Về bài thơ “Lối về” của Nhà thơ Đoàn Mạnh Phương

Ai cũng có một thời tuổi trẻ đẹp tươi tràn trề ước mơ, khát vọng nhưng sự khắc nghiệt của thời gian không cho ai giữ mãi tuổi thanh xuân của mình. Nên, nuối tiếc thanh xuân, hoài niệm tuổi trẻ là trạng thái tâm lý không lạ ở tuổi chiều. Ai cũng muốn tìm cho mình một “lối về” tuổi trẻ với mục đích riêng. Và đây là Lối về của nhà thơ Đoàn Mạnh Phương.

Lối về của Đoàn Mạnh Phương là lời thì thầm về một nỗi khát khao của một người đàn ông ở tuổi chiều. Ở tuổi này, hầu như ai cũng “mỏi mệt” với “những toan lo” khi dấn thân vào cuộc sống bộn bề, phồn tạp. Tuy vậy, cũng có lúc anh ta ngồi lại để nhìn lại mình, nhìn lại chặng đường mình đã đi qua để gặm nhấm “Kỷ niệm ùa rêu”, để thoát ra những toan lo của cuộc sống thực tại mà tìm về một thời tuổi trẻ “ngang dọc ước mơ”. Tuổi trẻ là tuổi của ước mơ, khát vọng và họ hăm hở, xông xáo thực hiện ước mơ của mình trên những ngả đường khác nhau. Đặc tính này của tuổi trẻ, Đoàn Mạnh Phương rất tinh tường và cũng rất tinh tế thi sĩ để cho hình ảnh thơ “ngang dọc ước mơ” cất tiếng.

Về bài thơ “Lối về” của Nhà thơ Đoàn Mạnh Phương - 1

Hình ảnh “ngang dọc ước mơ” ở khổ thơ đầu có thể xem là “chìa khóa” mở ra “lối về” thời tuổi trẻ của nhân vật trữ tình. Lối mở này lộ rõ hơn ở khổ thơ tiếp: Mẹ già quăn vỏ đỗ/ sức trai ứa nhựa cành xuân/Chẳng thể/ngồi thâm một chỗ/ bước chân cày tung mặt đường.

Khi “Mẹ già quăn vỏ đỗ” cũng là lúc con lớn khôn có sức vóc “sức trai ứa nhựa cành xuân” gánh vác trách nhiệm chăm dưỡng mẹ già và cống hiến cho xã hội. Đương nhiên vây. Và cũng đương nhiên con “Chẳng thể/ ngồi thâm một chỗ” được. Vậy, phải làm gì? Thì đây là việc làm của người trai trẻ: “bước chân cày tung mặt đường”.

Rất quả quyết, rất bạo liệt! “Mặt đường” in dấu bước chân của người trai chính là  đường đời. Đường đời thì muôn vạn nẻo và lắm chông gai, muốn “cày tung” thì phải có bản lĩnh. Đoàn Mạnh Phương không nói “san bằng” hay “đạp đổ” mà là “cày tung”. Bởi nói đến “cày” là nói đến lao động khó nhọc, miệt mài, chăm chỉ (liên tưởng từ trường nghĩa của “cày đồng”). Phải chăng thi sĩ cho rằng để đạt được ước mơ, ta đừng mong cầu vào sự rủi may, cũng đừng dựa dẫm nương nhờ vào ai, vào thế lực nào mà phải bằng sức lao động, sáng tạo của chính mình. “Cày tung” tỏ rõ sức mạnh của tuổi trẻ, sức mạnh của trí tuệ, của năng lực sáng tạo, của đam mê, nhiệt huyết, ước vọng… “Cày tung mặt đường” là bản lĩnh sống của tuổi trẻ.

Cánh cửa “lối về” mới hé mở, “gã đàn ông” còn thả hồn chuồi theo dòng cảm xúc vui khi mường tượng về tuổi xuân thì chợt có bàn tay thô bạo đập vào vai khiến anh ta bừng tỉnh trở về với thực tại. Bàn tay thô bạo đó chính là đây: Thế rồi / tuổi rêu bụi bám/ rơi đầy mắt lưới mùa thu/ Gã đàn ông không nhớ tuổi/Lặng im/ngồi với sương mù.

