50 năm Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), sáng 23/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “50 năm Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc”.

50 năm Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc - 1

Toàn cảnh Hội thảo “50 năm Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc”.

Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Trưởng ban Lý luận phê bình văn học nghệ thuật; PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Phó Chủ tịch không chuyên trách Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam; đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ; các Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam: TS. Đoàn Thanh Nô, NSND Vương Duy Biên, NSND Trịnh Thúy Mùi, NSNA Trần Thị Thu Đông, NSND Trần Quốc Chiêm.

50 năm Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc - 2

Đại biểu tham dự Hội thảo.

Cùng dự có các văn nghệ sĩ đang hoạt động tại 10 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố trên cả nước; các nhà quản lý sự nghiệp Văn học nghệ thuật ở các cấp; các nhà khoa học nghiên cứu, lý luận - phê bình về Văn học nghệ thuật, khoa học xã hội và nhân văn…

50 năm Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc - 3

Đại biểu tham dự Hội thảo.

50 năm Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc - 4

PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Phó Chủ tịch không chuyên trách Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; GS. Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh, Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã đưa đất nước ta bước sang một trang sử mới - trang sử hòa bình, thống nhất, đồng thời là chủ đề lớn và cảm hứng mạnh mẽ trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật. Sau nhiều năm chiến tranh, văn học nghệ thuật có điều kiện chuyển mình, được phát triển trong một không khí mới, tâm thế mới, bắt nhịp, cổ vũ và đồng hành với công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.

Với đội ngũ tác giả đã trở thành lực lượng tin cậy, trung thành của Đảng và nhân dân, có lòng yêu nước nồng nàn, niềm tự hào dân tộc, tâm huyết với nghề, xứng đáng là người nghệ sĩ - chiến sĩ, lực lượng nòng cốt của nền văn học nghệ thuật cách mạng. Bằng khát vọng cao cả và tài năng, bằng những tác phẩm ưu tú kết tinh bản lĩnh nghệ thuật nhuần nhuyễn, văn học nghệ thuật Việt Nam đã tạo lập cho mình một thương hiệu, một khuôn mặt sáng giá, được công chúng trong nước và cộng đồng văn hóa nghệ thuật quốc tế trân trọng ghi nhận.

“Văn học nghệ thuật Việt Nam 50 năm qua là một dòng chảy liên tục, mạnh mẽ, góp phần bồi đắp nền tảng tinh thần của xã hội, xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới”, PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh.

50 năm Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc - 5

PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Phó Chủ tịch không chuyên trách Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Chủ tịch Chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Vương Duy Biên cho biết, Hội thảo “50 năm Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc” là dịp để nhìn lại, đánh giá một cách khoa học, khách quan và toàn diện những thành tựu quan trọng mà văn học nghệ thuật Việt Nam đã đạt được trong 50 qua, đặc biệt trong bối cảnh đất nước thống nhất, đổi mới và hội nhập.

50 năm Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc - 6

NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Tham luận tại Hội thảo về lĩnh vực văn học, nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng, trong 50 năm qua, văn học ta đã làm được hai việc: một là trả nợ quá khứ, hai là nhập cuộc đổi mới. Trước hết là trả nợ cuộc chiến tranh chống Mỹ, sau đó là hai cuộc chiến tranh biên giới diễn ra ở hai đầu đất nước. Cuộc trả nợ này còn có tên gọi khác là văn học viết về chiến tranh mà nhân vật trung tâm là “anh bộ đội Cụ Hồ”.

Sau đó, là trả nợ với lịch sử dựng nước và giữ nước, theo nhà thơ Hữu Thỉnh, người đi tiên phong và có thành tựu nhất trong mảng văn học này phải kể đến nhà văn Hoàng Quốc Hải, người đã dành hầu như cả đời mình để hoàn thành hai bộ tiểu thuyết Tám triều vua Lý gồm 4 tập và Bão táp triều Trần gồm 6 tập. Đây là hai triều đại có võ công oanh liệt nhất chống ngoại xâm với hai nhân vật tiêu biểu được xây dựng rất thành công là Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo. Cùng với đó là thành công của các tác giả như: Trần Thuỳ Mai, Bùi Việt Sĩ, Thái Bá Lợi, Hà Phạm Phú, Nguyễn Trọng Tân, Võ Khắc Nghiêm, Lý Lan, Phùng Văn Khai, Lưu Văn Khuê, Nguyễn Xuân Khánh, Lê Hoài Nam,…

50 năm Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc - 7

Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tham luận về lĩnh vực văn học.

Khái quát sự gắn bó của nhiếp ảnh cùng đất nước trong 50 năm qua, NSNA Trần Thị Thu Đông, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam khẳng định, nhiếp ảnh đã trở thành công cụ tuyên truyền đắc lực, phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống, con người Việt Nam, tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới; góp phần thể hiện hình ảnh một đất nước Việt Nam tươi đẹp, một dân tộc cần cù, sáng tạo, anh dũng, kiên cường, nâng cao tầm vóc, tâm hồn và bản lĩnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Để tiếp tục phát huy vai trò và sứ mệnh cao cả, NSNA Trần Thị Thu Đông cho rằng, giới nhiếp ảnh cả nước cần phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy sáng tạo, tìm tòi những đề tài mới, góc nhìn độc đáo, phong cách thể hiện đa dạng, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, bản sắc dân tộc và tinh hoa thế giới. Cần chủ động ứng dụng và làm chủ công nghệ số, tận dụng các nền tảng hiện đại để lan tỏa tác phẩm. Công tác lý luận phê bình cần được đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để thực sự soi đường, dẫn dắt sáng tạo. Công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần được chú trọng, đổi mới, gắn liền với thực tiễn. Hợp tác quốc tế cần được tăng cường để học hỏi, giao lưu và quảng bá hiệu quả hình ảnh Việt Nam.

