Khắc khoải mùa sim trổ hoa
Xốc ba lô lên vai, băng qua một con dốc nữa chúng tôi mới gặp được người để hỏi thăm. Ủy ban xã Phú Minh sơ tán về mấy nơi ở lẫn với dân. Cơ quan xã đội, nơi chúng tôi cần đến nằm phía bên kia triền đồi. Cả một vùng đồi bát úp bạt ngàn cây sim. Đúng mùa sim trổ hoa. Làn gió từ dòng sông Lô ngắt xanh trào lên khiến ngàn hoa rung rinh tím ngắt. Không hiểu vì cái mầu tím mê mải đầy ẩn ức của loại hoa đồng rừng này hay cảm giác nặng nề của nhiệm vụ mà lòng tôi bỗng dưng trĩu xuống. Một nỗi buồn se sắt len lỏi trong tâm trạng mỗi khi sắp phải đối diện với những người mà chúng tôi phải gặp, làm việc.
Đã mấy năm nay, tổ Di vật liệt sĩ của chúng tôi lặng lẽ tiến hành hàng trăm chuyến đi về mọi miền để làm bàn giao cho gia đình những người đã mất chút di vật ít ỏi mà liệt sĩ để lại. Có người còn đầy đủ tư trang, nhưng phần nhiều liệt sĩ chỉ đôi dép, cái mũ hoặc cuốn nhật ký thấm máu. Lần này chúng tôi về Phú Minh bàn giao di vật của liệt sĩ Phan Huy Thạnh. Tôi và Nga đặt ba lô xuống gò đất bên dưới tán một cây lụ già. Chưa kịp lau mồ hôi thì giật bắn mình. Một giọng đàn ông đã có tuổi khô khốc, đanh sắt cất lên:
- Các chị đi đâu mà dừng ở đây? Đề nghị cho tôi xem giấy tờ.
Khăn màu cỏ úa vắt vai, hai chân dạng ra kéo sệt trên mặt đất để ghìm đà chạy chiếc xe đạp Phượng hoàng cũ sơn mầu xanh lem nhem. Ông lão nhìn chúng tôi từ đầu đến chân đầy vẻ dò xét, cảnh giác. Lật ngược lật xuôi tờ công lệnh một lúc lâu, ông khoát tay nói cụt lủn:
- Mời các chị đi theo tôi.
Theo một con dốc nhỏ cheo leo ông dẫn chúng tôi đến căn nhà nhỏ nép sát dưới lùm cây trám rậm xùm xòa. Dựng xe bên cây rơm, ông vào bếp uống bát nước rồi hấp hả quay ra. Thay đổi cách xưng hô, giọng ông chùng xuống nhỏ nhẹ:
- Đây là nhà tôi. Hai đồng chí vào nghỉ cho đỡ mệt. Cũng đúng bữa trưa rồi. Bà nhà tôi thổi niêu cơm ù một cái là xong. Các đồng chí cứ tự nhiên. Tôi đi báo xã đội trưởng đến đón.
Chúng tôi còn đang ngơ ngác trước tình huống đột ngột này thì ông lão đã quay ngoắt chiếc xe đạp phóng vù ra cổng. Từ dưới bếp bác gái chủ nhà xách ấm nước chè tươi lên. Lúc này chúng tôi mới biết ông tên là Đức, trưởng xóm đồi. Vừa rót nước ra hai chiếc bát nông choèn choẹt, bác gái vừa than vãn:
- Đàn ông đàn ang đâu hết mà các cháu phải vất vả thế này.
Uống một hơi nước, tôi hỏi bác Đức gái:
- Bác ơi, khu tập thể công nhân ga Phú Minh cách đấy có xa không ạ?
- Ấy ngày trước thì còn khu tập thể nhưng bom nó ném tan cả rồi. Bây giờ các hộ công nhân cũng sống xen lẫn linh tinh với khu dân cư chúng tôi. Ngoài công việc ở nhà ga các gia đình công nhân cũng trồng trọt như nông dân cả thôi. À mà hai cháu về địa phương hẳn là để tuyển quân phải không?
Tôi và Nga nhìn nhau chưa biết trả lời bác Đức gái thế nào. May mà dường như bác hỏi cũng để cho có hỏi. Chưa dứt câu bác đã chống gối đứng dậy xuống bếp.
