguồn lực tài chính) dám đầu tư vào địa chỉ văn hóa này. Bởi vì họ biết rõ đầu tư cho/ vào văn hóa là lâu dài, vì nó là của để dành, quà tặng tương lai chứ không phải “con gà đẻ trứng vàng” nhỡn tiền, cập thời vũ.

Từ đó, chúng ta có thể rút ra kết luận, riêng lĩnh vực khoa  học, văn hóa, văn học nghệ thuật và giáo dục thì sự “bảo hộ” của Nhà nước là rất cần thiết và quan trọng. Nhận thức thì ai cũng giác ngộ, sáng tỏ, thấm nhuần nhưng hành động thực tiễn thì luôn luôn bị muôn vàn rào cản. Đến mức như dân gian nói “Muốn mua giá điện rẻ thì lên tivi mà mua” (!?).

Tìm tiếng nói chung

Cơ chế, chính sách đến luật pháp đều do con người làm ra, vận hành nó vào thực tiễn đời sống để thu kết quả khả quan. Sở dĩ có tình trạng xuống cấp của văn hóa (và không riêng văn hóa), theo chúng tôi, vì chúng ta chưa tìm được “tiếng nói chung” trong hoạt động thực tiễn. Nói cách khác là chưa đạt đến tính hệ thốngtính đồng bộ giữa các cấp độ/ nhân tố vĩ mô và vi mô. Đường lối đúng nhưng chính sách (vận dụng đường lối) không sát sao, ứng nghiệm thì đường lối đôi khi chỉ ở “trên trời”. Đường lối và chính sách đúng nhưng người trực tiếp vận hành chưa đủ tâm và tầm cũng có thế gây nên hiệu quả không như mong muốn, chưa nói là hệ quả xấu. Chúng ta vẫn xác định thường xuyên “Văn học nghệ thuật là bộ phận quan trọng và tinh tế nhất của văn hóa”. Nhưng liệu chúng ta đã thấu suốt tính chất quan trọng và tinh tế của nó trong ứng xử thực tế. Hay là vẫn chưa hết lối quản lý và vận hành theo bình quân chủ nghĩa, hành chính trong quản lý văn học nghệ thuật, thậm chí coi nó, đánh đồng như bất cứ ngành nghề nào trong xã hội?!

Tuy nhiên, sự vật nào cũng có hai mặt của nó theo phép biện chứng. Nghĩa là, đường lối, cơ chế và chính sách văn hóa tốt nhưng người được thụ hưởng - ở đây muốn nói đến văn nghệ sĩ với tư cách chủ thể, không đủ lòng trung thành với lý tưởng nghệ thuật, không đủ sự kiên trì đồng hành cùng nghệ thuật để tự thường xuyên nâng cao trình độ tay nghề thì kết quả sẽ hạn chế khi người được hưởng ưu đãi đã bỏ mất cơ hội, lãng phí thời gian và tiền bạc, để kết thúc là “đứa con tinh thần” không thể ra đời. Đúng như dân gian tổng kết “có đi có lại mới toại lòng nhau”. Hiểu là người nghệ sĩ đồng thời với “nhận” là “cho”, bởi  “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Bùi Tùng Ảnh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nghiêm Diệp Chi – gương mặt trẻ tiêu biểu tỏa sáng từ học tập đến nghệ thuật

Nghiêm Diệp Chi – gương mặt trẻ tiêu biểu tỏa sáng từ học tập đến nghệ thuật

Sinh ngày 14/11/2010, Nghiêm Diệp Chi hiện nay đang là học sinh lớp 9D Trường THCS Lại Thượng, huyện Thạch Thất, Hà Nội, là một trong những gương mặt học sinh tiêu biểu trong phong trào văn hóa, nghệ thuật và hoạt động Đội. Với hàng loạt thành tích ấn tượng, Diệp Chi không chỉ nổi bật trong học tập mà cô bé còn trở thành niềm tự hào của nhà trường và địa phương.

Ca sĩ Hải Minh – câu chuyện về anh chàng kỹ sư xây dựng với niềm đam mê âm nhạc mãnh liệt

Ca sĩ Hải Minh – câu chuyện về anh chàng kỹ sư xây dựng với niềm đam mê âm nhạc mãnh liệt

Phạm Văn Hài, nghệ danh Hải Minh, không chỉ là một doanh nhân thành đạt mà còn là một giọng ca đầy đam mê với hành trình nghệ thuật đáng ngưỡng mộ. Sinh ngày 25/10/1971 tại thành phố Thái Nguyên, Hải Minh hiện là Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Thanh Sơn. Nhưng ẩn sau vai trò kỹ sư xây dựng là một tâm hồn nghệ sĩ với khát khao cống hiến cho âm nhạc.

Công tác văn hóa - văn nghệ năm 2024 có nhiều điểm sáng

Công tác văn hóa - văn nghệ năm 2024 có nhiều điểm sáng

Tại Hội nghị giao ban đánh giá công tác văn hóa - văn nghệ năm 2024; triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 diễn ra chiều 2/1, tại Hà Nội, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai đánh giá cao những kết quả đã đạt được của công tác văn hóa – văn nghệ trong năm 2024 và khẳng định đây là một năm có nhiều điểm sáng, có sự chuyển biến rõ nét từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo cho