Góp thêm cách nhìn về một nửa thế kỷ văn học (30/4/1975 - 30/4/2025)

Trong 50 năm qua, văn học ta đã làm được hai việc. Một là trả nợ quá khứ, hai là nhập cuộc đổi mới. Sau đây là lời giải thích.

Về trả nợ quá khứ

Trước hết là trả nợ cuộc chiến tranh chống Mỹ, sau đó là hai cuộc chiến tranh biên giới diễn ra ở hai đầu đất nước. Cuộc trả nợ này còn có tên gọi khác là văn học viết về chiến tranh mà nhân vật trung tâm là “anh bộ đội Cụ Hồ”. 

Sau ngày đất nước thống nhất không lâu, đã xuất hiện một loạt trường ca, làm thành một hiện tượng văn học. Đó là các trường ca: Những người đi tới biển của Thanh Thảo, Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh, Sư đoàn của Nguyễn Đức Mậu, Sông núi trên vai của Anh Ngọc, Mặt trời trong lòng đất của Trần Mạnh Hảo, Con đường của những vì sao của Nguyễn Trọng Tạo, Vé trở về của Văn Lê, Đò trăng của Y Phương, Đá cháy của Trần Nhuận Minh, Gọi nhau qua vách núi của Thi Hoàng, Tiếng bom và tiếng chuông chùa của Phạm Tiến Duật, Trường ca Hàm Rồng của Từ Nguyên Tĩnh, Ở làng Phước Hậu của Trần Vũ Mai, Bà mẹ Quảng Trị của Trần Thị Thắng, Trên con đường ấy, Trường Sơn của Lê Quang Trang, Đổ bóng xuống mặt trời của Trần Anh Thái, Trầm tích của Hoàng Trần Cương…

Góp thêm cách nhìn về một nửa thế kỷ văn học (30/4/1975 - 30/4/2025) - 1

Một số trong những tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam sau năm 1975

Nhận rõ trách nhiệm với thế hệ mình, năm 2014 lúc còn làm công tác Hội, tôi đã cùng bàn với các anh chị trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam quyết định xuất bản bộ sách tổng hợp các nhà văn thế hệ chống Mỹ, in khổ lớn gồm 4 tập thơ, văn, lý luận phê bình. Riêng tuyển thơ có 332 tác giả gần 1000 bài thơ, dày 1624 trang. Bộ tổng tập này là một công trình lớn của một tập thể nhà văn làm việc quần quật gần một năm trời. Nay nhìn lại, tôi có thể nói đó là tất cả tâm huyết của một thế hệ góp phần nhỏ trả món nợ lớn không bao giờ trả hết với Tổ quốc, với Nhân dân. 

Về văn xuôi, ngoài các tập truyện ngắn Mầu tím hoa mua của Nguyễn Thị Như Trang, Mầm sống của Triệu Bôn, Đêm thức của Đức Ban, là một danh sách khá dài của các tập tiểu thuyết. Đó là: Chim én bay của Nguyễn Trí Huân, Sông Đỏ và Gió xanh của Chu Lai, Những bức tường lửa của Khuất Quang Thuỵ, Lạc rừng của Trung Trung Đỉnh, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Thượng Đức của Nguyễn Bảo, Bến không chồng của Dương Hướng, Bến đò xưa lặng lẽ của Xuân Đức,…

Sát cánh với các nhà văn chống Mỹ, các nhà văn thế hệ chống Pháp cũng cho ra đời những tiểu thuyết có tiếng vang. Ông cố vấn của Hữu Mai, Tư Thiên của Xuân Thiều, Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh, Gặp gỡ cuối năm của Nguyễn Khải, Cánh đồng phía Tây Yên tĩnh của Hồ Phương, Nợ nước mắt của Trang Thế Hy, Đứa con của đất Miền sóng vỗ của Anh Đức, Mùa gió chướng của Nguyễn Quang Sáng, Sao Mai của Dũng Hà…

Nếu nói tiểu thuyết là trụ cột của một nền văn học, thì với danh sách mà tôi chắc là chưa đủ trên kia, chúng ta đã có một bức tranh toàn cảnh về cuộc kháng chiến chống Mỹ vô cùng oanh liệt, chưa từng có cả ở miền Bắc và miền Nam, trên không và mặt biển, với những con người dũng cảm, tiêu biểu cho chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh. Có thể nói chưa bao giờ chúng ta có được một mùa bội thu văn học lớn lao, đồ sộ đến thế. Đó là một tập đại thành, kết tinh đẹp đẽ tài năng và nhân cách nhà văn, nó giúp cho bạn đọc hôm nay và mai sau tìm thấy câu trả lời, vì sao một dân tộc vừa bước ra khỏi cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, gian khổ với biết bao hy sinh, mất mát không lâu lại có thể chiến thắng một siêu cường hùng mạnh, tàn bạo nhất hành tinh như đế quốc Mỹ.

