Vạn Xuân khai quốc
Sau mười ngày khắp vùng Giao Châu nô nức vui xuân mở hội, dân chúng đều vui mừng, từ nơi thôn cùng xóm vắng đến các phố xá trong ngoài thành Long Biên già trẻ trai gái đều ca ngợi ơn đức của chủ công Lý Bí. Trong đại điện thành Long Biên treo đèn kết hoa rực rỡ, các vị tướng quân đã có mặt đông đủ, quân sư Tinh Thiều cùng năm vị chủ bạ bên phủ đệ đứng sắp hàng nghiêm chỉnh.
Chủ công Lý Bí đầu quấn khăn nhiễu xanh, mình mặc bộ áo thụng bằng gấm tía thêu rồng, chân đi giày da báo khảm ngọc ngồi trên chiếc ghế lớn chính giữa nhìn lướt một lượt thấy mọi người sắc mặt đều tươi nhuận ngài đứng lên vui mừng nói:
- Đầu xuân năm mới, ta xin có lời chúc mừng tới các vị lão tướng, quân sư cùng các tướng. Ba quân thủy bộ Giao Châu ta trước đã đuổi được Vũ Lâm hầu về phương Bắc, tiếp đó đại thắng quân Lâm Ấp, chỉ một bức thư đã khiến người Di Lạo phục tùng, chúng dân các nơi nô nức theo về, những ngày thái bình tự chủ ước ao của người Giao Châu mấy trăm năm đã thành hiện thực. Theo ý muôn dân cùng chúng tướng, việc đặt quốc hiệu, xây quốc đô, chế định triều nghi, sắp xếp văn võ ta có vài ý. Người Giao Châu xưa nay trọng lễ nghĩa, luôn lấy việc ăn ở thuận hòa, khoan hậu êm ấm làm trọng nên không cần thiết phải dựng cung điện lớn, đắp thành to cho nhọc sức dân. Bởi vậy chỉ cần dựng gian đại điện ở nơi thuận tiện thủy bộ là được. Hôm trước, ta đã xem xét kỹ khoảng đất ở cửa sông Tô Lịch tiếp giáp với Đầm Sương Mù, nơi có dãy núi đất cao ráo có thể dựng được ngôi đại điện. Cách đó vài trăm thước, ở đảo nhỏ sát mép đầm, có ngôi miếu cổ thờ thần sông có thể dựng mấy gian thờ phật thêm thuận tiện để chúng tướng dâng hương mỗi dịp họp bàn việc nước. Nay đang mùa xuân tươi tốt, người cùng vạn vật đều nảy nở hân hoan, ta định đặt tên nước là Vạn Xuân, ngôi điện mới là Vạn Thọ, ngôi chùa là Khai Quốc. Chẳng hay quân sư và các tướng thấy thế nào?
Lời chủ công Lý Bí vừa dứt, mọi người trong đại điện ai nấy đều cảm thấy sững sờ, như không tin vào tai mình vừa nghe những lời sâu sắc đến tận cùng mà cũng vô cùng giản dị. Ai nấy đều tưởng như thánh thần linh khí núi sông đang nhập vào thân thể trí óc chủ công.
Chúng tướng sau phút sững sờ không ai bảo ai đột ngột quỳ xuống thì thầm rồi đồng loạt hô lên:
- Vạn Xuân! Vạn Xuân! Vạn Xuân!
Tiếng hô to dần rồi vang rền như sấm. Ngay chính Lý Bí cũng phút chốc quên mất mình đang chủ trì giữa đại điện bất giác quỳ xuống giơ hai tay hô to cùng chúng tướng:
- Vạn Xuân! Vạn Xuân! Vạn Xuân!
