Kỷ vật màu xanh (truyện ngắn)

Chúng tôi yêu quý bà giáo ấy lắm! Yêu quý đến suốt đời. Bởi tấm lòng vị tha của bà đã luôn thức tỉnh chúng tôi mỗi khi đứng trước cạm bẫy tội lỗi - Để bây giờ trở thành kỹ sư “tìm mỏ”.

Tôi nhớ, ngày chúng tôi còn là sinh viên, hôm ấy, bà đang họp hội đồng ở Khoa. Chúng tôi đâu biết chuyện gì, chỉ thấy khi họp xong, bà đến nhà xe thì thấy chiếc xe đạp của bà không còn nữa. 

- Ông không thấy ai lấy chiếc xe của tôi chứ?

Bà không ồn ã mà chỉ khẽ hỏi ông bảo vệ như vậy.

- Không! - Ông bảo vệ ngạc nhiên và lơ đãng tự hỏi mình. Ông hỏi lại cẩn thận - Chiếc xe đạp màu xanh phải không, thưa bà?

Ông bảo vệ hỏi và nhìn người giáo sư, bùi ngùi:

- Vâng! Vâng!

Bà không kịp nghe ông bảo vệ nói gì nữa, mà đi thẳng về phía nhà riêng trong khu tập thể của trường.

Người bảo vệ ái ngại, nói với theo, giọng nghẹn tắc:

- Bà để nguyên! Tôi... sẽ tìm ra ngay thôi!... 

Mười ba sinh viên cùng lớp - cả tôi nữa - bị ông bảo vệ quy chụp tội trộm cắp chiếc xe đó. Tất nhiên ông có lý. Bởi trong số đó đều là các sinh viên ngổ ngáo, tinh nghịch! Nhưng đặc biệt là có nhân cách. Cũng có thể có đứa trong số đó đã trót mang về một vài thứ vặt vãnh người ta bỏ đi ngoài bãi trống, mà còn dùng được trong quãng thời gian sống qua thời tu nghiệp của mình, rồi hì hục kê đặt vào góc phòng ký túc xá như chiếc bàn cũ, cái giá sách gãy,vv... Tất cả đều chối bỏ sự quy chụp của ông bảo vệ. Bởi “không ngu gì chúng cháu lại đi trộm cắp tài sản của người khác ở chính nơi mình đang sống và học hành cả! Và, đặc biệt lại lấy xe của chính thầy cô giáo của mình, điều đó đáng hổ thẹn!”... Tôi lý sự thế với ông bảo vệ. Tôi bật nói:

- Chúng cháu thề! Và cũng thực tình là cháu chưa hề nhìn thấy chiếc xe ấy trong ngày hôm nay, bác bảo vệ thân mến ạ! Nhưng xin hứa với bác, cháu sẽ tìm ra kẻ lấy!...

-Ừ!... Ông bảo vệ nói giọng buồn buồn - Nếu cháu làm được thì sẽ tốt biết bao! Chiếc xe không nhiều tiền, nhưng nó là vật kỷ niệm quý giá của bà giáo!

- Vâng cháu biết!

- Vậy ư?

- Vâng cháu sẽ tìm được!

- Thế hả? Bác tin cháu!

Bọn bị ngờ trộm cắp rất buồn. Thấy tôi về thì hỏi han, lo lắng. Chúng nhìn tôi tin tưởng là “tay phá án” tài ba từ lâu của chúng. Chả là nhiều sinh viên cả nam và nữ, thậm trí bà con, nhân viên xung quanh trường thỉnh thoảng nhờ tôi tìm giúp và nhận lại mấy thứ đã mất do để bừa bãi không đúng nơi quy định. Họ cho quà, cho tiền để tỏ lòng biết ơn, nhưng tôi không bao giờ nhận của biếu đó. Nhưng tôi biết, trong đầu mọi người thì tôi vẫn là tay “anh chị” của bọn trộm cắp bất trị! Mặc dầu, tôi không tức tối gì về những lời đồn đại ấy, và cho rằng: “Mỗi người vẫn phải sống và tồn tại theo chính bản ngã của mình để vượt qua và đi lên trong cuộc sống đầy khó khăn nghiệt ngã mà thôi! - Còn tôi? Tôi vẫn “phá án”, vẫn “cứu viện” theo đề nghị của những người khó khăn hàng ngày chung sống tại mái trường đại học này mà tôi đang sống.

Kỷ vật màu xanh (truyện ngắn) - 1

Minh họa của Ngô Xuân Khôi.

Cả trường ai cũng biết bà giáo của chúng tôi đã yêu quý chiếc xe ấy như thế nào. Họ đồn rằng đó là kỷ vật mầu xanh tình yêu của bà.

Đúng thế! Chồng bà - Một nhà khoa học nổi tiếng về địa chất. Hai người yêu nhau nhưng vì vướng víu nghề nghiệp nên phải xa nhau, chưa có con với nhau. Ông rảnh rang vẫn đi dự hội nghị Địa chất Quốc tế ở Pháp. Kết thúc Hội nghị, ông không mang được gì làm quà cho vợ ông ngoài chiếc xe đạp màu xanh ấy. Vợ ông rất thích và nói với ông y như nói với nhau nghề nghiệp địa chất” vậy:

Bà nói: “Trong các loại đá tự nhiên có màu thì “ngọc bích” là loại đá có màu xanh sáng đẹp kỳ lạ. Chiếc xe Peuzo anh chọn đúng màu xanh đó. Cái màu mà em thích nhất!”.

