“Mạch nguồn sông Côn” - Thành công mới của nhà văn Hồ Ngọc Quang khi đến với thể loại tiểu thuyết lịch sử

Hiện nay, sách báo chính thống nói về nhà Tây Sơn, Nguyễn Huệ - Quang Trung khá nhiều, tuy nhiên có lẽ chưa có cuốn sách nào viết về mối quan hệ giữa họ Hồ ở Nghệ An với anh em nhà Tây Sơn ở Bình Định. Mặc dầu lịch sử Việt Nam đã thừa nhận nguồn gốc của họ Hồ Tây Sơn chính là họ Hồ ở xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) và ở Thái Lão huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) di dân đến. Bằng chứng đã có cuốn sách trích dẫn lời của Nguyễn Nhạc (là người họ Hồ nhưng do bối cảnh đặc biệt lịch sử đã đổi từ họ Hồ sang họ Nguyễn) khi về thăm quê cha đất tổ ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu Nghệ An, ông đã xúc động thốt lên “Tổ bốn đời của ta đây”.

Để làm sáng tỏ vấn đề đang được nhiều người quan tâm là quá trình những người đầu tiên của họ Hồ Nghệ An và các thế hệ tiếp nối vào dựng nghiệp ở phía Nam được diễn ra như thế nào, Quang Trung - Nguyễn Huệ  ở Tây Sơn - Bình Định có phải là người họ Hồ ở Quỳnh Lưu hay không? Để làm tường minh một vấn đề đang đặt ra của văn học và lịch sử mà màn sương thời gian đang phảng phất che mờ nêu trên, nhà văn Hồ Ngọc Quang, một hậu duệ của họ Hồ hiện đang sinh sống ở Quỳnh Đôi đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết lịch sử Mạch nguồn sông Côn. Cuốn tiểu thuyết đã được Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành đầu năm 2025.

Với hơn 260 trang sách, nhà văn Hồ Ngọc Quang với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ và các thủ pháp nghệ thuật của tiểu thuyết với hệ thống tư liệu lịch sử của thời Trịnh - Nguyễn phân tranh và pho tư liệu về Quang Trung - Nguyễn Huệ trong các bảo tàng mà dòng họ và cá nhân tác giả có được, nhà văn Hồ Ngọc Quang đã thành công trong việc tái hiện một cách chân thực, sinh động có sức thuyết phục, làm rõ nguyên nhân vì sao lại có sự di dân họ Hồ từ Nghệ An vào phía Nam và cuộc di dân suốt cả chặng đường dài lịch sử đầy gian khổ trong hơn một trăm năm của họ. Di chuyển vào Quy Nhơn để sinh cơ lập nghiệp với mục đích hệ trọng, bền bỉ lâu dài là thực hiện cho bằng được chí nguyện của ông cha thuộc họ Hồ (Quỳnh Lưu) là dẹp tan cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh kéo dài hai thế kỷ và sự đô hộ của kẻ thù Mãn Thanh phương Bắc và phiến quân ở phương Nam hai đầu đất nước để đem lại thái bình cho non sông đất nước đã được diễn ra như thế nào?

“Mạch nguồn sông Côn” - Thành công mới của nhà văn Hồ Ngọc Quang khi đến với thể loại tiểu thuyết lịch sử - 1

Cuốn tiểu thuyết lịch sử "Mạch nguồn sông Côn".

Đọc xong cuốn tiểu thuyết lịch sử Mạch nguồn sông Côn chúng ta dễ dàng nhận thấy Hồ Ngọc Quang đã thực sự thành công trên nhiều phương diện.

Thành công thứ nhất, nhà văn đã nắm rõ một nét tâm lý vốn có trong đời sống tâm linh của số đông người Việt là thường tin vào sự thiêng liêng và uy quyền của những giấc mơ. Hồ Ngọc Quang đã chọn một lối đi riêng cho các bậc bề trên gián tiếp khi muốn truyền chí hướng có tính hệ trọng cho con cháu, dùng giấc mơ đó chỉ giáo và mong muốn con cháu có trách nhiệm nghị lực để thực hiện chí nguyện của dòng họ...

