Thái Lan phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững

Thái Lan đang nỗ lực thúc đẩy ngành du lịch phát triển theo hướng bền vững. Điều này sẽ góp phần bảo đảm ngành công nghiệp không khói mang lại lợi ích cho cả du khách quốc tế và người dân Đất nước nụ cười.

Theo Báo Nhân dân, ngành du lịch được xem là một trong những động lực để thúc đẩy phục hồi nền kinh tế Thái Lan. Dựa trên những thành quả ấn tượng trong năm 2024, ngành du lịch Thái Lan đặt mục tiêu thu hút tới 39 triệu du khách và mang lại hơn 3 nghìn tỷ baht doanh thu từ cả khách nội địa và quốc tế trong năm 2025.

Để đạt được mục tiêu này, từ đầu năm nay, Thái Lan đã khởi động chiến dịch “Năm du lịch và thể thao Thái Lan tuyệt vời 2025”.

Trong khuôn khổ chiến dịch, nhiều lễ hội, sự kiện được tổ chức trong năm 2025, nổi bật như lễ hội té nước Maha Songkran, lễ hội Muay Thái… Chiến dịch này nhằm quảng bá các di sản văn hóa, trải nghiệm du lịch phong phú và các sự kiện thể thao tầm cỡ tại Đất nước nụ cười.

Chiến dịch này được kỳ vọng ​​sẽ gặt hái nhiều thành quả cho các lĩnh vực, như kinh tế, du lịch, thể thao và văn hóa, đồng thời củng cố hình ảnh của Thái Lan như một điểm đến năng động, bền vững và là lựa chọn hàng đầu đối với du khách quốc tế.

Từ đầu năm đến nay, ngành du lịch Thái Lan gặp phải một số khó khăn, như dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng từ trận động đất hồi tháng 3… Cũng bởi vậy, Thái Lan đã có những điều chỉnh về mục tiêu, cũng như các kế hoạch nhằm tăng cường thu hút du khách quốc tế.

Thái Lan đang tăng cường nỗ lực thu hút du khách chi tiêu cao và tái cấu trúc ngành du lịch theo hướng tăng trưởng bền vững. Theo Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, khoảng 16,61 triệu du khách nước ngoài đến Thái Lan từ ngày 1/1 đến 29/6. Các thị trường cung cấp khách hàng đầu là Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Hàn Quốc.

Tại một sự kiện xúc tiến du lịch quốc tế mang tên Thailand Travel Mart Plus (TTM+) 2025 diễn ra ở thành phố Chiang Mai, đại diện Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đã nêu bật chiến lược, những dịch vụ và sản phẩm du lịch mới của Thái Lan.

Theo TAT, hướng đi của ngành du lịch Thái Lan trong năm nay là tạo ra những trải nghiệm bắt nguồn từ văn hóa, sức khỏe và tính bền vững. Điều này sẽ góp phần bảo đảm cả du khách và cộng đồng địa phương đều được hưởng lợi.

Thái Lan phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững - 1Du khách mua sắm dọc theo chợ nổi Damnoen Saduak. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Một trong những nét văn hóa đặc trưng của Thái Lan là những khu chợ nổi, có ở nhiều tỉnh, thành phố của Thái Lan. Chợ nằm dọc theo các con kênh hay con sông nhỏ, nơi cuộc sống của người dân gắn liền với sông nước.

Nổi tiếng nhất trong các chợ nổi tại Thái Lan là chợ nổi Damnoen Saduak, nằm dọc theo kênh nhỏ có tên Ton Khem thuộc huyện Damnoen Saduak, tỉnh Ratchaburi, cách Bangkok hơn 100 km về phía tây nam.

Chợ nổi có tên là Damnoen Saduak do Vua Rama V đặt tên và là chợ nổi đầu tiên ở Thái Lan. Năm 1866 Vua Rama IV cho đào kênh Damnoen Saduak nối sông Tha Chin với Sông Mae Klong.

Kênh được đào hoàn toàn bằng sức người cho đến triều đại Vua Rama V và là kênh đào dài nhất Thái Lan thời điểm đó. Chợ lúc mới thành lập trải dài tới 32 km dọc theo hệ thống kênh đào với khoảng 200 nhánh sông, tạo thành một khu chợ đông đúc.