Cái mới của các tiểu thuyết chiến tranh là khắc phục cách nhìn một chiều, né tránh những hy sinh mất mát đồng thời dự báo những vấn đề trong hoà bình. Trớ trêu thay, ta cứ tưởng thắng Mỹ rồi thì hoà bình sẽ vĩnh viễn, nhưng lịch sử lại muốn thử thách dân tộc một lần nữa, khiến có lúc chúng ta phải đứng trước tình thế, trước - sau đều có giặc. Và một lần nữa các nhà văn lại có mặt trong tư thế người chiến sĩ ngoài mặt trận. Họ đã chẳng để bạn đọc phải chờ đợi lâu. Hầu như tiếng súng kết thúc, nhiều tác phẩm nóng bỏng đã được trình làng. Đó là tiểu thuyết Mùa chinh chiến ấy Một trăm ngày trước tuổi 20 từ biên giới phía Nam của nhà văn Đoàn Tuấn; Mùa hè giá buốt của Văn Lê, Thành phố bên sông của Kim Quyên. Ở biên giới phía Bắc là tiểu thuyết Cổng trời của Ngôn Vĩnh, Mình và họ của Nguyễn Bình Phương, Gió Thượng Phùng của Võ Bá Cường.

Trả nợ với lịch sử dựng nước và giữ nước

Người đi tiên phong và có thành tựu nhất trong mảng văn học này phải kể đến Hoàng Quốc Hải. Anh đã dành hầu như cả đời mình để hoàn thành hai bộ tiểu thuyết Tám triều vua Lý gồm 4 tập và Bão táp triều Trần gồm 6 tập. Đây là hai triều đại có võ công oanh liệt nhất chống ngoại xâm với hai nhân vật tiêu biểu được xây dựng rất thành công là Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo. Tiếp theo phải kể đến Trần Thuỳ Mai với hai tác phẩm viết về nhà Nguyễn là Từ Dụ thái hậu (2 tập) và Đồng xuân công chúa (2 tập). Bùi Việt Sĩ với 2 tác phẩm Chim Ưng và người đan sọtChim bằng và nghé hoa. Thái Bá Lợi với Minh sư, Hà Phạm Phú với Trưng Trắc… và một số tác giả khác như Trương Thị Thanh Hiền, Vĩnh Quyền, Hoàng Quảng Uyên, Nguyễn Trọng Tân, Võ Khắc Nghiêm, Lý Lan, Phùng Văn Khai, Lưu Văn Khuê, Nguyễn Xuân Khánh, Lê Hoài Nam, Nguyễn Thế Quang, Võ Bá Cường, Văn Lê, Lê Quang Trang…

Với cảm hứng viết về lịch sử cách mạng và kháng chiến, trong 50 năm qua, chúng ta lại có thêm một số tác phẩm viết về Bác Hồ kính yêu, được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Đó là các tiểu thuyết Búp sen xanh Bông sen vàng, Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh, Nguyễn Ái Quốc trong ký ức người mẹ Nga của Sơn Tùng; tiểu thuyết Hồ Chí Minh (3 tập) của Hoàng Quảng Uyên, trường ca Trăng Tân Trào của Hữu Thỉnh, tiểu thuyết Gió bụi đầy trời của Thiên Sơn, tập truyện ký Theo dấu chân Người của Trình Quang Phú. Viết về Đảng có Chân dung chính khách Việt Nam của Vĩnh Quang Lê.

Về nhập cuộc đổi mới

Nói về thơ, nếu chỉ dừng lại ở một số tập trường ca, và cả tuyển thơ chống Mỹ là rất không đầy đủ. Sau chiến tranh, các nhà thơ bên cạnh tiếp tục làm đầy phong cách và sự nghiệp của mình, thì trên thi đàn lại xuất hiện những tên tuổi mới làm cho đời sống thơ ca khởi sắc hẳn lên. Thơ ca của họ mang dấu ấn thế hệ rất rõ. Đó là những cố gắng đổi mới về cách nhìn, về thi pháp, bớt nhìn lại phía sau để hướng những cách tân hiện đại. 

