Vóc hình đất nước và hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thơ Phạm Hồng Điệp

Cầm nặng trĩu tay ba tập thơ “Biển gọi em về”, “Miền đất Việt”, “Cánh đồng tuổi thơ” của Phạm Hồng Điệp, tôi bỗng nảy ra ý đem cân xem thế nào và thật ấn tượng: Những ba cân rưỡi! Xưa có câu “trước tác đẳng thân” nói về viết nhiều tới mức sách xếp cao bằng người thì việc đem sách đi cân dù có lẩm cẩm và dớ dẩn chăng nữa, thiết nghĩ cũng là một cách đo sức viết của người cầm bút. Vậy mà như lời đầu tập “Biển gọi em về” thì “Phạm Hồng Điệp không phải là nhà thơ, cũng không nuôi ước mơ làm thi sĩ. Phạm Hồng Điệp chỉ là người yêu thơ, dạo chơi giữa vườn thơ với trái tim yêu đời, yêu người”.

Là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Shinec, chủ đầu tư Khu công nghiệp sinh thái Nam cầu Kiền ở Hải Phòng, Phạm Hồng Điệp cũng làm nhiều thơ về nơi mình. Riêng tập Biển gọi em về đã có hơn hai chục bài, trong đó nhiều bài được phổ nhạc như Ngọn lửa Shinec,  Shinec - Khát vọng tuổi 20, Hương sen Nam cầu Kiền, Đêm Nam cầu Kiền… Bởi đấy là nơi anh dành những gì tinh túy nhất, mãnh liệt nhất của trí lực và tâm huyết - nơi anh đã bày tỏ ý nguyện trong bài thơ Vươn cao khát vọng Việt:“Bay lên những khát khao/ Bay lên cánh chim trời/ Vươn ra biển lớn/ Chinh phục núi cao/ Khát vọng tôi đây/ Cháy trong tim này.”.

“Thương trường như chiến trường” - câu nói ấy chỉ được hiểu và thấm thía đầy đủ với những người vừa là doanh nhân vừa có những năm là người lính như Phạm Hồng Điệp. Có người nói tóc anh từng bạc trắng chỉ sau một đêm lo nghĩ khi cả cơ ngơi gây dựng mấy chục năm có nguy cơ mất không! Vì vậy, anh tự nhắc mình và đồng nghiệp:“Người doanh nhân trước sóng đời cuộn chảy/ Giữ vững tâm bền chí rộng lòng”,“Dặm đường xa không chùn bước ta đi/ Đời doanh nhân nào ngại chi gian khó/ Giông tố mịt mù càng vững bước chân ta.”. Nhưng làm thế nào để đứng vững và phát triển trước sóng gió của thương trường? Hồn cốt của vấn đề là ở đâu? Câu trả lời của Phạm Hồng Điệp: Đó là ý thức về vai trò, trách nhiệm của doanh nhân với đất nước; doanh nhân không nên coi lợi nhuận cho mình là mục đích duy nhất mà sâu xa hơn, cao hơn và lớn hơn là phải biết và cần biết cách làm giàu cho đất nước. Cũng vì lẽ ấy, Phạm Hồng Điệp dành những trang đầu tập Biển gọi em về cho những bài thơ ngợi ca Vóc hình đất nước.

Vóc hình đất nước và hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thơ Phạm Hồng Điệp - 1

Doanh nhân, cựu chiến binh Phạm Hồng Điệp

Phạm Hồng Điệp tự hào với bản hùng ca “Từ ngàn xưa ông cha ta vỡ đất/ Mở lối khai hoang vất vả khổ gian”, trong đó thương gia là những người“đưa con tàu nối những bến bờ vui”. Anh hiểu con cháu phải viết tiếp trang sử vàng ấy và doanh nhân phải“như người lính dặm đường xa không mỏi”,“Đỏ nhiệt huyết, đỏ niềm tin, ý nguyện/ Nhiệt huyết ngàn đời, khát vọng bay lên.”. Doanh nhân chân chính phải là người thiết tha yêu Tổ quốc và dân tộc mình và biết nuôi khát vọng làm giàu cho Tổ quốc, đưa đất nước sánh bước cùng nhân loại. Anh tâm niệm:“Vóc hình đất nước tạc trong tim này/ Trí vững tâm bền nuôi khát vọng vươn lên”. Đất nước và con người Việt Nam đã trải qua cuộc trường chinh vì độc lập, tự do và những năm thời kỳ đổi mới, giờ là lúc tiến vào kỷ nguyên vươn mình, trong đó kinh tế tư nhân góp phần quan trọng như Đảng và Nhà nước khẳng định. Phạm Hồng Điệp tâm đắc với điều đó và anh nguyện cùng đồng bào mình:“Đưa Việt Nam tiến ra biển lớn/ Chấn hưng vững vàng đất mẹ bốn nghìn năm”, “Vươn tầm mới giữa năm châu bốn biển.”.

