Thơ tình không tuổi của cụ ông 90

Nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu khoa học xã hội Nguyễn Chí Tình (sinh năm 1935) đã xuất bản hơn 30 tiểu thuyết, tập truyện ngắn, tập thơ, bút ký và công trình nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn. Đầu năm nay, ở tuổi 90, ông cho ra đời tác phẩm “Thơ tình không tuổi” gây sự ngạc nhiên và khâm phục cho bạn đọc về nội lực trong sáng tác cũng như tâm hồn trẻ trung của mình.

Nguyễn Chí Tình là một thành viên trong gia tộc Nguyễn Đức nổi tiếng ở Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An.

Ông nội là cụ Nguyễn Đức Công - Hoàng Trọng Mậu. Cụ cùng Phan Bội Châu tham gia trong nhóm Đông Du và hoạt động cách mạng trong Việt Nam Quang Phục Hội. Cụ bị giặc Pháp xử tử năm 1916. Tên cụ được đặt cho các đường phố tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vinh...

Trong dòng họ có 7 người hội viên Hội Nhà văn Việt Nam gồm: Anh em nhà phê bình lý luận văn học Hoài Thanh và Hoài Chân, nhà thơ Thúy Bắc, dịch giả Phan Hồng Giang, nhà thơ Anh Ngọc, Giáo sư Nguyễn Đức Đàn (Hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du)…

Lớn lên trong một dòng họ “danh gia” như vậy nên ông Nguyễn Chí Tình đặc biệt có tố chất văn học, năng khiếu cảm thụ và tình yêu sâu đậm với quê hương đất nước. Ông Tình được học tiếng Pháp từ rất sớm, khi chỉ mới 7-8 tuổi.

Năm 1954, trước khi hòa bình lập lại, ông Chí Tình không vào đại học mà chọn con đường đi thanh niên xung phong. Sau đó, bằng những kiến thức, bằng trình độ và bằng sự nỗ lực không ngừng, ông đã trở thành phóng viên của Báo Tiền Phong. Nhà báo trẻ Chí Tình luôn hăng hái, xông xáo và có những bài bút ký trung thực, phản ánh khí thế lao động khiến rất nhiều độc giả trẻ ưa thích. Cùng lứa với ông là những nhà văn nổi tiếng như Bùi Ngọc Tấn, Mạc Lân, Tất Vinh... Thế hệ của ông là “Thế hệ Vàng về sức sáng tạo”.

Khi chiến tranh phá hoại xảy ra, Nguyễn Chí Tình có nhiều dịp đi thực tế và sống ở những vùng bom đạn tàn phá ác liệt. Ông viết báo, viết văn trong điều kiện rất nguy hiểm, nhiều lần suýt bỏ mạng. Trên thực địa chiến đấu và lao động, ông đã có những cuộc gặp gỡ mang dấu ấn với những con người mang tính đương đại thời bấy giờ. Những anh hùng, những chiến sĩ, những người lao động bình thường nhưng dũng cảm thông minh đều là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận của ông. Với ông “chính những con người vĩ đại vô danh đó đã nuôi dưỡng trong trong tôi cho cả đến bây giờ sự khát khao và ý chí không ngừng sáng tác”.

Những tác phẩm của ông luôn phản ánh chân thật về vẻ đẹp cuộc sống bao gồm các cuốn bút ký như: Lên miền Tây, Chúng ta là người tình nguyện, Học thiên lý. Các tập truyện ngắn: Nắng trên công trường, Một chuyến vào lò. Các tiểu thuyết: Những ngày không quên, Đứa con của mỏ, Cung đường bình minh...

Những tác phẩm của Nguyễn Chí Tình đều được các nhà văn tên tuổi, những độc giả thời ấy và giới chuyên môn đánh giá cao, nhà văn Châu La Việt nhận xét: “Các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Chí Tình khiến những độc giả cùng thời đều yêu mến và đón nhận”.

Ông lần lượt thuyên chuyển qua các cơ quan như Nhà xuất bản Thanh Niên, Hội Văn nghệ Hà Nội và dừng chân tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội cho đến lúc nghỉ hưu. Đây chính là mảnh đất “dụng võ” của ông vì ngoài khả năng làm chủ tiếng Anh, tiếng Pháp ông còn rất quan tâm đến các vấn đề văn hóa, triết học. Thời điểm này “trầm tích văn hóa” của dòng họ Nguyễn Đức phát huy mạnh mẽ trong ông qua những tác phẩm thấm đẫm triết học, xã hội học. 

