“Hai lần vượt Trường Sơn” và bản lĩnh của một nhà báo cách mạng

Tôi nhận được cuốn sách “Hai lần vượt Trường Sơn” của nhà báo Kim Toàn vào giữa tháng 6 năm 2023. Đối với tôi, đây là một quà tặng vô cùng đặc biệt và ý nghĩa. Nó là món quà của một nhà báo lão thành dành cho một nhà báo trẻ, nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Nó mang đến cho tôi sự ấm áp ân tình và những cảm xúc đặc biệt về một con người, một nhân cách sống mà từ lâu tôi kính trọng, ngưỡng mộ và yêu quý.

Là thế hệ sinh ra sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi chỉ biết đến chiến tranh qua những bài học lịch sử, những câu chuyện, những cuốn sách viết về các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của ông cha ta. Những cuốn sách cho chúng tôi hiểu về lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc mình, về sự cống hiến, hy sinh của biết bao thế hệ cha anh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc, ấm no của nhân dân, cho chúng tôi niềm tự hào về truyền thống tốt đẹp và hun đúc, vun đắp cho chúng tôi tình yêu đất nước, quê hương.

“Hai lần vượt Trường Sơn” và bản lĩnh của một nhà báo cách mạng - 1

Bìa cuốn sách “Hai lần vượt Trường Sơn” của nhà báo Kim Toàn.

Những cuốn sách của nhà báo Kim Toàn cũng nằm trong số đó. Ba cuốn trước ra mắt bạn đọc từ năm 2017 đến 2020 gồm: “Làm báo ở chiến trường - chuyện những người trong cuộc”, “Cánh chim nhỏ giữa sào huyệt địch” và “Viết trong lửa đạn” (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội). Có thể coi ba tác phẩm này là kho tư liệu quý giá, chân thực về cuộc chiến đấu chống Mỹ cam go của quân và dân ta trên chiến trường Nam Bộ những năm 1966 - 1974.

Đặc biệt, ba tác phẩm này giúp chúng tôi hiểu rõ hơn sự gian khổ, hy sinh cũng như trí tuệ, tài năng, bản lĩnh và ý chí kiên cường của những nhà báo - chiến sĩ cách mạng khi tác nghiệp trong vùng lửa đạn những năm tháng gian lao ấy.

“Hai lần vượt Trường Sơn” là cuốn sách thứ tư của nhà báo Kim Toàn về đề tài chiến tranh. Khác với ba tác phẩm trước, cuốn sách này là những ghi chép của ông về từng ngày hành quân trong cuộc trường chinh dọc theo chiều dài đất nước, trực tiếp tham gia tác nghiệp, chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Những sự kiện, nhân vật, cảm xúc mỗi ngày được ông ghi lại tỉ mỉ trong cuốn sổ nhỏ - bảo vật đối với một nhà báo như ông, mà đến cả số phận của cuốn sổ cũng là một câu chuyện ly kỳ.

Cuốn ghi chép ấy bắt đầu từ ngày 16/3/1966 và kết thúc vào ngày 23/3/1974, hơn 9 năm ròng, hai lần vượt Trường Sơn từ Bắc vào Nam rồi từ Nam ra Bắc, được tác giả chia thành 2 phần: Thăm thẳm Trường Sơn và Thênh thang Trường Sơn. Với vai trò là một nhà báo chiến trường, Kim Toàn cho chúng ta thấy, bằng bản lĩnh của nhà báo - chiến sĩ cách mạng, ông đã cùng các đồng đội của mình đối mặt, vượt qua những hiểm nguy, gian khổ, đã dấn thân và tận hiến cho Tổ quốc như thế nào.

“Hai lần vượt Trường Sơn” và bản lĩnh của một nhà báo cách mạng - 2

Bộ đội Trường Sơn. Ảnh tư liệu

Ghi chép trong “Hai lần vượt Trường Sơn” bắt đầu với những dòng tâm sự: “Thế là đã hơn nửa năm kể từ ngày mình rời thành phố Cảng quê hương lên tập trung tại Thủ đô…”. Cùng với việc ghi lại những thông tin để đánh dấu một sự kiện đặc biệt trong cuộc đời, Kim Toàn tường thuật lại diễn biến những hoạt động chính của ngày đặc biệt đó, ngày mà ông kết thúc “lớp báo chí đặc biệt” để đi B, ngày mà ông và đồng đội xác định sẽ “đương đầu trước khó khăn gian khổ, với quân thù hung bạo mà chưa biết ngày về”, là “sẽ phải hành quân trên chặng đường dài nhất, đến nơi xa nhất, thời gian đi lâu nhất, mang nhiều đồ lỉnh kỉnh nhất và phải sẵn sàng đối phó với nhiều tình huống phức tạp nhất”, đó là “tiền tuyến - miền đất đầy máu lửa”.

