Tôi yêu văn học Ba Lan
Tôi yêu văn học Ba Lan đã từ lâu, trong những năm học đại học tại Ba Lan tôi đã tôn sùng các nhà văn nhà thơ lỗi lạc Ba Lan, như Henryk Sienkiwicz, Adam Mickiewicz, Wladyslaw Reymont, Boleslaw Prus, Helena Mniszek… Sau khi trở về nước, tình yêu nói trên đã khiến tôi theo đuổi con đường dịch sách văn học Ba Lan sang tiếng Việt. Tôi hành động như vậy với ý thức rằng, niềm đam mê và nhiệt huyết của mình sẽ tạo điều kiện cho người Việt có cơ hội tìm hiểu nền văn hoá và văn học Ba Lan.
Tôi xem thành quả bao gồm trên ba mươi cuốn sách dịch văn học Ba Lan đã được ấn hành là một sự đóng góp khiêm tốn của mình vào việc làm cho hai dân tộc chúng ta gần gũi nhau hơn.
Đọc các tác phẩm văn học Ba Lan do tôi chuyển ngữ, người đọc Việt Nam đã có điều kiện làm quen, tìm hiểu thân thế và sự nghiệp của các nhà văn nhà thơ nổi tiếng Ba Lan như: Robert Stiller, Maria Kruger, Alfred Szklarski, Monika Warnnenska, Henryk Sienkiewicz, Władysław Reymont, Bolesław Prus, Wisława Szymborska, Czesław Miłosz, Tadeusz Różewicz, Sławomir Mrozek, Dorota Terakowska, Katarzyna Grochola, Jerzy Pilch, Tomek Tryzna, Tomasz Jastrun, Katarzyna Michalak, Hanna Samson và Olga Tokarczuk.
Đại sứ Ba Lan Joanna Skoczek và nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự.
Các tiểu thuyết và truyện ngắn Ba Lan do tôi dịch đã nhiều lần được diễn đọc trên làn sóng của các đài phát thanh ở Việt Nam, nhất là trong các “Chương trình đọc truyện đêm khuya”, đưa thính giả Việt Nam vào thế giới văn hoá và văn học Ba Lan. Trong số các tác giả và các tác phẩm đã được diễn đọc phải kể đến: Pharaoh (Boleslaw Prus), Quà của Chúa (Dorota Terakowska), Nghệ thuật nhìn, Người gác rừng si tình, Chuyến tàu tốc hành đêm (chùm truyện ngắn của Slawomir Mrozek), Những khoái cảm khác (Jerzy Pilch), Người đàn bà xấu nhất hành tinh, Vũ nữ (Olga Tokarczuk), Vợ chưa cưới chủ nhật (Hanna Samson), Sinh nhật (Tomasz Jastrun).
Tôi cũng xin thông tin rằng, ngoài những cuốn sách dịch đã ấn hành, những bài báo tôi viết về Ba Lan, về các tác giả và tác phẩm văn học Ba Lan, đã thường xuyên được đăng tải trên báo chí Việt Nam, nhất là trong các tuần báo, các tạp chí văn học nghệ thuật có uy tín.
Hai Huân chương công trạng Cộng hòa Ba Lan do các Tổng thống Bronislaw Komorowski và Andrzej Duda tặng tôi năm 2012 và 2017, về những đóng góp xuất sắc trong việc phát triển quan hệ Ba Lan - Việt Nam thông qua việc giới thiệu và quảng bá văn học Ba Lan tại Việt Nam, là nguồn động viên to lớn dành cho tôi trong hoạt động không mệt mỏi của mình nhằm gắn bó hai dân tộc chúng ta.
Các dịch giả Lê Bá Thự, Nguyễn Thị Thanh Thư, Nguyễn Hữu Dũng và MC Đỗ Anh Vũ tại cuộc tọa đàm về văn học Ba Lan mới đây tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Đọc tác phẩm của các tác giả Ba Lan, bạn đọc Việt Nam hiểu sâu hơn truyền thống và lịch sử Ba Lan, quan sát tốt hơn cuộc sống thường nhật của người Ba Lan và phát hiện ra những nét tương đồng thú vị về tâm lý và vận mệnh của hai dân tộc. Tất nhiên tài năng của các tác giả Ba Lan và giá trị của các tác phẩm của họ là lý do chính khiến người Việt ưa chuộng đọc sách Ba Lan. Theo tôi, mỗi tác phẩm văn học Ba Lan đóng vai trò người phát ngôn của văn hoá Ba Lan.
