Nết văn
Từ nhỏ tôi đã được dạy rằng “Văn học là nhân học”, rồi “Văn tức là người”, “Trông mặt mà bắt hình dong”… Tức là văn và người có điều giống nhau. Hay nói cách khác là: người có hình văn có nết, mỗi người một khác.
Sau này tôi thấy nhà thơ Phạm Tiến Duật viết “Hình áo thế nào thì hình người thế ấy”, và một nhà phê bình có tiếng cũng viết có loại văn chương sư tử và văn chương cầy cáo. Mới đây tôi lại thấy họa sĩ Phan Cẩm Thượng nhắc lại lời của một triết gia Ấn Độ Vivekananda là “chỉ nên đọc sách của những người đã đắc đạo”… Tôi ngẫm mà thấy đúng vậy.
Những người đã đắc đạo thì sách của họ hình người và nết văn rất rõ. Như văn của Ức Trai tiên sinh thì cao sang: “Đêm qua trăng sáng trời như nước/ Mộng cưỡi hạc vàng lên đàng tiên”. Lúc đắc ý thì hào sảng “Đánh một trận sạch không kình ngạc/ Đánh hai trận tan tác chim muông”. Khi đau buồn thì vẫn là nỗi buồn đau của người quân tử: “Phượng những tiếc cao, diều hãy liệng/ Hoa thời hay héo cỏ thường tươi”…
Cụ Nguyễn Tiên Điền mang nỗi buồn của cả thời đại mà lòng nhân ái thì tràn đầy: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” (Truyện Kiều). Trong Văn chiêu hồn, tiên sinh lặp lại nguyên một câu: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?”.
Lịch sử văn chương cổ kim Đông Tây, chưa có nhà thơ nhà văn nào lặp lại mà không bị chê. Duy chỉ có Nguyễn Du lặp lại cả câu thơ mà lại được khen mà thôi! Phải chăng đây không còn là văn chương nữa, đấy là lời của bậc cao nhân đắc đạo?
Ảnh minh họa.
Lời của những bậc đã đắc đạo thì đấy không còn là lời của riêng họ nữa, mà lời của họ đã thấm đạo rồi. Những lời ấy có thể tin được. Chẳng hạn như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm viết: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn người đến chốn lao xao”. Thì mấy trăm năm trước Nguyễn Trãi đã viết thế: “Nay ta chỉ thích nằm trong núi/ Nhà dựng bên hoa, đọc sách cha”. Nguyễn Du thì qua nhân vật Kim Trọng cũng nói lên nỗi niềm này: “Những mong treo ấn từ quan/ Mấy sông cũng lội mấy ngàn cũng qua”. Đến đầu thế kỷ trước, Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến cũng một tâm trạng ấy: “Nhân hứng cũng vừa toan cất bút/ Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào”…
Đấy là nói người xưa. Gần đây có câu cửa miệng cũng đáng lưu tâm “Bao giờ cho đến ngày xưa”. Thực ra về mặt vật chất, chúng ta đã vượt quá xa ngày xưa rồi. Nhưng về mặt văn hóa thì đâu phải đã như vậy, thậm chí nhiều mặt còn thụt lùi. “Ngày xưa” mà mọi người mong nhắc đấy là sự chuẩn mực cổ điển. Đối với văn chương, sự chuẩn mực cổ điển nhiều khi rất bình dị. Như Nguyễn Bính: “Hoa chanh nở giữa vườn chanh/ Thầy u mình với chúng mình chân quê”. Như Nguyễn Minh Châu với hai thiên truyện ngắn liên hoàn Phiên chợ Giát và Khách ở quê ra. Đỗ Chu với Thăm thẳm bóng người và Tản mạn trước đèn. Nguyễn Ngọc Tư thì sự hàm súc cô đọng lại ở trong sự thùng thình rộng dài của Cánh đồng bất tận…
Trong những câu hỏi mà các phóng viên phỏng vấn sau khi tôi được Giải thưởng của Hội Nhà văn (2009) là nhận xét về văn học trẻ. Tôi luôn ý thức về cả một thế hệ “hậu sinh khả úy”. Nhưng tôi nói rằng: “Văn chương của các cây bút trẻ, một số đã tới, một số chưa tới, và đa số là đang tới. Nhưng từ đang tới đến được đích là cả một con đường khổ ải”… Sự đắc đạo đúng là rất khó. Biết vậy thì phải thật bình tĩnh, thật kiên nhẫn. Chỉ khi nào mình là chính mình, mà cái chính mình ấy lại cần cho mọi người thì đó là đắc đạo. Tuổi trẻ còn tất cả ở phía trước mà sao nhiều người cứ sốt ruột nhỉ, cứ muốn đốt cháy giai đoạn, cứ muốn lội tắt… Chẳng lẽ, có những người cả tuổi thơ mê truyện Tây du ký mà lại không biết muốn đắc đạo phải trải qua rất nhiều gian nan vất vả ư? Đến như những kiệt tác tầm nhân loại ấy mà cũng có tác dụng được mấy cho đời, thì những người viết văn làm thơ bình bình như chúng ta chưa hề đắc đạo sao cứ ảo tưởng, vĩ cuồng làm chi cho mệt? Khi văn đã tới, thì viết một câu cũng là tới. Khi văn chưa tới, thì càng viết nhiều càng xa cái đích mà mình đang hướng tới. Hãy “chậm chậm tới mình” như nhà thơ Trúc Thông đã tự nhủ từ mấy mươi năm trước, các nhà văn trẻ ạ!
