Vị thế của văn học nghệ thuật trong những năm qua
Ngay từ những ngày Cách mạng Việt Nam đang còn trứng nước, những năm 40 của thế kỷ trước, trong thời kỳ còn đang hoạt động bí mật, Đảng ta đã soạn thảo và công bố “Đề cương về văn hóa Việt Nam” với những luận điểm nổi tiếng về Dân tộc - Khoa học - Đại chúng, mà đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, vị thế của văn học nghệ thuật cũng ngày một nâng cao, có thể nói, nó đã trở thành một trận tuyến hữu hiệu, không thể thiếu qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc và có những đóng góp vĩ đại vào thắng lợi chung, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên Hòa bình, Thống nhất, xây dựng lại đất nước bị chiến tranh tàn phá, xây dựng và phát triển một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, trong đó rất chú trọng nâng cao các giá trị tinh thần và vật chất của con người, vì trong các Nghị quyết mà Đảng ta đã từng khẳng định, trong tất cả mọi quyết sách lớn, con người luôn được đưa vào vị thế trung tâm.
Trong văn học nghệ thuật cũng vậy, con người là chủ thể chính, là nhân vật chính, là linh hồn của cả nền văn học nghệ thuật, là yếu tố tồn vong của nó. Vì vậy, đề cao và phát triển con người trong xã hội chúng ta cũng đồng nghĩa với việc đề cao và phát triển văn học nghệ thuật trong nhiều giai đoạn khác nhau của lịch sử. Con người càng được đứng thẳng trên hai chân của mình, càng được thụ hưởng mọi thành quả của xã hội, của nền dân chủ và văn minh, tự do biểu đạt mọi suy tư và cảm xúc của mình, thì văn học nghệ thuật càng phát triển.
Sự phát triển của văn học nghệ thuật nói riêng và văn hóa nói chung lại phải đồng bộ với sự phát triển kinh tế. Nếu kinh tế chỉ biết tự bùng nổ một mình, quên đi yếu tố văn hóa, thì rõ ràng xã hội sẽ phát triển không đồng bộ, thậm chí có thể què quặt, méo mó, sa vào chủ nghĩa thực dụng, suy thoái đạo đức và các giá trị tinh thần. Đảng và Nhà nước ta cũng luôn nhìn thấy những mối tương quan đó, nên luôn luôn chủ trương phát triển kinh tế là phải đi đôi với phát triển văn hóa, lấy con người làm trung tâm khi xây dựng mọi thể chế, mọi chính sách.
Ảnh minh họa.
Trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập được tiến hành từ gần 40 năm nay, văn học nghệ thuật cũng được đề cao như vậy. Chúng ta nhớ lại thời kỳ năm 1986, bắt đầu vào đổi mới, khi chúng ta còn đang lúng túng vì một số dây nhợ còn trói buộc sáng tác từ thời kỳ bao cấp, thì đồng chí Nguyễn Văn Linh khi ấy có một câu nói đã đi vào lịch sử, mà mỗi anh em chúng ta đều nhớ. Đó là khi đồng chí đề cao tính chủ động của văn nghệ sĩ trong quá trình đổi mới và phát huy dân chủ và chủ động cao trong sáng tạo, đã nhắc nhở chúng ta: “Hãy biết tự cởi trói cho mình trước khi trông chờ Trời cởi trói!”. Soi vào thực tiễn hoạt động văn học nghệ thuật của giới chúng ta qua 50 năm nay, câu nói đó quả đã có một sức tác động vô cùng tích cực, nâng cao đáng kể vị thế chủ động của tất thảy chúng ta.
Nghị quyết Trung ương V của Đảng, chuyên về phát triển văn hóa - văn nghệ (1998), trong thời kỳ vừa mở cửa và hội nhập, khi chúng ta đang lo lắng về những chuyện phức tạp do đất nước mở cửa và hội nhập, cái tốt và cái độc hại đều cùng lúc có thể dễ dàng xâm nhập vào đời sống chúng ta. Trên thực tế, cũng đã có một số ảnh hưởng lai căng, lố lăng... tự phát bắt chước các trào lưu nước ngoài một cách rập khuôn, thiếu suy nghĩ, trong cả biểu diễn và sáng tác. Vì thế, ở Nghị quyết Trung ương V, chúng ta thấy, đã có ngay một sự uốn nắn và nhắc nhở kịp thời: “...phát triển văn hóa tiên tiến, nhưng lại đậm đà bản sắc dân tộc”.
Cùng với sự nhắc nhở ấy, một loạt chính sách và biện pháp đã tạo đà cho văn hóa văn nghệ “đậm đà bản sắc dân tộc” có điều kiện bước lên tầm cao mới và có vị thế phát triển thuận lợi, một số loại hình truyền thống cũng được phục hồi và nâng cao.
Đến Nghị quyết 23-NQ/TW(2008), thì Đảng đã chủ động vạch ra được 7 vấn đề yếu kém rất cụ thể, khi tổng kết tình hình văn hóa - văn nghệ và đề ra những biện pháp khắc phục ngay trong Nghị quyết. Chúng tôi xin được nêu lại 7 vấn đề này trong quá trình quản lý và điều tiết văn học nghệ thuật những năm qua, đó là:
Vấn đề thứ nhất khá nổi cộm là tác phẩm của chúng ta đang có biểu hiện xa lánh những vấn đề lớn, trọng đại của đất nước, mà chạy theo các đề tài nhỏ nhặt tầm thường, chiều theo thị hiếu thấp kém, thực dụng, đáp ứng nhu cầu giải trí.
