Từ “chuyện tình ông đại tá”... đến chuyện tình người lính

Tôi biết Đại tá Phan Hữu Đại từ mùa khô năm 1967, khi ấy anh là chính ủy Binh trạm 32 - một binh trạm lớn nhất, chiến đấu trên địa bàn xung yếu nhất và bị không quân Mỹ đánh phá ác liệt nhất trên Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Anh Đại là một sĩ quan cao cấp Quân đội được đào tạo chính quy bài bản tại trường Đại học Quân - Chính mang tên I.Lê-nin (Liên Xô cũ). Trông anh rất phong độ, thông minh và quả cảm, đã chỉ huy Binh trạm chiến đấu hiệp đồng binh chủng, thực hiện vận chuyển một vạn tấn “hàng” mỗi tháng vượt Đường 9 Nam Lào để chi viện cho miền Nam. Binh trạm 32 của anh được tặng danh hiệu “Binh trạm vạn tấn”, được nhận lá cờ đầu của Bộ Tư lệnh Trường Sơn.

Năm 2000, khi tôi bắt đầu làm cuốn sách “Đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh” tôi có mời anh cộng tác. Trong quá trình cùng nhau sưu tầm tài liệu bổ sung cho cuốn sách, tôi thường xuyên tiếp cận và nghe anh kể những thiên tình sử rất đẹp về cuộc đời anh và những kỉ niệm sâu sắc về thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong một lần uống cà phê, tôi “tỉa” luôn: 

- Sắp ở tuổi 80 mà đôi mắt của Đại tá xem ra vẫn còn phong tình lắm! Thời trai trẻ chắc anh phải tạo ra “những tiếng sét” cho nhiều cô gái lắm nhỉ?

Anh cười mắt và “buông” ra một câu chậm rãi:

- Kể cũng không oan! Mối tình đầu của tôi ngay từ “trận” đầu tôi đã “đánh” thắng. Tôi là trai Quỳnh Đôi, trông cũng khá bắt mắt, đi bộ đội từ rất sớm. Mới ngoài hai mươi tuổi đã là cán bộ chỉ huy chiến đấu. Năm hai ba tuổi, từ mặt trận Mường Xén tôi bị thương rồi chuyển về làm cán bộ tuyên huấn của Cục Quân nhu - Khu IV. Với công việc này tôi thường xuyên đi giảng bài và nói chuyện thời sự ở các đơn vị. Nhân ngày Quốc tế lao động 1/5/1949, Ủy ban kháng chiến hành chính địa phương có đề nghị tôi diễn thuyết về “Cuộc cách mạng dân tộc và dân chủ” và trực tiếp đọc diễn văn khai mạc buổi lễ hôm ấy. Tôi nhận lời chuẩn bị kỹ càng và dõng dạc đọc bài diễn văn dài khá hấp dẫn. Những chỗ tôi cần nhấn mạnh và dừng lại phân tích đã được đồng bào đáp lại những tràng vỗ tay nồng nhiệt. Ở dưới đám đông tôi nghe rõ có nhiều tiếng thì thào khen ngợi “Anh bộ đội còn trẻ măng, thế mà giảng bài hay thật, nói giỏi thật”!

Trên đường về, tôi gặp ba cô gái trẻ, ăn mặc theo mốt thị thành nhìn tôi vẻ e lệ. Bọn họ nở nụ cười rồi gật đầu chào vẻ thán phục:

- Nghe anh nói chuyện hay lắm, chúng em rất thích! 

Nói rồi họ lại cười khúc khích, ý muốn gán ghép tôi với một cô nào trong đó, tiếp theo là tiếng đấm nhau thùm thụp. Tôi đoán thế và liều mạng vào đề luôn:

- Tôi nghe các cô nói tiếng Bắc Kỳ giọng rất hay, vậy quê ở tỉnh nào?

- Cả ba chúng em đều ở Hà Nội ạ.

- Ở tận Thủ đô Hà Nội mà vào tới đây kia à? Hiện giờ các cô công tác ở cơ quan nào?

- Chúng em ở xưởng may Quân đội ạ.