Dẫu biết trước là gian khổ, hy sinh, trong họ vẫn sục sôi khí thế và quyết tâm lên đường, họ cùng nhau hát vang bài ca “Giải phóng miền Nam” trong khí thế hào hùng. Bởi trong lòng họ, những người sắp rời quê hương để đến nơi sinh tử, lúc ấy chỉ tâm niệm có một điều “Dù thế nào chăng nữa, mình cũng cố gắng xứng đáng với sự tin cậy của Tổ quốc, của nhân dân, của gia đình và quê hương trong trận chiến này…”.

Giờ phút lên đường đến trong cảm xúc đan xen, giữa nỗi nhớ người thân, nhớ quê hương cuộn dâng trong lòng với tình yêu Tổ quốc và trọng trách được đặt trên vai, người chiến sĩ ấy nén lại nỗi nhớ và tình cảm riêng để tự nhủ với lòng mình: “Thôi, cần phải gác lại tình nhà, hướng tới phía trước - nơi có bao đồng bào đau khổ, bao đồng chí, đồng nghiệp giữa tiền phương đang ngày đêm trông đợi”. Đọc những dòng viết này của nhà báo Kim Toàn, tự dưng tôi thấy lòng mình thắt lại, những câu thơ trong Tống biệt hành của Thâm Tâm cứ vẳng lên trong tôi:

Đưa người, ta không đưa qua sông,

Sao có tiếng sóng ở trong lòng?

Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Đưa người ta chỉ đưa người ấy

Một giã gia đình, một dửng dưng...

- Ly khách! Ly khách!

Con đường nhỏ,

Chí lớn chưa về bàn tay không,

Thì không bao giờ nói trở lại!

Ba năm mẹ già cũng đừng mong!

… Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!

Mẹ thà coi như chiếc lá bay,

Chị thà coi như là hạt bụi,

Em thà coi như hơi rượu say.

Mang trong mình ý chí và lý tưởng cao đẹp của người làm cách mạng, những chàng trai, cô gái ấy đã lặng lẽ từ giã gia đình và quê hương, trong tâm khảm nén nỗi nhớ và những xúc cảm riêng tư mà lên đường trong bí mật, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu như thế! Với Kim Toàn, quãng thời gian ấy không phải là ba năm, mà đằng đẵng hơn chín năm trời.

Những dòng ghi chép cứ thế dẫn tôi đi dọc con đường hành quân của  Kim Toàn và đồng đội. Dọc con đường ấy, sự tàn phá của chiến tranh và tội ác của giặc Mỹ trên đất nước này được miêu tả thật rõ nét, khắp nơi đổ nát, hoang tàn. Đây là giai đoạn quân Mỹ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược, tiếp tục “leo thang” trong chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, dùng không quân bắn phá bừa bãi thành thị và nông thôn, phá hủy cả nhà thờ, đình chùa, trường học, bệnh viện, gieo biết bao đau thương tang tóc cho đồng bào ta. Để cắt đứt con đường và ngăn chặn mọi sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam, chúng sẵn sàng phá hoại, hủy diệt mọi sự sống.

Từng trang viết của nhà báo Kim Toàn trải ra cho tôi thấy hết thảy những khó khăn, gian khổ mà ông trải qua, sống động và chân thật đến vô cùng. Sau một tuần hành quân bằng xe cơ giới, đến tỉnh Quảng Bình, đoàn công tác phải rời xe, tiếp tục hành trình trên chính đôi chân của mình. Trên đầu là máy bay địch quần đảo, gầm rú suốt ngày đêm, sẵn sàng rải bom, chất độc hóa học xuống bất cứ lúc nào. Dưới đất là núi cao, sông sâu, vực thẳm vô cùng hiểm trở, là rừng thiêng nước độc, muỗi, vắt, rắn rết, thú dữ vây quanh, là biệt kích rình rập, là thời tiết khắc nghiệt, là thiếu thốn, đói khát, là bệnh tật và muôn vàn mối hiểm nguy.

