Trẻ chưa một lần nói "con yêu bố mẹ", lý do đằng sau khiến ai cũng đau lòng

Những đứa trẻ lớn lên với một trái tim trống rỗng thường gặp khó khăn trong việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ lành mạnh.

Trong xã hội hiện đại, chúng ta thường đặt ra những kỳ vọng cao cho trẻ, từ chuyện học hành đến việc trở thành những người có trách nhiệm. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là nhiều trẻ em ngoan ngoãn, học giỏi lại không bao giờ thể hiện tình cảm với bố mẹ, dẫn đến việc lớn lên trở thành người cô đơn, xa cách gia đình. 

Trong nhiều gia đình, việc thể hiện tình cảm thường không được coi trọng. Bố mẹ có thể bận rộn với công việc, ít dành thời gian cho con cái, hoặc đơn giản là không biết cách thể hiện tình yêu thương. Trẻ lớn lên trong môi trường này thường không có cơ hội học hỏi cách nói "Con yêu bố mẹ".

Khi lớn lên, những trẻ có thể trở thành những người trưởng thành thành công nhưng lại thiếu cảm xúc. Mặc dù trẻ có nhiều bạn bè, thành công trong sự nghiệp, nhưng trong sâu thẳm, dễ cảm thấy trống rỗng. Sự thiếu hụt tình cảm có thể dẫn đến những vấn đề tâm lý như lo âu và khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ.

Trẻ chưa một lần nói "con yêu bố mẹ", lý do đằng sau khiến ai cũng đau lòng - 1

Ảnh minh họa.

Vì vậy, bố mẹ cần tạo ra một môi trường an toàn để trẻ có thể chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình. Đồng thời, bố mẹ nên thể hiện tình yêu thương với con rõ ràng. Những câu nói đơn giản như "Mẹ yêu con" hay "Bố tự hào về con" có thể tạo ra sự kết nối mạnh mẽ và giúp trẻ cảm thấy được yêu thương.

Những đứa trẻ ngoan ngoãn, học giỏi nhưng không bao giờ nói "Con yêu bố mẹ" có lẽ đang sống một cuộc sống thiếu thốn về mặt cảm xúc, vậy nên dễ đối mặt với nhiều khó khăn trong tương lai. Vì vậy, bố mẹ nên giúp trẻ phát triển một trái tim trọn vẹn, đầy yêu thương và kết nối với những người xung quanh tốt hơn. 

Trẻ chưa một lần nói "con yêu bố mẹ", lý do đằng sau khiến ai cũng đau lòng - 2

Chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi.

Trẻ chưa một lần nói "con yêu bố mẹ", lý do đằng sau khiến ai cũng đau lòng - 3

Theo định nghĩa truyền thống đứa trẻ ngoan là biết nghe lời, lễ phép, chăm chỉ học hành... nhưng trẻ dần trở nên xa cách bố mẹ, chưa bao giờ nói những câu yêu thương, theo chuyên gia nguyên nhân vì sao? 

Việc một đứa trẻ lớn lên ngoan ngoãn, học giỏi nhưng không thể hiện tình cảm với bố mẹ, đặc biệt là không nói những lời yêu thương, thường bắt nguồn từ cách chúng ta nuôi dạy và tạo dựng mối quan hệ cảm xúc trong gia đình.

Ở nhiều gia đình, đặc biệt trong văn hoá Á Đông, “ngoan” thường được hiểu là biết vâng lời, không gây phiền phức, học hành giỏi giang, lễ phép với người lớn. Tuy nhiên, điều này đôi khi đồng nghĩa với việc đứa trẻ phải kìm nén cảm xúc, không được khuyến khích thể hiện nhu cầu tình cảm hoặc bộc lộ suy nghĩ cá nhân. Trẻ học cách “đúng mực”, nhưng không học cách “gắn kết cảm xúc”.

Thêm vào đó, nếu bố mẹ quá tập trung vào thành tích, kỳ vọng và kỷ luật mà thiếu sự giao tiếp thân mật, thiếu việc nói và làm mẫu về tình yêu thương – như ôm con, nói “bố mẹ yêu con”, hoặc lắng nghe và chia sẻ cảm xúc – thì trẻ sẽ hình thành một kiểu gắn bó tránh né (avoidant attachment).