Những tác phẩm mang tính hàn lâm nghiên cứu đồ sộ hàng trăm trang mà ông viết bằng chính sự trăn trở tâm huyết như: Văn hóa tự nhận thức, Xung đột văn hóa và đấu tranh văn hóa, Số phận các nền văn minh và thế giới ngày nay. Ông còn đang ấp ủ một tác phẩm cũng rất tâm huyết là Văn hóa yêu nước.

Khi được nói về những công trình nghiên cứu mà ông để lại ông chia sẻ: “Khi tôi qua đời sách chính là thứ duy nhất mà tôi muốn các con tôi giữ lại vì có sách mới có trí tuệ và sách là linh hồn của tôi còn ở lại trên thế gian này”.

Thơ tình không tuổi của cụ ông 90 - 1

Tập "Thơ tình không tuổi".

Dù khi đã ở tuổi 70-80, trong những chuyến đi nước ngoài cùng gia đình ông vẫn viết những tập bút ký rất đáng chú ý như: Pari một lần tôi đã gặp, Trên những nẻo đường châu Âu, Nơi ấy Tây Ban Nha. Hiện ông vẫn tiếp tục học thêm tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha một cách rất say mê như khi ông còn trẻ tuổi.

Những năm gần đây, ông vẫn tiếp tục sáng tác và có những dự án sáng tác rất nghiêm túc. Trong ngăn tủ của ông xếp đầy các tập bản thảo viết tay. Ngoài tập hồi ký trên 5000 trang mới hoàn thành còn có rất nhiều bản thảo truyện ngắn, công trình nghiên cứu và thơ...

Đầu năm 2025, ông đã xuất bản tập Thơ tình không tuổi gây sự ngạc nhiên và thích thú cho độc giả nhiều lứa tuổi. Tập thơ 200 trang tập hợp hơn 100 bài thơ tình được ông sáng tác bằng cái duyên qua nhiều năm chiêm nghiệm về cuộc sống với những cảm nhận về tình yêu, về góc nhìn cũng như những cảm xúc trẻ trung của một người được gọi là người ở lứa tuổi xưa nay hiếm.

Dường như những tuyên ngôn về tình yêu của ông là những điều bất diệt:

“Anh yêu em và yêu em mãi

Em tồn tại để cho anh tồn tại”

(Vẫn còn tất cả )

Sự dí dỏm cũng như cách lập luận đáng yêu của nhà thơ về phụ nữ khiến ai đọc cũng có thể nở một nụ cười:

“Những người đàn bà nhỏ bé

Trở thành bất tử nhờ các nhà thơ

Và các nhà thơ vĩ đại

Chết yểu vì đàn bà”

(Nghịch lý thơ tình)

Đúng như vậy. Có biết bao nhà thơ đã khắc tên tuổi các giai nhân vào lịch sử nhân loại. Nhưng với ông tình yêu được nhắc đến theo một cách chân chất, trong sáng và đầy sự bí ẩn dễ chịu : 

“Khi yêu đừng vớ vẩn

Gặng hỏi nhau vì sao?

Xin hãy hỏi trời cao

Hỏi nhành xoan trước ngõ

Hỏi rì rào ngọn gió

Hỏi mặt hồ rung rinh

Tất cả mang trong mình

Những điều em muốn hỏi...”

(Tình yêu là gì?)

Tình yêu trong bối cảnh chiến tranh cũng được ông mô tả vừa hùng tráng vừa khiến người đọc rưng rưng cảm nhận những mất mát hy sinh của những thế hệ đi trước:

“Người con gái ấy bây giờ không còn nữa

Em ra đi ngay giữa mùa xuân

Khi loạt bom quân thù rơi vào đội ngũ hành quân

...