*
* *
Sau buổi họp bàn nơi đại điện thành Long Biên, không chỉ các văn thần võ tướng phấn chấn tinh thần mà tin tức khi truyền đến khắp ba quân tướng sĩ, dân chúng trong toàn cõi đều vô cùng mừng rỡ. Hai chữ Vạn Xuân được viết khắp lên chuôi gươm, cán giáo, thân tên, yên ngựa, bành voi, đến tường thành, góc phố, vách nhà… ngay như cày bừa, thúng mủng, thuyền bè, bến chợ thảy đều được viết, khắc, chạm hai chữ VẠN XUÂN. Từ cụ già tám chín mươi lưng còng lụ khụ đến đám trẻ mới biết bò bi bô tập nói đều đánh vần hai chữ Vạn Xuân. Trong quân, các chủng kỵ binh, thủy binh, tượng binh đều đặt hai chữ Vạn Xuân lên trước: Vạn Xuân bộ tốt. Vạn Xuân kỵ mã. Vạn Xuân tượng giáp. Vạn Xuân thủy kỳ… Hàng vạn binh lính các chủng quân còn đua nhau thích hai chữ Vạn Xuân lên cánh tay mình. Hai tiếng Vạn Xuân ngay cả trong mơ mọi người đều nhắc đến, khi thì thầm khi hét vang lên. Ngay chủ công Lý Bí cũng không thể ngờ được sự thiêng liêng của quốc hiệu Vạn Xuân lại trở thành ngọn lửa cháy rừng rực, khơi nguồn sức mạnh khắp trong toàn cõi Giao Châu đến như thế.
Minh họa của Ngô Xuân Khôi
Trướng hổ quân doanh Long Biên, trong lúc đợi các tướng tới họp bàn, lão tướng Phạm Tu bảo với quân sư Tinh Thiều:
- Chủ công ta quả là người nhà trời chứ không phải người thường mới nghĩ được tên quốc hiệu Vạn Xuân. Chỉ một chữ thôi mà sức quân sức nước đã lên cao nhiều lắm.
Quân sư cung kính đáp lời vị lão tướng:
- Chủ công vốn xuất thân thiền môn, kinh sách ngài ấy đã đọc đến ngàn quyển, lại nhiều năm đảm nhận việc binh lương khắp các vùng, trên thấu lòng trời, dưới hiểu chúng dân mới có được trí tuệ ấy.
Lão tướng Phạm Tu nghiêm nghị nói:
- Lão phu bây giờ đã hiểu cao ý của chủ công. Giềng mối nền tự chủ phải được bắt đầu từ tên nước, tên kinh thành, tên quốc tự tất thảy đều phải do người Giao Châu chúng ta xác lập. Phép dùng binh muốn thắng giặc cũng từ đó mà ra. Phải tự mình có phương lược mới mẻ mới có được kỳ mưu phá giặc. Lão phu chỉ ngại sau này Lương Vũ Đế không cam tâm chịu nhục lại động binh mà thôi.
Thấy vị lão tướng vẫn còn vân vi lo về mai hậu, quân sư Tinh Thiều xúc động nói:
- Biết nhìn nhận sâu xa như lão huynh thật là hiếm có.
*
* *
Mấy ngày sau, lão tướng Triệu Túc cùng chủ công Lý Bí dùng thuyền nhẹ vượt qua Đầm Sương Mù tới cửa sông Tô Lịch nhằm xem xét địa thế thủy bộ chọn khoảnh đất để dựng điện Vạn Thọ. Đầm Sương Mù buổi đầu xuân sương bay bảng lảng, chỉ vài chục thước đã mờ mịt khó nhìn nhưng đến khi mặt trời lên non con sào toàn cảnh sông nước mênh mông đã hiện ra trước mắt. Chủ công Lý Bí cho đem theo mấy tên quân vốn là dân chài lưới ở các làng Bình Sa, Già La, Nha Lâm nơi các đảo nhỏ trên Đầm Sương Mù. Mấy vị lão trượng quen thung thổ ở Tống Bình cũng được mời đi cùng. Nguyên lão tướng Triệu Túc mấy chục năm gây dựng thủy trại ở Đầm Dạ Trạch nên rất thạo việc khảo sát hình sông thế núi, dò tìm mạch đất nông sâu. Đến giữa buổi sáng, đứng trên khoảng đất rộng nhô cao hình mai rùa giáp dãy núi đất cây cối um tùm ngay sát Đầm Sương Mù, Triệu lão tướng nhìn bao quát một lượt rồi trang nghiêm hỏi chủ công Lý Bí:
- Bẩm chủ công! Có phải ngài đã chọn khoảnh đất này để dựng điện Vạn Thọ chăng?