- Vậy là chúng ta cùng ở một cơ quan Cục Quân nhu cả. Chừng như đoán được ý nghĩ của tôi, một cô có giọng nói gợi cảm, chủ động giới thiệu:

- Em là Đỗ Quyên. Bên phải là chị em, tên là Đỗ Hạnh. Còn bên trái là Thu Huyền, mới mười bảy tuổi. Ái chà! “Gái mười bảy, bẻ gãy sừng trâu”! Tôi thầm nghĩ và tiếp:

- Tên các cô quá đẹp và cô nào cũng rất xinh. Vài ngày nữa tôi sẽ xuống giảng bài và chắc sẽ được hân hạnh gặp lại.

- Vậy, thế thì hay quá. Chúng em sẽ chờ anh xuống. Xin đừng sai hẹn đấy nhé.

Từ “chuyện tình ông đại tá”... đến chuyện tình người lính - 1

Minh họa: Lê Huy Quang

Một tuần sau mình được phân công xuống xưởng may để giảng bài. Bài giảng có tiêu đề “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”. Vừa bước vào hội trường tôi đã nhìn thấy ba cô gái đều nhoẻn miệng cười và gật đầu chào nhưng tôi phát hiện thấy ở Đỗ Quyên có ánh mắt nhìn rất thánh thiện, rạng rỡ trên khuôn mặt thanh tú và đôi má ửng hồng làm tôi xao xuyến. Cô chị tên là Đỗ Hạnh cũng rất xinh đẹp không kém nhưng thua Quyên ở nụ cười. Còn Thu Huyền cũng rất xinh đẹp nhưng không phải là đối tượng vì cô còn quá trẻ. Đại tôi chỉ coi Huyền như em gái mà thôi.

Rồi một hôm cậu Thanh, Quản đốc phân xưởng đến tôi chơi, sau khi trò chuyện tào lao với nhau, bỗng Thanh hỏi:

- Cậu Dũng (một tên gọi khác cảu Phan Hữu Đại) có người yêu chưa nhỉ? Nếu chưa mình sẽ giới thiệu cho.

- Ồ, mình còn trẻ, mới hai mươi ba tuổi, làm gì mà yêu đương sớm thế. Thật ra trong bụng, mình cũng thèm yêu bỏ mẹ nhưng cứ nói ra vẻ thế thôi, khi thấy cậu Thanh bắt đúng “mạch”, thì mình lại hỏi ngay:

Thế thì là ai vậy?

- Thanh thấy Quyên được lắm, cậu có muốn tiếp cận làm thân, Thanh sẽ tình nguyện làm môi giới cho. 

- Thì cũng cứ biết thế, mà cô Quyên còn quá trẻ, liệu cô ấy đã biết yêu chưa?

- Cậu nhầm to rồi! Những thiếu nữ khi má đã ửng hồng, dáng người nở nang, lại biết e lệ trước nam giới là người đó đã bắt đầu thích đàn ông rồi đấy. Nhất là cô ta lại là dân thị thành, có học thức, biết yêu sớm và lãng mạn là cái chắc. Tớ tin rằng cậu mạnh dạn “tấn công” là chắc thắng đấy!

- Thực ra tình yêu giữa mình với Quyên đã bắt đầu và cũng là mối tình đầu của mình nhưng mới chỉ là thinh thích, chứ chưa dám “vào đề” và cũng chưa có cơ hội để mà ngỏ lời.

- Thế là ổn rồi. Tuần sau xuống truyền đạt Nghị quyết cho đơn vị, sau khi kết thúc bài giảng sẽ được gặp Quyên tại phòng làm việc của mình nhé.

- Xin tuân lệnh! Mình giơ tay chào và ngoan ngoãn chấp hành như chấp hành mệnh lệnh quân sự ấy. 

Hôm sau xuống xí nghiệp giảng bài mình cứ thấy cô ta nhìn mình chằm chằm nhưng nhìn lâu sợ lộ nên đôi lúc cô nàng lại cúi xuống giả vờ hí hoáy viết mấy dòng vào sách cho có vẻ học tập nghiêm túc.