Bắt đầu là việc tiến sỹ Bồi tụng Hồ Sỹ Dương ghé thăm tri huyện Hương Sơn Hồ Thế Anh, một người bạn đồng hương thuở thiếu thời, cả hai đều là học trò giỏi ở làng Quỳnh Đôi đã kể lại việc người nhà gặp Cụ tổ trạng nguyên Hồ Hưng Dật trong một giấc mơ. Cụ Hồ Hưng Dật báo mộng cho người nhà là Hồ Phi Hiển với nội dung: “Sau Hồ Quý Ly, đến thời kỳ đất nước bị chia cắt Đàng trong - Đàng ngoài, nếu con cháu có ý chí vào Nam lập nghiệp lớn ở vùng núi Ngang, cụ sẽ tiếp tục gia hộ cho thành nghiệp lớn. Muốn làm được việc lớn đó con cháu họ Hồ phải: Thứ nhất tìm “Long huyệt” trên chính đất này; thứ hai đưa con cháu lập nghiệp phương Nam; thứ ba “Nương cửa thiền” để có quân sư... Ta cho con bốn câu sấm này con nhớ cho kỹ rồi cùng anh em trong chi họ luận giải bảo ban nhau làm cho tốt: Phương Nam đèo Mang, Tựa lưng người Thượng, Làm nương phát tướng, Chớp bể sấm vang”.  

Kể lại giấc mơ trên, Hồ Sỹ Dương mong muốn chuyển tới Hồ Thế Anh (con trai của Hồ Phi Hiển) thời đó là tri huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) thông điệp: Hồ Thế Anh sẽ phải là người tính kế cho con cháu của mình thực hiện  cho được cái sứ mệnh trọng đại, cao cả thiêng liêng mà tiền nhân giao phó. Sau đó ít lâu Hồ Thế Anh đã bàn bạc với con trai của mình là Hồ Thế Viêm để Hồ Thế Viêm tiến hành công cuộc Nam tiến đại sự nói trên.

Hồ Thế Viêm sinh năm Kỷ Mão (1639), là con trai của Hồ Thế Anh và bà Từ Hiếu. Người làng Quỳnh Đôi, thời đó ai cũng biết anh chàng Viêm có tính khác thường. Vợ của Viêm là cô thôn nữ tên Nguyễn Thị Ba, người ở xã Nhân Lý, hai vợ chồng Hồ Thế Viêm từ Quỳnh Đôi chuyển vào sinh sống tại Thái Lão huyện Hưng Nguyên.

Cưới đầu năm, cuối năm vợ chồng Viêm cho ra đời một bé trai bụ bẫm đặt tên là Hồ Phi Khang. Nhiều thăng trầm gian lao vất vả nhưng với nghị lực và trí thông minh của mình, sau khi từ giã vợ con và quê hương, Hồ Thế Viêm cùng với một người bạn khác quê Thanh Chương là Nguyễn Bá Công Đức cũng đã đến được và làm ăn sinh sống  tại vùng Tây Sơn Thượng, một địa danh có đủ yếu tố địa lý trong bốn câu sấm của cụ Hồ Hương Dật.

Sau khi Hồ Thế Viêm qua đời, Hồ Phi Khang - con trai cả của ông đã từ Nghệ An tìm vào Tây Sơn tìm mộ cha và tiếp tục lập nghiệp tại vùng đất mà cha mình đã chọn. Ông lấy vợ và sinh con. Trong số các người con của Hồ Phi Khang có Hồ Phi Phúc. Hồ Phi Phúc sau này là thân phụ của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Tuy là con ruột của Hồ Phi Phúc nhưng do hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử, các con của ông là Nhạc, Huệ, Lữ đều mang họ của mẹ.

Với việc mượn giấc mơ như một thủ pháp nghệ thuật để truyền lời khuyên của bậc tiền nhân đến với con cháu, Hồ Ngọc Quang đã giúp cho người đọc thấy được việc con cháu họ Hồ phải Nam tiến không chỉ là do uy lực khát vọng mạnh mẽ riêng của một dòng họ mà còn mang một sứ mệnh cao cả thiêng liêng mà lịch sử dân tộc đã giao phó cho các quân vương và con cháu họ Hồ (Quỳnh Đôi).

Để trả lời câu hỏi vì sao người họ Hồ (Quỳnh Đôi) lại luôn có vị trí đặc biệt trong lịch sử phát triển của dân tộc và trả lời câu hỏi căn nguyên nào mà  ông Hồ Phi Hiển lại có được cuộc báo mộng đặc biệt như đã nêu ở trên, nhà văn Hồ Ngọc Quang thông qua tiểu thuyết lịch sử với mong muốn giới thiệu với bạn đọc những nét nổi bật về truyền thống văn hoá lịch sử về con người của vùng đất Quỳnh Đôi địa linh nhân kiệt, người họ Hồ là những người dám đứng ra lo toan những vấn đề trọng đại của dân tộc. 

