“Hương”: Thiên tình sử trong chiến tranh
Ai đó thích thú câu: “Khi đại bác gầm thì họa mi ngừng hót” (ngụ ý khi chiến tranh nổ ra thì không còn cơ hội cho tình yêu và nghệ thuật), sẽ phải tự đính chính nếu đọc tiểu thuyết “Hương” (Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2022) của Nguyễn Thụy Kha, một nhà văn mặc áo lính cả trong nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này.
Làm mới đề tài truyền thống
Văn học viết về chiến tranh là một bộ phận lớn và quan trọng trong nền văn học hiện đại Việt Nam từ 1945 đến nay. Nó vẫn tạo hấp lực khó cưỡng lại với người đọc hôm nay vốn bị văn hóa/văn học đại chúng chi phối vì hàm lượng giải trí cao. Có những cuốn sách viết về “chuyện cũ như trái đất”- chiến tranh - nhưng có tiếng vang trên văn đàn năm 2022 như Vùng biên không yên tĩnh của Thương Hà, Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt (tái bản) của Đoàn Tuấn, Hương của Nguyễn Thụy Kha.
Sứ mệnh hòa giải, hòa hợp dân tộc của nhà văn bằng ngôn ngữ văn học là dấu chỉ định tính (từ tả trận đến tái nhận thức) của văn học về chiến tranh những thập niên đầu thế kỷ XXI. Nhưng người mở đường tài năng và tinh anh không ai khác vẫn là nhà văn Nguyễn Minh Châu với tiểu thuyết Miền cháy (1977). Một cái nhìn thấu thị của nhà văn khi tiên cảm được luồng lạch tư tưởng - tình cảm thời đại: bước ra khỏi chiến tranh chúng ta cũng sẽ khó khăn không kém khi bước vào cuộc chiến tranh lâu dài, gian khổ, ác liệt. Vấn đề nhân tâm thời đại, vấn đề tính người, vấn đề hoà giải, hòa hợp dân tộc đã được “xới lên” qua hình tượng nghệ thuật tuyệt vời: Mẹ Êm.
Tác giả Nguyễn Thụy Kha
Sự kiện văn học “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc”, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hà Nội (10/2017) là động hướng văn hóa - tinh thần tích cực. Dẫu còn vài ba khúc mắc quanh co, song nhìn toàn cục, các nhà văn Việt Nam ở trong và ngoài nước khi ý thức được cội nguồn dân tộc cùng con Rồng, cháu Tiên đều mở lòng, nối vòng tay lớn, vì đại nghĩa, vì một nước Việt Nam hòa bình, phồn vinh, “quốc thái dân an”.
Biệt sắc mới của văn học về chiến tranh hôm nay là ở sự mở rộng biên độ phản ánh (con người mang theo tinh thần đối thoại về cuộc chiến tranh ra ngoài biên giới). Nhìn nhận và tái hiện chiến tranh trên nền tảng tư tưởng tiến hóa, tiến bộ, nhân văn khi trái đất là ngôi nhà chúng của thế giới. Vì thế nên tiểu thuyết Hương đã tạo nên một hiện tượng văn học, xuất bản đặc sắc khi được in với số lượng lớn và có sức lan tỏa (in lần đầu 2500 cuốn, trong đó có 1000 cuốn dành chuyển tới bà con Việt Kiều hiện đang sinh sống ở nước ngoài, đặc biệt ở Mỹ). Nhà văn Nguyễn Thụy Kha đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người nghệ sỹ ngôn từ khi viết về chiến tranh bằng toàn bộ trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa.
Tột cùng văn hóa là con người
Có thể nói, tiểu thuyết Hương là thiên tình sử trong chiến tranh. Theo cách nói khác thì “súng đại bác cứ nổ, chim họa mi vẫn cứ hót”. Vì tình yêu là bất diệt (“Vì tim không thể không yêu người nào” như cách viết của thi sỹ Xuân Diệu).
Câu chuyện tình tay ba, vốn cũ như trái đất, giữa Lĩnh (người lính giải phóng) với Hương (cô gái nhan sắc và tài hoa ở thành cổ Quảng Trị) và Bao (bác sỹ Quân lực Việt Nam Cộng hòa) đã được Thơm (con của Lĩnh và Hương) như là sợi dây, thứ hào quang kết nối và chiếu sáng những góc đời sống còn khuất lấp. Kể từ khi Thơm chào đời đến khi trưởng thành trên đất Mỹ, cô chỉ biết ông Bao là bố mình, còn chưa biết đến ông Lĩnh là bố đẻ. Nhưng như dân gian nói “công đẻ không bằng công dưỡng”.