Khi đó, trẻ cảm thấy không an toàn khi thể hiện cảm xúc hoặc tin rằng những biểu đạt yêu thương là “không cần thiết” hay thậm chí yếu đuối.Cuối cùng, nếu bố mẹ cũng không nói “bố/mẹ yêu con” một cách tự nhiên, thì làm sao đứa trẻ học được cách bày tỏ điều đó? Trẻ em học qua quan sát, nên việc thiếu mẫu hình cảm xúc trong gia đình sẽ khiến trẻ dần thu mình, trở nên “lạnh cảm xúc” dù bề ngoài vẫn là một đứa trẻ “hoàn hảo”.

Trẻ chưa một lần nói "con yêu bố mẹ", lý do đằng sau khiến ai cũng đau lòng - 4

Tại sao việc nói "Con yêu bố mẹ" lại quan trọng đối với sự phát triển tâm lý của trẻ và mối quan hệ gia đình? 

Việc trẻ có thể nói “con yêu bố mẹ” – và rộng hơn là biết cách thể hiện tình cảm một cách chủ động – không chỉ là biểu hiện của tình yêu thương mà còn phản ánh sự phát triển lành mạnh về mặt cảm xúc, nhân cách và gắn bó an toàn trong gia đình.

Trước hết, về mặt tâm lý phát triển, khi trẻ có khả năng nhận diện và diễn đạt cảm xúc tích cực như yêu thương, biết ơn hay gắn bó, điều đó chứng tỏ trẻ đã có một mức độ trưởng thành trong trí tuệ cảm xúc (emotional intelligence) – một yếu tố nền tảng giúp trẻ phát triển các mối quan hệ xã hội tích cực và có khả năng điều hòa cảm xúc trong tương lai.

Thứ hai, hành động nói “con yêu bố mẹ” là một hình thức giao tiếp cảm xúc giúp duy trì và củng cố sự kết nối giữa bố mẹ và con cái.

Trong một mối quan hệ gia đình ấm áp, những lời yêu thương có tác dụng như “dòng máu nuôi dưỡng trái tim” – làm tăng cảm giác được yêu thương, an toàn và thuộc về. Từ đó, trẻ sẽ hình thành niềm tin căn bản vào giá trị bản thân và người khác, điều rất quan trọng để trẻ phát triển nhân cách vững vàng.

Ngược lại, khi trẻ không thể hiện cảm xúc, đặc biệt là những cảm xúc tích cực như tình yêu thương, điều đó có thể dẫn đến một mối quan hệ gia đình bị khuyết thiếu cảm xúc – nơi các thành viên sống bên nhau nhưng không thực sự kết nối, không cảm nhận được sự ấm áp, gần gũi.

Về lâu dài, trẻ có thể lớn lên với cảm giác trống rỗng, khó mở lòng, và không biết cách thể hiện tình cảm, do đó, trẻ có thể gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng những mối quan hệ thân mật sau này.Nói một cách đơn giản, lời “con yêu bố mẹ” không chỉ là ba từ ngắn gọn, mà là biểu hiện của một trái tim biết rung động, biết gắn bó và được nuôi dưỡng đúng cách từ trong gia đình. Và khi trái tim ấy biết yêu thương, nó sẽ không bao giờ rỗng.

Nhiều trẻ nói "Em rất thương bố mẹ, nhưng… em không nói ra được".. Theo chuyên gia, có phải tình yêu thương nếu không được nói ra sẽ trở thành thứ khô cứng? 

Đúng là nếu tình yêu thương không được thể hiện ra ngoài bằng lời nói, hành động hoặc sự gắn kết cảm xúc, thì theo thời gian, nó rất dễ trở nên mờ nhạt, xa cách và khô cứng – không chỉ trong cảm nhận của người được yêu thương, mà cả trong chính nội tâm người mang tình cảm ấy.

Khi một đứa trẻ nói “em thương bố mẹ nhưng không nói ra được”, đó là dấu hiệu cho thấy trẻ đang có một khoảng cách giữa cảm xúc bên trong và khả năng biểu đạt ra bên ngoài.