Chủ công Lý Bí tươi cười đáp lời lão tướng:
- Phạm lão tướng quả thấu hiểu ý ta. Không biết ngài thấy mảnh đất này có được chăng?
Vị lão tướng ung dung đáp:
- Bẩm chủ công! Hôm trước trên đại điện, chỉ hai chữ Vạn Xuân khiến lòng người toàn cõi rung động hướng về. Thì ra chủ công đã có ý dựng điện Vạn Thọ từ lâu rồi. Khoảnh đất này có dáng thần quy vọng nguyệt, phía trước hướng ra đầm nước lớn, phía sau có dãy núi đất cao dày làm chỗ dựa, hai bên có sông Cái, sông Tô Lịch chảy xuôi quả là quý địa. Đây lại là trung tâm của quận Tống Bình, các đường thủy bộ đều thuận lợi, quả là trời đã dành mảnh đất này cho chủ công. Lão phu nay mai sẽ bàn kỹ với quân sư cho sớm dựng ngôi điện để tiện bàn việc nước.
Chủ công Lý Bí xúc động nhìn vị lão tướng đã hơn bảy mươi tuổi vẫn hết lòng vì nước nói:
- Ngôi nước xưa nay đâu chỉ vững bền vì có thành cao hào vững, mà chính là ở trong lòng người. Nay lão tướng quân tuổi ngoại bảy mươi vẫn một lòng vì nước quả là phúc lớn. Lão tướng hãy bàn với quân sư, điện chẳng cần nguy nga tráng lệ, chỉ cốt tiện lợi vững vàng. Sức nước, sức quân Vạn Xuân còn phải để dành cho nhiều việc khác.
Vừa nói, chủ công Lý Bí vừa dắt tay lão tướng cùng các vị lão trượng tiến thêm một đoạn tới trước cù lao nhỏ sát mép Đầm Sương Mù đã thấy mấy tên quân chuẩn bị sẵn hương hoa cùng đồ cúng lễ nơi miếu thờ thần sông Cái. Sau hồi hương thơm lan tỏa, trong vệt khói mỏng sương hồ thơ thới, lão tướng Triệu Túc nhìn khắp ba mặt hồ hai tay chắp cung kính hỏi chủ công:
- Chắc khoảnh đất này chủ công sẽ cho dựng chùa Khai Quốc chăng? Lão phu thấy cù lao nhỏ này cây cỏ tốt tươi, khí vận trong trẻo thanh tịnh, phía trước là hồ sen bát ngát, phía sau tiếp giáp mấy thôn trang rất thuận tiện việc kinh kệ sớm hôm, thật đúng là quý địa để dựng quốc tự.
Chủ công Lý Bí tươi nhuần nét mặt thong thả nói:
- Ta ba tuổi mất cha, mười tuổi mất mẹ, mồ côi từ nhỏ, may được Từ sư phụ dạy dỗ nên người. Nếu chẳng gặp buổi nước mất nhà tan, điều ưa thích nhất là được tu tập nơi cửa chùa thanh tịnh. Nay nhờ sức các tướng đã giành lại được nước, việc đầu tiên cũng là việc lâu dài sau này vừa phải có nền quốc thống vừa phải có pháp độ phật môn để muôn dân hướng về điều thiện. Chùa Khai Quốc sau này sẽ là quốc tự của Vạn Xuân. Quốc tự không nhất thiết phải bề thế mà điều cốt yếu phải tìm được cao tăng trụ trì. Mong Triệu lão tướng cùng quân sư hãy gắng giúp ta.