Trái đất tròn và ngày càng thu hẹp lại, mấy chục năm sau ông Lĩnh mới gặp lại con gái ruột của mình là Thơm trên đất Mỹ (khi mẹ Hương mất rất lâu trước đó). Một cuộc bàn giao lịch sử - tình nghĩa để Thơm về với bố đẻ, khiến ông Bao như đánh mất một cái gì quý giá nhất của đời mình khi tóc trên đầu đã pha sương. Đúng là nếu có nước mắt thì nước mắt dành cho ngày gặp mặt. Nhân vật bác sỹ Bao trong tiểu thuyết Hương của nhà văn Nguyễn Thụy Kha cứ khiến tôi váng vất nhớ tới nhân vật bác sỹ Zhivago trong kiệt tác Bác sỹ Zhivago của nhà văn Nga đoạt giải Nobel Văn chương (1958), L. Pasternak (trước 1975, ở Sài Gòn tác phẩm được dịch ra Việt ngữ).
Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai là cảm hứng sống, phương châm hành xử của dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống trong lịch sử hàng ngàn năm “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn/ Lấy chí nhân thay cường bạo” (Nguyễn Trãi - Bình Ngô đại cáo) và cũng là của thế hệ nhà văn chống Mỹ như Nguyễn Thụy Kha. Đường đến hoà bình, chính nghĩa được xây đắp, mở rộng, nối dài không phải bằng cái gì khác mà chính bằng “lòng hữu ái nhân loại” trên nền tảng nhân tính/nhân quyền như là dấu chỉ của văn hóa tương lai, có thể hiểu là nhân loại tính sẽ thay cho giai cấp tính chăng (?!).
Tiểu thuyết Hương là một “Romance” (bản tình ca bằng ngôn ngữ tiểu thuyết): “Hương ơi! Nhờ có tình yêu của em, anh đã biết sống, đã dám sống đến tận cùng đời sống, sống thay cả những người đã khuất. Tình yêu lai láng của em đã tràn ngập cả tuổi già của anh. Đấy chính là bé Thơm. Vào một ngày đẹp trời nào đó anh sẽ bay theo em, theo những người đã ngã xuống, trong đó có những người đã ngã xuống Quảng Trị năm 1972. Rồi bé Thơm, bé Thiện sẽ kể chuyện chúng mình cho cháu Việt, cháu Hoa. Rồi các cháu lại kể tiếp. Cứ thế mãi mãi”.
Nhân vật Lĩnh nghĩ đến những “truyền nhân” (thế hệ tương lai) sẽ kể chuyện tình yêu và lịch sử của một thời, một đất nước. Nhưng không phải chỉ có “Người lính già đầu bạc/Kể mãi chuyện Nguyên Phong” như trước nữa. Thế hệ tương lai sẽ phải kể chuyện tình yêu - hòa bình - hữu ái nhân loại trên nền tảng “chân - thiện - mỹ”.
Tiểu thuyết Hương là một trong những sắc thái của “nỗi buồn chiến tranh”. Nhưng là một nỗi buồn đẹp, cần thiết để thanh lọc tâm hồn con người trong một thế giới quá nhiều nguy cơ tàn phá và hủy diệt không chỉ bởi chiến tranh mà có thể vì “thủy hỏa đạo tặc”. Viết tiểu thuyết Hương, tôi nghĩ, nhà văn Nguyễn Thụy Kha thấm thía đến tận chân tơ kẽ tóc một cách hiểu về văn hóa tối giản nhưng thâm hậu là “cách sống cùng nhau”. Vì thế, cùng lúc nó mang âm hưởng kép: lời nguyện cầu cho hòa bình dân tộc và nhân loại; đồng thời là bản “romance” tụng ca tình yêu, tình bạn, tình đồng bào, tình nhân loại vượt lên trên hận thù chém giết do chiến tranh gây nên, tụng ca vẻ đẹp của mỗi người là một hạt giống đẹp trong vườn ươm hòa bình, hạnh phúc.
Bìa tiểu thuyết "Hương".
Nhân vật tiểu thuyết của Nguyễn Thụy Kha, nếu có phân “chiến tuyến” cũng chỉ là tương đối, nhất thời (moment). Lĩnh (anh bộ đội Giải phóng) và Bao (viên bác sỹ Quân lực Việt Nam Cộng hòa) chỉ là con người phận sự, công vụ có hạn định về không gian - thời gian. Nhưng nhà tiểu thuyết tài giỏi là biết cách đi tìm “con người trong con người”. Phẩm tính này của Lĩnh và Bao chỉ có thể bộc lộ khi xuất hiện nhân vật trung gian là Hương.
