Văn học nghệ thuật Nghệ An 50 năm sau ngày đất nước thống nhất

Hội thảo khoa học “Văn học, nghệ thuật Nghệ An 1975 – 2025: Thành tựu và những vấn đề đặt ra” không chỉ đánh giá thành tựu 50 năm Văn học nghệ thuật Nghệ An, mà còn mở ra định hướng phát triển bền vững, khơi dậy khát vọng cống hiến và phát triển văn hóa nghệ thuật gắn với cách mạng công nghiệp lần thứ tư và bản sắc xứ Nghệ.

Hội thảo do Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Nghệ An phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức ngày 22/4, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Văn học nghệ thuật Nghệ An 50 năm sau ngày đất nước thống nhất - 1

Quang cảnh hội thảo.

Các đại biểu trung ương về tham dự hội thảo có TS. Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; PGS.TS Trần Khánh Thành, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương; Thiếu tướng, TS. Phạm Hồng Thái, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam.

Đại biểu tỉnh Nghệ An có đồng chí Võ Thị Minh Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Như Khôi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Cùng dự có lãnh đạo Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Nghệ An, các nhà quản lý Văn học nghệ thuật, các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn học – nghệ thuật trong và ngoài tỉnh.

Văn học nghệ thuật Nghệ An 50 năm sau ngày đất nước thống nhất - 2

Các đại biểu chủ trì hội thảo.

Trong báo cáo đề dẫn hội thảo, PGS.TS Đinh Trí Dũng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Nghệ An nhấn mạnh, văn học nghệ thuật Nghệ An 50 năm sau ngày đất nước thống nhất (1975-2025) là một giai đoạn quan trọng trong dòng lịch sử. Văn học nghệ thuật Nghệ An giai đoạn này nằm trong sự vận động, phát triển của văn học nghệ thuật cả nước, nhưng vẫn có dấu ấn riêng của một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, văn học nghệ thuật. Các tác giả của nó là đông đảo những văn nghệ sĩ sinh ra và lớn lên, có những đóng góp trực tiếp cho văn học nghệ thuật Nghệ An. Ngoài ra, các tác giả còn là những văn nghệ sĩ gốc Nghệ An, sinh sống ở những miền quê khác nhưng vẫn gắn bó, có nhiều sáng tác về Nghệ An.

Theo PGS.TS Đinh Trí Dũng, 50 năm qua, hoạt động văn học nghệ thuật ở Nghệ An đã có bước phát triển vượt bậc. Đội ngũ văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh – tập hợp trong tổ chức Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, luôn giữ vững sự đoàn kết nội bộ, không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ văn hóa đa dạng của nhân dân. Công tác bảo tồn, phát huy các loại hình di sản văn hóa trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật được duy trì, triển khai hiệu quả. Phong trào văn học, nghệ thuật quần chúng ở cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác lý luận, phê bình có những khởi sắc.

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An cho biết, hội thảo là dịp để nhìn lại, khẳng định những thành tựu, đóng góp to lớn của văn học, nghệ thuật Nghệ An đối với sự vận động, phát triển của văn học, nghệ thuật cả nước; đồng thời, cũng rút ra những bài học và những hạn chế, khuyết điểm, đề xuất những định hướng để đưa nền văn học, nghệ thuật Nghệ An tiếp tục phát triển trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Các tham luận tại hội thảo tập trung đi sâu vào 3 vấn đề: Những thành tựu nổi bật, những đóng góp, xu hướng vận động của văn học, nghệ thuật Nghệ An trong 50 năm (1975-2025) trong bức tranh chung của văn học nghệ thuật Việt Nam từ sau 1975; Những tác giả, tác phẩm tiêu biểu của văn học, nghệ thuật Nghệ An trong 50 năm (1975-2025); Những vấn đề lí luận, thực tiễn, thách thức và giải pháp vì sự phát triển bền vững của nền văn học nghệ thuật Nghệ An.

Phát biểu tại hội nghị, TS. Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã chia sẻ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn mới mẻ, có tính định hướng chiến lược cho hoạt động văn học nghệ thuật Nghệ An.

