Hội thảo khoa học quốc gia về 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước

Ngày 18/4, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) - Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển".

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương dự và chỉ đạo Hội thảo. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương cùng đông đảo các nhà nghiên cứu lý luận phê bình lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Hội thảo khoa học quốc gia "50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước" góp phần nhìn lại hành trình phát triển nửa thế kỷ đầy biến động và thành tựu của nền văn học, nghệ thuật nước nhà, đồng thời mở ra diễn đàn học thuật quan trọng để trao đổi, đối thoại và kiến tạo những định hướng phát triển mới, phù hợp với bối cảnh trong nước và thế giới hiện nay.

Hội thảo khoa học quốc gia về 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước - 1

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội thảo khoa học.

Có hơn 130 tham luận đóng góp cho hội thảo được in trong kỷ yếu. Hội thảo tập trung vào bốn nội dung lớn, gồm: Bối cảnh lịch sử tác động đến nền văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm qua; Thực trạng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày thống nhất đất nước; Những vấn đề đặt ra đối với nền văn học, nghệ thuật Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; Nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội thảo khoa học quốc gia về 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước - 2

Hội thảo có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo, các nhà quản lý và nghiên cứu lý luận phê bình văn học, nghệ thuật.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, nhấn mạnh: Các tham luận từ nhiều góc độ tiếp cận đã thống nhất khẳng định: văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đổi mới sâu sắc, toàn diện và đạt được những thành tựu quan trọng. Tiếp nối dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, văn học, nghệ thuật Việt Nam không ngừng tìm tòi, đổi mới nội dung và phương thức sáng tạo, có nhiều tác phẩm hấp dẫn, sinh động, sâu sắc về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng và hiện thực đời sống; trong đó có những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.

Hội thảo khoa học quốc gia về 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước - 3 Tin liên quan [Ảnh] Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa làm việc với các cơ quan báo chí chính trị chủ lực

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, kết quả quan trọng đã đạt được, vẫn còn những hạn chế, bất cập từ thực tiễn văn học, nghệ thuật, như: Số lượng tác phẩm văn học, nghệ thuật thật sự xuất sắc, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật chưa nhiều; chưa hình thành được hệ thống lý luận văn học, nghệ thuật Việt Nam khoa học, nhân văn, hiện đại. Phê bình văn học, nghệ thuật ở một số thời điểm còn thiếu tính thuyết phục và tính chiến đấu, chưa đủ sức vun đắp, bảo vệ và định hình hệ giá trị văn học, nghệ thuật nước nhà.

Tình trạng thiếu hụt đội ngũ văn nghệ sĩ kế cận ở một số ngành, lĩnh vực có chiều hướng gia tăng. Thị trường các sản phẩm, dịch vụ văn học, nghệ thuật phát triển thiếu đồng bộ, chưa bền vững. Việc tiếp thu các sản phẩm văn học, nghệ thuật nước ngoài và giới thiệu, quảng bá văn học, nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài chưa hiệu quả, thiếu chiến lược, hệ thống… Đội ngũ văn nghệ sĩ và các nhà hoạt động văn học, nghệ thuật bám sát hơn nữa, đắm mình vào thực tiễn sinh động của đất nước, phát huy trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, khám phá và sáng tạo, không ngừng mở rộng phạm vi, chiều sâu chiếm lĩnh hiện thực; lý giải và cắt nghĩa sâu sắc những vấn đề mới, quan trọng, phấn đấu sáng tạo nhiều hơn nữa những tác phẩm hấp dẫn, sâu sắc về nội dung tư tưởng, mới mẻ về hình thức.

Tiếp nối dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, văn học, nghệ thuật Việt Nam không ngừng tìm tòi, đổi mới nội dung và phương thức sáng tạo, có nhiều tác phẩm hấp dẫn, sinh động, sâu sắc về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng và hiện thực đời sống, trong đó có những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc và thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn học, nghệ thuật và những ý kiến chỉ đạo quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ toàn quốc, ngày 30/12/2024. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò rất quan trọng của văn học, nghệ thuật, từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, có những quyết sách phù hợp, tạo động lực cho đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo và cống hiến.

Trong quá trình thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật, hệ thống cơ chế, chính sách cần đảm bảo tính đồng bộ, khoa học, sát thực tế; trọng tâm là đảm bảo tự do sáng tạo, cải thiện điều kiện làm nghề, giải phóng và thúc đẩy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ. Tiếp tục xây dựng các cơ chế cung cấp thông tin, lắng nghe ý kiến phản biện; bảo đảm cho văn nghệ sĩ nắm vững, thấm nhuần quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước, từ đó củng cố niềm tin, thống nhất nhận thức và chung sức, đồng lòng triển khai thực hiện đồng thời kịp thời hoạch định cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả cho hoạt động sáng tạo và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị đến với công chúng trong nước và bạn bè quốc tế.