Cũng vẫn những bài thơ về vóc hình đất nước, ở tập Miền đất Việt, Phạm Hồng Điệp đưa người đọc tới mọi miền Tổ quốc, từ đỉnh đầu chót vót Hà Giang, “Vùng biên ải hiên ngang vì Tổ quốc” đến tận cùng Mũi Cà Mau, nơi “Rừng U Minh vơi nắng ánh trăng treo”; từ Điện Biên “Con suối ngân vang khúc quân hành một thuở” đến biên giới Tây Nam, nơi “Kiên Giang thành đồng trong sử sách/ Nay tung cánh bay rực rỡ miền Tây”…

Phạm Hồng Điệp nói: “Tôi có một may mắn - đó là được đặt chân lên 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Những cảm xúc tôi có được từ góc độ cá nhân, của một người từng trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, của đời doanh nhân, luật sư và đặc biệt là một người lính Cụ Hồ. Tôi đã cảm, đã cuốn theo nhịp thở của thiên nhiên, của con người nơi tôi đặt chân tới. Để rồi những bài thơ đến với tôi, rất tự nhiên. Vậy là tôi viết. Tôi viết về đời sống con người, văn hóa, phong tục, cảnh quan, thiên nhiên… những điều mà tôi gặp, tôi chạm trên hành trình tới mọi miền Tổ quốc tôi yêu. Với tư duy tả thực, tôi đã viết theo cảm xúc riêng, bằng những góc nhìn đôi khi rất cá nhân, rất đời; đôi khi lại phiêu du theo cảm xúc dẫn dụ, tôi để trí tưởng tượng dẫn tôi đi. Và rồi, lại là cái duyên, từ những vần thơ tôi viết, nhiều nhạc sĩ tài hoa ở mọi miền Tổ quốc đã cảm và chắp bút, viết nên những bản nhạc đầy cảm xúc, đem tất cả tình yêu gửi gắm vào từng nốt nhạc để làm nên những bài hát ca ngợi quê hương, về khát vọng dựng xây đất nước, về tình yêu đôi lứa, về những điều bình dị mà rất riêng của mỗi vùng miền.”.

Trong tập Miền đất Việt, 63 bài thơ về các tỉnh, thành phố được Phạm Hồng Điệp sắp đặt theo vùng miền và gọi bằng những tên tiêu biểu, gợi cảm: Hương rừng Trung du, Bên dòng sông Hồng, Miền Trung thương nhớ, Cao nguyên gió ngàn, Tình đất phương Nam, Sông nước Cửu Long. 63 bài đều trở thành bài hát, ở đó người đọc nhận ra nhiều nhạc sĩ tên tuổi. Cùng những bài hát về các tỉnh và thành phố trong hai tập Biển gọi em về, Cánh đồng tuổi thơ, Phạm Hồng Điệp đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cấp bằng Xác Lập Kỷ Lục với nội dung: “Kỷ lục gia PHẠM HỒNG ĐIỆP Luật sư - Doanh nhân sáng tác thơ về 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam và được phổ nhạc với số lượng nhiều nhất (75 bài)”. Rồi cùng với những bài thơ về Công ty Shinec, về vẻ đẹp của thiên nhiên và con người được phổ nhạc, Phạm Hồng Điệp nhận tiếp bằng Xác Lập Kỷ Lục thứ hai do “có nhiều bài thơ được phổ nhạc với số lượng nhiều nhất Việt Nam (Trong thời gian ba năm, từ 2021 đến 2024)”. Đặc biệt, ngày 28-4- 2024 anh còn được Tổ chức Kỷ lục WORLDKINGS ghi nhận 125 bài thơ được phổ nhạc trong ba năm nói trên.

Không chỉ ý thức với việc làm giàu cho đất nước, đưa Việt Nam vươn tầm với thế giới, Phạm Hồng Điệp còn tâm huyết “Góp sức tận lòng vì một Việt Nam xanh” và đấy mới là điều khác biệt căn bản của anh so với nhiều doanh nhân khác, cũng là ý nghĩa sâu xa của tên gọi Khu công nghiệp sinh thái Nam cầu Kiền.