Văn học nghệ thuật Nghệ An 50 năm sau ngày đất nước thống nhất - 3

TS. Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

“Trong suốt 50 năm kể từ ngày non sông thu về một mối (1975–2025), văn học nghệ thuật Nghệ An đã vươn lên mạnh mẽ, kế thừa truyền thống, tiếp biến hiện đại, phản ánh đời sống, góp phần kiến tạo tâm hồn và bản sắc văn hóa xứ Nghệ. Nghệ An – vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh – anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, vốn đã là nơi hun đúc truyền thống yêu nước, yêu lao động và khát vọng vươn lên của biết bao thế hệ, là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng tài năng nghệ thuật”, TS. Đoàn Thanh Nô nhận định.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, văn học nghệ thuật Nghệ An không chỉ là tiếng nói phản ánh hiện thực – từ núi rừng miền Tây đến dòng sông Lam, từ những bản làng trầm mặc đến đô thị trẻ năng động – mà còn là lực lượng đồng hành, góp phần xây dựng con người và quê hương Nghệ An phát triển bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, cần thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại và những thách thức cần vượt qua như: Sự thiếu hụt lực lượng kế cận; Định hình bản sắc trong thời đại toàn cầu hóa; Ứng xử với thị trường và công nghệ số; Bảo tồn và phát huy giá trị di sản, trong đó Dân ca Ví, Giặm – di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh – đang đứng trước nguy cơ bị lãng quên trong giới trẻ; Môi trường sáng tạo còn thiếu đồng bộ.

TS. Đoàn Thanh Nô hy vọng, kết quả của hội thảo sẽ góp phần tìm ra các giải pháp chiến lược về việc tái cấu trúc hệ thống đào tạo và bồi dưỡng văn nghệ sĩ trẻ; Xây dựng chính sách đặc thù phát triển văn học nghệ thuật ở địa phương, phù hợp với đặc điểm vùng văn hóa xứ Nghệ; Đưa văn học nghệ thuật vào trường học, truyền thông, du lịch và chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị; Tạo hành lang pháp lý bảo vệ quyền tác giả, khuyến khích sáng tạo, tôn vinh giá trị nhân văn – dân tộc – hiện đại.

Bà Vũ Thị Minh Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An cũng bày tỏ mong muốn, các văn nghệ sĩ Nghệ An tiếp tục phát huy tính sáng tạo, dấn thân vào thực tế cuộc sống để sáng tác những tác phẩm có giá trị, để lại dấu ấn trong dòng chảy văn học, nghệ thuật nước nhà.

Văn học nghệ thuật Nghệ An 50 năm sau ngày đất nước thống nhất - 4

Bà Vũ Thị Minh Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An phát biểu tại hội thảo.

Tổng kết hội thảo, nhà thơ Hồ Mậu Thanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Nghệ An khẳng định, 50 năm Văn học nghệ thuật Nghệ An sau ngày đất nước thống nhất là một dòng chảy liên tục đã để lại với bao thành công tốt đẹp. Góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc, xây dựng nhân cách con người, bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng, khẳng định thành tựu của đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo; lực lượng sáng tác Văn học nghệ thuật Nghệ An ngày càng hùng hậu, khối lượng tác phẩm đồ sộ và đa dạng, nghệ thuật đổi mới và sáng tạo, xứng đáng là bộ phận quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

Minh Thư

Tin liên quan

Tin mới nhất

Xuất bản lần thứ 2 cuốn “Gia đình, bạn bè và đất nước” của bà Nguyễn Thị Bình

Xuất bản lần thứ 2 cuốn “Gia đình, bạn bè và đất nước” của bà Nguyễn Thị Bình

Trong lịch sử ngoại giao thế giới, Hội nghị Paris về Việt Nam là cuộc hội đàm kéo dài ngày nhất, ròng rã 4 năm, từ năm 1968 đến năm 1973. Hội nghị có 4 trưởng đoàn, trong đó có duy nhất một nữ trưởng đoàn - bà Nguyễn Thị Bình - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao – Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris về Việt Nam.