Nhà thơ Hữu Thỉnh với nền văn nghệ Việt Nam
Sau hơn hai thập kỷ hoạt động, giới văn nghệ Việt Nam và bạn đọc cả nước biết Hữu Thỉnh - một thi sĩ trong đội ngũ những nhà thơ hàng đầu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta. Một cán bộ quản lý văn nghệ tài năng và tâm huyết, người biết kế thừa truyền thống với đương đại, thích hợp với những bối cảnh trong tình hình mới, đưa sự nghiệp văn học - nghệ thuật nước nhà tiếp tục đổi mới, hội nhập và phát triển.
Sớm bộc lộ khả năng - tư chất người lãnh đạo văn nghệ
Từ anh lính xe tăng đến bài thơ “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, Hữu Thỉnh đã trở thành một nhà thơ tài năng và nổi tiếng.
Chưa về báo Văn nghệ, ngày 17/1/1987, Hữu Thỉnh đã có bài viết đăng trang trọng trên tuần báo Văn nghệ thể hiện rõ năng lực, tầm nhìn, mang tính dự báo và chỉ ra sự cần thiết đổi mới thi ca mang tên: “Đổi mới để hay, để làm sáng rõ bản sắc” (Văn Nghệ số 3 + 4 ra ngày 17/1/1987).
Từ bài viết này, Hữu Thỉnh đã lọt vào “mắt xanh” của người quản lý văn nghệ như Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Tô Hoài kịp thời đưa anh nhập vào hàng ngũ. Quả nhiên, Hữu Thỉnh đã sớm thích nghi, biết gỡ mối, tìm ra biện pháp tối ưu, chọn hướng đi đúng, qua diễn đàn Văn nghệ và khi anh được tổ chức bổ nhiệm làm Tổng Biên tập, bước đầu tiên là nghĩ ngay đến việc tổ chức diễn đàn, hội và thảo để làm sáng rõ con đường đổi mới:
“Tôi cứ hình dung bạn đọc thơ bây giờ như khung thành các đội bóng siêu hạng, lọt bàn là khó lắm. Trong thơ, tôi thích chữ hay hơn chữ mới. Có những bài thơ được gọi là mới nhưng chưa hay, ngược lại đã được công nhận là hay tất phải có cái gì đó thực sự mới. Anh dẫn chứng: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương hay mà không chịu cũ!... Đổi mới để hay và đổi mới để làm sáng rõ hơn bản sắc” và anh cảm nhận rằng: “Thơ trẻ hiện nay giống nhau quá!... Những đóng góp giống nhau là chậm tiến, chậm bước đi của tiến trình đổi mới. Thơ chấp nhận nhiều vẻ đẹp khác nhau, nhiều kiểu hay khác nhau nên cũng rất khác nhau những lời bàn về nó”.
Nhà thơ Hữu Thỉnh
Từ những cảm nhận ban đầu ấy cũng là chiếc cầu nối để anh được tổ chức bổ nhiệm trở thành Tổng Biên tập “cầm trịch” một tờ báo Văn nghệ của cả nước và được Đại hội Nhà văn Việt Nam bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn bốn khóa liền với trên 1000 hội viên, lại được giao trọng trách Chủ tịch, kiêm Bí thư Đảng đoàn Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam với trên 40.000 văn nghệ sĩ Trung ương và địa phương cùng hai thành phố lớn: Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Chỉ điều hành chuyên sâu công việc của Hội Nhà văn cũng đã bận, nay còn phải “để mắt”, trực tiếp vận hành hoạt động của 10 Hội chuyên ngành văn học nghệ thuật Trung ương, 63 Hội văn học nghệ thuật địa phương. Nếu không phải là người chèo lái giỏi, không có tầm nhìn chiến lược, không có kinh nghiệm quản lý, điều hành thì “ngợp” vì công việc, rối tung rối mù không có đường tháo gỡ. Công việc chất cao như núi: Nào Hội Nhà văn và ba tờ báo: Văn nghệ “già”, Văn nghệ trẻ, Văn nghệ các dân tộc, là Nhà xuất bản, là Xưởng phim truyện Hội Nhà văn. Hữu Thỉnh là người của công việc. Nay ở Tây Bắc - Việt Bắc, mai ở Bắc và Nam Trung Bộ, hôm sau đã có mặt ở Tây Nguyên để hội và thảo, để mở trại sáng tác, tổ chức các đoàn nhà văn đi thực tế.