Trong số các tiểu thuyết Ba Lan tôi dịch sang tiếng Việt, tiểu thuyết Xin cạch đàn ông! của nữ nhà văn Katarzyna Grochola được bạn đọc Việt Nam vô cùng mến mộ. Đây là cuốn sách viết về người phụ nữ hiện đại khiến ta đọc liền một mạch, một cuốn sách nhẹ nhàng, dễ đọc, giàu chất trào lộng và lạc quan. Cuốn sách này khiến người đọc, nhất là phụ nữ, suy ngẫm về cuộc sống vốn không thiếu cam go và thử thách, dẫu vậy luôn luôn có cơ hội để con người đến được với cuộc sống mới, tốt đẹp hơn.
Tôi thuận ý với nhận định cho rằng, Xin cạch đàn ông! là một cuốn tiểu thuyết viết về sự mạnh mẽ, tính cương nghị và việc kiếm tìm chỗ đứng của mỗi con người trên thế gian.
Năm 2009, tôi có hân hạnh được gặp gỡ và trò chuyện với nữ tác giả tiểu thuyết Xin cạch đàn ông!, nữ nhà văn Katarzyna Grochola, tại quán cà phê Milano ở trung tâm thủ đô Warszawa. Cuộc trò chuyện ba giờ đồng hồ của chúng tôi đã diễn ra trong bầu không khí hết mực chân tình. Nữ nhà văn đã bị bất ngờ tột độ khi hay tin, tiểu thuyết Xin cạch đàn ông! của bà đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam, tại một nước châu Á ở rất xa Ba Lan.
Về phần mình, tôi cũng bị bất ngờ thật sự khi nữ nhà văn cho tôi hay, hồi những năm 73 - 74 của thế kỷ trước, bố bà đã từng ở Việt Nam, khi ông với tư cách là một luật gia, đã làm việc trong Uỷ ban Quốc tế Giám sát và Kiểm soát Hiệp định Paris. Hiện nay trong ngôi nhà của nữ nhà văn vẫn còn trưng bày bức tượng Phật mà bố bà đã mua cho con gái để làm kỷ niệm về chuyến công tác tại Việt Nam. Với niềm xúc động bà Katarzyna Grochola nói với tôi: “Hồi trước bố tôi đã ở Việt Nam, sau đó tôi cũng đã có mặt tại Việt Nam thông qua sự hiện diện của thiên tiểu thuyết của mình, chung cục, có thể bảo rằng, bố tôi và tôi, cả hai cha con tôi đều đã đến Việt Nam”.
Dịch giả Lê Bá Thự tặng tác giả Katarzyna Grochola bản dịch tiểu thuyết "Xin cạch đàn ông!".
Tôi đã dịch sang tiếng việt thơ của ba nhà thơ nổi tiếng Ba Lan - Wislawa Szymborska, Czeslaw Milosz và Tadeusz Rozewicz. Năm 2005, tại buổi Lễ trao Giải thưởng Transatlantyk, tôi đã có cơ hội làm quen với nữ nhà thơ Wislawa Szymborska. Khi tôi tự giới thiệu tôi là dịch giả tiếng Việt Nam nữ nhà thơ liền hô to: “Việt Nam! Việt Nam! Tôi yêu Việt Nam! Tôi biết Việt Nam đã từ lâu, tôi còn làm thơ về Việt Nam nữa đấy!”. Thưa các quý vị, hôm nay, tại đây, với niềm vui lớn lao tôi xin khẳng định rằng, nữ nhà thơ Wislawa Szymborska là người bạn chân thành thân thiết của Việt Nam, là người có cảm tình sâu nặng với Việt Nam. Hai bài thơ của bà viết về chiến tranh Việt Nam với tiêu đề Việt Nam và Lá chắn đã chứng tỏ điều này.