Kết thúc buổi học mình cố nán lại tiếp xúc qua quýt với một vài anh chị em nhưng nhìn quanh đã thấy Quyên biến mất. Mình vội vã đi về phòng Quản đốc Thanh đã thấy Quyên và quản đốc đang nói chuyện với nhau. Thanh mời Dũng ngồi và hỏi Quyên một cách rất tự nhiên:

- Hôm nay cô thấy anh Dũng giảng bài như thế nào?

- Dạ, anh Dũng giảng bài hay lắm ạ: Khúc triết, rõ ràng, có dẫn chứng cụ thể, sinh động và cũng dễ tiếp thu lắm ạ.

Dũng không ngờ trước nhận xét đường đột và chững chạc như một cô giáo lại được phát ngôn từ ở phía Quyên.

- Cảm ơn, em quá khen.

Nói vậy thôi, được lời như cởi tấm lòng, nhất là lời một cô gái thông minh xinh đẹp mà mình đang có ý định chinh phục. 

Quản đốc Thanh lại lanh lẹ quay sang hỏi mình:

- Còn học viên hôm nay ai là người chăm chú theo dõi và ghi chép kỹ càng nhất?

- Còn ai nữa. Thanh cứ hỏi cô Quyên khắc biết. 

Nghe Dũng nói đến mình, Quyên mặt đỏ, quay ngoắt sang hỏi Thanh:

- Hôm nay anh Thanh gọi em đến có việc gì đấy ạ?

- Việc gì à? Hôm nay người giao việc sẽ là anh Dũng chứ không phải tôi. 

Rõ chưa? Quyên biết là bị mắc lừa, một kịch bản dàn dựng khá tuyệt diệu và cũng rất hợp với “lòng dân chúng!”. Cả hai đều thầm cảm ơn quản đốc Thanh nhiệt tình, vô tư và tế nhị với bạn. 

- Bây giờ tôi có chút việc phải lên gặp cấp trên, hai bạn cứ tự nhiên coi như ở gia đình vậy. 

Nói rồi, quản đốc Thanh đội mũ ra ngoài đi “công tác”!

Lần này tôi thấy ở Quyên có nhiều nét mới. Quyên đẹp sắc sảo nhưng lại thùy mị. Đôi mắt thoáng nhìn đã thấy vẻ thơ mộng nhưng vẫn toát lên sự quyến rũ huyền diệu. Vẻ mặt hơi kiêu sa nhưng lại trung hậu. Cách ăn nói tế nhị của một con người có học nhưng lại chân thật. Quyên có thân hình nở nang với những đường cong tuyệt mỹ, toát lên một vẻ đẹp rất riêng của con gái thị thành. Tóm lại, nàng chẳng có một nhược điểm gì.

Như một dòng điện từ, tôi nhìn nàng chằm chằm như thôi miên, nàng ngước nhìn lên, bắt gặp cái nhìn của tôi, nàng nhìn tôi mỉm cười một cách kín đáo, tế nhị. Tôi đột ngột đưa ra câu hỏi xem nàng có nhận xét gì về mình. 

Sau khi đã bị chinh phục, nàng mới thú nhận:

- Em chỉ thấy ở anh một thanh niên tuấn tú, một cán bộ cách mạng có học thức, chững chạc, lanh lợi, cởi mở nhưng lại rất chân thành. Có nghĩa là trước mắt em, anh là một đối tượng lý tưởng, không có điểm gì để chê trách cả. 

Ngồi nhìn nhau mãi rồi cũng mất tự nhiên. Nói mãi rồi cũng bí chuyện nhưng rồi không hiểu sao tự nhiên mình lại thông minh hẳn lên. Chớp thời cơ đang tụng ca nhau, mình vào đề luôn:

- Quyên ạ. Quản đốc khuyên anh làm rể của xưởng. Nếu anh đồng ý, anh ta sẽ giới thiệu cho một cô thật xinh và duyên dáng nhất đơn vị. Ý Quyên thế nào? Nếu làm rể thì cô dâu sẽ là ai?

- Đó là chuyện tế nhị và quyền của anh, sao em dám can thiệp vào. Anh thích làm rể xưởng thì cứ việc, ai mà cấm được. Còn cô dâu là ai thì cái đó không tùy thuộc vào một người. Có khi mình muốn, họ lại không muốn mình thì sao đây. Anh muốn ai thì cứ hỏi họ sẽ khắc biết. 