Vào một lần mà ông được mời đi tìm kiếm Kimbernic (loại đá chứa kim cương) ở Bắc cực. Ông đi tìm kiếm với danh nghĩa “Viện sỹ Thông tấn” cộng tác với “Viện Địa chất học Liên Xô”.

Chuyến đi đó không may họ gặp bão tuyết. Khi cứu hộ tìm thấy thì cả đoàn địa chất đã bị vùi sâu dưới những lớp tuyết dày.

Sự hy sinh của ông và đoàn tìm kiếm địa chất thật đẹp và tuyệt vời như màu sắc tự nhiên của đá quý vậy.

Câu chuyện về chồng bà và tình yêu của bà đã thôi thúc tôi tìm ra tên trộm. Tôi đoán không nhầm - Chỉ có nó! Một sinh viên của trường khác vẫn hay đến chơi với sinh viên trường mình. Thằng này mồ côi cha mẹ. Người chị gái hơn nó vài tuổi đã phải đi làm ở quán cơm, lo cho nó ăn học và trang trải cuộc sống của hai chị em.

Tìm hiểu thi biết được nhiều khi chị nó ốm phải nghỉ việc, không có tiền ăn uống thuốc thang, nó phải nhịn đói hai ba ngày liền. Thương tình, bà chủ quán cơm đã cho chị em nó ăn ký nợ qua ngày hàng nửa năm trời. Thương chị, trong lúc túng quẫn, nó đã  nảy sinh ý nghĩ trộm cắp lấy tiền trả nợ cho bà chủ quán cơm và thuốc thang cho chị. Nó đã không biết gì về lai lịch chiếc xe “đặc biệt” ấy nên đã trộm.

Tôi quyết định tìm đến nơi nó ở trọ. 

Thấy tôi đến, nó sợ rúm người vì cái mẽ “anh chị” của tôi. Nó thú nhận đã trộm chiếc xe đạp để bán đi trả tiền cơm ăn chịu nửa năm chưa trả được.

Không nỡ đánh, chửi. Tôi thất vọng về báo cho ông bảo vệ và đám học trò trường tôi biết. Chúng tôi bế tắc và không dám ló mặt đến lớp gặp bà giáo nữa...

Thế nhưng, bà giáo biết tin. Bà gọi và nói với người bảo vệ:

- Thì ra sinh viên trường khác à?

- Vâng nó vẫn đến chơi với đám sinh viên trường nhà... Nghe đâu nó ăn cắp và mang đi bán để trả tiền cơm nợ đến nửa năm trời. Biết đâu có đứa thông đồng với nó.

Bà giáo ngậm ngùi nói:

- Vậy à? Đã bán rồi thì thôi! Truy bức làm gì nữa! - Bà nói khẽ như muốn khóc - Từ nay có thể không còn chiếc xe nhưng tôi không muốn mất đám sinh viên kể cả trường mình hay trường bạn... - Bà ngẫm nghĩ và nói: Dù sao đi nữa trong số bọn chúng, tôi hy vọng mai đây thế nào cũng có đứa thành tài, nó trở nên có ích cho nền khoa học mới của chúng ta.

Nghe ông bảo vệ nói lại lời bà giáo, chúng tôi òa khóc. Khóc thật sự. Đứa nào cũng nhủ thầm: “Không thấy xe thì không về lớp”.

Tôi rủ mỗi đứa trong nhóm gom góp đủ số tiền, rồi đến bắt thằng trộm đó đưa đến chỗ nó bán xe. Chúng tôi đã chuộc lại với giá gấp rưỡi số tiền mà tên trộm đã nhận, rồi đưa xe về giao cho ông bảo vệ.

Thấy chúng tôi đem được đúng chiếc xe của bà giáo về, người bảo vệ xúc động nói với chúng tôi rằng:

- Bác đã gặp bà giáo nói về chuyện các cháu đang cố gắng tìm xe nhưng không thấy bà ấy không muốn nhắc gì đến chiếc xe nữa.

Nói đến đây, ông bỗng im lặng.

Thấy thế đám bạn ồn ào:

- Tại sao ? Tại sao?... Tại sao cô giáo không nói nữa? Tại sao?...

Còn tôi vội lay vai ông:

- Chẳng nhẽ… cô giáo... không nói gì sao?

- Có! có! Bà ấy chỉ bảo....

- Bảo sao? Bác bảo vệ?

- Bà ấy nói rằng: “Thôi! Tôi không muốn nhắc đến chuyện này nữa. Tôi cần được thanh thản. Ông không hiểu sao? Rồi bà giáo nói tiếp, giọng ôn tồn:

- Nếu ta biết tha thứ cho một tội lỗi để chúng trở thành lương thiện, thì dù phải mất đi cái quý giá nhất để đạt được, chúng ta cũng yên lòng. Ông bảo chúng nó về! Về với trường, với lớp thân yêu của chúng ta để không ảnh hưởng tới việc học.

Chúng tôi đã nghe rõ lời nói của bà, lời nói của yêu thương và tha thứ. Nghe thế chúng tôi òa khóc: “Vâng chúng con về ạ!”.

Phương Văn

Long kều (truyện ngắn)
Long "kều" (truyện ngắn)

Trở trời, thời tiết thay đổi, những mảnh kim khí trong người tôi lại có dịp trỗi dậy hoành hành, thể xác thật đau...

Tin liên quan

Tin mới nhất