Phải nhận rằng sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước ta đã thổi một luồng gió mới đầy sinh khí vào đời sống văn học. Từ những bài bút ký, phóng sự đầu tiên chiếm được cảm tình của đông đảo bạn đọc, các nhà văn đã sớm công bố những tác phẩm được nung nấu từ lâu. Vinh dự mở cửa đột phá thuộc về Nguyễn Minh Châu với các tác phẩm Người đàn bà trên chuyến tầu tốc hành, Bến quê, Chiếc thuyền ngoài xa. Người gần như sánh bước với Nguyễn Minh Châu là Ma Văn Kháng với các tác phẩm Mưa mùa hạ, Mùa lá rụng trong vườnĐám cưới không có giấy giá thú; rồi Cù Lao Chàm của Nguyễn Mạnh Tuấn, Hạt mùa sau của Nguyễn Thị Ngọc Tú; tiếp đó là Thời xa vắng của Lê Lựu, Luật đời và cha con, Lửa đắng, Gã tép riu, Vỡ vụn và cuộc vuông tròn của Nguyễn Bắc Sơn; Hồi của Lê Minh, Những ngày thường đã cháy lên của Xuân Cang, Ông Mãnh về làng của Trịnh Thanh Phong, Biết đâu địa ngục thiên đường của Nguyễn Khắc Phê, Bi kịch nhỏ của Lê Minh Khuê, Những ngọn gió Hua Tát, Tướng về hưu, Con gái thuỷ thần của Nguyễn Huy Thiệp, Mảnh vườn xưa hoang vắng của Đỗ Chu, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Xuyên cẩm của Dương Kỳ Anh, Trở lại là em của Vũ Thị Hồng, Kẻ mắc chứng điên của Trần Thị Trường, Người lạc về đâu của Minh Chuyên, Người đàn bà ám ảnh của Đức Hậu, Một nửa người đàn bà của Hà Thị Cẩm Anh, Tiếng cuốc gọi bầy của Viên Lan Anh, Cô gái nhẩy cầu Rạch Miễu của Nguyễn Quốc Trung, Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh, Làng Cói Hạ của Nguyễn Hữu Nhàn, Tấm ván phóng dao của Mạc Can, Seo Sơn của Vũ Quốc Khánh, Cây cầu của Lê Văn Vọng, Goá chồng một thế kỷ của Văn Chinh, Nợ đời của Hoàng Dự, Lửa sáng phía chân trời của Châu La Việt, Ổ rơm của Trần Quốc Tiến, Người lang thang của Cao Duy Sơn, Bác sĩ trưởng khoa của Vũ Oanh, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, Bãi vàng, đá quý, trầm hương của Nguyễn Trí, Đông trùng hạ thảo của Mai Tiến Nghị…

Cái mới của văn xuôi nói riêng, của văn học nói chung là chuyển trạng thái từ chiến tranh sang hòa bình, chuyển bất thường trở lại bình thường. Lúc này Nghị quyết Đại hội VI đang ngấm vào đời sống. Chữ Dân được đưa lên trước chữ Nước, chữ Giầu được đưa lên trước chữ Mạnh. Chỉ có thế thôi mà trở thành một cuộc cách mạng. Đổi mới cách làm ăn cũng vĩ đại như thu giang sơn về một mối. Trong chiến tranh, con người mới, con người tiên tiến là biết đi đầu trong gian khổ hy sinh, bây giờ, con người tiên tiến là phải biết làm giầu cho mình và cho xã hội, được làm những gì nhà nước không cấm. Đó là sự mở rộng đường biên văn học. Và sự mở rộng này còn tiến xa hơn nữa trong việc tiếp cận những nhân tố tích cực, những tia sáng lạ, những vẻ đẹp làm ấm lòng người, đồng thời phơi bày, lên án, truy đuổi mọi cái xấu, cái ác khi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá tiến vào kỷ nguyên kinh tế trí thức được vận hành trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập tích cực. 

