Văn học Nghệ An từ năm 1975 đến nay từ một góc nhìn

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, để đánh giá thành tựu văn học của tỉnh miền Trung quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 50 năm (từ 1975 đến nay), Thời báo Văn học nghệ thuật giới thiệu tới bạn đọc bài viết của nhà báo Nguyễn Đình Anh - Trưởng ban Lý luận Phê bình Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Nghệ An - Biên tập viên phụ trách miền Trung của Thời báo Văn học nghệ thuật viết về văn học Nghệ An.

Từ ngày thống nhất non sông (1975) đến nay cùng với văn học của cả nước văn học Nghệ An đã bước sang chặng đường phát triển mới. Đội ngũ văn nghệ sỹ tăng dần lên về số lượng, chất lượng các tác phẩm văn học  ngày càng đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của bạn đọc, góp phần vào việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa xứ Nghệ, vươn lên ngang tầm quốc gia và khu vực (các nước ASEAN).

Văn học Nghệ An từ năm 1975 đến nay từ  một  góc nhìn - 1

Hội thảo Văn học Yên Thành những năm đầu thế kỷ XXI.

Nhìn lại thành tựu của nền văn học Nghệ An  từ năm 1975 đến nay chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy:

Đội ngũ văn nghệ sĩ

Về đội ngũ, các văn nghệ sỹ góp phần tạo nên diện mạo văn học ở Nghệ An từ năm 1975 đến nay gồm 3 thế hệ.

Thế hệ thứ nhất là các nhà thơ, nhà văn đã thành danh trước năm 1975 tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của văn học Nghệ An giai đoạn từ 1975 đến nay hoặc cho chặng đường đầu của giai đoạn này. Các tác phẩm và các công trình nghiên cứu của họ đã được bạn đọc trong cả nước và người Nghệ An tiếp nhận. Đó là bút ký Ký ức đồng chiêm của Trần Hữu Thung, Đất gọi, Ngày phán xét, Một thời để nhớ của Bá Dũng, Nghĩ về Đảng của Phan Văn Từ, tập Thơ tuyển chọn của Thạch Quỳ, Tản mạn dọc đường 38 của Ngô Đức Tiến, Vinh có thêm anh của Lê Duy Phương, hệ thống các công trình nghiên cứu về văn học dân gian và cụm các công trình nghiên cứu văn học dân gian xứ Nghệ của Ninh Viết Giao là căn cứ quan trọng để nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao được Hội đồng học hàm Nhà nước phong học hàm phó giáo sư. Đồng thời cụm công trình nghiên cứu, sưu tầm văn học dân gian xứ Nghệ cũng là một trong những cứ liệu để tỉnh Nghệ An trình UNESCO công nhận Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thế hệ thứ hai làm nên diện mạo của văn học Nghệ An trong nửa thế kỷ vừa qua là các nhà văn nhà thơ có tác phẩm trên văn đàn và trưởng thành trong thời gian từ 1975 đến nay. Những tác giả có nhiều tác phẩm viết về Nghệ An được bạn đọc trong cả nước biết đến là La Quán Miên, Nguyễn Thế Quang, Hồ Ngọc Quang, Đàm Quỳnh Ngọc, Phan Thế Phiệt, Nguyễn Ngọc Lợi, Bùi Ngọc, Vi Tân Hợi, Cao Khoa, Hồ Thị Ngọc Hoài (văn xuôi); Nguyễn Thị Phước,  Tùng Bách, Vũ Toàn, Phạm Việt Thư, Nguyễn Văn Hùng, Vân Anh, Trần Thu Hà, Hoàng Quỳnh Anh, Phạm Thùy Vinh, Lê Quốc Hán, Cao Xuân Thưởng, Đặng Phi Khanh, Đậu Phi Nam, Nguyễn Trường Thọ, Hồ Mậu Thanh, Nguyễn Thạc Phấn, Lương Khắc Thanh, Phạm Hà Giang, Trương Quang Thứ, Nguyễn Đăng Chế, Cẩm Thạch, Tú Tâm (thơ); Sầm Văn Bình, Lê Văn Tùng, Đinh Trí Dũng, Lê Hồ Quang, Nguyễn Đình Anh, Đoàn Mạnh Tiến, Lê Thanh Nga, Nguyễn Hữu Trí, Phan Huy Dũng, Phạm Tuấn Vũ,  Hoàng Minh Đạo, Đào Tam Tĩnh, Đặng Lưu, Lê Lân, Nguyễn Duy Bình, Hà Vinh Tâm, Võ Hải (nghiên cứu, lý luận phê bình)…  

Thế hệ thứ ba là những nhà thơ nhà văn xuất hiện trên văn đàn từ năm 2015 đến nay. 