- Hai cháu ra giếng rửa mặt mũi chân tay cho nó mát rồi vào ăn trưa. Cơm dễ chừng cũng chín rồi đấy.
Vẫn còn khá ngỡ ngàng trước sự bất ngờ ngoài dự liệu của chuyến đi, nhưng hai chúng tôi vẫn răm rắp làm theo. Vả lại bác Đức cầm công lệnh giấy tờ của chúng tôi lên báo cáo với xã đã về đâu. Tôi thay đổi cách xưng hô:
- Chờ bác trai về cùng ăn chứ bác?
- Không. Ông ấy ăn cỗ bên hàng xóm rồi. Tôi cũng định ăn nhếu nháo cái gì cho xong bữa, nhưng may quá có hai cháu nên nổi lửa một tý. Cơm đồng rừng sẵn củi chả mấy mà chín. Nào ngồi xuống các cháu. Cứ tự nhiên nhá. Ăn cho no vào. Đi tầu từ đêm qua chắc đói lắm rồi. Nhớ ăn hết cho bác kẻo thừa chiều lại cơm nguội khó ăn lắm.
Minh họa của Ngô Xuân Khôi
Bác Đức gái vừa xới cơm cho chúng tôi vừa xuýt xoa động viên như đón con gái đi xa trở về. Chúng tôi cảm nhận sự ấm áp qua mỗi cử chỉ nhỏ nhất của bác. Vừa bưng bát cơm lên chưa kịp ăn bỗng ngoài sân một chị phụ nữ còn khá trẻ quần ống thấp ống cao hấp hả bổ nhào vào. Tay chị cầm chiếc nón lá cũng sơn mầu phòng không xanh xám. Gương mặt chị lúc như đỏ lên, lúc tái dại đi. Chị ngồi xuống thềm cửa. Tiếng hức đau đớn:
Bà ơi… Các chị ơi. Đau đớn thân em quá…
Bác Đức gái buông bát lập cập bước ra. Hai đứa chúng tôi cũng đặt bát cơm xuống mâm chưa hiểu chuyện gì.
- Có chuyện gì thế này hở mẹ cu Sơn… Hay bà cụ bên nhà thế nào rồi?
Chị ôm chầm lấy bác Đức gái:
- Bà ơi. Con đã linh cảm chuyện này từ dạo có tin đồn rồi mà. Đau đớn quá bà ơi. Mẹ con lại đang ốm nặng. Nếu biết tin này mẹ con chết mất bà ơi.
Tôi ngồi chết trân nhìn cái Nga. Những lời rên rẩm của thiếu phụ hình như có liên quan đến sự có mặt của chúng tôi lúc này. Qua giới thiệu của bác Đức gái tôi biết tên chị là Oanh vợ liệt sĩ Thạnh mà chúng tôi có nhiệm vụ về bàn giao di vật. Bác Đức trai chính là chú ruột của liệt sĩ Thạnh. Mấy tháng trước trong dân rộ lên tin đồn anh Thạnh chồng chị Oanh đã hy sinh từ năm ngoái. Sự có mặt của chúng tôi chính thức khẳng định nỗi mất mát to lớn đó của gia đình bác đặc biệt là chị Oanh. Một tình huống ngoài dự liệu. Chắc bác Đức đã báo tin cho chị Oanh. Chị chìa hai cánh tay run rẩy về phía chúng tôi:
- Em van hai chị. Xin các chị đừng cho mẹ em biết chuyện vào lúc này. Mẹ em chết mất. Trời ơi khổ thân con thế này…
Chúng tôi mỗi đứa một bên dìu chị Oanh đứng dậy. Mẹ chồng chị Oanh đang ốm nặng. Anh Thạnh là con trai duy nhất. Những ngày này bà cụ chỉ một niềm mong mỏi duy nhất được nhìn thấy mặt con trai trước khi nhắm mắt. Ít nhất là biết tin con trai khỏe mạnh, một lá thư gửi về chẳng hạn.