Trong công tác đối ngoại, Hữu Thỉnh cũng là người quan tâm cử đoàn đi các nước, đón đoàn văn nghệ sĩ các nước sang Việt Nam. Bận, rất bận nhưng công việc vẫn đâu vào đấy. Nếu không phải là người chăm lo đến sự nghiệp chung thì đâu có cái trụ sở Hội Nhà văn ở số 9 Nguyễn Đình Chiểu. Cái trụ sở Báo Văn nghệ ở 17 Trần Quốc Toản đã cũ nát từ lâu, nay được xây mới khang trang to đẹp. Từ cái trại sáng tác, trường viết văn ở Quảng Bá với những ngôi nhà cấp bốn dành cho các nhà văn trẻ đến học thầy, để viết, nay trở thành tòa lâu đài nguy nga tráng lệ, trở thành một trong số ít những bảo tàng gây ấn tượng, nơi bảo lưu những giá trị văn học của dân tộc qua các thế hệ, thời đại.
Khách quốc tế đến Việt Nam dự Liên hoan thơ Châu Á - Thái Bình Dương, dự Hội thảo quốc tế quảng bá Văn học khi đến thăm Bảo tàng Hội Nhà văn, họ trầm trồ thán phục bởi nội dung thể hiện, họ ngỡ ngàng về hình ảnh của họ, tranh vẽ chân dung các nhà văn Việt Nam của họ cũng được trưng bày trang trọng. Nào hình ảnh đoàn nhà văn các nước đến thăm Việt Nam. Hình ảnh nữ chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc, nhà văn Thiết Ngưng rất xúc động trước những hoạt động đa phương, phong phú của văn học Việt Nam, xúc động trước sự đón tiếp nồng hậu, gặp gỡ thân tình các nhà văn tại trụ sở Hội số 9 Nguyễn Đình Chiểu người đến dự chật cứng không còn đủ chỗ ngồi!
Tại Phủ Chủ tịch, trong giờ nghỉ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ với các nhà thơ Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất 2012. Ảnh: Hoàng Kim Đáng
Đến thời Hữu Thỉnh làm Tổng Biên tập Báo Văn nghệ, chuyên mục “Tiếng nói nhà văn” được mở ra, làm cho không khí Văn nghệ được tự do ngôn luận, trao đổi, bàn bạc được cởi mở hơn. Chuyên mục “Tiếng nói nhà văn” trong ngần ấy năm cho đến nay vẫn được duy trì và phát triển. Có thể tuyển những bài viết hay, có vấn đề thành các tập để xuất bản sẽ vô cùng hữu ích. Các nhà lãnh đạo đất nước có thể tham khảo. Đây là tiếng nói nhà văn, những tâm tư nguyện vọng của dân được các nhà văn đề cập đến, là chỗ để bàn thảo thời sự, thế sự văn chương, về nhiều vấn đề nóng của đất nước, từ biên giới đến hải đảo, đến vùng sâu vùng xa, từ Lũng Cú - Hà Giang đến mũi Cà Mau tận cùng của đất nước.
Thời kỳ Hữu Thỉnh điều hành báo Văn nghệ tiếp tục công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển, tự nhiên tôi nhớ đến cuộc phỏng vấn nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, Việt kiều ở Paris, Pháp sau hai chuyến về thăm đất nước và triển lãm tại Việt Nam.
Lần thứ nhất vào năm 1976, bà nhận xét: “Đất nước và Thủ đô Hà Nội nghèo về kinh tế, trang phục của phụ nữ đơn điệu, nghèo về màu sắc nhưng ngược lại rất giàu về tình người!”.