Đoàn công tác vẫn đi, bất kể ngày đêm, miệt mài, cần mẫn và bền bỉ. Những giấc ngủ ngắn trên cánh võng giữa rừng, những nắm cơm nguội nuốt vội giữa những phút nghỉ chân, cả những lúc ban ngày phải hành quân gấp trên địa bàn hiểm trở đến không có thời gian để ăn, “suốt từ 8 giờ sáng cho đến tối chỉ có leo dốc và dốc”. Những bữa ăn giữa đêm tối mịt mùng, mò mẫm trong lớp vải mưa giữa rừng với nắm cơm nguội chấm muối; rồi những ngày lương thực chỉ có gạo chế biến luân phiên đủ món: cơm, cơm nhão, dở cơm dở cháo, cháo, cháo đặc rồi cháo loãng; những bữa ăn nấu vội với rau rừng, cả những khi ăn măng toàn tập, ròng rã nhiều ngày đến xót ruột…

Từng trang viết dẫn tôi chạm đến những cung bậc cảm xúc mà Kim Toàn trải qua trong từng ngày tháng, từng phút giây gian khó, cam go ấy. Tôi đã cảm thấy hồi hộp, lo lắng biết bao nhiêu khi ông bị trượt ngã gãy tay, bị sức ép của bom Mỹ hất văng xuống bờ vực, may mà vướng vào cành cây trên vách đá nên vẫn bảo toàn mạng sống.

Cả những khi ông bị đau bụng, bị lên cơn sốt rét, bị kiệt sức, ốm nặng, bị bệnh hiểm nghèo, chảy máu không rõ nguyên nhân, đau đớn, mê man đến mức ngất đi; đến cả khi ông nguy kịch trên giường bệnh, “cố vẫy Cao Tùng tới sát đầu giường và chủ động dặn rằng nếu rủi mình không về được…”, giây phút ấy, tôi chắc rằng, bất cứ ai đọc đến những dòng này đều cảm thấy nghèn nghẹn, rưng rưng. Ở nơi “thăm thẳm Trường Sơn” ấy, có rủi ro nào không thể xảy ra? Bởi thế cho nên, câu chuyện Cao Kim (Kim Toàn) từng một lần bị báo tử nhầm cũng không phải là hi hữu. 

Nhưng, tất cả những gian khổ ấy càng cho tôi thấy rõ hơn nghị lực của nhà báo - chiến sĩ Kim Toàn và đồng đội của ông. Họ đã vượt qua tất cả những gian lao thử thách bằng ý chí và nghị lực phi thường. Dù tay bị gãy, chân đau, dù sốt rét rừng liên miên, dù đói lả kiệt sức, ông và tất cả đồng đội vẫn tự mình mang đầy đủ quân tư trang lỉnh kỉnh, vẫn gắng sức đu dây vượt qua vách núi cheo leo, hay lội qua những lòng sông sâu, những con suối chảy xiết, mặc cho hai đầu gối tướp máu, chằng chịt những vết xước, vết cắt cứa của đá, của cây rừng, mỗi người đều luôn gắng sức theo sát đội hình để không làm chậm trễ, ảnh hưởng đến lịch trình chung của đoàn.

Tôi đã đồng cảm, đã bồi hồi xao xuyến trên những trang viết mà Kim Toàn bộc bạch, tâm tình về nỗi nhớ nhà, nhớ thành phố Cảng quê hương, nhớ những người thân yêu ruột thịt của mình. Giọt nước mắt đã rơi trên trang giấy ông viết cho con gái Kim Hoàn nhân ngày Tết thiếu nhi, hay những dòng ông viết về ngày đoàn tụ với gia đình sau 9 năm biền biệt mà ở đó, con trai Kim Sơn của ông, lần đầu tiên được gặp mặt cha kể từ khi chào đời, đã “chạy vọt ra, đứng nép ở góc phòng, vẻ sợ sệt” rồi mếu máo “Con hãi lắm!” khi được mẹ gọi vào với bố. Cậu bé 9 tuổi ấy rất sợ sệt, lạ lẫm trước một ông bố tiều tụy, “còm nhom, da dẻ nhăn nheo” chứ không đẹp đẽ và uy phong như cậu hằng tưởng tượng. Điều ấy đã khiến người cha và cả những người đọc đến trang ghi chép này đều “không cầm lòng được”.

Tôi đã thấy niềm lạc quan trong từng suy nghĩ, trong mọi hoàn cảnh của Kim Toàn và những đồng đội của ông. Đó là niềm tin mãnh liệt của bản thân mỗi người vào chiến thắng, vào một ngày không xa, đất nước hòa bình, nhân dân có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc. Đó là ước nguyện “công tác và chiến đấu thật tốt để xứng đáng với niềm tin yêu của Tổ quốc, của nhân dân, gia đình, đồng đội…”.