Nửa thế kỷ qua, tình hình đã khác. Ngay từ lúc biển còn lặng, sóng còn yên, Trần Đăng Khoa sau một chuyến đi dài ngày ra tuyến đảo Trường Sa đã cho ra mắt tập tiểu thuyết Đảo chìm được tái bản tới 25 lần. Tiếp đó là Trường ca Biển của Hữu Thỉnh. Khi tình hình nóng lên thì xuất hiện hàng loạt bài bút ký và cả một rừng thơ. Rồi trường ca Tổ quốc nhìn từ Biển của Nguyễn Việt Chiến, tập truyện Hòn đảo phía chân trời của Trần Nhuận Minh, Quần đảo san hô của Hà Đình Cẩn, tập thơ Từ biển mà lên của Trịnh Công Lộc, Hạ thuỷ những giấc mơ của Nguyễn Hữu Quý, Sóng trầm biển dựng của Đoàn Văn Mật, Đảo chìm và hơi thở rừng chồi của Vương Trọng, Nơi khôn thiêng của biển của Nguyễn Hữu Quang, Trường Sa kỳ vĩ và gian lao của Sương Nguyệt Minh, Biển xanh mầu lá của Nguyễn Xuân Thuỷ ra đời. Thế là chúng ta đã có hẳn một mảng văn học về biển, đảo, một hiện tượng chưa từng có trong quá khứ. Tin rằng, với sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc, rồi đây bạn đọc sẽ được đón nhận nhiều tác phẩm đa sắc hơn nữa, kể cả với sự tham gia của các nhà văn đang sống ở nước ngoài.

Góp thêm cách nhìn về một nửa thế kỷ văn học (30/4/1975 - 30/4/2025) - 2

Một số tác phẩm trong mảng văn học về biển đảo

Theo nhiều nguồn thông tin cho biết, số lượng người Việt mình đang sống ở nước ngoài khoảng 6 triệu người. Con số đó có thể tin được vì nhịp điệu xuất khẩu lao động ngày càng tăng. Họ là đội quân đi làm giầu cho đất nước. Cuộc sống tha hương ấy luôn ở trong tầm với của văn học. Ngoài những trang viết xúc động của Tô Hoàng, Bùi Việt Sĩ, bạn đọc còn được đón nhận một tác phẩm hay về đề tài này là tiểu thuyết Quyên của Nguyễn Văn Thọ và Ngày dài xứ lạnh của Thái Chí Thanh.

Bổ sung đáng quý cho mảng văn xuôi sau chiến tranh là những cây bút đang sung sức. Đó là Nguyễn Thị Thu Huệ, Hồ Anh Thái, Y Ban, Đỗ Thị Bích Thuý, Phan Thị Vàng Anh, Kiều Bích Hậu, Di Li, Vũ Hồng, Đào Bá Đoàn, Bích Ngân, Võ Thị Xuân Hà, Thuỳ Dương, Trần Đức Tiến, Ngô Khắc Tài, Nguyễn Lập Em, Tống Ngọc Hân, Bích Vượng, Nguyễn Hải Yến, Phạm Trường Thi, Thu Trân, Nguyễn Thị Phước, Bùi Thị Như Lan, Đàm Quỳnh Ngọc, Lê Hà Ngân, Niê Thanh Mai, Như Bình, Thanh Hà, Nguyễn Thị Diệp Mai…

Trở lên là những nét chấm phá về tình hình sáng tác. Sau đây là câu chuyện về làng nghiên cứu, lý luận, phê bình. Đây là lĩnh vực vừa khoa học, vừa nghệ thuật đã thu được rất nhiều thành tựu trong nửa thế kỷ qua. Về công tác nghiên cứu, với tư duy đổi mới, chúng ta đã trả lại giá trị vốn có của Thơ mới, của Tự lực văn đoàn, của Xuân thu nhã tập trở về đúng vị trí của nó trong tiến trình văn học quốc ngữ. Đồng thời trả lại vị trí ông hoàng của Vũ Trọng Phụng trong dòng văn chương hiện thực phê phán. Đi đầu trong công tác nghiên cứu là Trung tâm Quốc học do giáo sư, tiến sĩ Mai Quốc Liên làm giám đốc. Không thể tính hết hàng trăm công trình có giá trị rất cao đã được công bố với sự tham gia của các tên tuổi sáng giá trong và ngoài nước. Chúng ta cũng có sự đánh giá công bằng về các công trình khảo cứu, sáng tác theo xu hướng dân tộc, nhân văn, yêu nước, trong các thành thị ở miền Nam trước giải phóng. Trong sinh hoạt Hội, chúng ta đã phục hồi hoặc công nhận danh hiệu hội viên cho các nhà văn Vũ Bằng, Lan Khai, Trương Tửu, Huỳnh Văn Nghệ, Ngô Kha, Cầm Giang, Phùng Khắc Bắc, Phan Duy Nhân, Vũ Đình Văn… Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã tiến hành bình xét công phu đề nghị Chủ tịch nước trao Giải thưởng Nhà nước cho các nhà văn tham gia nhóm Nhân văn - Giai phẩm đã có những tác phẩm xuất sắc sau khi trở lại sinh hoạt Hội. Đó là các nhà văn, nhà thơ Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Lê Đạt…