Lắng nghe từng lời chủ công Lý Bí nói nơi cổ miếu, lại hôm trước tận mắt nhìn thấy ngài lập đàn xuống tóc cầu siêu cho bảy mươi ba vị hương chủ bị Vũ Lâm hầu sát hại nơi cổ trấn Luy Lâu, Triệu lão tướng vô cùng xúc động cố nén giọt lệ già rưng rưng nói:
- Chủ công tâm thiện như nước hồ thu, Vạn Xuân ta không chỉ nối lại được quốc thống từ thuở Hùng Vương mà còn khơi nền đạo pháp để giáo hóa dân chúng thật là cổ kim chưa từng thấy. Lão phu thấy chủ công tuy ở ngôi cao mà vẫn toàn tâm hướng phật thật vô cùng khâm phục.
Các vị lão trượng vùng đất Tống Bình nghe lời đối đáp giữa chủ công Lý Bí với lão tướng Triệu Túc ai nấy đều phấn chấn trong lòng. Đúng là từ thượng cổ, chưa có vị thần chủ nào không chỉ xuất chúng hai đường văn võ, lại tinh thông phật pháp, thấu hiểu chúng sinh đến thế.
Trong tám tháng liền, cung điện Vạn Thọ cùng với chùa Khai Quốc được xây dựng khang trang trên nền đất cao ráo đã được chủ công Lý Bí chọn từ trước. Vâng mệnh chủ công, lão tướng Triệu Túc cùng bảy cánh thợ các vùng Chu Diên, Long Đỗ, Nghĩa Hoài, Câu Lậu, Luy Lâu, Long Uyên, Cổ Loa đã ngày đêm xẻ gỗ đẽo đá dựng ngôi điện lớn chính giữa khoảng đất mai rùa dưới chân dãy núi đất. Các đội binh tướng theo lệnh Triệu lão tướng quân khơi sông đắp đường, cắm trại thủy bộ liên hoàn châu tuần về phía điện Vạn Thọ rất quy củ. Thủy binh được các tướng Triệu Quang Phục, Phùng Thanh Hòa kén chọn hai trăm chiến thuyền chia ra làm sáu đội cắm cờ hiệu Vạn Xuân xếp thành đội ngũ ngay trong Đầm Sương Mù ngày nào cũng chia nhau thao luyện chuẩn bị mừng ngày khai quốc. Khu rừng Trích Sài thuộc hương Già La Động ngay sát phía tây đầm hai ngàn kỵ binh được tướng Trịnh Đô kén chọn đưa từ thành Cổ Loa về đóng quân doanh. Sát chân dãy núi đất tiếp giáp điện Vạn Thọ, trong rừng lim cổ thụ, hai mươi tám thớt voi được đưa từ Long Biên, Cổ Loa, Hắc Lâm xuống đóng thành ba trại huấn luyện ngày đêm. Triệu lão tướng còn cho hai chiếc khinh thuyền hàng ngày vượt Đầm Sương Mù ra sông Cái tìm chọn thân chuối non cắt lên thuyền chuyển về giao cho các quản tượng.
Khi công việc chuẩn bị xong xuôi cũng là lúc tết Nguyên Đán vừa tới. Hôm trước, khi thương nghị với các quan văn võ, chủ công Lý Bí đã quyết ý ngày mồng Tám tháng Giêng năm mới sẽ triều hội khai quốc trong chính điện Vạn Thọ. Quân chúng cả nước đều mừng. Các chùa trong toàn cõi ngày nào tiếng chuông tiếng khánh cũng binh bong không ngớt. Hai mươi bảy vị sư trụ trì trong toàn cõi đã được thỉnh về cổ tự Luy Lâu để bàn bạc thống nhất giềng mối đạo pháp ngày lập nước. Ba mươi sáu vị bô lão cùng ba sáu huyện lệnh các huyện dẫn đầu các đội hương thân phụ lão theo mọi ngả đường lục tục tiến xuống điện Vạn Thọ dự ngày khai quốc.