Với độ mở và phóng túng của bút pháp tiểu thuyết, nhà văn đã làm hiện dậy sinh động một làng quê đặc biệt của Việt Nam - Làng Quỳnh Đôi:  “Quỳnh Đôi không có núi nhưng bốn phía đều có núi của xã khác hướng về chầu. Ở phía Đông, núi Quy Long có hình cái bảng gọi là bảng giáp nên làng có truyền thống hiếu học đỗ đạt cao, ở phía tây có núi Hiền Hoa gọi là bảng canh, bên phải bên trái có núi Yên Mã  hình yên ngựa, núi Trụ Hải có hình tàn (tức cái lọng) nên làng có nhiều người làm quan to. Phía Nam có núi Nga My có hình đôi lông mày nên làng này có nhiều phụ nữ đẹp và giỏi giang. Rồi Hòn Thơi, Hòn Bút. Phía đông có dòng Mai Giang uốn khúc chảy ra Lạch Quèn tựa như dải lụa và cũng là dải sâu tích thuỷ”.

Cũng như khi nói về làng Quỳnh Đôi, Hồ Ngọc Quang đã có những trang viết đã làm hiện dậy vẻ đẹp thiêng liêng của vùng đất mới ở phương Nam mà Hồ Thế Viêm, con cháu họ Hồ đã tìm đến và sau này là nơi sinh sống và dựng xây sự nghiệp anh hùng của anh em Tây Sơn cũng hết sức sinh động và lôi cuốn người đọc. 

Một thành công nổi bật khác của Hồ Ngọc Quang trong Mạch nguồn sông Côn là tác giả đã dùng ngôn ngữ tiểu thuyết khắc họa sinh động và chân thật những nhân vật đã đi vào lịch sử của họ Hồ Quỳnh Đôi. Đây là hình ảnh của hai người bạn thân họ Hồ khi họ gặp nhau ở Hương Sơn để bàn chuyện đại sự là hướng con cháu họ Hồ vào phương Nam lập nghiệp như lời chỉ bảo của tiền nhân: Dù đã là tri huyện và Tể tướng nhưng họ rất chân tình trong ứng xử và giản dị trong cuộc sống và qua những đoạn đối thoại của hai vị quan này đã phần nào nói lên lòng yêu nước thương dân của họ:

“Một lát sau, thấy Thế Anh tay cầm hai con gà rừng dốc ngược lên đi tới cây cổ thụ, rồi tiến cạnh đến hồ nước, Hồ Sỹ Dương chạy theo lóng ngóng sờ đầu gà có cái mồng đỏ tươi. Lấy dao nhỏ mổ bụng, vặt lông rồi bỏ mấy thứ lá thơm vào  lấy dây rừng buộc ấp lại, xong Thế Anh xuống mép hồ lấy bùn trát lên lông gà một lớp, treo gà lên thanh củi to bắc qua hai cọc chéo, rồi kiếm củi chụm lửa lên nướng. Hồ Sỹ Dương nhìn theo ngọn khói thích thú, nhất là khi mùi thơm toả một vùng quyến rũ. Hai con gà vàng ươm thơm nức mùi”.

“Một lần về quê đệ nghe dân làng ta, nhất là các cụ, khai hoang được hàng trăm mẫu ruộng khen quan bác giúp quê đắp đập Ngang và đập Bút, khai hoang được hàng trăm mẫu ruộng tốt rồi cải tạo đầm Huyện để giữ nước ngọt”.

Khi nói về sự thành bại của Hồ Quý Ly, với vài dòng ngắn gọn nhưng Hồ Ngọc Quang đã làm sống lại tầm mưu lược của ông vua họ Hồ người Quỳnh Đôi này qua nhận xét của tể tướng Hồ Sỹ Dương: “Họ Hồ Quý Ly chỉ tại vị được tám năm. Nhắc lại chuyện cụ để ta biết, phải biết tận dụng thời cơ và thế phải không bác sư đệ - Hồ Sỹ Dương nói”.