Hội thảo khoa học quốc gia về 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước - 4

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ trình bày tham luận tại hội thảo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ đề xuất: Để có thể thúc đẩy đời sống văn học phát triển mạnh mẽ hơn, có nhiều thành tựu hơn nữa, cần chú ý tới rất nhiều vấn đề. Đầu tiên, cần nâng cao hơn nữa nhận thức, năng lực, tư duy, trình độ của các nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ các cấp, nhất là những cơ quan, những người trực tiếp quản lý, điều hành công tác rất quan trọng và đặc biệt tinh tế này.

Bên cạnh đó là chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng những người viết văn, sáng tạo nghệ thuật, viết lý luận, phê bình, nhất là đội ngũ trẻ, bồi dưỡng, đào tạo, mở các lớp nâng cao nhận thức, tư duy, kỹ năng cho họ, đổi mới, nâng cao kỹ thuật, mỹ thuật, thi pháp và kịp thời đầu tư cho những sáng tác chất lượng cao. Cần tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ bắt kịp nhịp sống và hơi thở thời đại, hiểu và hội nhập với bên ngoài trên tinh thần dân tộc, hiện đại, nhân văn, đề cao lợi ích dân tộc. Tôn trọng các xu hướng tìm tòi sáng tạo, dám thể hiện, dám đột phá, uốn nắn các xu hướng lai căng, lệch lạc, đi ngược lại sáng tạo nghệ thuật đích thực. Tạo điều kiện vật chất và tinh thần để các văn nghệ sĩ có điều kiện hội nhập văn hóa, văn nghệ khu vực và thế giới.

Văn học, nghệ thuật luôn luôn đồng hành, tương hỗ cùng văn hóa, chính trị và kinh tế, cần trở thành nhân tố quan trọng trong giao lưu và hội nhập với khu vực và thế giới, trở thành một thành tố quan trọng trong công cuộc hội nhập và phát triển.

- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ -

Cần tổ chức chọn lọc, dịch thuật, giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu của văn học, nghệ thuật Việt Nam ra thế giới và của thế giới đến với công chúng Việt Nam. Xuất bản các báo, tạp chí bằng tiếng Anh và các ngôn ngữ khác để quảng bá văn học, nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài và văn học, nghệ thuật nước ngoài vào Việt Nam. Cần làm cho văn học, nghệ thuật trở thành một trong những phương tiện để đại đoàn kết toàn dân tộc, với các nhà văn người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cảnh báo những tác động mặt trái cơ chế thị trường vào trong văn học, nghệ thuật. Văn học, nghệ thuật luôn luôn đồng hành, tương hỗ cùng văn hóa, chính trị và kinh tế, cần trở thành nhân tố quan trọng trong giao lưu và hội nhập với khu vực và thế giới, trở thành một thành tố quan trọng trong công cuộc hội nhập và phát triển.

Hội thảo khoa học quốc gia về 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước - 5

Hội thảo thu hút đông đảo đại biểu trong cả nước.

Ngoài ra, phải quan tâm hơn nữa đến công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trên các mặt: quan điểm, tám ngàn, tư duy, xây dựng và củng cố đội ngũ, nhất là đội ngũ trẻ, giàu nhiệt huyết, bản lĩnh, trách nhiệm. Tăng cường tính chiến đấu của mảng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, nhất là ở các cơ quan chỉ đạo, quản lý và các cơ quan văn nghệ chủ lực; kịp thời định hướng sáng tác, định hướng dư luận, giáo dục thẩm mỹ, làm "bà đỡ mát tay" cho các tác phẩm tốt, đấu tranh kiên quyết với quan điểm, khuynh hướng sai trái, cực đoan; coi trọng việc đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm với quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch trong văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản; sử dụng tốt hơn các phương tiện, loại hình công nghệ hiện đại để hỗ trợ cho hoạt động sáng tạo, quảng bá văn học, nghệ thuật.

Hơn 130 tham luận tiêu biểu đóng góp cho hội thảo đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra cho đời sống văn học, nghệ thuật đương đại: từ vai trò của chủ thể tiếp nhận và giáo dục thẩm mỹ trong việc khẳng định giá trị nghệ thuật đến yêu cầu cấp thiết về nâng cao năng lực đội ngũ sáng tạo, lý luận, phê bình, tăng cường hội nhập quốc tế trên nền tảng bản sắc dân tộc và các giải pháp xã hội hóa lĩnh vực văn học, nghệ thuật một cách có chọn lọc, bài bản, hướng tới phát triển bền vững.