Đại sứ quán Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam luôn luôn động viên, hỗ trợ các nỗ lực dịch thuật của các dịch giả văn học Ba Lan tại Việt Nam, tổ chức nhiều cuộc giới thiệu tác phẩm dịch tại Đại sứ quán và nhân dịp Ngày văn học châu Âu hàng năm tại Hà Nội.
Gần đây nhất, nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Ba Lan - Việt Nam (1950 – 2025), ngày 28 tháng 5 năm 2025, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội Đại sứ quán Ba Lan đã tổ chức triển lãm sách Ba Lan và cuộc tọa đàm Văn học Ba Lan tại Việt Nam với sự tham gia của đông đảo sinh viên, dịch giả, đại diện các NXB và những người yêu văn học.
Phát biểu tại cuộc tọa đàm, Đại sứ Joanna Skoczek chúc mừng và hoan nghênh những thành quả ấn tượng của các dịch giả văn học Ba Lan tại Việt Nam trong những năm vừa qua. Bà cho biết, Đại sứ quán Ba Lan sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ việc giới thiệu các tác phẩm văn học Ba Lan tại Việt Nam, khuyến khích các bạn sinh viên tham gia các hoạt động văn học này và khám phá cuộc hành trình đẹp đẽ và thú vị của văn học Ba Lan tại Việt Nam.
Cuộc giao lưu của ba dịch giả Nguyễn Hữu Dũng, Lê Bá Thự và Nguyễn Thị Thanh Thư với sinh viên, đại diện các nhà xuất bản và các bạn đọc mến mộ văn học Ba Lan đã diễn ra vô cùng sôi nổi.
Qua trao đổi kinh nghiệm và tìm hiểu quá trình dịch văn học, người tham dự cuộc tọa đàm đã thấu hiểu những khó khăn của việc dịch văn học nước ngoài, đặc biệt là văn học Ba Lan sang tiếng Việt. Theo dịch giả Lê Bá Thự: Tác giả viết những gì mình biết, còn dịch giả phải dịch tất cả những gì tác giả viết. Cái khó của dịch giả là ở đó, và cái tài của người dịch cũng là ở đó. Viết kiểu gì, văn phong gì, bút pháp gì, thể nghiệm gì thì tôi, tức người dịch, cũng dịch đúng và hay. Ba dịch giả văn học Ba Lan đã kể cho sinh viên và người tham dự nghe hàng loạt câu chuyện thú vị về công việc dịch thuật nhiều cam go lắm thử thách của mình, những phương cách, thủ thuật mà họ đã sử dụng để có được bản dịch tiếng Việt đúng và hay, đồng thời trả lời nhiều câu hỏi của các bạn sinh viên về dịch văn học, lĩnh vực mà họ quan tâm, mến mộ và nhiều người có tham vọng theo đuổi.
Sinh viên với sách dịch của Lê Bá Thự.
Đối với tôi, Ba Lan là cường quốc văn học. Trong lịch sử Giải Nobel văn học, đất nước gần 40 triệu dân này đã đóng góp đến năm nhà văn nhà thơ đoạt giải: Henryk Sienkiewicz (1905), Władysław Reymont (1924), Czesław Miłosz (1983), Wisława Szymborska (1996) i Olga Tokarczuk (2018). Họ đã có những đóng góp quan trọng vượt ra ngoài biên giới Ba Lan cho văn học thế giới.
Có thể khẳng định rằng, không một nước Đông Âu nào lại có được nhiều sách dịch sang tiếng Việt như Ba Lan. Tại các nhà sách ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác của Việt Nam đã và đang luôn luôn hiện diện sách văn học dịch từ ngôn ngữ Ba Lan. Đó là công lao của các dịch giả Việt Nam dịch văn học Ba Lan, những người đã tốt nghiệp các trường đại học ở Ba Lan.

Lịch sử văn học Việt Nam hiện đại từ 1945 đến nay, vấn đề "nhận đường" của nhà văn trong việc hiểu rõ trách...
Bình luận