Thơ của Viễn Châu

Nghệ sĩ Nhân dân - soạn giả Viễn Châu (1924-2016) là người con ưu tú của quê hương Trà Vinh trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, giới mộ điệu sân khấu cải lương biết đến ông trong vai trò nhạc công - là danh cầm Bảy Bá, đàn tranh cùng với Năm Cơ (đàn sến), Văn Vỹ (đàn guitar phím lõm) hợp nên bộ ba trứ danh trên các băng đĩa nhựa, đoàn hát một thời lừng lẫy Sài Gòn. Khi sáng tác, ông lấy bút danh Viễn Châu - người con xa xứ Đôn Châu. Hẳn ít người biết soạn giả Viễn Châu cũng từng viết truyện, làm thơ.

Báo chí Sài Gòn từng đăng truyện ngắn và thơ của ông. Sau này, truyện ngắn và thơ Viễn Châu thi thoảng xuất hiện trên tuần báo Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh. Ông viết truyện và thơ không nhiều. Có lẽ, nhiều thứ không truyền tải hết được qua những tuồng cải lương, những bài ca vọng cổ, Viễn Châu tìm đến truyện ngắn, nhất là thơ. Rất tiếc, tôi không còn lưu những truyện ngắn của ông. Còn những bài thơ của Viễn Châu mà tôi có trong tay viết từ năm 1949 như Tự thán, Lời nguyền cho một tình yêu, Có ai còn nhớ Cẩm Giang không? cho đến gần nhất là bài Tình quê hương (1996).

Tâm trạng nhân vật trữ tình trong thơ Viễn Châu đau đáu nỗi ưu hoài quê hương, cố quận:

“Cánh chim về tổ chở mây xa

Cổ thụ nghiêng nghiêng dưới nắng tà

Người đẹp đi rồi, cây nhớ bóng

Ao Vuông còn đọng dấu hài hoa”

(Ao Bà Om)

Mượn hình ảnh thơ ca xưa “cánh chim về tổ” để bày tỏ nỗi nhớ quê nhà, nhớ cảnh sắc thân thuộc làm nên danh thắng Ao Bà Om “cổ thụ nghiêng nghiêng” gắn với huyền tích hay “người đẹp” trong tâm tưởng của cuộc tình thi nhân Viễn Châu “dấu hài hoa”.

Có khi, thơ ông thốt lên là hồi ức về những ngày buộc phải rời xa vùng đất quê hương vướng nghiệp cầm ca, lang thang đất Sài Gòn tìm kế mưu sinh giữa thời loạn lạc. Để hồi sau trở về, chàng trai mười chín tuổi tóc xanh giờ đã ra ông lão thất thập cổ lai hy xốn xang đứng giữa quê hương, cũng với hàng cổ thụ năm nào.

“Lâu lắm rồi, buổi trước

Mới mười chín tuổi đầu

Mang nỗi buồn tang tóc

Ngậm ngùi xa Đôn Châu.

………………………….

Trông lên hàng cổ thụ

Hiu hắt lá vàng bay

Nhìn cây mình khẽ nói:

Ai già nua hơn ai?

Sao mi tràn nước mắt

Khi thờ thẫn trên đường

Bỗng dưng mình chợt nhớ

Vì đây là quê hương.”

(Tình quê hương, 1996)

Thơ của Viễn Châu - 1

GS.TS Trần Văn Khê và soạn giả Viễn Châu trên sân khấu Làn điệu phương Nam. Ảnh: Thanh Hiệp

Chiêm nghiệm tình đời, tình yêu, kiếp cầm ca người nghệ sĩ là đề tài thường nhật trong thơ ông. Những bài như: Chinh chiến đây rồi biệt ải quan, Có ai còn nhớ Cẩm Giang không?, Tiễn đưa, Tâm sự loài hoa trắng, Tâm sự với lan, Tần Phi, Khóc Lạc đế, Nắn tiếng tơ đồng loạn gió thu, Dạ túy, U uất, Mấy cung đàn loạn, Nhắc làm chi nữa… Một số thơ, Viễn Châu viết tặng bạn như tặng Kiên Giang, viếng ngày giỗ thứ 30 của soạn giả Trần Hữu Trang, tặng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - Lê Giang, tặng Thiện Mộc Lan, viếng hương hồn nghệ sĩ Tám Thưa, tưởng nhớ Út Trà Ôn ….