Rõ ràng, cách phát hiện từ góc độ “người khác là tấm gương của mình” đã được tác giả vận dụng khi ghép ba nhân vật vào trong “lồng tình yêu”. Tôi chưa thật rõ tác giả có nung nấu giáo lý đạo Phật hay không, nhưng trong cách viết thì hiển thị sự chú ý đặc biệt đến những “sat - na” (kiếp đoạn) của nhân vật/con người. Những góc khuất của tâm linh, thậm chí bí ẩn của năng lực thông linh giữa người sống và người chết, trong tiểu thuyết Hương được thể hiện có mức độ, khiến người đọc còn lưu cái cảm giác “thèm”.
Tôi nghĩ, đó cũng là sự cao tay của nhà văn khi viết. Bỗng nhớ tới lời chỉ giáo của một bậc thầy văn chương thế giới: “Điểu dở nhất trong nghệ thuật và tình yêu là nói hết tất cả cùng lúc”. Dù muôn đời sau thì con người (như một “tiểu vũ trụ”) vẫn là một bí mật bất ngờ với nghệ sỹ ngôn từ. Nói “tột cùng văn hóa là con người” như một định hướng nhận thức thì khi viết tiểu thuyết Hương, nhà văn Nguyễn Thụy Kha đã không bị lạc trôi ngòi bút của mình.
Kỹ thuật “giao hưởng”
Trong nghề văn, có một công thức như tiên đề trong toán học: “Quan trọng không phải là viết về cái gì mà là viết như thế nào”. Đọc tiểu thuyết Hương, độc giả có được cái khoái cảm thẩm mỹ vì cách viết linh hoạt, biến hóa của một ngòi bút kinh lịch đời sống và nghệ thuật, nên có sự pha trộn giữa các nhân tố kỹ thuật như Romance, Drama, Bi kịch, Sử thi, Tâm lý, Trữ tình, Tương tác (thơ/ nhạc/ văn xuôi). Tôi không nghĩ nhà văn chạy theo hình thức thuần túy. Sự tìm tòi hình thức chung quy nhằm biểu đạt tối đa nội dung.
Viết Hương, tôi hình dung nhà văn Nguyễn Thụy Kha, với tư cách một nhạc sỹ, đang kiến thiết một kiểu “giao hưởng” trong một cuốn tiểu thuyết ngắn, tuân thủ tối đa nguyên tắc viết theo phép “tỉnh lược” (nên độ dài chỉ có 350 trang). Ngoài phần Tự bạch và Vĩ thanh, còn lại 10 chương của tiểu thuyết (đánh số từ I đến X), tựa như hai bàn tay với mười ngón tay tài hoa của nhạc sỹ đang lướt trên phím (Digital) đại dương cầm. Không nói là cái gì dẫn dắt, nâng đỡ cái gì, nhưng rõ ràng trong tiểu thuyết Hương âm nhạc với những giai điệu (Melody) và thơ ca với những nhịp điệu (Rhythm) đã làm cho “Romance” bay lên bát ngát, lúc dìu dặt, lúc trầm hùng, lúc bi thương, cuối cùng là khải hoàn ca trong đoàn tụ và nước mắt.
Văn phong của Nguyễn Thụy Kha trong tiểu thuyết Hương, theo tôi, có ảnh hưởng của âm nhạc (về tiết tấu), của thơ ca (về hình ảnh), của thông tấn báo chí (về lượng thông tin thời sự chiến cuộc). Sự trộn lẫn một cách khéo léo các nhân tố trên khiến cho câu chuyện tình yêu (thiên tình sử - love history) lúc như trôi trong mộng mị, lúc như hiển hiện trần thế, vừa xa vừa gần, vừa hư vừa thực. Nếu nói không quá thì tiểu thuyết Hương của Nguyễn Thụy Kha là một “truyền kỳ hiện đại”. Câu chuyện tình yêu (thiên tình sử) được kể lại sau nửa thế kỷ (1972-2022). Dĩ nhiên là nhờ ân huệ của thời gian, của hòa bình, của nhân tâm thời đại (thiên thời - địa lợi - nhân hòa), nên nhà văn Nguyễn Thụy Kha đã thành công với sáng tác mới, tiểu thuyết Hương, như một cột mốc của đại lộ văn chương về chiến tranh thời hậu chiến. Những ai hay kêu ca về sự “thiếu và yếu” của văn chương, đặc biệt tiểu thuyết về chiến tranh hôm nay, có thể vì ít đọc, cũng có thể vì định kiến.
Vậy, quý vị hãy cố gắng dù một lần, đọc tiểu thuyết Hương của nhà văn Nguyễn Thụy Kha. Tôi dám chắc, quý vị sẽ có thêm cơ hội yêu văn chương nước nhà viết bằng tiếng mẹ đẻ - Tiếng Việt - “như bùn, như lụa”.

Với gần 200 vở kịch, chèo phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, nhận hàng chục Huy chương Vàng...
Bình luận