Chúng tôi đặt em trong một cánh rừng hoa ban

Hoa ban trắng rơi đầy trên nấm mộ”

(Em đã hát suốt một mùa xuân)

Tâm hồn của nhà thơ vẫn sẽ giữ cho mình cảm xúc bồi hồi, lãng mạn khi nghĩ về những ký ức... như còn mãi với thời gian:

“Em về phố cũ tinh khôi

Phố thì bạc mái, mà tôi bạc đầu

Cây bàng ai đẵn từ lâu

Quán trà hò hẹn chuyển đâu mất rồi”

(Em về phố cũ)

Bên cạnh những hạnh phúc mà tình yêu đem lại qua các bài thơ như Cái hôn, Giây phút đầu tiên, Người ấy... Tác giả gây cảm xúc khá đậm cho người đọc về những đau khổ, cay đắng như những cung bậc khác nhau của tình yêu:

“Đối với anh nói yêu là nói khổ

Những tình yêu không đáp lại bao giờ

Đời con gái vút qua như ngọn gió

Ném một nụ cười bằng cặp môi khô”

(Số phận)

Hay: 

Rượu sầu uống mãi không say

Chỉ thêm thấm vị chua cay vào mình

Bốn bề trời đất buồn tênh

Vàng son một thuở biến thành khói mây

Ta về đón khói mây bay

Góp thành thương nhớ đong đầy túi thơ”

(Dư vị)

Và để rồi bâng khuâng như một tiếng thở dài:

“Tôi làm thơ cho em suốt cả đời

Dẫu vẫn biết chẳng bao giờ em đọc”

(Cứ mặc điều kỳ lạ)

“Điều kỳ lạ” ở đây chính là sự can đảm, sự dạt dào mà các nhà thơ nhiều thế kỷ đã dùng nguồn năng lượng chiết ra từ tâm can mình. Và thơ tình trong ông cũng là để cùng ông bộc bạch tình người, tình đời trong cái vô thường của cõi nhân sinh:

“Vô thường là cõi mênh mông

Đọc thơ còn biết ai không hỡi người”

 (Đâu chỉ thế thôi)

Ông tâm niệm cuộc đời này chỉ có tình người, tình yêu và thơ là những điều cao quý trong vô vàn nét đẹp:

“Ôi cuộc đời đáng sống biết bao nhiêu

Bởi còn rượu, còn thơ và tình yêu còn đó”

 (Và rượu và thơ và tình yêu)

Cõi “Thơ tình không tuổi” của nhà thơ Nguyễn Chí Tình sẽ là nơi để ta tìm cho mình những dấu ấn yêu thương, những cuộc tình theo dài năm tháng, những ký ức không thể nào quên. Và rồi... Để yêu... Và để nhớ!

                                                                

Thiên Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đan Mạch chính thức đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên EU

Đan Mạch chính thức đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên EU

Ngày 3/7, Đan Mạch chính thức đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU), đánh dấu sự kiện này bằng một buổi lễ chính thức tại Aarhus - thành phố lớn thứ 2 của Đan Mạch với sự hiện diện của nhiều lãnh đạo châu Âu, báo Nhân dân dẫn theo Xinhua.

Đà Nẵng, điểm hẹn điện ảnh mới của châu Á

Đà Nẵng, điểm hẹn điện ảnh mới của châu Á

Lần thứ 3 tổ chức Liên hoan phim châu Á (DANAFF), Đà Nẵng đang trở thành một điểm hẹn mới của điện ảnh, với nhiều tác phẩm của các đạo diễn hàng đầu châu Á hiện diện trong các hạng mục dự thi và chương trình Toàn cảnh điện ảnh, sự góp mặt của nhiều ngôi sao đình đám châu Á, cũng như những hoạt động chuyên môn chất lượng cao, theo báo Nhân dân.

Đồng USD giữ vững sức mạnh khi áp lực thương mại từ Mỹ gia tăng

Đồng USD giữ vững sức mạnh khi áp lực thương mại từ Mỹ gia tăng

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua dự luật cắt giảm thuế lớn và chuẩn bị áp thuế lên nhiều quốc gia, đồng USD tiếp tục giữ đà tăng so với euro và yên Nhật. Dữ liệu việc làm khả quan cũng góp phần củng cố niềm tin vào nền kinh tế Mỹ, dù thị trường vẫn lo ngại về mức nợ công ngày càng cao.

Phê duyệt mẫu biểu trưng (logo) Kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9

Phê duyệt mẫu biểu trưng (logo) Kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 2305/QĐ - BVHTTDL về việc phê duyệt mẫu biểu trưng (logo) để sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền Kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2025) và Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2025).