Câu đối tặng Kiên Giang, Viễn Châu viết:

“Tâm huyết gởi tri âm gom mớ văn chương xây giấc mộng

Đất đai nhường trọc phú xé chồng bản thảo lợp lầu thơ.”

Ông viết thơ về chính chuyện tình trong bài vọng cổ ông sáng tác:

“Gió buốt về đây lạnh đất trời

Sương mờ nhỏ giọt lá thôi rơi

Con sông Ngã bảy buồn hiu hắt

Ghe chiếu Cà Mau khuất dạng rồi.”

 (Ghe chiếu Cà Mau khuất dạng rồi)

Tôi lục được trong các bài thơ ông được một bài viết về mùa xuân và một bài có nhắc đến mùa xuân. Bài thơ Tiễn đưa (kính dâng hương hồn nghệ sĩ Tám Thưa), Viễn Châu viết:

“Thuốc đốt say lòng, rượu cháy gan

Bốn mươi lăm rưỡi cái xuân tàn”

Mừng sinh nhật một người bạn, ông viết tặng bài Thêm một lần xuân:

“Còn rượu, còn thơ, còn bạn hữu

Chơi mà vẫn sống, sống mà chơi

Quả tim đầy ắp tình văn nghệ

Thêm một lần xuân, một tuổi đời”

Chúc sinh nhật bạn với lời chúc còn rượu, thơ, bạn hữu, xác lập cách sống “chơi mà sống, sống mà chơi”, đậm tình văn nghệ, dù tuổi đời đang đuổi sau lưng. Chợt nghĩ, con người văn nghệ, túi thơ bầu rượu bạn hiền, tri âm tri kỷ đến thế thì cứ “Chơi mà vẫn sống, sống mà chơi”. Viễn Châu cũng đã làm thế kể từ ngày rời đất Đôn Châu cho đến trút hơi thở ở Sài Gòn!

Không ngẫu nhiên ông viết rất hay, rất dí dỏm những bài vọng cổ hài, đóng đinh tên tuổi hề Văn Hường, hề Sa hay Tư Ếch Văn Chung của loạt kịch bản cải lương hài về Tư Ếch. Con người văn nghệ đến tột cùng ấy, mỗi lần Trà Vinh tổ chức “Giọng ca cải lương hay”, nhà tổ chức đặt lời mời là ông sẵn sàng về “đãi cát tìm vàng” các giọng ca của quê hương. Ông nói chuyện rất hóm hỉnh và lôi cuốn, dân dã, chân chất mà sâu sắc. Chất dí dỏm, hóm hỉnh ăn sâu vào con người ông cho đến cả khi gần đất xa trời: 

“Giờ cha hấp hối sắp quy tiên

Vừa tắt hơi xong phải liệm liền

Ai điếu vài trang hai đứa đọc

Quan tài một cổ bốn thằng khiêng

Bạn bè xơ xác đừng vay gạo

Thân thuộc te tua chớ mượn tiền

Chờ lúc thuỷ triều lên mé bãi

Quăng tòm xuống nước thế là yên.

(Di chúc)

Hay như bài vọng cổ viết cho ông nhưng lúc cuối đời cũng mang chất hài hước rõ rệt. Những năm ngoài 80 tuổi, ông biết sức khỏe không cho phép mình “trụ” lại lâu hơn với trần thế mà niềm đam mê sáng tác, sống với nhân vật ca cổ thì còn vô cùng tận nên ông đã viết 2 câu vọng cổ 5, 6 như lời trăng trối - Anh không chết đâu em để tặng bà nhà và những người nghệ sĩ, những người không bao giờ chết vì niềm đam mê nghệ thuật:

“Câu 5. Các bạn ơi! Nếu một mai tôi nhắm mắt xuôi tay trở về cát bụi, trong những hàng tri âm tri kỉ, thì có ai tiễn đưa tôi về nghĩa địa, có ai tiễn đưa tôi ra nghĩa địa hoang... tàn. Ai sẽ giữ dùm tôi lệ thắm đôi hàng. Nằm dưới mộ nghe dế giun rên rỉ, tôi nhớ hoài tiếng nhạc lời ca. Nhớ ánh đèn màu, nhớ tà áo thướt tha, nhớ những lời âu yếm của những người em gái nhỏ, nếu có những đóa hoa không bao giờ tàn úa thì có những trái tim trẻ mãi không già...”

“Câu 6. Rồi một buổi chiều nào khi tắt nắng hoàng hôn có người con gái tìm đường vào nghĩa địa, tay ôm chặt vòng hoa trắng tìm đến bên mồ nức nở khóc than. Nàng ca lên những bài ca ảo não thê lương của người nghệ sĩ trót mang nhiều cảm lụy. Ôm ngôi mộ, nàng gục đầu nức nở: anh Bảy ơi! anh chết tự bao giờ? Nằm dưới mồ nghe tiếng khóc than, tôi tỉnh giấc và giật mình sống lại. Anh ngồi dậy ôm chặt người con gái và bảo nhỏ rằng:anh không chết đâu em!”

Viễn Châu đã sáng tác và đã tự hát 2 câu vọng cổ này không biết bao nhiêu lần, cho đến khi ông không còn cất tiếng hát… Nhưng rõ một điều rằng, những gì ông tâm sự “Nhớ ánh đèn màu, nhớ tà áo thướt tha, nhớ những lời âu yếm của những người em gái nhỏ”, những gì ông gửi gắm “nàng” cải lương - vọng cổ “Nàng ca lên những bài ca ảo não thê lương của người nghệ sĩ trót mang nhiều cảm lụy” sẽ mãi bên ông trường tồn - và trường tồn cả với bao thế hệ yêu thích vốn văn hóa quý giá của dân tộc. Thơ trong vọng cổ về sau này phải chăng là đặc sản của Viễn Châu, thiết nghĩ, có dây dưa ít nhiều từ những bài thơ của chính Viễn Châu.

Nguyễn Văn Hiếu

Khắc khoải mùa sim trổ hoa
Khắc khoải mùa sim trổ hoa

Xốc ba lô lên vai, băng qua một con dốc nữa chúng tôi mới gặp được người để hỏi thăm. Ủy ban xã Phú Minh sơ tán về...

Tin liên quan

Tin mới nhất

Từ nợ nần đến triệu phú: TikToker nổi tiếng chia sẻ bí quyết vực dậy bất ngờ

Từ nợ nần đến triệu phú: TikToker nổi tiếng chia sẻ bí quyết vực dậy bất ngờ

Trong bối cảnh nhiều người lo lắng vì lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế, Jasmine Taylor – một TikToker từng ngập trong nợ nần – đã tìm được lối thoát nhờ phương pháp "cash stuffing" và tư duy ngân sách rõ ràng. Với doanh thu hơn 2,2 triệu USD một năm từ chính phương pháp này, cô cho rằng: “Lỗi lớn nhất là không cho đồng tiền một mục đích cụ thể.”

Ngoài vàng, hai kim loại này được dự báo tăng mạnh trong nửa cuối năm nay

Ngoài vàng, hai kim loại này được dự báo tăng mạnh trong nửa cuối năm nay

Sau khi ghi nhận mức tăng ấn tượng trong nửa đầu năm 2025, giá vàng, bạc và bạch kim được dự báo vẫn sẽ tiếp tục đi lên trong thời gian tới. Theo chuyên gia chiến lược hàng hóa Ole Hansen của Saxo Bank, các yếu tố thúc đẩy đà tăng của kim loại quý vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí có thể thêm phần mạnh mẽ trong bối cảnh nhiều bất ổn kinh tế và địa chính trị toàn cầu.