Lần thứ hai bà trả lời: “Đất nước mở cửa rộng quá, hội nhập ồ ạt quá, sẽ không tránh khỏi “ruồi muỗi” bay vào theo, sẽ diễn biến phức tạp khôn lường, mệt đấy! Lẽ tất nhiên không khí mở cửa, hội nhập và phát triển ồ ạt quá, trên mặt trận tư tưởng - văn hóa - văn nghệ sẽ nhạy cảm hơn, phức tạp hơn, sóng sẽ to hơn và gió sẽ lớn hơn”.
Về điểm này, ông Đoàn Trọng Huy viết có vẻ hơi kín đáo, tế nhị và cảm thông cho người trong cuộc, người trực tiếp “chịu trận”: “... là Chủ tịch đương nhiệm của Hội Nhà văn Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, rồi công tác Đảng trong hội, Đảng đoàn Liên hiệp, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và tham gia đại biểu Quốc hội hai khóa liền với tư cách nhà hoạt động xã hội, Hữu Thỉnh xuất hiện như Người của sự lựa chọn, một sự lựa chọn có tính lịch sử theo những tiêu chuẩn nghiêm túc, chặt chẽ với sự nhất trí và đồng thuận trên, dưới rất cao”.
Hữu Thỉnh về tuần báo Văn nghệ (1990) là đến nơi “đầu sóng ngọn gió”, lại xung trận trong “trường văn trận bút”, giữa những nhóm đồng nghiệp có lúc tưởng như đối lập: “đổi mới cấp tiến” và “bảo thủ trì trệ”. Đã xảy ra những gay cấn, những đụng chạm nhiều khi căng thẳng, chủ yếu trên phương diện ý thức, quan niệm...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu và tặng hoa chúc mừng thành công của nhà thơ Hữu Thỉnh tại Đại hội X của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ảnh: Hoàng Kim Đáng
Sự kiện Ban vận động thành lập “Văn đoàn độc lập” và việc một số nhà văn hội viên tuyên bố ra khỏi Hội trước thềm đại hội IX là một minh chứng sinh động, nhưng cũng không phải là chuyện khác thường!
Nói về Hữu Thỉnh, là nói đến khả năng, tư chất của người lãnh đạo văn nghệ. Trong công tác đối ngoại, người phụ trách đi công tác nước ngoài được xem là nhiệm vụ. Song, Hữu Thỉnh luôn nghĩ ra việc, tạo điều kiện cho các nhà văn “xuất dương”!
Một bạn thơ tài năng, cực kỳ nổi tiếng, bạn rất thân của Hữu Thỉnh khi sang Mỹ đã bốc đồng quá lời khi trả lời phỏng vấn rằng: “Hữu Thỉnh, xét về mặt hành chính thì ông ta là người đứng đầu cơ quan báo, nhưng uy tín và tài năng thơ ca thì tôi là thần tượng, là cao nhất!”.
Một tạp chí đăng nguyên văn lời nói đó của “ông bạn vàng” thân thiết ấy. Hữu Thỉnh đọc được câu trả lời phỏng vấn của bạn nhưng không hề giận mà chỉ cười và thông cảm về sự cao giọng ấy qua một giây phút thiếu tỉnh táo. Một văn nhân thân thiết khác khi biết tin tổ chức có ý định điều Hữu Thỉnh về làm Phó trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, ông bạn thân ấy liền đá hậu bằng một văn bản viết tay, chữ khá đẹp, dài đến gần 8 trang kể tội Hữu Thỉnh gửi lên Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, và tích cực tuyên truyền mong cho Hữu Thỉnh khóa tới không được bầu vào Ban Chấp hành nữa!
Kết quả là Đại hội khóa VI Hữu Thỉnh vẫn trúng và tiếp tục làm Chủ tịch Hội Nhà văn. Lập tức ông bạn vàng ấy lại gọi điện “chúc mừng thắng lợi”! Cách “ủng hộ” và “chúc mừng thắng lợi” ấy đến tai, nhưng Hữu Thỉnh cũng chỉ xem đó là những “sang chấn” nhất thời. Về cơ bản ông bạn ấy vẫn là người tốt, có năng lực và vẫn được Hữu Thỉnh phân công những nhiệm vụ quan trọng. Thế đấy!