“Hai lần vượt Trường Sơn” và bản lĩnh của một nhà báo cách mạng - 3

Tác giả và nhà báo Kim Toàn

Qua những dòng tự sự ấy, tôi hiểu niềm tin và sự lạc quan chính là sức mạnh, là động lực hun đúc thêm quyết tâm để Kim Toàn và những đồng đội của ông vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, mất mát hy sinh để tiến về phía trước: “Mình đã nguyện trong lòng, dù khó khăn gian khổ đến mấy cũng cố gắng đi tới và quyết tâm không lùi bước”; “hãy cố gắng hết sức để vượt qua mọi thử thách, không hổ thẹn là người cầm bút và cầm súng nơi tuyến đầu Tổ quốc”. Lý tưởng của họ thật cao đẹp biết nhường nào!

Qua rất nhiều sự việc được trần thuật trong cuốn ghi chép này, tôi còn thấy hiện lên đậm nét tình yêu thương sâu đậm và chân thành giữa những người đồng chí, đồng đội cùng chung lý tưởng cao đẹp. Dọc đường hành quân và trên mọi mặt trận, họ đã luôn kề vai sát cánh bên nhau, nhường cơm sẻ áo cho nhau, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thậm chí nhường cả sự sống, hy sinh thân thể, tính mạng vì nhau. Đấy chính là những phẩm chất tốt đẹp và tính nhân văn cao cả của những người lính Cụ Hồ.

Tôi đã từng đọc nhiều cuốn nhật ký chiến tranh nổi tiếng như “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Mãi mãi tuổi hai mươi”, “Nhật ký Trình Văn Vũ”… Từng trang nhật ký nhuốm màu thời gian ấy làm hiện lên chân dung những con người cùng ký ức sống động của họ về những năm tháng chiến đấu gian khổ, bi tráng và hào hùng. Những con người quả cảm, kiên trung, đầy nhiệt huyết và khát vọng cống hiến ấy đã sống và chiến đấu, yêu thương trên mọi cung bậc cảm xúc của con người. Và ở đó, lý tưởng cách mạng và lòng yêu nước cứ ngời sáng, lan tỏa thành một thứ cảm xúc rất mạnh mẽ trong lòng người đọc.

Đọc “Hai lần vượt Trường Sơn”, những cảm xúc ấy lại một lần nữa cuộn lên mạnh mẽ trong tôi. Nhưng khác với những cuốn nhật ký mà tôi đã đọc, ở “Hai lần vượt Trường Sơn” của nhà báo Kim Toàn, tôi còn có thêm sự đồng cảm và tình yêu nghề nghiệp. Những trang viết trong cuốn sách này khiến tôi thấy tự hào hơn, yêu nghề nghiệp hiện tại của mình hơn. Tài năng, bản lĩnh, ý chí kiên cường của một nhà báo lão thành với hơn 60 năm làm nghề, trong đó có hàng chục năm vào sinh ra tử, xông pha nơi chiến tuyến, từng viết rất nhiều tin, bài và chụp hàng ngàn tấm ảnh thời sự quý giá từ mặt trận năm xưa, chính là một tấm gương sáng cho tôi soi vào đó mà rèn giũa, tiếp cho tôi thêm nguồn động lực và sức mạnh niềm tin mà phấn đấu mỗi ngày.

Tôi chắc chắn, với việc ghi chép tỉ mỉ và chân thực từng sự kiện, từng nhân vật, từng dòng cảm xúc, từng suy nghĩ, diễn biến tâm lý của chính mình ngay trong những tháng ngày lửa đạn gian lao ấy, Kim Toàn hẳn không thể tưởng tượng được rằng, chính những trang viết này đã khắc họa lên chân dung của ông một cách chân thực nhất với ý chí phi thường, bản lĩnh nghề nghiệp và nhân cách cao đẹp của một nhà báo - chiến sĩ cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ.

Cần gì phải tưởng tượng, hư cấu ở đâu xa, đây chẳng phải là một hình tượng nhân vật đẹp đẽ, tiêu biểu cho con người Hải Phòng trong giai đoạn đó hay sao? Một cuốn tiểu thuyết mà nhân vật chính là nhà báo Kim Toàn trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, thời kỳ hậu chiến và thời kỳ đổi mới, tại sao không?                 

Đặng Thị Thúy

Tin liên quan

Tin mới nhất

Bình chọn 10 sự kiện Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiêu biểu năm 2024

Bình chọn 10 sự kiện Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiêu biểu năm 2024

Tổ chức bình chọn 10 sự kiện Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiêu biểu năm 2024 là hoạt động nhằm đánh giá, tôn vinh các sự kiện tiêu biểu trên lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình. Thông qua bình chọn và công bố các sự kiện tiêu biểu góp phần tăng cường tuyên truyền, quảng bá các hoạt động của ngành ở trong nước và quốc tế; thúc đẩy sự phát triển trong tiến trình công nghi