Công việc bàn giao di vật liệt sĩ của chúng tôi không nặng nhọc, gian khổ nhưng luôn phải đối mặt với biết bao tình huống khó xử, đau buồn và day dứt. Biết rõ tình cảnh của chị Oanh tự nhiên tôi cảm thấy mình như người có lỗi. Tôi và Nga vừa vỗ về chị vừa lau nước mắt mình cũng đang lã chã tuôn theo. Hai đứa tôi còn quá trẻ, chưa có gia đình để thấu cảm nỗi đau của người vợ mất chồng. Chúng tôi chỉ tưởng tượng theo sự hiểu biết của mình, chỉ cảm thông với nỗi đau ấy chứ không thể biết nó vò xé tâm can đến mức nào. Bên cạnh nỗi đau mất chồng, chị Oanh còn lo sợ cho sức khỏe của mẹ chồng. Làm sao để bà cụ không phải đau đớn trước lúc nhắm mắt xuôi tay. Không ai được phép làm cho bà cụ phải chịu nỗi đau quá lớn như thế. Nếu số trời đã hết, chị cầu mong mẹ được ra đi trong thanh thản. Mẹ ra đi đem theo hy vọng con trai mẹ sẽ trở về và có cuộc sống hạnh phúc.
Bác Đức trai và hai cán bộ xã Phú Minh đến giữa lúc chúng tôi chưa biết xử lý câu chuyện bất ngờ này như thế nào. Không còn phải úp mở giấu diếm gì nữa, sau khi nghe chúng tôi trình bày nội dung nhiệm vụ, ông xã đội trưởng giới thiệu về gia đình chị Oanh, mối quan hệ giữa chị và gia đình bác Đức và đề nghị chúng tôi bàn giao di vật của liệt sĩ Thạnh ngay tại nhà bác trước sự chứng kiến của xã và gia đình. Việc báo tử và làm lễ truy điệu do xã tiến hành vào lúc tình hình địa phương thuận lợi nhất. Xã và gia đình muốn mọi thông tin về liệt sĩ Thạnh lúc này cần giữ kín. Bệnh tình của mẹ anh Thạnh rất nguy kịch, chắc cũng chỉ ngày một ngày hai mà thôi.
Việc bàn giao di vật tuy có tình huống bất ngờ nhưng cuối cùng cũng hoàn thành. Chúng tôi lần nữa có lời chia buồn với chị Oanh và gia đình bác Đức. Chờ đến tối chúng tôi sẽ theo tầu ngược Tuyên Quang.
Nghe chúng tôi nói, bác Đức và hai cán bộ xã Phú Minh nháy nhau ra sân hội ý. Một lúc sau họ vào nhà. Vị phó chủ tịch phụ trách khối văn xã đến bên hai đứa chúng tôi. Ông ta tỏ ra ngần ngừ một lúc rồi cũng nói ra ý kiến của mình:
- Thưa hai đồng chí. Chả là địa phương và gia đình liệt sĩ Thạnh muốn được lưu hai đồng chí nghỉ lại địa phương đêm nay.
Chưa hiểu có chuyện gì trong lời yêu cầu lạ lùng đó của đại diện xã, tôi nhìn cái Nga thăm dò. Ông phó chủ tịch liền nói luôn:
- Sự thể là thế này hai đồng chí ạ. Ngoài trường hợp chồng chị Oanh, xã chúng tôi còn hai liệt sĩ nữa chưa tiện báo tử vào thời gian này. Tuy thế tin đồn vẫn ngày đêm luẩn quẩn trong người dân. Ngoài trách nhiệm của chính quyền, gia đình người thân của liệt sĩ Thạnh cũng phải nén chặt nỗi đau trong lòng. Phải thể hiện bình thường trước con mắt bà con chòm xóm. Nhưng chúng tôi biết, với chị Oanh đêm nay sẽ là một đêm vô cùng đau xót, nặng nề. Mẹ chồng thì đang trong tình trạng như thế. Chúng tôi nghĩ rất cần có người bên cạnh chị Oanh đêm nay. Bạn bè, các cháu gái có thể động viên an ủi nhưng rồi chuyện cũng dễ lộ ra. Hai đồng chí có thể cho lời đề nghị của chúng tôi là trái khoáy, kỳ quặc, nhưng quả thật chúng tôi muốn cầu xin nhờ cậy hai đồng chí đêm nay ở lại làm bạn với chị Oanh qua giây phút yếu lòng nhất này.
Đúng là hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Tình huống mà chúng tôi chưa từng gặp phải ngay cả mường tượng ra trong suốt những năm tháng làm công việc này. Thần người một lúc tôi nháy Nga ra sân. Bao nhiêu ánh mắt khắc khổ, cầu xin của mấy cán bộ xã và vợ chồng bác Đức đuổi theo chúng tôi. Hai đứa nhìn nhau ái ngại nhưng rồi cả Nga và tôi đều hiểu đây cũng là một việc nghĩa mà chúng tôi không thể chối từ.