Sự đứt gãy này thường không tự nhiên mà xuất phát từ một môi trường không khuyến khích biểu lộ cảm xúc, hoặc thậm chí khiến trẻ sợ bị đánh giá, bị xem là “yếu đuối”, “sến sẩm” nếu bày tỏ tình yêu.

Về mặt tâm lý, tình cảm không được nói ra hoặc chia sẻ sẽ không có cơ hội được xác nhận, không tạo ra sự tương tác qua lại, và vì vậy không tạo ra kết nối thực sự giữa những tâm hồn. Trong một gia đình, nếu chỉ có sự hy sinh âm thầm mà thiếu lời nói yêu thương, thiếu cái ôm, ánh mắt, hay sự lắng nghe, thì tình cảm ấy dễ dần trở thành một thứ trách nhiệm im lặng thay vì một mối quan hệ giàu cảm xúc.

Tình yêu không nói ra vẫn có thể tồn tại, nhưng nếu không được bồi đắp và nuôi dưỡng, nó giống như một dòng nước chảy ngầm – âm ỉ, cô đơn, và dễ cạn kiệt.

Trẻ em – và cả người lớn – đều cần học cách “trao đi yêu thương” bằng nhiều cách khác nhau, từ lời nói như “con thương bố mẹ”, đến hành động chăm sóc, sự hiện diện, lắng nghe. Khi yêu thương được trao đi, nó không mất đi mà trở thành chất keo gắn kết các thành viên lại với nhau.

Vì vậy, biết thương nhưng không thể hiện – dù vì thói quen, tính cách hay văn hóa – vẫn là điều cần được tháo gỡ và chữa lành, để tình cảm trong gia đình không chỉ tồn tại, mà còn chạm tới nhau.

Trẻ chưa một lần nói "con yêu bố mẹ", lý do đằng sau khiến ai cũng đau lòng - 5

Làm thế nào để bố mẹ có thể nhận diện những dấu hiệu cho thấy trẻ đang gặp khó khăn trong việc thể hiện tình cảm?

Và bố mẹ nên bày tỏ tình yêu thương thế nào để trẻ học theo?Việc trẻ gặp khó khăn trong thể hiện tình cảm thường không dễ nhận ra, bởi nhiều em vẫn cư xử “đúng mực” theo tiêu chuẩn – ngoan ngoãn, học giỏi, vâng lời. Tuy nhiên, nếu bố mẹ quan sát kỹ, có thể nhận thấy những dấu hiệu tinh tế cho thấy con đang gặp rào cản trong biểu lộ cảm xúc.

Trẻ thường ít khi ôm bố mẹ, ngại thể hiện sự gần gũi về mặt thể chất, lúng túng khi được nói lời yêu thương hay khen ngợi. Chúng có xu hướng né tránh những cuộc trò chuyện liên quan đến cảm xúc, không biết cách diễn tả khi buồn, giận, hay xúc động. Một số trẻ chọn cách “yêu bằng hành động” như cố gắng học giỏi, tặng quà, làm việc chăm chỉ, nhưng lại không biết hoặc không dám nói lời yêu thương trực tiếp.

Lâu dần, những rào cản này khiến trẻ thu mình và khó xây dựng mối quan hệ gần gũi, kể cả trong gia đình.Để giúp trẻ học cách bày tỏ tình cảm, bố mẹ cần bắt đầu từ chính mình – bằng cách làm mẫu. Việc thường xuyên nói những lời yêu thương như “Bố/mẹ thương con”, “Bố/mẹ tự hào về con” không chỉ tạo ra sự ấm áp, mà còn dạy trẻ rằng cảm xúc là điều có thể – và nên – được thể hiện.

Ngoài lời nói, những hành động nhỏ như cái ôm, ánh mắt trìu mến, nắm tay đi chơi, kể chuyện trước giờ ngủ… đều là ngôn ngữ yêu thương mà trẻ cảm nhận sâu sắc. Đồng thời, bố mẹ cần thực hành lắng nghe con mà không phán xét. Khi trẻ chia sẻ cảm xúc – kể cả tiêu cực – điều quan trọng nhất là sự hiện diện và công nhận: “Mẹ hiểu là con đang buồn”, “Bố biết là hôm nay con thấy không vui”. Điều này tạo ra một không gian an toàn để trẻ tin rằng việc nói ra cảm xúc là điều được chấp nhận.