2. Trong dân gian vẫn truyền câu ca: “Xưa nay thế thái nhân tình/ Vợ người thì đẹp, văn mình thì hay”. Có cả câu thành ngữ rút gọn: “Văn mình vợ người”. Chuyện “vợ người” thì rộng, thôi để dành cho các nhà xã hội học bàn luận. Tôi chỉ xin nói chuyện “văn mình”.
Ở một mức độ nào đó thì chuyện “văn mình” có một ý nghĩa tích cực. Bởi vì “văn mình” là đứa con tinh thần của mình, thì người sinh ra văn đó tất phải yêu, phải quý. Nhà văn mà lại không yêu quý tác phẩm của mình, thì hỏi còn ai muốn đọc tác phẩm ấy. Và nếu nhà văn có yêu quý tác phẩm của mình thái quá một chút cũng không sao.
Chuyện kể rằng, nhà thơ Xuân Diệu rất khó tính khi người biên tập nào đó góp ý muốn ông sửa chữa thơ mình. Thi sĩ thực sự cáu giận khi thơ mình bị in sai. Nhà thơ Gamdát Xada (Đaghextan - Nga) thì nói với tổng biên tập tờ báo đăng thơ của mình rằng: “Tôi nghe nói anh đã đánh con tôi” khi thơ của mình bị in sai, bị lỗi. Và ông thích thơ mình đăng trên báo tường ở làng quê mình hơn là đăng ở các tờ báo phát hành trong cả nước, vì thơ đăng ở báo tường thường được đăng đúng nguyên văn thơ ông viết ra. Còn nhà văn Marquez (Columbia) thì đã không đồng ý để chuyển thể tiểu thuyết Trăm năm cô đơn lên phim với nhuận bút một triệu đô la Mỹ (tương đương 23 tỉ đồng Việt Nam) vì ông sợ họ làm sai lệch những hình tượng nhân vật của mình.
Nhà thơ Mai Văn Phấn thì nói với tôi: Những bạn bè viết phê bình thơ anh, trước khi đăng thường gửi cho anh đọc. Anh bảo, anh không bao giờ có ý kiến về những nhận định đánh giá của họ về thơ mình, mà anh chỉ chú ý làm sao những câu thơ của anh được trích dẫn đúng nguyên văn. Nhà thơ Vi Thùy Linh vừa qua cũng nói với tôi như vậy đối với những câu thơ của mình được trích dẫn trong các bài viết... Theo tôi, đó là những thái độ rất đáng trân trọng của các nhà thơ nhà văn. Thái độ đó về cơ bản là đúng mực. Yêu văn mình, yêu tác phẩm của mình cũng là một khía cạnh của lòng tự trọng nghề nghiệp.
Nhưng câu ca ở trên thì lại có phần giễu cợt. Bởi vì, sự thực trong đời sống văn chương cũng có nhiều người viết văn, yêu văn mình quá mức. Làm nghề biên tập, tôi đã từng gặp một người viết nhất quyết không cho sửa chữa tác phẩm của mình, dù anh ta viết khá dở, tay nghề còn non. Có người, sau nhiều lần gửi bài mà không được đăng, còn viết ghi chú ở phía dưới bài: “Nếu biên tập đọc bài này mà không thấy hay, không đăng thì trình độ quá kém không đáng làm biên tập, nên bỏ nghề thì hơn”. May mà, chúng tôi đã học được chữ “nhẫn” nên dẫu ai nói gì thì nói, chúng tôi chỉ nhìn vào tác phẩm của họ mà thôi.
Tôn trọng những nhà thơ, nhà văn nhưng chúng tôi cũng biết được “gót chân Asin” của họ, đó là nhiều người đã yêu tác phẩm của mình quá mức đến nỗi không nhìn thấy cái dở của chính mình. Mà không biết rằng, tài hoa như thi sĩ Xuân Diệu nhưng đôi khi cũng có những “câu thơ con cóc”, chẳng hạn khi ông viết: “Cảm ơn vợ chồng anh giáo Huế/ Đãi tôi một bữa Lệ Cần khoai”. Rồi cả câu thơ “Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó, mũi Cà Mau”, muốn biện luận kiểu gì thì đó cũng là “có vấn đề” về mặt logic, không thể là một câu thơ hay được… Thế thì với những người viết thường thường bậc trung, những loại “văn chương con cóc” sẽ xen lẫn không phải là ít. Nên việc để cho mọi người góp ý là rất cần thiết trước khi in ra, chứ đừng để những thứ đó xổng lông nhông trong đời sống văn chương.
Chữ “văn”, tự nó đã có ý nghĩa là đẹp. Người xưa có nói: “Văn chương là sơn thủy trên án thư, sơn thủy là văn chương trên mặt đất” và “Văn chương là gấm vóc có lời, gấm vóc là văn chương không lời”. Thế đủ thấy, nhân loại từ xưa đến nay đã yêu văn chương như thế nào! Yêu văn chương cũng đồng nghĩa với yêu cái đẹp. Mà “cái đẹp cứu rỗi cả thế giới” như một thiên tài nghệ thuật đã nói. Thế thì, có yêu “văn mình”, yêu tác phẩm của mình thái quá một chút cũng có thể thể tất, miễn rằng tình yêu ấy không quá mức mù quáng đến gàn dở. Nhưng với điều kiện văn phải là văn, chương phải ra chương, “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”. Chứ văn chương mà như rơm rạ, như cỏ rác thì bảo ai yêu cho được, dẫu người viết ra nó có nói rằng, đó là hoàng tử, là công chúa của mình đi chăng nữa.

Ai cũng có một thời tuổi trẻ đẹp tươi tràn trề ước mơ, khát vọng nhưng sự khắc nghiệt của thời gian không cho ai giữ...
Bình luận