Căn nhà chị Oanh nằm lọt thỏm trong xóm ga. Mẹ chồng chị đang ở nhà chị gái anh Thạnh cách đó không xa. Trước đây bà cụ ở với chị nhưng từ khi máy bay đánh phá đường sắt và nhà ga ngày một nhiều, chị gái anh Thạnh đón cụ về chăm sóc. Hàng ngày chị Oanh chạy đi chạy lại hai nơi. Đứa con trai duy nhất của anh chị cũng gửi về bên chị gái chồng. Đúng như tâm sự của ông cán bộ xã, lúc này chị Oanh không chỉ phải tỏ ra cứng cỏi để chăm sóc mẹ chồng mà còn cần thể hiện thái độ cư xử trước nỗi đau trong tình hình địa phương lúc đó để bà con nhìn vào. Đêm ấy, tôi và Nga chuẩn bị tâm thế trò chuyện an ủi chị, nhưng rồi chúng tôi chẳng phải cố gắng gì nhiều. Chị Oanh tỏ ra rất bình tĩnh. Chúng tôi biết chị đang nén nỗi đau lại. Chị chủ động hỏi thăm và quan tâm đến chúng tôi như người chị gái.
Rì rầm trò chuyện đến khuya, chị kể về mối tình của mình với anh Thạnh. Giọng chị nhẹ nhàng ấm áp như đang thủ thỉ trò chuyện với chồng. Câu chuyện tình của họ thật đẹp, thật hào sảng của lớp thanh niên thời chống Mỹ khiến tôi cũng cảm thấy lâng lâng hạnh phúc. Giọng chị phảng phất những kỷ niệm dường như còn tươi rói của năm tháng đó
Quê gốc chị bên kia sông Lô. Nơi ấy không có đường sắt chạy qua. Nhưng không biết từ bao giờ nhà ga, con tầu và những chuyến ngược xuôi của nó từ bờ bên này đã gắn bó thân thiết với người xóm bãi quê chị. Ngày còn thơ bé, những chiều ngồi trên lưng trâu, những đêm đi chơi lang thang trên bãi cát mỗi khi đoàn tầu như con bọ cuốn chiếu khổng lồ chạy băng băng sáng rực trong đêm chị thấy nó thật hấp dẫn, bí hiểm. Cái xóm bãi quê chị không nhà nào có đồng hồ. Giờ tầu chạy, tiếng còi tầu ngân nga trở thành khoảnh khắc thời gian giữ nhịp cho cuộc sống. Giờ ngủ dậy, giờ ăn cơm, trẻ con tan học, cữ ra đồng, tan chợ… đều dựa vào tiếng còi tầu làm chuẩn. Và cũng từ cái ga nhỏ Phú Minh này mở ra cánh cửa duy nhất cho người quê chị đi xa về gần. Biết bao sự kiện lớn trong đời của cư dân hai bên triền sông đều được nhà ga và con tầu chứng kiến. Nón trắng sang đò đi làm dâu, rồi tiễn người ra trận, người đi học… đều lấy cái nhà ga thân thương làm điểm hẹn. Với chị Oanh tình yêu của chị cũng bắt đầu từ nhà ga Phú Minh.
- Ngày ấy bom Mỹ bắt đầu tập trung đánh vào hệ thống đường sắt. Các gia đình sống gần ga đều phải sơ tán. Thay vào đó là trận địa pháo cao xạ phối hợp với các ụ chiến đấu của dân quân tự vệ mọc lên.
- Và chị gặp anh Thạnh ngày ấy? - Tôi hỏi chen ngang.
- Vâng. Mình thuộc đơn vị dân quân xóm bãi. Còn anh Thạnh là tiểu đội trưởng trận địa phòng không của dân quân xóm Đồi.
- Giây phút đầu gặp nhau thế nào chắc đẹp lắm.