Đến Khu công nghiệp sinh thái Nam cầu Kiền, nhà văn Trần Bảo Hưng ngỡ ngàng với “Nào hoa gạo đầu cổng, nào cây đa, ao cá, vườn cây… cứ xanh mướt mát, êm ả chứ không thấy cái ào ào, ầm ầm như thường lệ ở các nơi tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp.”. Nhà thơ Kim Chuông thì cảm giác “Một tia nắng, chùm mây với ngọn gió, sắc hương nơi này thật tinh khôi, ngạt ngào, ngỡ như đang bồng bềnh, bủa vây, làm tôi lạc trong mê cung nào đó.”. Nhà văn Bùi Việt Thắng gọi Khu công nghiệp sinh thái Nam cầu Kiền là “Địa chỉ xanh”. Nhà thơ Vũ Trọng Thái thì bày tỏ bằng thơ: “Đường vào Công ty hàng cây xanh tươi/ Bên những bồn hoa tỏa hương khoe sắc/ Hình thú cưng lại là những thùng rác/ Bên khẩu hiệu “Chung tay vì môi trường””.

Cây đa ở Khu công nghiệp Nam cầu Kiền mà Trần Bảo Hưng nhắc đến, được Vũ Trọng Thái kể rằng “ẩn trong nó chuyện như cổ tích” và quả đúng như vậy bởi đấy là cả một câu chuyện đẫm màu kỷ niệm và cảm xúc. Chuyện bắt đầu từ Cuộc thi “Môi trường và phát triển” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức trong ba năm 2006, 2007, 2008. Với đề án tâm huyết về sáng kiến bảo vệ môi trường từ chính những việc đã làm, Phạm Hồng Điệp vượt qua hàng nghìn đề án, cả ba lần đều giành giải nhất. Đây không phải lần đầu Phạm Hồng Điệp được giải thưởng lao động sáng tạo, trước đó anh đã được Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt dành cho thương hiệu Shinec và Giải thưởng Sao Đỏ giúp anh như một hiệp sĩ bảo vệ môi trường. Điều khác của giải thưởng Cuộc thi “Môi trường và phát triển” so với các giải thưởng trước đó, không bởi những lần được giải nhất mà bởi một giải thưởng lớn hơn chính Phạm Hồng Điệp cũng bất ngờ, đó là nhận được thư ngày 15-1-2008 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng khen và động viên hãy phát huy triệt để đề tài vào thực tiễn, góp phần xây dựng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Xúc động trước sự quan tâm của Đại tướng, Phạm Hồng Điệp đã liên hệ với Ban tổ chức xin được gặp Đại tướng và ngày 22-1-2008 trở thành ngày không thể nào quên với anh khi Đại tướng cho gặp và được nghe những lời căn dặn ân cần của vị tướng huyền thoại: “Bác nghe Đài Tiếng nói Việt Nam kể về một doanh nhân trẻ tên là Phạm Hồng Điệp ở Hải Phòng hai lần đạt giải nhất toàn quốc về đề án bảo vệ môi trường. Như thế là rất quý. Hôm nay gặp cháu, bác rất mừng. Bác cũng muốn gặp cháu để động viên hãy làm tốt hơn nữa, cần luôn luôn xác định phát triển doanh nghiệp thì phải gắn với bảo vệ môi trường, như thế mới là phát triển bền vững.”. Cùng đi với Phạm Hồng Điệp hôm ấy có bạn anh là nhà thơ Vũ Trọng Thái, người gần đây đang tiến tới “kỷ lục” đi nhiều nơi, giao lưu với nhiều bạn bè yêu thơ, bất chấp chứng đau khớp đầu gối!

Cuộc gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa Phạm Hồng Điệp đến việc xây dựng một công trình đặc biệt, đó là Vườn kỷ vật mang tên ông. Đầu năm 2010 biết Phạm Hồng Điệp đầu tư xây dựng Vườn kỷ vật trong Khu công nghiệp sinh thái Nam cầu Kiền, đồng thời nhân Tết trồng cây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại gửi thư động viên:“Bác Hồ đã dạy, vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người.”. Lời Bác dạy sâu sắc cho mọi thời kỳ lịch sử ở Việt Nam, nhất là hiện nay khi môi trường sống của đất nước đang bị xâm hại nghiêm trọng. Đảng và Nhà nước đã có nhiều biện pháp tích cực để cải thiện tình hình này trước nguy cơ biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp, do vậy, cùng với nhiều hoạt động trong cả nước, việc trồng cây bảo vệ môi trường của Công ty Shinec là việc làm rất có ý nghĩa. Nhân dịp này tôi xin gửi tặng các đồng chí một cây đa, mong các đồng chí sẽ làm tốt hơn và thành công hơn trong sự nghiệp bảo vệ môi trường hiện nay ở Việt Nam.”.