Hai tiếng “Thế rồi” bật lên thảng thốt dự báo một điều gì không vui. Điều không vui là đây: “tuổi rêu bụi bám/ rơi đầy mắt lưới mùa thu”. Làm sao vui được khi tuổi trẻ đã nhường chỗ cho “tuổi rêu bụi bám”. Cái bước chân  của “sức trai ứa nhựa cành xuân”, “cày tung” mặt đường đã nhường chỗ cho cái dáng “Lặng im/ ngồi với sương mù”. Rất lặng thầm! Chỉ lặng thầm thôi chứ không đìu hiu, sầu thảm. Bởi cái “mắt lưới mùa thu” kia vẫn còn đẹp, một vẻ đẹp nhẹ nhàng yên ả. Và, “sương mù” giăng mắc mùa thu không u ám lạnh buồn như sương trắng mùa đông.

Với cách nói ẩn dụ, đầy ám gợi như thế, Đoàn Mạnh Phương đã cho bạn đọc “diện kiến” chân dung một “gã đàn ông” đang bước vào “tuổi thu”. Từ tuổi xuân đến tuổi thu kể ra cũng gọi là “già” nhưng không đến nỗi vì lẩn thẩn mà “không nhớ tuổi” mình. “Gã đàn ông không nhớ tuổi” mình kia hẳn là quãng đời trai trẻ đã “lao động quên mình”, hăng hái lao vào công việc mà bất chấp thời gian trôi qua, bất chấp tuổi đời ngày càng chồng chất. “Không nhớ tuổi” cũng có thể là không muốn nhớ, không muốn biết mình đã vào tuổi chiều, thế cũng tức là vẫn khao khát tuổi xuân còn ở lại. 

Khao khát tuổi xuân ở lại nhưng làm sao được khi thời gian cứ âm thầm chảy qua phận người. Thời gian thì vô hình và vô tình nhưng “tuổi rêu bụi bám” thì lại hữu hình và khắc nghiệt. Nên, luyến lưu quá khứ, hoài tiếc những ngày đã qua, những gì đã mất là lẽ đương nhiên.

Nhà thơ Xuân Diệu, thời thanh xuân của mình vì nắm được quy luật “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại” nên đã “giục giã”, “vội vàng” yêu… yêu vì sợ “tình non sắp già”, sợ tuổi xuân qua mau không còn cơ hội để yêu. Còn “gã đàn ông” trong bài thơ này, hẳn cũng biết “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại” mà sao cứ muốn quay về? Có phải về để “tái sinh” tình yêu đôi lứa? Không. Lý do muốn quay về tuổi xuân của gã là đây: Thời cuộc/bốn bề rung lắc/Nhắc ta lối cũ đường quen.

Thế giới biến động, thời đại công nghệ bùng nổ, nhân loại đi lên bằng “đôi hài vạn dặm” tác giả đã để cho cụm từ “Thời cuộc/ bốn bề rung lắc” nói hộ.  Đất nước ta trong thời đại vươn mình, hội nhập thế giới cần lắm sức trẻ, cần lắm lực lượng có nhiệt huyết, tài năng, năng động, sáng tạo… để đứng đầu mũi nhọn của cuộc khai phá mới này. “Thời cuộc” tác động đã “Nhắc ta lối cũ đường quen”. Cái “lối cũ đường quen” ấy phải chăng là “bước chân cày tung mặt đường” thời trai trẻ. Một thời đã từng làm nên nhiều thành quả cống hiến cho đời. “Lời nhắc” của “thời cuộc” có sức gọi dậy ký ức tuổi xuân, thôi thúc ta trở về ngày ấy. Nhưng, muốn mà có trở về được không? Chao ôi,/Con bò ký ức/ gặm mòn bãi cỏ thanh xuân.