Khu chợ hiện nay mà du khách hay đến tham quan được thành lập cách đây khoảng 30 năm, người dân địa phương thì khi giao tiếp, vẫn gọi chợ này là chợ nổi Ton Khem.

Cũng như nhiều chợ nổi khác ở Thái Lan, Damnoen Saduak là nơi du khách được ngồi trên những chiếc thuyền gỗ nhỏ, lướt nhẹ trên dòng nước và hòa mình vào không khí nhộn nhịp của khu chợ.

Khách du lịch được ngắm nhìn và thưởng thức đủ loại trái cây, các món ăn truyền thống của Thái Lan, như pad thai, som tam, xôi xoài… được bày bán trên những thuyền của người dân địa phương trong trang phục truyền thống.

Du khách cũng có thể mua sắm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, từ những món đồ gỗ chạm khắc tinh xảo đến những chiếc khăn lụa đầy màu sắc hoặc rẽ vào tham quan một số vườn trồng hoa, quả của người dân ở gần đó. Tại chợ nổi Damnoen Saduak, ngoài việc ngồi trên thuyền máy hay thuyền chèo bằng tay, đi dọc theo các tuyến chợ ven kênh để mua sắm, du khách có thể dạo quanh chợ nổi trên đất liền để thêm cảm nhận về ngôi chợ đã có từ nhiều năm này.

Lênh đênh dọc theo chợ nổi, thăm quan những ngôi chùa cổ kính hay tham gia các lễ hội truyền thống tại Thái Lan, du khách quốc tế hiểu thêm về đất nước và con người nơi đây. Mong muốn khám phá của khách thập phương cũng đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng địa phương, như thúc đẩy thương mại và tạo việc làm, cùng với đó góp phần bảo tồn và quảng bá những nét văn hóa độc đáo của Thái Lan.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Bom tấn “Superman” thu về 22,5 triệu USD chỉ sau vài giờ

Bom tấn “Superman” thu về 22,5 triệu USD chỉ sau vài giờ

Bộ phim “Superman” mới nhất của DC đã mang về 22,5 triệu USD chỉ trong suất chiếu sớm tối thứ Năm tuần trước. Đây không chỉ là cú hích doanh thu mà còn là lời tuyên bố mạnh mẽ cho một thời kỳ mới dưới bàn tay của James Gunn và Peter Safran.

Tôi yêu văn học Ba Lan

Tôi yêu văn học Ba Lan

Tôi yêu văn học Ba Lan đã từ lâu, trong những năm học đại học tại Ba Lan tôi đã tôn sùng các nhà văn nhà thơ lỗi lạc Ba Lan, như Henryk Sienkiwicz, Adam Mickiewicz, Wladyslaw Reymont, Boleslaw Prus, Helena Mniszek… Sau khi trở về nước, tình yêu nói trên đã khiến tôi theo đuổi con đường dịch sách văn học Ba Lan sang tiếng Việt. Tôi hành động như vậy với ý thức rằng, niềm đam mê và nhiệt huyết của mì

“Mạch nguồn sông Côn” - Thành công mới của nhà văn Hồ Ngọc Quang khi đến với thể loại tiểu thuyết lịch sử

“Mạch nguồn sông Côn” - Thành công mới của nhà văn Hồ Ngọc Quang khi đến với thể loại tiểu thuyết lịch sử

Hiện nay, sách báo chính thống nói về nhà Tây Sơn, Nguyễn Huệ - Quang Trung khá nhiều, tuy nhiên có lẽ chưa có cuốn sách nào viết về mối quan hệ giữa họ Hồ ở Nghệ An với anh em nhà Tây Sơn ở Bình Định. Mặc dầu lịch sử Việt Nam đã thừa nhận nguồn gốc của họ Hồ Tây Sơn chính là họ Hồ ở xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) và ở Thái Lão huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) di dân đến. Bằng chứng đ

UNESCO ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn-Kiếp Bạc vào danh mục Di sản thế giới

UNESCO ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn-Kiếp Bạc vào danh mục Di sản thế giới

Theo thông tin từ Cục Di sản văn hóa, chiều 12/7 (giờ Paris), tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO), Giáo sư Nikolay Nenov (Bulgaria), Chủ tịch Kỳ họp đã chính thức gõ búa ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản văn hóa thế giới.