Cây đa quý ấy được đánh từ vườn nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở số 30 phố Hoàng Diệu, Hà Nội. Bài thơ Chuyện kể bên gốc đa Vũ Trọng Thái làm tặng cựu chiến binh - doanh nhân Phạm Hồng Điệp là câu chuyện về sự kiện này:“Rồi thật vui, một sớm mai trong lành/ Biết câu chuyện, Đại tướng cho gặp/ Anh mừng vui, tự hào và xúc động/ Kể Người nghe chuyện gìn giữ môi trường/ Đại tướng nghe, trìu mến, yêu thương/ Nhắc nhở anh càng phải thêm cố gắng… Người tặng anh cây đa nhỏ trong vườn/ Như muốn gửi màu xanh vào mãi mãi.”. Cây Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng lúc đầu được trồng ở đầu cổng lối vào Khu công nghiệp Shinec, sau được đánh cả cụm đưa vào Vườn kỷ vật.

Năm 37 tuổi Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong hàm Đại tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từ nguồn cảm hứng đó, năm 2021, đón kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng và 67 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, vào đúng ngày Môi trường Thế giới mồng 5 tháng 6, Công ty Shinec đã tiếp nối chuỗi hoạt động “Trồng một triệu cây xanh - Vì một Việt Nam xanh” bằng việc trồng 36 cây đa bên cạnh cây đa của Đại tướng. Dưới tán lá tỏa bóng rợp mát của vườn cây, Phạm Hồng Điệp xây dựng Sa hình Điện Biên Phủ với sông Nậm Rốm, hầm tướng Đờ Cát cùng các cứ điểm, sân bay. Tất cả như một ký ức và hoài niệm lịch sử về vị tướng huyền thoại được phong hàm Đại tướng năm 37 tuổi và chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu.

Trong Vườn kỷ vật, hai bức thư của Đại tướng được cất giữ trang trọng, đồng thời nội dung được tạc vào hai phiến đá lớn, đặt hai bên trước lối vào khu vườn. Trong vườn, tại vị trí đẹp nhất là Đền thờ Đại tướng. Trước sân đền là hai trụ đá lớn với đôi câu đối rất ý nghĩa và sâu sắc:“Văn lo vận nước, Văn thành Võ/ Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn”. Bức tượng đồng Đại tướng được đặt cùng bức đại tự trên cao lấp lánh ánh vàng bốn chữ “Dĩ công vi thượng”.

Phạm Hồng Điệp viết về những ngày lao động sôi nổi, hào hứng và xúc động xây dựng Vườn kỷ vật: “Lịch sử cha ông – 56 ngày đêm Điện Biên lừng lẫy/ Chúng tôi viết tiếp bằng 56 ngày đêm dựng xây/ Bắc giàn leo giáo/ Mồ hôi đẫm áo/ Những đôi mắt sáng ngời/ Những miệng cười tỏa nắng/ Những lo toan nhọc nhằn dông bão/ Vượt nắng thắng mưa.”.

Ngày khánh thành đền thờ Đại tướng, Phạm Hồng Điệp cùng toàn thể anh em Công ty Shinec và khách mời đã trang trọng làm lễ rước Đại tướng về với Shinec, về với Hải Phòng:“37 tuổi đời thành Đại tướng/ Ngàn năm sáng mãi tướng lòng dân/ Hải Phòng con dựng Vườn kỷ vật/ Lưu tượng Người thơm sáng tâm thành.”. Lời dạy của Đại tướng ngào ngạt trong khói hương thành kính, thấm đẫm trong tâm khảm mỗi người, trở thành lời hứa: “Đại tướng về đây -Vườn kỷ vật/ Nhớ lời Người dạy, nguyện dấn thân/ Người xem, non nước mình đẹp lắm/ Tâm nguyện Người gieo mãi truyền trao”, “Tháng ngày gây dựng theo Người dặn/ Bền vững môi trường, xanh núi sông/ Doanh nhân thời đại xây đất nước/ Gìn giữ dáng hình Tổ quốc thiêng.”.