Ngoài ra, bố mẹ cần tôn trọng cá tính cảm xúc của từng đứa trẻ. Không phải trẻ nào cũng thích thể hiện tình cảm bằng lời nói, đặc biệt với những trẻ hướng nội. Thay vì ép buộc, hãy gợi mở bằng sự kiên trì và ấm áp. Khi trẻ có những biểu hiện tích cực, hãy khích lệ một cách tôn trọng, thay vì gán nhãn.

Nói “bố rất tự hào khi con biết quan tâm và chia sẻ” sẽ giúp trẻ cảm thấy được ghi nhận hơn là chê bai bằng những lời như “con trai gì mà mít ướt”. Tình yêu thương, nếu không được truyền ra và đón nhận, rất dễ trở nên khô cứng. Nhưng nếu bố mẹ biết cách “nói yêu” và “sống yêu”, trẻ sẽ dần học được cách mở lòng – trước tiên là với chính gia đình mình.

Thi Thi

Tin liên quan

Tin mới nhất

Hé lộ nguyên nhân gã khổng lồ công nghệ Microsoft tiếp tục cắt giảm 9.000 nhân sự toàn cầu

Hé lộ nguyên nhân gã khổng lồ công nghệ Microsoft tiếp tục cắt giảm 9.000 nhân sự toàn cầu

Microsoft vừa công bố đợt cắt giảm nhân sự thứ hai chỉ trong vòng hai tháng, với khoảng 9.000 người bị ảnh hưởng. Động thái này nằm trong chiến lược nâng cao hiệu quả hoạt động và tổ chức lại bộ máy, trong bối cảnh công ty đang đầu tư mạnh vào trí tuệ nhân tạo và hạ tầng điện toán đám mây.

Triển lãm 80 năm hành trình Độc lập - Tự do - Hạnh phúc phải bảo đảm các yêu cầu chất lượng, để lại ấn tượng mạnh mẽ

Triển lãm 80 năm hành trình Độc lập - Tự do - Hạnh phúc phải bảo đảm các yêu cầu chất lượng, để lại ấn tượng mạnh mẽ

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, Triển lãm 80 năm hành trình Độc lập - Tự do - Hạnh phúc phải đạt các yêu cầu chất lượng, đẳng cấp quốc tế; sau Triển lãm phải để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với người xem, không chỉ người dân trong nước mà còn cả đối với du khách quốc tế, theo Cổng Thông tin điện tử Bộ VHTTDL.

Giá hàng hóa Trung Quốc trên Amazon tăng nhanh

Giá hàng hóa Trung Quốc trên Amazon tăng nhanh

Giá hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc và bán trên Amazon.com đã tăng nhanh hơn lạm phát tổng thể, theo phân tích của 1.400 sản phẩm khác nhau do công ty phân tích DataWeave thực hiện độc quyền cho Reuters, một dấu hiệu cho thấy thuế quan đang bắt đầu ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ.

Một tỷ phú vừa vượt Jeff Bezos và Mark Zuckerberg giàu thứ hai thế giới: Khối tài sản tăng vọt 40 tỷ USD chỉ trong hai ngày

Một tỷ phú vừa vượt Jeff Bezos và Mark Zuckerberg giàu thứ hai thế giới: Khối tài sản tăng vọt 40 tỷ USD chỉ trong hai ngày

Chủ tịch Oracle – tỷ phú Larry Ellison – đã trở thành người giàu thứ hai thế giới sau Elon Musk, nhờ cổ phiếu Oracle tăng vọt kỷ lục trong tuần qua. Cú nhảy giá này phản ánh kỳ vọng lớn vào vai trò của Oracle trong làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời đưa Ellison vượt qua Jeff Bezos và Mark Zuckerberg trên bảng xếp hạng tỷ phú thế giới.