“Vừa làm chuyên gia, vừa làm tiều phu” – những chiến sĩ thầm lặng dựng thủy lợi giữa rừng sâu đất Lào
Trong suốt một thập niên khói lửa (1965 - 1975), khi chiến tranh lan rộng khắp Đông Dương, có một mặt trận đặc biệt không tiếng súng nhưng không kém phần cam go, đó là công cuộc giúp bạn Lào xây dựng công trình thủy lợi. Những chuyên gia, kỹ sư, cố vấn Việt Nam đã lặng lẽ cống hiến giữa núi rừng hoang vu, vừa cầm bút đo đạc, vừa cầm cuốc, gùi đất như những người dân bản địa - những người "vừa làm chuyên gia, vừa làm tiều phu".
Thời kỳ 1965–1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại Việt Nam bước vào giai đoạn ác liệt. Cùng thời điểm đó, chiến trường Lào cũng trở thành địa bàn chiến lược với sự hiện diện ngày càng sâu của các thế lực ngoại bang. Trong cơn bão lịch sử đó, mối quan hệ đặc biệt Việt – Lào càng được thể hiện sâu sắc, không chỉ trong quân sự mà còn trong công cuộc xây dựng hạ tầng kinh tế, phục vụ cuộc sống nhân dân ngay giữa những ngày tháng gió lửa Đông Dương, và nhiệm vụ đặc biệt mang tên thủy lợi vẫn được đảm bảo.
Lào khi ấy là quốc gia nông nghiệp nghèo nàn, gần như không có hệ thống thủy lợi. Nhân dân sống dựa vào mùa mưa, canh tác thủ công, chịu nhiều rủi ro từ lũ lụt, hạn hán… Vùng căn cứ cách mạng của Pathet Lào nằm ở địa hình rừng núi, nước sạch và đất sản xuất đều khan hiếm. Trong hoàn cảnh ấy, xây dựng thủy lợi không chỉ là công việc dân sinh mà còn là yêu cầu chiến lược phục vụ đời sống, hậu cần, thậm chí là phòng thủ.
Đoàn cựu chuyên gia thủy lợi Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào giai đoạn 1965 - 1975 gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước.
Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã thống nhất triển khai các đoàn chuyên gia, cố vấn sang hỗ trợ nước Bạn. Họ là những lực lượng thực hiện hóa đường lối, chủ trương của Đảng giúp cách mạng Lào, đó là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, đòi hỏi không chỉ chuyên môn mà còn tinh thần sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ Quốc tế cao cả.
Nếu ai nghĩ rằng chuyên gia Việt Nam ở Lào chỉ cầm bản vẽ, ngồi văn phòng thì hoàn toàn sai. Ở giữa rừng sâu không điện, không máy móc, không đường sá, các chuyên gia, kỹ sư ấy đồng thời phải trở thành người lao động thực thụ: cuốc đất, vác đá, dựng lán, chặt tre, gánh nước... Nhiều người đùa gọi họ là "chuyên gia – tiều phu" cũng là vì thế, họ là những người mang nhiệm vụ kép, vừa là cố vấn, chuyên gia, vừa là người lao động chân tay như những nông phu khác.
Kỹ sư thủy lợi khi ấy không chỉ vẽ thiết kế mà còn trực tiếp đào từng đoạn mương, đắp từng bờ đập. Họ cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con các bản Lào, học tiếng Lào để giao tiếp, học phong tục để hòa đồng và đặc tôn trọng văn hóa nước bạn, tuyệt đối giữ gìn kỷ luật, giữ gìn danh tiếng. Có người chưa từng cầm cuốc nay học cày ruộng; người từng chỉ giảng dạy Đại học, nay đốt lửa nấu cơm, lo thuốc men cho đồng đội.
Mỗi ngày họ lao động từ tinh mơ tới tối mịt, giữa rừng sâu, họ ngủ lán tre, uống nước suối, sống cùng muỗi mòng, rắn rết. Dưới mưa bom, lửa đạn, thổ phỉ, mọi nguy hiểm rình rập, họ vẫn kiên trì bám đất, bám dân, xem việc giúp bạn như sứ mệnh của chính mình.
Trong vòng 10 năm, các đoàn chuyên gia Việt Nam đã góp phần xây dựng hàng chục công trình thủy lợi ở nhiều địa bàn chiến lược của Lào, ghi dấu ấn tình hữu nghị giữa hai nước như: Xiêng Khoảng, Sầm Nưa, Hủa Phăn: Những vùng núi hiểm trở nhưng là hậu phương lớn của cách mạng Lào. Tại đây, hàng chục kilômét mương dẫn nước được hình thành, phục vụ cả dân cư và lực lượng kháng chiến; Thà Khẹc (Khammouane): Đập tràn quy mô lớn được xây dựng hoàn toàn thủ công, có khả năng điều tiết lũ và cấp nước mùa khô, đảm bảo canh tác cho hàng trăm hecta ruộng; Attapeu, Sekong (Nam Lào): Khu vực có lực lượng Pathet Lào hoạt động mạnh, các hồ chứa, mương dẫn nước tại đây không chỉ phục vụ sản xuất mà còn trở thành căn cứ hậu cần, điểm tựa tiếp tế lương thực – nước sạch cho bộ đội.