Vấn đề thứ hai là: tình trạng “nghiệp dư hóa” các hoạt động văn học nghệ thuật ngày một tăng và phổ biến. Tính chuyên nghiệp cao và chất lượng chuyên môn cao bị hạ thấp, thay vào đó là sự bằng lòng với cách làm dễ dãi, thiếu quan điểm thẩm mỹ, thiếu chiều sâu kiến thức, không chịu kế thừa các thành tựu quá khứ, chỉ chạy theo cách làm tự phát, tự nhiên chủ nghĩa, phục vụ cho các nhu cầu trước mắt, bản vị, địa phương, hoặc theo yêu cầu của một nhóm người có tiền, đứng ra bảo trợ.
Vấn đề thứ ba là: tình trạng lý luận văn học nghệ thuật có lúc rơi vào xơ cứng, kém năng động, các hoạt động lý luận phê bình văn học nghệ thuật có khả năng tụt hậu. Một số bài phê bình văn nghệ có xu hướng chạy theo lợi ích nhóm, cả nể nhau hoặc vụ lợi, tận dụng yếu tố quen biết, bè phái, nâng nhau lên vì lợi ích riêng, thiếu khách quan.
Vấn đề thứ tư là: các sáng tác có giá trị được giới thiệu ra nước ngoài còn rất hạn chế. Nhà nước không tổ chức được cơ quan nào chính thức giới thiệu văn học nghệ thuật Việt Nam một cách hệ thống và có bài bản ra quốc tế (trước đây, NXB Ngoại văn có làm một ít, nhưng công việc này ngày càng thu hẹp, thưa vắng đi, vì không có kinh phí), nên việc giới thiệu này chỉ do các cá nhân hoặc một số cá nhân có điều kiện và vài ba tổ chức nước ngoài làm theo ý chủ quan của họ.
Vấn đề thứ năm là: Công tác đào tạo, bồi dưỡng còn bất cập, lạc hậu. Các tổ chức văn học nghệ thuật gần đây cũng ít quan tâm mở các lớp bồi dưỡng tài năng trẻ. Các cơ quan Nhà nước cũng ít gửi những cán bộ, văn nghệ sĩ có năng lực đi đào tạo nâng cao trình độ ở nước ngoài. Vấn đề thiếu kinh phí ở đây cũng vẫn là then chốt.
Vấn đề thứ sáu là: Năng lực chỉ đạo, điều hành quản lý văn hóa - văn nghệ của các cấp ủy Đảng và các cán bộ lãnh đạo cơ quan Nhà nước còn bộc lộ nhiều bất cập, chậm đổi mới, thiếu quan tâm. Đồng thời, cũng thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước đối với các Hội văn học nghệ thuật, mà chủ yếu lại là do nguyên nhân chủ quan (tức là không phải do thiếu các chủ trương, chính sách cần thiết, mà chỉ là do ý thức con người).
Vấn đề thứ bảy là: Việc đầu tư kinh phí, ngân sách vào văn học nghệ thuật chưa đúng tầm, chưa đồng bộ, đầu tư lại chưa tương xứng theo yêu cầu mới, kém hiệu quả.
Bảy vấn đề này, nếu nhìn từ năm 2008 là năm ra Nghị quyết 23-NQ/TW đến nay, thì chúng ta thấy rõ là vẫn còn tồn đọng, chưa có chuyển biến gì đột phá. Tất nhiên, gần đây có một số đề xuất mới, sau một loạt các Hội nghị văn hóa toàn quốc, ví dụ như có Đề án tổng thể của Bộ Văn hóa lên kế hoạch mấy chục ngàn tỷ, để sửa chữa, nâng cấp các Nhà văn hóa và các thiết chế văn hóa, rồi dự kiến đặt thêm một hệ thống giải thưởng văn học nghệ thuật nữa, bên cạnh Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước, rồi lập các Quỹ Văn hóa, đặt lại vấn đề bồi dưỡng, đào tạo... cả trong nước và nước ngoài... Tuy nhiên, các vấn đề này mới chỉ rộ lên để thảo luận và góp ý, chứ chưa có việc gì được tiến hành. Có cả việc muốn đề nghị thành lập một Viện Dịch thuật Quốc gia, theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, để có kế hoạch hệ thống giới thiệu và quảng bá văn học nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài, tuy nhiên vẫn chỉ là những ý kiến đề nghị mà chưa có ai đứng ra giải quyết. Phải chăng, chúng ta lại phải lấy lại câu nói của đồng chí Nguyễn Văn Linh từ năm 1986, để làm khẩu hiệu: “Hãy tự biết cứu mình, trước khi Trời cứu!”.
Chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” Day 5 diễn ra tối 14/6 đã thu hút hàng chục nghìn khán giả đóng góp đáng kể cho công nghiệp văn hóa.
Tôi chỉ xin nêu lên một vấn đề nhỏ vậy thôi. Năm mươi năm qua, chúng ta luôn rất tự hào về các thành tựu lớn lao, phi thường của phong trào văn hóa văn nghệ nước ta, cũng rất phấn khởi với sự trưởng thành đĩnh đạc, đàng hoàng của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội văn học nghệ thuật của tất cả các tỉnh thành trên toàn quốc, rất vui mừng vì các tác phẩm của các thể loại văn học nghệ thuật (từ văn học đến âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh mỹ thuật, kiến trúc, múa và văn nghệ dân gian) ngày càng được công chúng đánh giá cao. Chưa kể là đã có một số thành tựu nổi bật trong công nghiệp văn hóa, một khái niệm mới mà chúng ta mới triển khai, và cũng đã có thành tựu bước đầu đáng nể (như thành công của ca sĩ Hòa Minzy hay các concert “Anh trai” gần đây).

Trong 50 năm qua, văn học ta đã làm được hai việc. Một là trả nợ quá khứ, hai là nhập cuộc đổi mới. Sau đây là lời...
Bình luận