Những thành tựu của văn học Nghệ An trong nửa thế kỷ qua

Về thơ, tuy là hội văn học nghệ thuật có đội ngũ nhà thơ đông đảo nhưng chất lượng thơ giữa các nhà thơ ở Nghệ An khá đồng đều và cao hơn chất lượng mặt bằng thơ của cả nước. Trong giai đoạn này, nhà thơ Thạch Quỳ tiếp tục là một trong những nhà thơ hàng đầu của thơ ca Việt Nam và Nghệ An.

Về văn xuôi, giai đoạn từ 1975 đến nay, văn xuôi Nghệ An có sự phát triển mạnh mẽ cả về thể loại và nội dung phản ánh, nhiều nhà văn có nhiều tác phẩm có chất lượng vượt trội so với nền văn xuôi Nghệ An trước năm 1975 và đã có những nhà văn có tác phẩm đạt chất lượng tầm quốc gia và  quốc tế (khu vực Đông Nam Á). Tiêu biểu là các nhà văn Nguyễn Thế Quang (với 5 tiểu thuyết lịch sử: Nguyễn Du, Khúc hát những dòng sông, Nguyễn Công Trứ, Đường tới Thăng Long, Hồ Xuân Hương); Hồ Ngọc Quang (với Trở lại Hói Nồi, Ma xó, Tể tướng Hồ Sỹ Dương, Mạch nguồn sông Côn, Du lịch làng khoa bảng Quỳnh Đôi), Nguyễn Trọng Bản (với  tiểu thuyết Vòng tròn không khép kín, Hiệp biện Đại học sỹ Đạm Hiên Phạm Trung Mậu).

Về nghiên cứu, lý luận phê bình, Nghệ An có đội ngũ đông đảo các nhà nghiên cứu lý luận phê bình. Đội ngũ các nhà nghiên cứu lý luận phê bình ở Nghệ An hầu hết làm việc trong các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông và các cơ quan quản lý giáo dục cho nên hoạt động nghiên cứu, phê bình có hai hướng đóng góp: Hướng thứ nhất, các tác phẩm lý luận phê bình của các hội viên đang và đã từng là cán bộ quản lý, giảng viên các trường đại học, cao đẳng chủ yếu đóng góp cho nền văn học nước nhà; Hướng thứ 2 là những hội viên công tác trong các cơ quan, trường học của Nghệ An thì tác phẩm của họ dành nhiều cho việc đánh giá, phê bình tác phẩm của các nhà văn nhà thơ của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Nghệ An.

Năm 1995, các nhà lý luận phê bình đã phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức được một hội thảo khoa học có quy mô lớn về nhà văn Nguyễn Minh Châu - một nhà văn người Nghệ có những tác phẩm xuất sắc viết về chiến tranh và người lính; năm 2011, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Nghệ An phối hợp với khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Vinh tổ chức được một hội thảo công phu về văn học Nghệ An.

Đặc biệt từ năm 2015 đến nay, với sự quan tâm của Đảng đoàn Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Nghệ An hoạt động nghiên cứu, phê bình văn học đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Ban Lý luận Phê bình đã  tổ chức thành công nhiều hội nghị và hội thảo khoa học về văn học nghệ thuật góp phần thúc đẩy nâng chất lượng cho văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Có thể kể đến các hội thảo sau: 2 cuộc hội thảo về 2 cuốn tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Nguyễn Thế Quang (Nguyễn Du, Thông reo Ngàn Hống). Tọa đàm về công trình nghiên cứu về lý luận văn học nghệ thuật của nhà  nghiên cứu Lê Văn Tùng Đi tìm văn hóa của văn học, 2 hội thảo về văn học Quỳnh Lưu và văn học Yên Thành đầu thế kỷ XXI.

Và sau gần nửa thế kỷ thành lập Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Nghệ An, vào năm 2020 lần đầu tiên Ban lý luận phê bình đã tổ chức Hội nghị Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Nghệ An lần thứ nhất. Hội nghị này được tổ chức  vào năm 2020 đã phần nào đưa nhận thức mới để những người làm công tác phê bình có thêm trách nhiệm trong việc tạo nên động lực mới cho sự chuyển mình của văn học nghệ thuật Nghệ An. Cùng với đó, Ban Lý luận Phê bình  đã xuất bản được tuyển tập tiểu luận phê bình với tựa đề Văn học Nghệ An chặng đường mới. Từ năm 2015 đến nay  nhiều hội viên Ban lý luyện phê bình đã xuất bản được từ 2 đến 3 tập tiểu luận phê bình văn học cho riêng mình. 