Dũng nghe Quyên nói, anh thầm khen: Trông bề ngoài thì non nớt thế mà khôn trước tuổi. 

- Anh xin nói để em biết trước là anh phải nhờ đến đôi mắt tinh đời của em và sự giúp đỡ của em đấy. Nếu em “Bắn súng không nên, thì phải đền đạn” đấy nhé!

Quyên hiểu ngay cái ý bóng gió của Dũng và phản ứng thử xem thái độ của Dũng thế nào.

- Còn lâu nhé, có Tết em mới “đền đạn” anh Dũng ạ!

Tuy trả lời cứng thế thôi, chứ Dũng này đâu phải tay vừa. Thằng Dũng biết tỏng là Quyên đã mê tít Dũng ngay từ phút đầu tiên rồi. 

Câu chuyện tình của Đại tá Đại cứ mỗi ngày một dài thêm sau mỗi lần cùng nhau đi sưu tầm tài liệu, cùng ăn cơm và uống cà phê ngoài quán vắng. 

Chuyện tình anh kể trong sáng đến kỳ lạ và vô cùng hấp dẫn; cứ y như là trong tiểu thuyết ấy. Tôi nói với anh rằng tôi tiếc cho anh có những chuyện hay đến thế mà sao vẫn giấu kín trong lòng, không viết ra thành sách và đáng lẽ ra phải viết xong từ lâu rồi mới phải. 

Anh Đại cười rất hóm:

- Quả thực tôi rất muốn viết nhưng đã gần 80 tuổi rồi còn viết chuyện yêu đương tình cảm, sợ thiên hạ họ cười cho!

- Anh buồn cười thật. Có những nhà thơ, nhà văn chuyên nghiệp ở tuổi 90, sắp xuống lỗ rồi mà vẫn làm thơ tình, viết chuyện tình có sao đâu. Vấn đề là ở chỗ tác phẩm có hay không. Nếu hay mà tác giả của nó lại là ông già 80 thì người đời càng tâm phục khẩu phục chứ sao. 

Dân gian có câu:

“Bà già đã tám mươi tư

Ngồi trong cửa sổ viết thư ra ngoài”.

Anh phải viết ngay, viết ngay. Cuốn sách khi viết ra nhất định sẽ được đông đảo bạn đọc đón nhận. Anh nghe tôi, đừng bỏ phí tài sản quý giá ấy nhé.

Thế rồi anh viết thật.

Sau Tết Nguyên đán năm Thân 2003, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, anh thấy cần phải có một món quà tinh thần để mừng ngày lễ lớn và thế là anh bắt đầu cầm bút viết. Tuổi 80 nhưng anh viết một mạch cho đến ngày 25/4/2004 thì cuốn truyện ký mang tên “Chuyện tình người lính” hoàn thành. Anh đến gõ cửa nhà xuất bản Thanh niên, được nhiệt tình đón nhận. Cuốn “Chuyện tình người lính” của ông già Đại tá Phan Hữu Đại được Nhà xuất bản Thanh niên cho ra mắt bạn đọc đúng dịp kỉ niệm lần thứ 60 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam - năm 2004. 

Hoàng Kim Đáng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhiều điểm mới trong Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2024

Nhiều điểm mới trong Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2024

Lễ hội Hoa Phượng Đỏ của Hải Phòng 2024 được tổ chức với quy mô cấp thành phố gắn với Kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2024) và đón nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà của Uỷ ban Di sản thế giới UNESCO.

Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024: “Thăng Long – Hà Nội, Thủ đô quyến rũ”

Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024: “Thăng Long – Hà Nội, Thủ đô quyến rũ”

Lễ Hội Du Lịch Hà Nội năm 2024 hứa hẹn sẽ mang tới cho du khách và nhân dân địa phương những trải nghiệm đầy màu sắc cùng nội dung phong phú, đa dạng. Với nhiều lần tổ chức thành công, Lễ hội tập trung vào khai thác những giá trị độc đáo, đặc sắc của di tích, làng nghề, ẩm thực Hà Nội và các địa phương.