Những trường hợp trên đây không phải là cá biệt khi đất nước có đến trên 40.000 văn nghệ sĩ Trung ương và địa phương. Tài năng lớn trên nhiều lĩnh vực không phải là ít. Ngày xưa, từ thời nhà Đường bên Trung Quốc có thi sĩ Đỗ Phủ đã từng ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Cổ lai tài đại nan vi dụng” (nghĩa là: Xưa nay những người tài lớn đều khó dùng).
Hữu Thỉnh biết rất rõ điều đó nhưng anh tin rằng: Bằng tình cảm chân thực, bằng khả năng và công việc để chứng minh sẽ cảm hóa và thuyết phục được, bởi các cụ nhà ta có câu “Hữu xạ tự nhiên hương”. Anh cứ làm vì trọng trách, vì sự nghiệp, vì ngôi nhà chung của văn nghệ Việt Nam, và anh tin vào câu ngạn ngữ: “Gái có công thì chồng không phụ” và “Nước chảy đá mòn”...
Điều ấy đã được lý giải bằng sự đánh giá công tâm của người đàn bà tài năng và bản lĩnh, đã nhiều năm ở báo Văn nghệ, tham gia Cấp ủy, Thư ký công đoàn rồi Phó Tổng Biên tập - cây bút phê bình văn học Nguyễn Thị Ngọc Trai sau những buổi dự liên hoan gặp mặt cuối năm ở báo Văn nghệ đã tâm sự với những người đã về hưu rằng: “Công bằng mà nói, anh Hữu Thỉnh đã làm được nhiều việc lớn, ngay cái việc cùng Ban Chấp hành nhất trí cao đề nghị trên khôi phục lại danh dự, uy tín cho các văn nghệ sĩ tài năng và có công nhưng bị “dính” vào sự kiện “Nhân văn - Giai phẩm” được tặng hoặc truy tặng Giải thưởng Nhà nước cho các ông: Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Hữu Loan... đâu phải chuyện dễ!”.
Hữu Thỉnh không chỉ tận tình với người đang sống. Anh biết ơn và không quên công lao đóng góp của những vị lãnh đạo tiền nhiệm như nhà thơ Tố Hữu, người được Đảng phân công nhiều năm phụ trách văn nghệ. Tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Tuân, giáo sư Đặng Thai Mai, nhà thơ Huy Cận, nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ Trần Hoàn, họa sĩ Vũ Giáng Hương là các vị Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tài năng, toàn tâm toàn ý vì phong trào văn nghệ cả nước, đã lần lượt ra đi.
Những văn nghệ sĩ tài năng lớn, vào những năm chẵn hội đứng ra tổ chức kỷ niệm, những cuộc hội thảo khoa học được tổ chức, Hữu Thỉnh với bản đề dẫn thấu tình đạt lý, cảm động và sâu sắc. Đặc biệt là những lời điếu sâu nặng ân tình như bạn đọc Trần Chính viện dẫn trên tờ Văn nghệ số 31 (31/7/2010) đã giúp ta nhớ đến công lao đóng góp cho nền văn học nước nhà của họ.
Những năm gần đây nhiều hội viên Hội Nhà văn qua đời để lại bao nỗi buồn mất mát ấy, báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam thường có tin buồn đăng trang trọng, cùng những lời điếu văn được viết công phu, tâm huyết với những tiêu đề mang dấu ấn của từng nhà văn, đó là các nhà văn: Nguyễn Đình Thi, nhà thơ Chính Hữu, nhà văn Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Hữu Mai, Vũ Cao, Trần Lê Văn; là Tế Hanh, Lê Bầu, Phạm Tiến Duật; là nhà văn Nguyễn Khải, Huy Phương và nhiều nhà văn khác như Bàn Tài Đoàn, Nguyên Bình, Trần Quốc Thực, Mai Ngữ, Vũ Bão, Đồng Đức Bốn. Nguyễn Bá Đạm, Hà Xuân Trường, Nguyễn Trung Thu, Trương Xương, Lâm Quý, Từ Bích Hoàng, Thế Mạc, Lê Đình Kỵ, Chu Hà, Quang Huy.... Trần Chính bạn đọc của báo Văn nghệ đã xúc động dẫn ra những câu hay, những lời văn hàm súc, chân tình mà sâu nặng, làm bật ra những tiếng khóc thảm thiết, bi thương...
