VinFast đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 60%, tham vọng 84% năm 2026
Hãng xe điện thuần Việt này còn có mong muốn đạt tỷ lệ nội địa hóa lên 84% trong năm 2026.
Ngay sau khi thiết lập kỷ lục mới khi bàn giao hơn 16.000 ô tô điện trong tháng 11/2024, nâng tổng doanh số từ đầu năm lên hơn 67.000 xe tại thị trường Việt Nam. Đây là con số cao nhất từng được ghi nhận trong một tháng của một thương hiệu ô tô tại Việt Nam. Hãng VinFast tiếp tục cho thấy quy mô và tham vọng của mình khi công bố tỷ lệ nội địa hoá của xe điện của hãng đã đạt hơn 60%, bao gồm các chi tiết quan trọng như thân vỏ, động cơ, trần xe, giảm xóc, và kỳ vọng sẽ đạt con số 84% ngay trong năm 2026.
Tỷ lệ nội địa hóa của xe điện VinFast đang đạt hơn 60%
Ông Lê Ngọc Anh - Giám đốc Nhà máy VinFast Việt Nam, cho biết hiện tỷ lệ nội địa hóa của xe điện VinFast đã đạt hơn 60%, bao gồm các chi tiết quan trọng như thân vỏ, động cơ, trần xe, giảm xóc.
“Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam dù đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nhưng vẫn gặp nhiều thách thức như quy mô nhỏ lẻ, công nghệ và năng lực sản xuất hạn chế, sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế cả về chất lượng lẫn giá cả, và sự kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu còn yếu. Từ khi bắt đầu hoạt động năm 2017, VinFast đã tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước song song với sản xuất xe. Hơn 30% diện tích khu tổ hợp sản xuất đã được dành cho khu công nghiệp phụ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi cung ứng.” ông Lê Ngọc Anh chia sẻ.
Phía VinFast đã xây dựng một lộ trình rõ ràng nhằm đạt tỉ lệ nội địa hóa là 84% vào năm 2026 thông qua việc sản xuất và cung ứng trong nước thêm các chi tiết như: Ghế xe, dây điện, đèn xe, vành xe, hệ thống phanh - lái, các linh kiện nội thất và ngoại thất, kính gương… Tỷ lệ nội địa hóa sẽ đạt 84% vào năm 2026 khi VinFast sản xuất được pin điện, một trong những linh kiện có giá trị cao nhất trong xe điện.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ, bà không thể quên được ký ức ban đầu từ những năm 90, khi chúng ta bắt đầu mong muốn thiết kế chương trình công nghiệp hóa thì đã có một số nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới Việt Nam trong lĩnh vực phát triển công nghiệp ô tô. Từ Toyota, Isuzu, Hyundai, Deawoo, Ford…đến năm 1995, có 11 hãng ô tô trên thế giới vào Việt Nam để phát triển dây chuyền lắp ráp đầu tiên. Lúc đó tất cả chúng tôi đều có một niềm tin, một khát vọng, một mong muốn rất lớn là ban đầu người ta đầu tư vào, Việt Nam chỉ lắp ráp, nhưng từ đấy, ngành công nghiệp phụ trợ sẽ phát triển, tỷ lệ nội địa hóa sẽ tăng lên, người Việt Nam làm việc cho họ sẽ học hỏi được về kỹ năng lao động, kỹ năng quản lý, có sự chuyển giao công nghệ để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hình thành.
Đối với những nhà đầu tư đó, ban đầu chúng ta cho họ ưu đãi khá cao trên cơ sở cam kết tạo lao động cho Việt Nam và tỷ lệ nội địa hóa. Nhà đầu tư nào cũng cam kết sau bao nhiêu năm đc bao nhiêu %, phần lớn cam kết khoảng 30% nội địa hóa cho Việt Nam sau 10-15 năm và chuyển giao công nghệ, cam kết xuất khẩu… Trên cơ sở những cam kết đó, Chính phủ Việt Nam đã cung cấp những ưu đãi rất lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên vào Việt Nam làm ô tô, và coi như đấy là một trong những cú đầu tiên để đặt nền móng cho quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam.
Nhưng trên thực tế thì như thế nào? Phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam dùng các doanh nghiệp phụ trợ do họ mang từ bên ngoài vào Việt Nam, và được hưởng ưu đãi như họ. Với ưu đãi như vậy, thì các ngành phụ trợ ở Việt Nam không thể có cơ hội phát triển được khi chúng ta vẫn chịu mức thuế cao hơn, ban đầu là 25%, sau đó 22%, rồi 17% thuế thu nhập doanh nghiệp... trong khi doanh nghiệp nước ngoài thì 10%.
Theo bà, điều đó giải thích cho con số doanh nghiệp phụ trợ ở Việt Nam hiện nay (theo Bộ Công thương) chỉ có khoảng 3.400 cho tất cả các ngành khác nhau, chưa nói là ô tô.
“Tỷ lệ nội địa hóa của nhà cung cấp công nghiệp phụ trợ của Thái Lan cao hơn Việt Nam rất nhiều, đơn giản là từ đầu Thái Lan đã được chọn làm nơi làm phụ trợ rồi. Vì đã có ở Thái Lan nên họ không đầu tư vào Việt Nam nữa”, bà Lan nói.
Hơn 1.200 robot cung cấp mức tự động hóa lên tới hơn 90%
Về thực trạng nội địa hóa tại một số nước trong khu vực, GS-TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan đang là những nước có tỉ lệ nội địa hóa cao nhất. Đơn cử như Thái Lan, công nghiệp hỗ trợ của họ phải thiết kế theo hình tháp, phía trên có 21 doanh nghiệp ô tô, dưới là các sản phẩm giá trị cao. Dưới nữa sản phẩm giá trị thấp hơn nhưng số lượng nhiều. Thái Lan có 525 nhà cung cấp cấp 1 và 1.687 nhà cung cấp 2 cho ô tô. Năm 2019, tổng giá trị ngành công nghiệp hỗ trợ mang lại cho Thái Lan lên tới 5,4 tỉ bath (khoảng 4.035 tỷ đồng). Nhưng, tỉ lệ các doanh nghiệp nội địa thuần Thái Lan hoặc doanh nghiệp do Thái Lan làm chủ chỉ chiếm 20% tổng giá trị ngành công nghiệp ô tô Thái Lan. Điều đó có nghĩa là Thái Lan thành công đi theo hướng tạo ra doanh nghiệp cung cấp chuỗi cung ứng nhưng tỉ lệ doanh nghiệp nội địa 20% là không cao.
GS-TS Lê Anh Tuấn cho rằng, VinFast đang thể hiện vai trò tiên phong, vai trò sếu đầu đàn trong, không chỉ sản xuất mà còn xây dựng chuỗi cung ứng nội địa. Sự có mặt nhiều nhà cung cấp cho thấy điều đó. Lộ trình nội địa hóa là bước tiến chiến lược không chỉ cho VinFast mà còn cho ngành ô tô.
Trước đó, số lượng nhà cung ứng rất khiêm tốn, với chỉ 300 doanh nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô với hàm lượng trung bình và thấp. Giá trị mang lại cho Việt Nam còn nhỏ. Tôi tin là với đầu tư bài bải, tỉ lệ nội địa hóa, giá trị mang lại cho Việt Nam sẽ càng ngày càng tăng lên.
Bình luận