- Thì cũng như bao cặp trai gái khác thôi…
Rủ rỉ trong đêm, chị đang sống lại với câu chuyện tình thật đẹp của hai người. “Mình bất ngờ biết tình cảm của anh Thạnh với mình vào một buổi tối họp xong, anh lén nhét vào tay mình một tờ giấy. Trong đó anh vẽ một bó hoa sim mầu tím hồng rất đẹp. Lời đề tặng thật giản dị: “Tặng Hoàng Oanh. Tôi Lê Thạnh”. Tim mình đập rộn lên. Lần đầu tiên trong đời một người con trai để ý đến mình. Nét vẽ bay bướm và những con chữ rất đẹp. Tình cảm của bọn mình cứ dần dà và lặng thầm như thế. Chưa hẳn là yêu, nhưng quý mến thân thương. Nửa năm sau mình mới chính thức nhận lời anh. Đó là một ngày đặc biệt. Máy bay Mỹ tập trung mấy chục chiếc đánh phá ác liệt vào ga Phú Minh và cầu Giang Hạc. Một trái bom rơi trúng trận địa pháo 37 ly. Ba chiến sĩ hy sinh, số còn lại đều bị thương vì mảnh bom và sức ép. Ụ chiến đấu của mình cách khẩu pháo gần trăm mét cũng bị hất văng. Mình ngất lịm. Lúc tỉnh dậy thấy đang nằm trong lán cấp cứu. Một bóng người trùm lên khoảng sáng trước mắt. Lơ mơ một lúc mới nhận ra đó là anh Thạnh. Nét mặt anh đầy lo lắng và đang nắm chặt tay mình. Thấy mình tỉnh lại, anh nở nụ cười vui sướng nhưng đôi mắt long lanh ngấn lệ. Sau này cái Điệp đứa bạn thân trong tổ chiến đấu bảo: “Mày không biết à. Lúc tìm được mày nằm bất tỉnh anh Thạnh bế mày chạy hấp hả về đội cấp cứu. Miệng anh ấy cứ hức lên rằng yêu mày. Yêu mà chưa dám nói. Cầu xin trời Phật đừng bắt mày phải chết…”.
- Vậy hai anh chị về với nhau năm nào ạ?
- Mình sang đò làm dâu xóm Đồi này vào mùa xuân 1967.
- Lúc ấy anh Thạnh đã nhập ngũ chưa chị?
- Chưa. Ở với nhau được hơn một năm thì anh đi. Sau đợt huấn luyện tân binh, anh về thăm nhà một tuần rồi vượt Trường Sơn từ đó.
Có lẽ đó là những tháng ngày hạnh phúc đáng nhớ nhất của vợ chồng chị Oanh. Trong câu chuyện đẫm nước mắt về người chồng đã bỏ chị ra đi, thỉnh thoảng chị vẫn nhắc đến “cái đêm ấy”. Cái đêm ấy là đêm cuối cùng anh ở bên chị. Trời khá oi bức. Anh trằn trọc khó ngủ. Cu Sơn đã ngon giấc. Cái dáng nằm mang đặc sệt dáng vẻ mạnh mẽ xen chút ngang tàng của bố. Anh khẽ khàng giúp con nằm ngay ngắn lại và đẩy dịch nó vào phía trong rồi lần tìm tay chị. Kéo chị vào lòng. Chị ngợp trong hơi thở nồng nàn mạnh mẽ của anh. Đến lúc bàn tay anh ôm ghì tấm lưng trần run rẩy của chị, ấp mặt vào miền ngực nhễ nhại của chị, chị mới cảm thấy hết nỗi lo sợ buồn thương của cuộc chia tay sắp tới. Nước mắt lặng lẽ chảy, chị không dám khóc to sợ anh buồn, chị không muốn anh mang theo trong lòng tâm trạng nặng nề khi xa vợ con. Đến lúc anh chìm vào giấc ngủ, chị ngồi dậy quạt cho anh tới sáng. Ngày mai anh dấn thân vào nơi hòn tên mũi đạn. Chị cứ lặng lẽ ngắm anh và lau nước mắt trong đêm cuối cùng bên chồng...
Tiếng gà rừng như mơ như thật vọng lên trong khoảnh khắc bình minh xóm Đồi khiến tôi chợt bừng tỉnh. Tôi đã thiếp đi từ lúc nào mà không biết. Quờ tay ra phía ngoài nơi chị Oanh nằm. Trống trơn, lạnh tanh. Tôi hốt hoảng vùng dậy. Lay cái Nga:
- Dậy mau. Chị Oanh đi đâu rồi mày ơi.
