Văn học nghệ thuật góp phần tạo khí thế mới, sức vươn mới của dân tộc
Ngày 25/4, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; và các đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì Hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; Thường trực các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận các tỉnh, thành ủy; lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; thường vụ các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương; lãnh đạo các hội văn học, nghệ thuật địa phương...
Các đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Văn học nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước
Tại Hội nghị, các tham luận đã tập trung khẳng định những thành tựu, kết quả đạt được của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày thống nhất đất nước; đề xuất, kiến nghị chủ trương, chính sách phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà trong giai đoạn mới. Từ đó, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật; cổ vũ, động viên đội ngũ văn nghệ sỹ tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ, tinh thần đoàn kết, thống nhất, hăng say sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về mặt tư tưởng và nghệ thuật, đóng góp nhiều hơn nữa để xây dựng, phát triển nền văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Các tham luận nhấn mạnh, trong nửa thế kỷ qua, văn học, nghệ thuật Việt Nam phát triển bối cảnh đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế; nhập cuộc, đồng hành cùng dân tộc trong bước chuyển mình, tạo nên tiếng nói, sức mạnh, động viên và dự báo cho sự phát triển. Bối cảnh đó đã tác động sâu sắc đến thực tiễn sáng tạo của văn nghệ sỹ; thúc đẩy văn học, nghệ thuật Việt Nam từng bước tiếp cận với các xu hướng tiến bộ của văn học, nghệ thuật thế giới, đi sâu vào hiện đại hóa, đạt được những kết quả bước đầu rất đáng quý.
Toàn cảnh Hội nghị.
GS. TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Văn học nghệ thuật Trung ương đã chỉ ra những đổi mới trong tư duy lý luận của Đảng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật và khẳng định vai trò quan trọng của văn học nghệ thuật trong quá trình phát triển của đất nước. Trong đó chỉ rõ 5 tư tưởng lớn của Đảng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.
GS. TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Văn học nghệ thuật Trung ương phát biểu tham luận tại Hội nghị.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, văn học nghệ thuật Việt Nam trong 50 năm qua đã đạt được những thành tựu rất đặc biệt, với nhiều dấu mốc quan trọng. Sau ngày 30/4/1975 bản đồ văn học Việt Nam mở ra một chiều kích rất lớn, trong đó có các nhà văn phía Bắc, các nhà văn yêu nước phía Nam, các nhà văn trong chế độ cũ, các nhà văn Việt Nam sống ở hải ngoại, tất cả đã hòa cùng vào một dòng chảy, tuy rằng có những điểm khác biệt, nhưng những dòng chảy đó ngày càng hòa quyện vào nhau và đến hôm nay, sau 50 năm đã tạo ra một bản đồ đầy đủ về nền văn học Việt Nam.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng cho rằng, thời kỳ đổi mới đã mở ra rất nhiều giá trị trong văn học Việt Nam, công cuộc đổi mới đã đánh thức tất cả các tiềm năng ẩn giấu trong các nhà văn, với nhiều khuynh hướng đa dạng, sự phong phú về phong cách sáng tác, nội dung, đề tài.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định những thành tựu của văn học Việt Nam trong 50 năm qua.
Khẳng định sức sống của văn học nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, Đại tá Nguyễn Thế Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, kế thừa tinh thần quật cường của các thế hệ cha anh đi trước, các thế hệ nghệ sĩ vẫn hăng say viết về người lính ngày hôm nay. Ở đó, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ vẫn toát lên vẻ đẹp kiên cường, bất khuất, với những phẩm chất cao quý và ý chí khát vọng cống hiến vì sự phát triển của quốc gia dân tộc, vì hòa bình của đất nước.
“Bằng sức sáng tạo và nghệ thuật truyền tải độc đáo, văn học nghệ thuật đã mang hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ vượt không gian và thời gian để đến với công chúng, đã trở ngọn đuốc soi sáng tinh thần người lính, làm sống dậy tinh thần bất khuất của dân tộc”, Đại tá Nguyễn Thế Mạnh nói.
Đại tá Nguyễn Thế Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tham luận về chủ đề văn học nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau 50 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, từ tác động mạnh mẽ của tư tưởng đổi mới, hoạt động văn học, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã vượt qua nhiều thách thức và khó khăn, tiếp tục phát triển, nỗ lực phản ánh chân thực cuộc sống đấu tranh, lao động, sáng tạo của Nhân dân Thành phố, tạo dựng nên một diện mạo mới của văn học, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh hiện đại.
Các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật của Thành phố đã tiên phong đi đầu trong quá trình hội nhập, sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo việc giữ gìn bản sắc dân tộc, hình thành nét đặc trưng của văn hóa, văn học, nghệ thuật Thành phố đáp ứng yêu cầu chiến lược xây dựng văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới mà Nghị quyết của Đảng đề ra.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tham luận về các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật của Thành phố Hồ Chí Minh.
Khơi nguồn phát triển văn học nghệ thuật
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương khẳng định, 50 năm qua, dưới sự quan tâm và lãnh đạo của Đảng, sự kiên định đổi mới, sáng tạo, tâm huyết của toàn dân tộc, mà lực lượng nòng cốt và tiên phong là đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, chúng ta tự hào khi có được một nền văn học nghệ thuật hiện đại, thống nhất, tiếp nhận những mặt tích cực, tinh hoa của dân tộc, của văn học nghệ thuật mỗi miền Tổ quốc, của tinh hoa văn hóa nhân loại và đã trở thành một nền văn học nghệ thuật chung theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, thể hiện khát vọng, ý chí, nguyện vọng của nhân dân vì sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước sau chiến tranh.
Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, đây là những đặc điểm nổi trội, là niềm vui lớn của đất nước, của nền văn học nghệ thuật Việt Nam, niềm vui này chúng ta có thể cảm nhận trong thực tiễn qua trình độ về sáng tác, trình độ về biểu diễn, dàn dựng chương trình, trình độ về hưởng thụ, khả năng hội nhập và vị thế uy tín quốc tế ngày càng được nâng cao.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
“Văn học nghệ thuật Việt Nam 50 năm qua là tiếng nói tri ân ca ngợi truyền thống yêu nước cách mạng của quân và dân ta, là tiếng nói của sự hòa hợp dân tộc, góp phần hàn gắn, xoa dịu những đau thương, mất mát của chiến tranh, tạo khí thế mới, sức vươn mới của dân tộc. Điều đó, tưởng rằng đơn giản nhưng chính là bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử của đất nước và của nền văn học nghệ thuật nước nhà”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhận định.
Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh, đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà 50 năm qua vẫn luôn là lực lượng tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, danh hiệu nghệ sĩ – chiến sĩ, nghệ sĩ – công dân gắn với trách nhiệm xã hội tiếp tục được coi trọng và phát huy, trở thành mẫu hình văn hóa chứa đựng niềm tin sâu sắc về sự thủy chung của đội ngũ văn nghệ sĩ.
Chúng ta vui mừng khi có những kết quả rõ nét về sự tiếp tục và gặp gỡ với xu hướng tiến bộ, tiên tiến của văn học nghệ thuật thế giới, những sáng tạo mới theo hệ hình tư duy hiện đại đã bắt đầu xuất hiện và có những cách tìm tòi đáng quý, đáng chân trọng. Văn học nghệ thuật đã thực sự có đóng góp quan trọng tạo nên sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam trong quá trình đất nước đổi mới, hội nhập và phát triển ngày càng sâu rộng đối với thế giới.
Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Triển lãm "50 năm văn học, nghệ thuật Việt Nam đồng hành với dân tộc" nhằm khẳng định các quan điểm, đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam và vai trò của văn học, nghệ thuật Việt Nam đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, dựng xây đất nước.
Để văn học nghệ thuật Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò, sứ mệnh của mình, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: Cần tập trung nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, gắn với sự đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức lãnh đạo phù hợp, hiệu quả để kiến tạo đường hướng không gian phát triển văn học nghệ thuật. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ Đảng viên, đội ngũ văn nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân cần hiểu rõ, hiểu sâu hơn về vị trí, vai trò, sứ mệnh của văn học nghệ thuật trong kỷ nguyên mới. Đặc biệt chú trọng đến tính đặc thù của văn học nghệ thuật, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do sáng tạo, khơi dậy, phát hiện mạnh mẽ khát vọng cống hiến và năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ.
Phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về văn học nghệ thuật; rà soát, xây dựng và tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật còn thiếu trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật, những quy định chế độ, chính sách lạc hậu, bất cập cần phải kiên quyết loại bỏ, tạo hành lang thuận lợi, khơi nguồn phát triển tiềm năng sáng tạo.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để văn nghệ sĩ thâm nhập sâu rộng trong thực tế sôi động của đất nước, đồng hành, gắn bó với công cuộc lao động, sáng tạo của nhân dân, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ và tập trung xây dựng những công hiện đại trong sáng tạo, phổ biến, lưu giữ các tác phẩm văn học nghệ thuật. Tập trung xây dựng phát triển thị trường và các sản phẩm dịch vụ văn học nghệ thuật đồng bộ, bền vững, lành mạnh để văn học nghệ thuật đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển công nghiệp văn hóa. Tăng cường nguồn lực đầu tư của Nhà nước gắn với đẩy mạnh xã hội hóa, tạo bước đột phát trong thu hút và phân bổ nguồn lực phát triển văn học nghệ thuật.
Thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực nghiên cứu lý luận, phê bình văn học nghệ thuật, tập trung xây dựng hệ thống lý luận văn học nghệ thuật Việt Nam khoa học, nhân văn, hiện đại, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, kiên trì thực hiện tự do sáng tạo đi đôi với tự do phê bình.
Đồng thời, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế về văn học nghệ thuật, góp phần tiếp tục phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam; thực hiện hiệu quả chủ trương của Trung ương, tiếp tục sắp xếp tổ chức, đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức hội văn học nghệ thuật ở Trung ương và địa phương, bảo đảm tinh gọn, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Hội nghị thống nhất, đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với những cơ hội và thách thức đan xen. Bằng tác phẩm và thông qua tác phẩm của mình, đội ngũ văn nghệ sỹ chính là những người ươm trồng hạt giống về cái đẹp, về lòng nhân ái và sự tử tế; gìn giữ và phát huy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Mỗi văn nghệ sỹ, mỗi tác phẩm văn học, nghệ thuật chân chính sẽ góp phần bồi đắp, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), sáng 23/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn...
Bình luận