Những thành tựu cụ thể  

Với Hội thảo Đổi mới Thơ do Ban thơ Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Nghệ An tổ chức năm 2020, lãnh đạo Hội và giới văn nghệ sỹ Nghệ An đã chính thức công bố quan niệm của Hội về đổi mới thơ như sau: Đổi mới thơ là làm sao có được thơ hay đáp ứng nhu cầu tiếp nhận của đại đa số bạn đọc đồng nghĩa với việc đổi mới thơ là thơ phải phản ảnh được hiện thực mới của cuộc sống, ý tứ của thơ phải độc đáo, đưa đến tình cảm thẩm mỹ mới cho người đọc bằng các thể thơ đã có của dân tộc  chứ không phải đổi mới thơ là  chỉ thiên về việc đổi mới hình thức, thể loại thơ.

Văn học Nghệ An từ năm 1975 đến nay từ  một  góc nhìn - 2

Đoàn văn nghệ sỹ Nghệ An đi thực tế tại một xã nông thôn mới ở huyện Yên Thành.

Văn học Nghệ An từ 1975 đến nay tiếp tục có những tác phẩm  thành công viết về đề tài chiến tranh. Các tác phẩm này một lần nữa ghi ơn và ngợi ca tinh thần hy sinh dũng cảm của quân dân cả nước và người Nghệ An trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (một số bài thơ viết về đội quân cảm tử tại cầu Bến Thủy của Nguyễn Đăng Chế, tiểu thuyết Đá xanh máu đỏ viết về đội thanh niên xung phong xây dựng cung đường và bảo vệ huyết mạch cho Cầu Hoàng Mai trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ của Nguyễn Ngọc Lợi, tập truyện ký Đường xuyên cung lửa và bài thơ nổi tiếng Đừng gọi anh là liệt sỹ vô danh của Văn Hiền. Riêng bài thơ Đừng gọi anh là liệt sỹ vô danh của nhà thơ Văn Hiền đã trở thành một trong những bài thơ hay nhất của nền thơ Việt Nam giai đoạn từ 1975 đến nay.

Văn học Nghệ An từ 1975 đến nay đã khắc họa thành công phẩm chất cao quý của những bà mẹ Nghệ An đã có công lớn trong việc nuôi dưỡng những người con của mình trở thành những anh hùng, trở thành vĩ nhân của nhân loại. Một trong những người mẹ người Nghệ đó là bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Hồ Chủ tịch (tiểu thuyết lịch sử Khúc hát những dòng sông của Nguyễn Thế Quang)…

Văn học Nghệ An từ năm 1975 đến nay đã thể hiện sâu đằm tình yêu, niềm tự hào về truyền thống văn hóa, lịch sử của quê hương của các nhà thơ, nhà văn Nghệ An (Trở lại Hói Nồi của Hồ Ngọc Quang, Vinh phố của tôi của Phạm Thùy Vinh, Ngôi nhà buông neo, Nỗi nhớ gọi về, Với Bãi Ngang của Hồ Mậu Thanh, tình yêu các bản làng miền núi trong một số truyện ngắn thuộc Tuyển tập truyện ngắn của La Quán Miên…

Văn học Nghệ An từ 1975 đến nay đã phản ánh khá sinh động cuộc sống lao động dựng xây quê hương đất nước trong suốt nửa thế kỷ qua của người Nghệ An, phản ánh sâu sắc tình cảm của người nông dân Nghệ An trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (Truyện ký Làng tôi làng Quỳnh của Hồ Ngọc Quang, tập bút ký Một thời để nhớ của Vi Hợi, tập thơ Những câu thơ tình yêu của Lê Duy Phương, tập thơ Lời cánh đồng và tập truyện Gió mùa đi qua của Nguyễn Thị Phước, Quỳnh Lưu quê hương tôi của Trần Ngưỡng)...

Văn học Nghệ An từ 1975 đến nay đã có nhiều tác phẩm ghi nhớ và ngợi ca tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào (Dưới tán rừng Phu Ạt của Nguyễn Ngọc Lợi và một số truyện ngắn của Đặng Hồng Thiệp, Luang Pra bang thơ của Đậu Phi Nam)…

Văn học Nghệ An từ 1975 đến nay đã thể hiện lòng yêu quê hương, lòng yêu nước và truyền cảm hứng tới bạn đọc về quyết tâm bảo vệ biên cương, bảo vệ biển đảo của tổ quốc (qua các tuyển tập Những khúc ca gửi về biển của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Nghệ An - NXB Đại học Vinh năm 2015).

Là một nhà giáo có tham gia hoạt động văn học nghệ thuật từ năm 1981 đến nay, tôi không ngần ngại khi nói rằng: Văn học nghệ thuật Nghệ An từ năm 1975 đến nay đã có bước phát triển vượt bậc. Các văn nghệ sỹ Nghệ An đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng xây và bảo vệ quê hương đất nước và hội nhập quốc tế.

Nguyễn Đình Anh

Tin liên quan

Tin mới nhất