Về sinh hoạt nghề nghiệp, đáng kể trước tiên là việc tổ chức “Hội nghị lý luận, phê bình” được duy trì theo từng nhiệm kì của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Đây cũng là việc làm chưa từng có trong quá khứ. Tại các hội nghị đó, với tinh thần đổi mới, khoa học, trí tuệ, dân chủ, đã cùng nhau thảo luận về mối quan hệ chính trị và văn học, văn học và hiện thực, phương pháp sáng tác, tự do sáng tác, văn học trong nhà trường, văn học với lịch sử, văn học với sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước, văn học trong tiến trình hội nhập, kế thừa và phát triển… Ngoài các cuộc Hội nghị nói trên, Hội còn tổ chức hàng loạt cuộc hội thảo chuyên sâu về những vấn đề nghề nghiệp, hoặc tôn vinh, kỷ niệm ngày sinh của các nhà văn tiêu biểu. 

Với vai trò là ý thức của văn học, các hoạt động của các nhà lý luận phê bình đã tác động trở lại với sáng tác, gợi mở và gây cảm hứng cho sáng tác, đồng thời có tác dụng hướng dẫn tiếp nhận văn chương cho bạn đọc. Nửa thế kỷ qua, kho tàng lý luận phê bình đã được làm giàu và nâng lên một tầm cao mới với những tác phẩm tiêu biểu của Hà Minh Đức, Phương Lựu, Hoàng Ngọc Hiến, Lê Ngọc Trà, Phong Lê, Trần Đình Sử, Phan Trọng Thưởng, Lê Thành Nghị, Hồng Diệu, Mai Quốc Liên, Trần Đăng Suyền, Ngô Thảo, Nguyễn Ngọc Thiện, Ngô Vĩnh Bình, Đỗ Ngọc Yên, Lý Hoài Thu, Lại Nguyên Ân, Vũ Nho, Vương Trí Nhàn, Bùi Việt Thắng, Lưu Khánh Thơ, Nguyễn Đăng Mạnh, Bích Thu, Trần Mạnh Tiến, Trần Thị Việt Trung, Hà Quảng, Bùi Công Thuấn, Hồ Sĩ Vịnh, Nguyễn Thị Minh Thái, Trường Lưu, Nguyễn Đăng Điệp, Văn Giá, Chu Văn Sơn…

Ngoài các tác phẩm của các nhà lý luận, phê bình chuyên nghiệp, còn có sự đóng góp của các nhà sáng tác với Thơ với lời bình của Vũ Quần Phương, Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa, Đa cực và điểm đến của Văn Chinh, Giọt nước trong lá senDấu vàng trong gió thu của Khuất Bình Nguyên, Bến văn và những vòng sóng của Hữu Thỉnh.

Giao lưu và hội nhập là một hoạt động quan trọng của Hội Nhà văn Việt Nam. Ưu tiên hàng đầu cho công tác đối ngoại này là việc giới thiệu các tinh hoa văn hoá của thế giới với công chúng Việt Nam. Trong quá khứ, công tác dịch thuật chủ yếu nhằm giới thiệu các tác phẩm kinh điển của Trung Quốc. Từ cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20 là văn chương Pháp. Việc giới thiệu văn học Nga - Xô viết được giới thiệu có bài bản và hệ thống suốt một chặng đường dài từ sau cách mạng tháng 8 - 1945 cho đến khi Liên Xô sụp đổ. Sau chiến tranh chúng ta có điều kiện tiếp xúc với các tác phẩm của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của văn hoá Mỹ latinh với các bản dịch của Trung Đức: Sự tráo trở của phương pháp, Ngài đại tá chờ thư, Trăm năm cô đơn, Tình yêu thời thổ tả, Octavio Paz…

Sau cách mạng văn hoá, Trung Quốc chuyển trọng tâm từ đấu tranh giai cấp sang thực hiện bốn hiện đại hoá, làm nở rộ một loạt tác phẩm nổi tiếng. Dịch giả Trần Đình Hiến, Phan Văn Các, Ông Văn Tùng, Hà Phạm Phú, Thành Đức Trinh Bảo đã dịch một số tác phẩm của văn học hiện đại Trung Quốc từ tiếng Trung sang tiếng Việt.