Không chỉ xây dựng, các chuyên gia Việt Nam còn mở lớp đào tạo cán bộ thủy lợi cho bạn. Nhiều người trong số học viên ngày ấy sau này trở thành cán bộ nòng cốt ngành thủy lợi Lào hiện nay. Những công trình ấy không chỉ là thành quả lao động, mà còn là biểu tượng của tình hữu nghị hai nước Việt - Lào
Có những gian khổ không thể kể hết bằng lời. Nhiều chuyên gia Việt Nam bị sốt rét rừng hành hạ hàng tháng, không thuốc chữa. Có người vĩnh viễn nằm lại giữa rừng thiêng nước độc vì bom mìn, phục kích. Thời gian đầu, để có nước dùng ăn uống sinh hoạt, họ phải đi bộ xa nhiều km, có khi 4 người đi thì hy sinh 3, chỉ còn một người sống sót trở về. Có lúc gạo cạn, họ phải ăn bắp, ăn sắn, uống nước suối đỡ bữa. Những gian khổ thầm lặng đó ít ai có thể thấu hiểu. Thế nhưng, họ vẫn giữ vững tinh thần tích cực, vẫn cất tiếng hát trong những đêm lửa rừng leo lét, tiếng hát Việt – Lào quyện hòa, ấm áp tình đồng chí đồng đội. Người dân Lào nhớ về họ như người thân ruột thịt, những người không chỉ giúp đào mương mà còn dựng trường, mở lớp xóa mù, phổ biến kỹ thuật canh tác, trồng trọt, chăn nuôi…
Có người ở lại bản Lào nhiều năm, lấy vợ sinh con, gắn bó máu thịt với mảnh đất này như quê hương thứ hai của họ. Trong ký ức người dân bản, họ là thầy, là bạn, là người anh lớn, dù nay tên tuổi chẳng mấy ai biết đến.
Câu chuyện giúp Lào xây dựng thủy lợi là một trong những minh chứng sinh động cho tình đoàn kết quốc tế cao cả. Đó không chỉ là viện trợ vật chất, mà là sự sẻ chia máu thịt, đồng cam cộng khổ, cùng nhau vượt mọi khó khăn, hướng về một mục tiêu chung: độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân mỗi nước, những việc làm của họ đã gieo mầm cho hạt giống của tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt – Lào.
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Giúp bạn là tự giúp mình" đã trở thành tư tưởng chủ đạo, là kim chỉ nam xuyên suốt các hoạt động của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào. Các chuyên gia, cố vấn ấy không hề màng danh lợi. Họ chỉ mong những công trình mình dựng lên sẽ mãi chảy dòng nước ngọt lành phục vụ nhân dân nước bạn.
Và thực tế đã chứng minh: sau khi đất nước Lào hoàn toàn giải phóng (1975), hàng loạt công trình do chuyên gia Việt Nam góp công xây dựng vẫn tiếp tục vận hành, dòng nước từ đó nuôi sống bao thế hệ.
Ngày nay, khi nhắc đến những công trình thủy lợi ở Lào, ít người hình dung được rằng đã có một thế hệ "chuyên gia – tiều phu" Việt Nam từng đổ máu, mồ hôi để dựng lên bằng đôi tay trần.
Nhiều người trong số họ nay đã già, có người đã khuất. Nhưng tấm lòng và công lao của họ vẫn được nhân dân Lào khắc ghi. Nhiều địa phương đã lấy tên chuyên gia Việt Nam đặt cho công trình, trường học, tuyến đường. Trong các lễ hội hữu nghị, các tấm Huân chương, bằng khen của Nhà nước Lào vẫn được trao tặng như lời tri ân muộn màng nhưng chân thành.
Ngày 26, 27 tháng 4 năm 2025 vừa qua, hòa chung không khí cả nước long trọng chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). Đoàn cựu chuyên gia làm nhiệm vụ Quốc tế tại Lào giai đoạn 1965 – 1975 đã tổ chức cuộc gặp mặt thân mật, trong sự đón tiếp nồng hậu và chu đáo của gia đình Ông Trần Hậu Cường tại Bắc Ninh, gia đình ông Nguyễn Đăng Kháng tại Bắc Giang và gia đình ông Phạm Bá Luân tại Vĩnh Phúc. Cuộc hội ngộ diễn ra trong không khí ấm áp tình đồng chí đồng đội. Sau bao nhiêu năm xa cách, hôm nay những người may mắn còn sống họ tụ hội về đây, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa, thăm hỏi, động viên lẫn nhau trong cuộc sống và hát cho nhau nghe những bài hát truyền thống tình hữu nghị Việt - Lào, đánh thức những hồi ức một thời, khiến ai cũng rưng rưng niềm xúc động, cảm thương sâu sắc.
Câu chuyện về các chuyên gia Việt Nam giúp bạn Lào xây dựng công trình thủy lợi không chỉ là một phần của lịch sử, mà là bản anh hùng ca sống động về tình hữu nghị, về lòng quả cảm, về sự dấn thân không điều kiện.
Họ - những con người "vừa làm chuyên gia, vừa làm tiều phu" đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân nước bạn. Dẫu không có tượng đài, không có sách sử ghi chép đầy đủ, nhưng họ mãi là tượng đài bất tử trong tâm khảm của những người từng được họ giúp đỡ.
Và chính từ những dòng nước ngọt lành ấy, tình hữu nghị Việt - Lào tiếp tục chảy mãi, không ngừng nghỉ, như ngọn nguồn bất tận của tình người, tình nghĩa anh em Việt - Lào thủy chung son sắt.

Xốc ba lô lên vai, băng qua một con dốc nữa chúng tôi mới gặp được người để hỏi thăm. Ủy ban xã Phú Minh sơ tán về...
Bình luận