Trong việc xây dựng khu công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường ở Việt Nam, Phạm Hồng Điệp là một trong những doanh nhân đi tiên phong không chỉ ở Hải Phòng mà còn trên cả nước. Mới đây trên trang nhất Báo Hải Phòng ngày 4-4-2025 có bài Chuyển đổi xanh tại các khu công nghiệp, khu kinh tế - Xu hướng tất yếu để phát triển bền vững trong đó nêu rõ ở Hải Phòng, Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C và Khu công nghiệp Nam cầu Kiền là 2 trong số 5 đơn vị đi đầu cả nước tham gia chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái.

Trong tập Biển gọi em về, tiếp theo thơ về Vóc hình đất nước là những bài thơ Võ công truyền quốc sử về Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp: “Người đã sống hồn núi sông/ Một đời Văn lo nghiệp Võ/ Người học trò kiên trung bên Bác/ Vị Tướng quân đời đời ghi nhắc”, “Rời bảng đen, phấn trắng lên đường/ Thầy giáo Sử viết nên trang Lịch sử”,“Đại tướng áo bào phai khói đạn/ Phai gió, phai sương vẹn một đời.”

Ở bài thơ Âm vang Điện Biên, với tư duy tả thực tràn đầy cảm xúc, Phạm Hồng Điệp vừa tái hiện trận đánh dậy sóng 56 ngày đêm năm nào, vừa dẫn người đọc đến với hôm nay và ngày mai khi lịch sử trở thành hành trang và lý tưởng hướng đến tương lai:“70 năm đi qua sông núi vẫn âm vang/ Tiếng hành quân xung phong như vũ bão/ Chiến hào vẫn đó máu và hoa/ Của năm xưa và hôm nay hòa lẫn… Đại tướng cầm binh nhân nghĩa dốc lòng/ Cờ chiến thắng phất cao hồn sông núi…”.

Phạm Hồng Điệp yêu thơ, yêu âm nhạc. Vườn kỷ vật Đại tướng còn là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn nghệ, tiếp đón du khách và găp gỡ anh em văn nghệ sĩ. Với những đóng góp tích cực vào sự phát triển các hoạt động văn học nghệ thuật, năm 2023 Phạm Hồng Điệp đã được trao Kỷ niệm chương và Bằng khen của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. 

Ai đó nói viết văn làm thơ là để tri ân cuộc đời, không chỉ bởi cuộc đời ban cho anh bông hồng đỏ thắm mà bởi cả cái gai của nó làm anh đau để anh can trường mà vững bước với đời. Cũng như mọi người, tất nhiên Phạm Hồng Điệp có lúc vui lúc buồn nhưng với anh niềm vui lớn hơn, niềm tự hào với quê hương đất nước và lịch sử ông cha lớn hơn nên anh hết lòng tri ân đất mẹ Việt Nam và ông cha bốn nghìn năm khai hoang, mở cõi, tri ân vị Đại tướng võ công truyền quốc sử, tri ân “bầu bạn cùng mây, hạt ngọc giữa đời’, tri ân những người đã cùng anh làm nên “Thông điệp Shinec, hương sen Nam cầu Kiền”.

Phạm Hồng Điệp và thơ anh là bông hồng đỏ và khúc ca xanh dâng hiến cho đời.

Lưu Văn Khuê

Tin liên quan

Tin mới nhất

Hải Phòng: Điểm đến chiến lược của các nhà đầu tư trong kỷ nguyên mới

Hải Phòng: Điểm đến chiến lược của các nhà đầu tư trong kỷ nguyên mới

Chiều ngày 15/7, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 3 - 2025 của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC III) tại thành phố Hải Phòng, TP Hải Phòng đã phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề "Hải Phòng - Điểm đến chiến lược của kỷ nguyên mới".

Tranh cãi Chelsea vô địch thế giới, đủ binh hùng tướng mạnh để lên ngôi Ngoại hạng Anh?

Tranh cãi Chelsea vô địch thế giới, đủ binh hùng tướng mạnh để lên ngôi Ngoại hạng Anh?

Không hề xúc phạm giới hâm mộ Chelsea, nhưng cứ phải nhìn vào thực tế lạnh lùng ít ai cho rằng Chelsea là CLB xuất sắc nhất thế giới, kể cả khi họ đã lên ngôi vô địch giải FIFA Club World Cup 2025 một cách thuyết phục. Đề tài bàn luận số 1 trong làng bóng Anh trong lúc này liên quan chuyện nhà vô địch thế giới Chelsea đã đủ mạnh để tranh ngôi vô địch Premier League hay chưa?!