Phần lớn những bài viết điếu văn đó là của nhà thơ Hữu Thỉnh và anh thường có mặt trong buổi tiễn đưa đồng nghiệp với tư cách là người đứng đầu Hội Nhà văn chia sẻ nỗi đau thương mất mát với gia đình.
Nhà thơ Hữu Thỉnh trong Liên hoan Thơ Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất 2012 tại Hạ Long Quảng Ninh. Ảnh: Hoàng Kim Đáng
Liên hoan thơ, hội thảo quốc tế quảng bá văn học Việt Nam - đỉnh cao của sự đổi mới, hội nhập và phát triển
Liên hoan thơ, Hội thảo quốc tế quảng bá Văn học Việt Nam, một hoạt động văn học mang tầm chiến lược đã được chuẩn bị từ lâu.
Hội Nhà văn tổ chức Liên hoan thơ Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất (năm 2012) và lần thứ 2 (năm 2015) và những cuộc hội thảo quốc tế quảng bá văn học Việt Nam là bước tiến ngoạn mục trong tiến trình “Đổi mới”, “Hội nhập” và “Phát triển”. Ông chủ sự Hữu Thỉnh điều hành những cuộc hội thảo, điều hành Liên hoan thơ quốc tế cứ nhẹ như không.
Hội trường im phăng phắc khi nghe chủ tọa Hữu Thỉnh điều hành giới thiệu khái quát nền văn học quốc gia ấy, tài năng và sự cống hiến cho nền văn học quốc gia ấy của nhiều tác giả trước khi họ đọc thơ, họ đăng đàn diễn thuyết. Việc làm đó có sức thuyết phục rất cao, thể hiện khả năng tiềm ẩn của nước chủ nhà. Hôm sau, ngày rằm tháng giêng tiếp tục khai mạc “Ngày Thơ Việt Nam” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội.
Ngồi cùng xe trên đường từ Quảng Ninh về Hà Nội, chiếc điện thoại di động trên tay Hữu Thỉnh làm việc liên tục, Hữu Thỉnh chỉ đạo công việc từ xa, rất khoa học. Về đến Hà Nội lại rẽ qua Văn Miếu trực tiếp kiểm tra đôn đốc. Sáng hôm sau, Ngày Thơ Việt Nam diễn ra rất trọng thể với sự có mặt của trên 30 đoàn các nhà văn, nhà thơ quốc tế cùng hàng vạn người yêu thơ Việt Nam.
Với vai trò người tổng chỉ huy, vừa theo dõi diễn biến và chỉ đạo, tay vẫn hý hoáy viết lời đáp từ để đọc chiều nay trong cuộc gặp và nói chuyện thân mật của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các nhà thơ quốc tế và Việt Nam tại Phủ Chủ tịch. Sau lời phát biểu cảm tưởng và đánh giá rất cao sáng kiến tổ chức Liên hoan thơ Châu Á - Thái Bình Dương của Việt Nam, nhà văn, dịch giả Trung Quốc Chúc Ngưỡng Tu phát biểu trong cuộc gặp của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang rằng: “... Sáng kiến tổ chức Liên hoan thơ Châu Á - Thái Bình Dương lần đầu tiên tại Việt Nam đã thành công rực rỡ. Hội Nhà văn Việt Nam xứng đáng là Hội anh hùng. Ông nhà thơ Hữu Thỉnh cũng xứng đáng là anh hùng!”.
Sau hơn hai thập kỷ điều hành hoạt động, giới văn nghệ Việt Nam và bạn đọc cả nước, họ đều biết Hữu Thỉnh trong đội ngũ những nhà thơ hàng đầu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, một cán bộ quản lý văn nghệ tài năng và tâm huyết, người biết kế thừa, phát huy truyền thống và đương đại, được đại hội các nhà văn bầu làm chủ tịch liền bốn khóa, được đại đa số giới văn nghệ sĩ cả nước yêu mến quý trọng.
Bình luận