Chủ công Lý Bí cùng các vị lão tướng Triệu Túc, Phạm Tu, quân sư Tinh Thiều đích thân tới thăm hỏi rất ân cần. Trước đó, vâng mệnh chủ công Lý Bí, lão tướng Triệu Túc đã cho dựng những dãy nhà gỗ lớn xung quanh điện Vạn Thọ để đón tiếp các vị lão trượng từ xa tới. Đội khinh thuyền ba mươi sáu chiếc luôn túc trực sẵn sàng chở các đoàn từ khắp nơi tới dự ngày khai quốc đi thăm thú, dâng hương nơi các miếu thờ trong ngoài Đầm Sương Mù. Nhiều đoàn khách nơi xa thấy còn thời gian đã xin với chủ công tới cổ tự Luy Lâu dâng hương đều được ngài ân chuẩn. Trong ngoài thành Long Biên, nhất là nơi cửa sông Tô Lịch quận Tống Bình, không khí vô cùng nhộn nhịp. Năm nay toàn cõi được liền hai mùa vụ, thóc gạo trâu bò dê lợn vô số kể lại không phải nộp thuế khóa như ngày trước, dân chúng trong toàn cõi nô nức mở hội ngay từ trước tết. Vùng đất nào cũng đều có sản vật được các tráng đinh đem theo cùng các vị bô lão, huyện lệnh dâng lên chủ công Lý Bí cùng văn võ, binh tướng của ngài.
Đúng ngày mồng Tám tháng Giêng năm 544, mùa xuân, hoa lá cỏ cây trong toàn cõi dường như đều bung nở. Khắp từ nơi thôn cùng xóm vắng đến các vùng trọng trấn, đô hội thảy đều treo đèn kết hoa rực rỡ. Tiếng chiêng trống đã vang rền từ mấy hôm trước khắp các làng xã, hương thôn. Từ mờ sáng, chủ công Lý Bí cùng quân sư Tinh Thiều, lão tướng Triệu Túc, Phạm Tu dẫn đầu hai mươi bảy vị sư trụ trì, ba mươi sáu vị lão trượng tới dâng hương chùa Khai Quốc. Trong tiếng chiêng, trống âm vang nơi Khai Quốc tự, chủ công Lý Bí cùng các vị sư trụ trì, lão trượng thành kính dâng hương, kính cẩn khấu đầu trước phật tổ mong được độ trì quốc thái dân an, phật pháp hiển đạt, dân chúng hiền lương, bách nghệ mở mang trong toàn cõi.
Khói hương trầm vấn vít. Những câu kinh xen lẫn tiếng chuông thong thả buông trên mặt sóng nước Đầm Sương Mù. Những khuôn mặt nghiêm trang, tươi tắn rạng ngời ngày khai quốc. Dân chúng khắp nơi theo hai đường thủy bộ kéo đến ngày một đông. Khi chủ công Lý Bí cùng các vị sư trụ trì, các lão trượng tiến vào sảnh chính điện Vạn Thọ cũng là lúc biển người đang hò reo như sấm khắp trong ngoài cung Vạn Thọ.
Mùa xuân năm Giáp Tý (544), mồng Tám tháng Giêng, chủ công Lý Bí lên giữ ngôi nước, xưng là Nam Việt Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, đặt niên hiệu Thiên Đức, sắp đặt hai ban văn võ, lấy lão tướng Triệu Túc làm chức Thái phó, quân sư Tinh Thiều đứng đầu Ban văn, lão tướng Phạm Tu đứng đầu Ban võ, phong Lý Thiên Bảo làm Trung lang tướng, Triệu Quang Thành làm Đô đốc thủy quân, Triệu Quang Phục làm Tả tướng quân, Phùng Thanh Hòa làm Hữu tướng quân, các tướng Trịnh Đô, Triệu Tam, Điền Công, Điền Thái… tám người đều được phong làm phó tướng. Nam Việt Đế cho ân thưởng khắp toàn quân. Binh sĩ mỗi người đều được nghỉ năm ngày, ban ba cân thịt, ba đấu rượu. Các vị từ đô tướng trở lên đều được thăng một cấp, ban thưởng mười mẫu đất. Tại các châu quận, huyện xã đều tùy theo số nhân khẩu, ruộng đất mà ban thưởng. Binh lính dân chúng khắp trong cả nước vô cùng phấn chấn.

An lặng lẽ nhìn quanh, đôi mắt ngấn lệ. Cô chợt nhận ra rằng mình chưa bao giờ cô đơn. Những người thợ khuyết tật,...
Bình luận