Hồ Ngọc Quang với lối văn giản dị, súc tích đã làm bật nổi nhân cách, tài năng, quyền uy của vị tể tướng Hồ Sỹ Dương người họ Hồ (Quỳnh Đôi).

Và đây là lược tả của Hồ Ngọc Quang về ông Hồ Phi Tích, một người con họ Hồ từng đậu Tam trường, người đã báo mộng cho con cháu họ Hồ về sự nghiệp Nam tiến:

“Hồ Phi Tích đã trải qua mười hai năm sống trên đất Thăng Long vừa dạy học vừa ôm mộng thi cử đỗ đạt để xứng với truyền thống khoa bảng của tổ tiên. Duyên phận thế nào anh lại gặp tiểu thư Đàm Thị Quỳnh con gái ông Đàm Lam Sinh quê làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai xứ sơn Nam thuộc tỉnh Hà Đông. Năm  Đinh Sửu (1697) Hồ Phi Tích đậu tam trường làm quan huấn đạo tỉnh Quốc Oai.

Qua Mạch nguồn sông Côn, người đọc có thêm những góc nhìn về quê hương và sự đóng góp của những người con họ Hồ thuộc xã Quỳnh Đôi - Nghệ An trong một chặng đường lịch sử hết sức đặc biệt. Đó là thời gian  đất nước rơi vào bi kịch của cuộc phân tranh quyền lực giữa Trịnh - Nguyễn và đặc biệt tác phẩm đã lý giải khá tường minh rằng: họ Hồ (Quỳnh Lưu) trong giai đoạn lịch sử đó đã có nhiều người tài cao học rộng tham gia triều chính nên đã có người có mưu lược trong việc trị vì đất nước nên họ đã định ra được những chiến lược cho việc mở rộng sự đóng góp của con em họ Hồ (Quỳnh Đôi). Chính vì vậy những người tham gia bộ máy triều chính thời đó, với tầm nhìn xa họ đã đưa con em của mình tiến vào những miền đất trọng yếu ở phía Nam để lập nghiệp, chuẩn bị cho những toan tính lợi ích lâu dài. Và đó cũng là nguồn gốc của sự xuất hiện người họ Hồ xã Quỳnh Đôi ở Bình Định từ những thế kỷ trước, trong đó có những người là lớp tiền bối của Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Nhà văn Hồ Ngọc Quang qua tiểu thuyết lịch sử Mạch nguồn sông Côn khẳng định rằng: ba anh em nhà Tây Sơn Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ buổi đầu đã dựng cờ khởi nghĩa trên dòng sông Côn ở vùng đất Tuy Viễn, Bình Định là những người có gốc họ Hồ ở Quỳnh Đôi, Nghệ An.

Sau các tác phẩm Ông bụt đất nung (NXB Nghệ An,2013), Ma xó (Truyện ngắn - NXB Nghệ An, 2018), Trở lại Hói Nồi (Tập truyện ký chọn lọc - NXB Nghệ An, 2020), Tể tướng Hồ Sỹ Dương (Tiểu thuyết lịch sử - NXB Hội Nhà văn, 2021), Du lịch làng khoa bảng Quỳnh Đôi (đồng tác giả với Hồ Đức Nhân, 2024) đến Mạch nguồn sông Côn (Tiểu thuyết lịch sử - NXB Nghệ An, 2025), nhà văn Hồ Ngọc Quang đã ghi nhận thêm một thành công mới ở thể loại tiểu thuyết lịch sử.

Nguyễn Đình Anh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Bom tấn “Superman” thu về 22,5 triệu USD chỉ sau vài giờ

Bom tấn “Superman” thu về 22,5 triệu USD chỉ sau vài giờ

Bộ phim “Superman” mới nhất của DC đã mang về 22,5 triệu USD chỉ trong suất chiếu sớm tối thứ Năm tuần trước. Đây không chỉ là cú hích doanh thu mà còn là lời tuyên bố mạnh mẽ cho một thời kỳ mới dưới bàn tay của James Gunn và Peter Safran.

UNESCO ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn-Kiếp Bạc vào danh mục Di sản thế giới

UNESCO ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn-Kiếp Bạc vào danh mục Di sản thế giới

Theo thông tin từ Cục Di sản văn hóa, chiều 12/7 (giờ Paris), tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO), Giáo sư Nikolay Nenov (Bulgaria), Chủ tịch Kỳ họp đã chính thức gõ búa ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản văn hóa thế giới.