Trời vẫn còn tối, nhìn chưa rõ mặt người. Căn nhà chị Oanh không quá rộng lúc này trở nên trống hoác. Cách khoảng sân trước là căn bếp nhỏ. Hai đứa chúng tôi lò dò mở cửa. Ánh lửa le lói hắt ra qua khe liếp. Chị Oanh ngồi như hóa đá. Ngọn lửa bập bùng hắt bóng chị lừng lững trên vách. Bên cạnh chị là chiếc ba lô của anh Thạnh. Nhìn cảnh đó hai đứa chúng tôi không dám bước tiếp. Giây phút này chị đang trò chuyện cùng anh, giao hòa cùng anh. Tấm lưng son trẻ của chị rung lên đầy tức tưởi.
*
Hơn chục năm sau tôi mới có dịp trở lại xóm Đồi. Đúng mùa sim trổ hoa. Những triền đồi nối nhau phủ mầu tím ngắt rung rinh trong nắng sớm. Khu dân cư đã khác xưa nhiều lắm. Đường đi lối lại thênh thang. Nhiều nhà cao tầng sơn mầu vàng ruộm. Ga Phú Minh được xây lại thật bề thế. Nhưng con dốc dẫn vào nhà chị Oanh vẫn như xưa. Một ngôi nhà nhỏ hai tầng đứng trên nền nhà cấp bốn cũ. Cái giếng thơi ngày nào vẫn còn được giữ như một kỷ niệm đẹp. Cần múc nước bằng thân cây tre già cao chỏng lên. Bóng một người phụ nữ trung tuổi đang lúi húi bên giếng. Tôi cất tiếng gọi:
- Chị Oanh.
Chị giật mình. Một giây lặng đi. Gầu nước kéo lên nửa chừng buông rơi. Cần kéo nước vụt chúi xuống. Tiếng va đập của chiếc gầu bằng cao su và sợi dây xích vào thành giếng vọng lên nặng nề chát chúa. Chị Oanh quay lại. Gương mặt chị đã hiện ra những vết rạn chân chim. Nét khắc khổ hiện rõ hai bên khóe mắt. Đám chân tóc trước trán bắt đầu ánh bạc. Đôi môi chị lập bập:
- Trời ơi... dì Doãn. Mười mấy năm trời biền biệt.
Đôi tay chị giơ về phía tôi. Chị nhào tới ôm chầm tôi. Nhòa nhợt nước mắt. Chị khóc. Tôi cũng khóc. Tiếng tôi bẹt đi:
- Chị già đi nhanh quá...
Ba ngày ở lại xóm đồi thăm chị Oanh tôi được biết những gì sau cái đêm chúng tôi ở lại động viên chị. Bà cụ mẹ anh Thạnh mất sau đó ít hôm. Cụ ra đi trong sự nhung nhớ con trai nhưng thanh thản. Nghị lực của chị đã giúp cụ bớt đau đớn rất nhiều. Chị Oanh ở vậy thờ chồng nuôi con. Đã có biết bao người đàn ông muốn gá nghĩa với chị nhưng chị một mực từ chối. Cu Sơn đứa con trai duy nhất của chị với anh Thạnh đã phương trưởng đang đi du học nước ngoài. Trong câu chuyện của hai chị em tôi lần về thăm này, dù chị Oanh không nói ra nhưng tôi linh cảm như chị vẫn đang chờ đợi một điều gì. Kỷ niệm về người chồng thân yêu vẫn được chị nhắc đến hàng ngày. Dường như anh vẫn sống bên chị. Anh chỉ vừa đi đâu đó thôi. Hơi thở và bóng dáng của anh vẫn ấm trong căn nhà và cuộc đời chị.
Tầu chầm chậm chuyển bánh. Chị Oanh đứng trên sân ga tiễn tôi. Bàn tay giơ cao vẫy mãi. Ánh chiều đổ xuống sân hắt bóng mọi vật vươn dài. Mắt tôi cay cay. Tôi tì má vào cửa kính nhìn thôi miên hình dáng chị. Một giây sững sờ. Bóng chị như một tượng đài vọng phu lồng lộng trên triền đồi hoa sim tím ngắt.

Chị mải miết đi như thế, dưới nắng xanh trong của trời Quảng Trị. Những mảng mây rất nhẹ, trôi trên đầu, không đủ...
Bình luận