Các dịch giả Lê Bá Thự, Tạ Minh Châu là chuyên gia hàng đầu về dịch văn học Ba Lan sang tiếng Việt. 

Dịch giả Thuý Toàn là một dịch giả hàng đầu của văn học Nga - Xô viết, anh đã được nhận giải thưởng quốc tế SSOD của Liên hiệp các hội hữu nghị Liên Xô. Cùng thời với dịch giả Thuý Toàn là dịch giả Phạm Mạnh Hùng, Phan Hồng Giang. Danh sách còn được nối dài với tên tuổi các dịch giả Quang Chiến, Tạ Phương, Thái Bá Tân, Bùi Xuân, Nguyễn Minh Châu, Đỗ Trung Lai, Hoàng Hữu Đản, Bằng Việt, Đăng Bảy, Đoàn Tử Huyến, Lã Thanh Tùng.

Theo chiều ngược lại, nhiều tác phẩm văn học của Việt Nam cũng được dịch ra nước ngoài, đặc biệt là ở Hoa Kỳ và Hàn Quốc, là hai quốc gia đã đưa quân sang tham chiến tại Việt Nam. Nhiều tác giả đã nhận được giải thưởng ở nước ngoài như Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Mai Văn Phấn… Ngoài công tác dịch thuật, Hội Nhà văn Việt Nam còn tổ chức các cuộc hội nghị quảng bá văn học, Liên hoan thơ quốc tế, đề xướng “Giải thưởng văn học Sông Mê kông”.

Đánh giá về chuyên môn cũng đã hé mở ra cách nhìn về đội hình văn học. Nửa thế kỷ qua, là nửa thế kỷ sum họp của 5 thế hệ nhà văn. Đó là các thế hệ nhà văn tiền chiến, các nhà văn chống Pháp, các nhà văn chống Mỹ, các nhà văn hậu chiến, các nhà văn xuất hiện trong đổi mới. Mỗi thế hệ có lợi thế riêng, cùng bổ sung và cộng hưởng với nhau, đưa nền văn học ta phát triển lên một tầm cao mới.

Bước vào kỷ nguyên mới, sứ mệnh vẻ vang và nhiệm vụ nặng nề đặt lên vai thế hệ trẻ. Thời gian là của họ. Tương lai cũng thuộc về họ. Tất cả đều hướng tới mục tiêu phấn đấu để có những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người. Ngẫm cho kỹ, lịch sử văn học xưa nay là con đường vắt qua các đỉnh cao. Đó là sự kết tinh văn hoá làm cho dân tộc vượt lên dân tộc, con người vượt lên con người.

Hữu Thỉnh

Tin liên quan

Tin mới nhất

SUV hóa chiến binh: Kona N Line đấu Seltos X-Line, ai bá đạo hơn?

SUV hóa chiến binh: Kona N Line đấu Seltos X-Line, ai bá đạo hơn?

Khi các mẫu SUV đô thị không còn chỉ phục vụ di chuyển mà dần “khoác giáp” chiến binh, Hyundai Kona N Line và KIA Seltos X-Line nổi lên như hai kẻ tiên phong. Một bên thiên về sức mạnh và cảm xúc lái thuần khiết, một bên theo đuổi tiện nghi và cá tính đô thị.

Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 – 13/5/2025): Hải Phòng – 70 năm một hành trình vươn lên mạnh mẽ

Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 – 13/5/2025): Hải Phòng – 70 năm một hành trình vươn lên mạnh mẽ

Ngày 13/5/1955 đánh dấu thời khắc lịch sử: Những tên lính Pháp cuối cùng rời gót, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược tại Việt Nam. Hải Phòng hoàn toàn giải phóng. Từ một thành phố cảng từng oằn mình trong khói lửa chiến tranh, Hải Phòng đã từng bước chuyển mình mạnh mẽ, trở thành trung tâm kinh tế động lực quan trọng của miền Bắc và cả nước. 70 năm nhìn lại, đó không chỉ là hàn