50 năm Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc - 8

NSNA Trần Thị Thu Đông, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tham luận về lĩnh vực nhiếp ảnh.

Đối với lĩnh vực sân khấu, NSND Lê Tiến Thọ nhận định, sau Chiến thắng mùa Xuân năm 1975, bức tranh sân khấu Việt Nam trở nên đa sắc diện với sự góp mặt của nhiều cây bút tài năng ở cả hai miền, họ mang trong mình vốn sống sâu sắc trước những biến động lớn của đất nước. Để sân khấu tiếp tục giữ vững vị thế trong lòng công chúng, ông đề xuất một số giải pháp như: Tăng cường đào tạo đội ngũ sáng tác, lý luận phê bình; Xây dựng đề án mở một kênh truyền hình cho nghệ thuật biểu diễn, Đầu tư cho sáng tác và cơ sở vật chất; Xây dựng đề án Sân khấu tổng hợp.

50 năm Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc - 9

NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tham luận về lĩnh vực sân khấu và đưa ra đề xuất về công tác quản lý văn học nghệ thuật.

Bên cạnh những ưu điểm, thành tựu to lớn mà văn học nghệ thuật đạt được trong 50 năm qua, các tham luận tại Hội thảo cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác lãnh đạo, quản lý và thực hành văn hóa, văn nghệ như: Việc xây dựng thể chế, thiết chế văn hoá, văn nghệ còn chậm, thiếu đồng bộ; Đời sống văn hoá, văn nghệ còn nhiều khó khăn, thách thức; Không có nhiều tác phẩm văn nghệ đạt đỉnh cao, chưa tương xứng với tầm vóc sự nghiệp cách mạng và kháng chiến vĩ đại của dân tộc cũng như sự nghiệp đổi mới;...

50 năm Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc - 10

TS. Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nêu ý kiến về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào sáng tạo văn học nghệ thuật.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Trưởng ban Lý luận phê bình văn học nghệ thuật cho rằng, để có thể thúc đẩy đời sống văn học nghệ thuật phát triển mạnh mẽ hơn, có nhiều thành tựu hơn nữa, cần chú trọng những vấn đề như: Cần nâng cao hơn nữa nhận thức, năng lực, tư duy, trình độ, kỹ năng, phương pháp, phương thức công tác của bộ máy lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ các cấp, nhất là những cơ quan, đơn vị, ở những người trực tiếp quản lý, điều hành mảng công tác “rất quan trọng và đặc biệt tinh tế” này; Tạo bước đột phá về nguồn nhân lực, trong đó có đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, coi trọng đội ngũ tinh hoa, chuyên nghiệp, chuyên sâu đồng thời không sao nhãng tính đại chúng của nền văn hóa, văn nghệ xã hội chủ nghĩa; Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng những người viết văn, sáng tạo nghệ thuật, viết lý luận, phê bình, nhất là đội ngũ trẻ; Tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ bắt kịp nhịp sống và hơi thở của dân tộc và thời đại; Làm cho văn học, nghệ thuật trở thành một trong những phương tiện, liệu pháp đoàn kết, hòa hợp dân tộc, chấn hưng văn hóa và hào khí Việt; Làm cho văn học, nghệ thuật trở thành một trong những phương tiện, liệu pháp đoàn kết, hòa hợp dân tộc, chấn hưng văn hóa và hào khí Việt.

50 năm Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc - 11

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Trưởng ban Lý luận phê bình văn học nghệ thuật phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, GS. Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết, Hội thảo “50 năm Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc” được tổ chức vào đúng dịp quan trọng, đây được xem là dấu mốc chốt lại của một giai đoạn, đồng thời đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của văn học nghệ thuật.

50 năm Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc - 12

GS. Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phát biểu tổng kết Hội thảo.

Theo GS. Lê Hồng Lý, 45 tham luận được gửi về cùng các ý kiến được đưa ra trao đổi tại Hội thảo đã góp phần tổng kết những thành tựu nổi bật của văn học nghệ thuật Việt Nam trong 50 năm qua. Đồng thời, đã lưu ý việc đúc rút các kinh nghiệm về tổ chức và nghề nghiệp, đầu tư các nguồn lực hiệu quả để tiếp tục phát huy thành tựu, khắc phục những thiếu sót, bất cập, tiếp tục đồng hành cùng dân tộc, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời đại cách mạng công nghệ và của công chúng.

Đặc biệt, một số bài tham luận đã bắt đầu hé mở những vấn đề mới của văn học nghệ thuật như: “Kiến tạo vùng đất sáng tác văn học và vùng đất đọc sách văn học - nhìn từ văn hóa” của nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng, “Biển đảo trong văn học Việt Nam sau 1975” của nhà văn Nguyễn Đăng Điệp, hay việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào sáng tạo văn học nghệ thuật của TS. Đoàn Thanh Nô,…

Huyền Thương - Viết Điệp

Tin liên quan

Tin mới nhất