“Thanh xuân” đã bị “gặm mòn” thì làm sao “cày tung mặt đường” được nữa. Một niềm nuối tiếc dâng tràn. Từ “Chao ôi” rớt xuống nằm gọn trên một dòng thơ như tiếng buồn rơi vào hồn của gã đàn ông đang “ngồi với sương mù”. Đã “ngồi với sương mù” thì “lối về” thời tuổi trẻ cũng trở nên mịt mù, vô vọng. Bởi làm sao quay ngược được bánh xe thời gian! “Chao ôi”, một tiếng thở dài bất lực. Lối về bị khép kín. Quả thật có buồn nhưng đây là một nỗi buồn đẹp.

Mong muốn trở về tuổi xuân không phải vì nuối tiếc yêu đương tuổi trẻ hay hoài nhớ điều gì mà là để “có sức” cống hiến nhiều hơn nữa cho cuộc đời. Sống cống hiến cho đời là một lẽ sống đẹp. Tham vọng cống hiến lại càng đẹp hơn. Cố nhà thơ Thanh Hải đã từng tâm niệm: “Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời/ Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc”. Tuổi trẻ cống hiến, tuổi già cũng cống hiến, cống hiến cả đời, đó cũng là tâm niệm của Đoàn Mạnh Phương. Nhưng, sức cống hiến của “tóc bạc” sao bằng của “tóc xanh”; “tuổi rêu” cống hiến sao bằng “tuổi trẻ”. Đó là lý do “gã đàn ông” muốn tìm lại thanh xuân. Và, đó cũng là nguồn cảm hứng cho Đoàn Mạnh Phương sáng tạo nên một Lối về.

Lối về vẫn theo phong cách sáng tác riêng biệt của Đoàn Mạnh Phương. Mới mẻ, hiện đại trong ngôn từ; đẹp và nhiều sức gợi trong kiến tạo hình ảnh; nhỏ nhẹ, thâm trầm trong giọng điệu. Tất cả yếu tố này đã làm sáng lên một lẽ sống đẹp của người ở tuổi chiều.

LỐI VỀ

Đoàn Mạnh Phương

Kỷ niệm ùa rêu

những toan lo mỏi mệt

trên lối về ngang dọc ước mơ

Mẹ già quăn vỏ đỗ

sức trai ứa nhựa cành xuân

Chẳng thể

ngồi thâm một chỗ

bước chân cày tung mặt đường

Thế rồi 

tuổi rêu bụi bám

rơi đầy mắt lưới mùa thu

Gã đàn ông không nhớ tuổi

Lặng im

ngồi với sương mù

Thời cuộc

bốn bề rung lắc

Nhắc ta lối cũ đường quen

Chao ôi,

Con bò ký ức

gặm mòn bãi cỏ thanh xuân.

Tuệ Mỹ

Tin liên quan

Tin mới nhất

Santa Fe: Chiếc SUV bị

Santa Fe: Chiếc SUV bị "già hóa" nhanh nhất trên mạng xã hội Việt Nam?

Hyundai Santa Fe, mẫu SUV 7 chỗ đình đám tại Việt Nam đang đối mặt với hiện tượng “già hóa” nhanh, từ những ý kiến trên mạng xã hội. Thiết kế chững chạc, trang bị đầy đủ và vận hành ổn định khiến xe được lòng nhóm khách hàng trung niên, nhưng lại mất dần sức hút với người trẻ.

Giá vàng liên tục biến động mạnh, diễn biến tiếp theo ra sao?

Giá vàng liên tục biến động mạnh, diễn biến tiếp theo ra sao?

Trong bối cảnh thị trường toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn, giá vàng tương lai giao tháng 6/2025 vẫn duy trì trên mức hỗ trợ kỹ thuật quan trọng 3.180 USD/ounce. Đây được xem là dấu hiệu tích cực về mặt kỹ thuật, mở ra khả năng vàng sẽ tiếp tục tăng giá trong thời gian tới.

Dòng chảy 50 năm của kiến trúc Việt Nam

Dòng chảy 50 năm của kiến trúc Việt Nam

Hội thảo “Kiến trúc Việt Nam – 50 năm đất nước thống nhất” do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức sáng 20/5 tại Hà Nội đã mang tới những góc nhìn đa diện về những thành tựu và tồn tại, đề xuất phương hướng, giải pháp, đóng góp cho sự phát triển bền vững, hiện đại và có bản sắc của kiến trúc Việt Nam.