Trong tham luận "Xã hội hóa hoạt động văn học, nghệ thuật ở Việt Nam: Thay đổi tư duy, tạo đà phát triển", Nhà văn, nhà báo Phong Điệp (Báo Nhân Dân) đề các giải pháp phát triển xã hội hóa văn học, nghệ thuật, gồm: Kiểm soát nhằm ngăn chặn thương mại hóa quá mức và nâng cao chất lượng nghệ thuật. Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, trong đó cần quy định rõ tiêu chí đánh giá chất lượng nội dung trước khi phát hành. Hoặc áp dụng cơ chế hậu kiểm hiệu quả hơn để thẩm định, xử phạt nghiêm các sản phẩm phản văn hóa hoặc thiếu giá trị nghệ thuật.

Đồng thời có cơ chế khuyến khích sáng tạo có chiều sâu như tạo các quỹ hỗ trợ tài chính cho các dự án văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng cao. Song song đó cần chú trọng giáo dục thẩm mỹ công chúng, đẩy mạnh các chương trình giáo dục thẩm mỹ trong trường học và trên truyền thông đại chúng, như có thể phát động chiến dịch "Nói không với nghệ thuật nhảm nhí" trên mạng xã hội, nhằm định hướng thị hiếu, khuyến khích công chúng ủng hộ các sản phẩm chất lượng thay vì chạy theo trào lưu giải trí đơn thuần.

Hội thảo khoa học quốc gia về 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước - 6

Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo.

Bên cạnh đó, cần giảm sự chênh lệch đầu tư giữa các lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Áp dụng các chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, đồng thời yêu cầu các dự án xã hội hóa lớn (phim, âm nhạc) dành một tỷ lệ kinh phí nhất định để bảo tồn di sản văn hóa. Xây dựng mô hình hợp tác công-tư trong việc phục hồi và phát triển các đoàn nghệ thuật truyền thống, như hỗ trợ các nhà hát nghệ thuật truyền thống hợp tác với doanh nghiệp để tổ chức các chương trình biểu diễn định kỳ, kết hợp với du lịch văn hóa. Cần tăng cường các hoạt động quảng bá nghệ thuật truyền thống; tận dụng công nghệ số để đưa các loại hình này đến gần hơn với công chúng trẻ, như phát sóng trực tuyến các vở tuồng trên YouTube hoặc xây dựng ứng dụng "Di sản sống" giới thiệu cải lương, múa rối nước bằng hình thức tương tác. Thu hẹp khoảng cách vùng miền trong tiếp cận văn hóa.

"Xã hội hóa hoạt động văn học, nghệ thuật ở Việt Nam từ sau 1975, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, đã mang lại những thành tựu đáng kể, tiếp tục khẳng định vai trò của văn hóa trong sự phát triển đất nước. Xã hội hóa không chỉ là giải pháp kinh tế mà còn là con đường để văn hóa Việt Nam khẳng định bản sắc trong thời đại toàn cầu hóa. Tuy nhiên, để xã hội hóa thực sự bền vững, cần có sự cân bằng giữa tự do sáng tạo và định hướng tư tưởng, giữa lợi ích kinh tế và giá trị văn hóa. Trong tương lai, với sự phát triển của công nghệ và toàn cầu hóa, xã hội hóa cần được đẩy mạnh hơn nữa, kết hợp nguồn lực trong nước, quốc tế và sự tham gia tích cực của cộng đồng, qua đó đưa văn hóa Việt Nam không ngừng vươn xa", Nhà văn, nhà báo Phong Điệp nhấn mạnh.

Theo Nhân dân

Tin liên quan

Tin mới nhất

“Suối Cọp” của Hữu Ước - thành công mới của tiểu thuyết  về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam

“Suối Cọp” của Hữu Ước - thành công mới của tiểu thuyết về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam

Tiểu thuyết “Suối Cọp” của nhà văn Hữu Ước được xuất bản lần đầu năm 2022, lần tái bản gần đây nhất là vào tháng 4 năm 2024, do nhà xuất bản Hội Nhà văn thực hiện. Tiểu thuyết gây tiếng vang lớn, được nhiều người tìm đọc, tiểu thuyết cũng được dịch ra tiếng nước ngoài, xuất bản tại Hungary, Mỹ và Thụy Điển…