Xiêm Riệp – mãi tự hào về nền văn hóa Angkor rực rỡ Angkor rực rỡ

Xiêm Riệp (Siem Reap) nằm ở phía Tây Bắc Campuchia, giáp với Vương quốc Thái Lan, nằm trên hồ Tonle Sap (Biển Hồ). Xiêm Riệp có nghĩa là “người Xiêm thất bại”, gợi về thắng lợi của người dân Chùa Tháp, chiến thắng quân Thái dưới thời Hoàng đế Ayutthaya ở thế kỷ XVII.

Dưới sự cai trị của Xiêm, tỉnh này mang tên Siam Nakhon (thành phố của người Xiêm). Sau Hiệp ước Pháp - Xiêm năm 1867, Xiêm phải chuyển quyền bảo hộ Chân Lạp cho Pháp. Đổi lại Chính phủ Pháp thừa nhận quyền bảo hộ hai tỉnh Siam Nakhon và Battambang của người Xiêm. Dưới sự bảo hộ của Xiêm, Siam Nakhon đổi thành Siemmarat (đất của người Xiêm).

Đến năm 1906, Pháp lại ký hiệp ước mới với Xiêm, sáp nhập Siemmarat và Battambang vào Liên bang Đông Dương của Pháp. Ít lâu sau đó, Siemmarat được đổi thành Xiêm Riệp (Siem Reap) như ngày nay.

Xiêm Riệp – mãi tự hào về nền văn hóa Angkor rực rỡ Angkor rực rỡ - 1

Múa Apsara

Xiêm Riệp từng là thủ đô của đế chế Khơ Me cho đến năm 1431, sau 7 tháng bị quân Thái bao vây, thủ đô được dời về Phnom Pênh vào năm 1432, sau đó được chuyển về Lovek, rồi đến Oudong. Năm 1866, dời về Phnom Penh.

Xiêm Riệp là miền đất có nhiều công trình, di tích lịch sử tiêu biểu cho nền văn hóa Angkor rực rỡ không chỉ của nhân dân Campuchia mà là của toàn thể nhân loại, được xây dựng dưới thời trị vì của Jayavarman II. Ngoài những công trình kiến trúc tráng lệ như Banteay Srei, Ta Prohm…, đặc biệt vĩ đại nhất là Angkor Wat và Angkor Thom, di sản văn hóa của thế giới.

Đối với Campuchia, cái tên Angkor để chỉ một thời kỳ lịch sử của đất nước kéo dài trên 5 thế kỷ, từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIII, gắn liền với tên tuổi các vị vua vĩ đại như Jayavarman II, Suryavarman II và Jayavarman VII…, nhưng đối với nghệ thuật dân tộc là cả một thời kỳ huy hoàng trùm lên mọi công trình kiến trúc, điêu khắc cực kỳ mỹ lệ rải rác khắp đất nước, đặc biệt giá trị nhất đều tập trung ở cố đô Xiêm Riệp.

Song đâu phải ngẫu nhiên mà lịch sử tạo hình Campuchia lại xuất hiện thời kỳ Angkor huy hoàng trên đất Xiêm Riệp lịch sử? Để đi đến Angkor vĩ đại, Campuchia đã trải qua một thời kỳ thai nghén, thể nghiệm mà bề dày thời gian của nó gọi là thời kỳ “Tiền Angkor”, không kém bề dày thời gian Angkor. Cho nên mãi đến thế kỷ XII, một kỳ quan của nhân loại mới xuất hiện trên đất nước Chùa Tháp, đó là đền Angkor Wat, do nhà vua Suryavarman II (1113 – 1150) xây dựng cho đến khi nhà vua qua đời mới hoàn thành.

Angkor Wat dựng trên diện tích khoảng 200ha. Chiều dài 1.500m, chiều rộng 1360m. Mặt tiền quay về hướng Tây. Bao quanh đền là hào nước rộng 200m, sâu 7m, tượng trưng cho biển cả. Lối vào là con đường rộng 10m, lát đá tảng. Dọc hai mép đường là lan can bằng đá hình rắn Naga 7 đầu vươn cao. Đối xứng qua trục đường là hai tòa thư viện xây bằng đá.

Kiến trúc Angkor Wat theo phong cách “đền núi” (Meru). Chồng lên 3 tầng hình vuông là 5 ngọn tháp. Tháp chính giữa cao 42m. Tầng dưới cùng rộng 215x187m, hai tầng trên nhỏ dần. Không kể độ cao của tháp, riêng 3 tầng cao 65m. Mỗi tầng nền đều có hành lang bao quanh.

Angkor Wat không chỉ hoàn chỉnh về nghệ thuật kiến trúc với độ chính xác và tính cân đối cao, mà còn có sự tham gia của nghệ thuật điêu khắc. Một điều khiến mọi người ngạc nhiên là để phủ kín các bức tường của Angkor Wat, với các mảng phù điêu bằng đá, tổng cộng dài trên 2.000m với chiều cao phù điêu khoảng 2m, chắc chắn phải huy động một đội ngũ khổng lồ các nhà điêu khắc, nhưng phong cách sáng tác của các phù điêu lại rất đồng nhất, như chỉ được tạo ra từ một nghệ sỹ!

Đề tài các mảng phù điêu được dẫn từ các huyền thoại như Thần Vishnu điều khiển cuộc khuấy sữa tìm thuốc trường sinh. Ngoài các phù điêu truyện kể, còn có khoảng 1.700 bức phù điêu vũ nữ Apsara, Tevara tạo nên một áng thơ tuyệt mỹ trên đá.

Xiêm Riệp – mãi tự hào về nền văn hóa Angkor rực rỡ Angkor rực rỡ - 2

Angkor Thom với Bayon

Nếu Angkor Wat là ngôi sao nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc sáng chói của nhân loại giữa thế kỷ XII, thì Angkor Thom với nụ cười Bayon sẽ là ngọn lửa nghệ thuật kỳ mỹ bùng cháy dữ dội giữa thế kỷ XIII của nhân dân Khơme.

Thật vậy, Angkor Thom là thời kỳ cuối cùng của nền nghệ thuật Angkor và Jayavarman VII, vị vua lừng lẫy cuối cùng của Vương triều Angkor, là linh hồn xây dựng Angkor Thom. Thành Angkor Thom dựng theo hình vuông, mỗi chiều 3.200m, với con hào rộng 100m, bao quanh thành có 4 cổng ra vào, cửa chính ở hướng Đông, dẫn vào Hoàng cung.

Cũng như Angkor Wat, Angkor Thom thuộc loại đền núi, nhưng được cách điệu phóng khoáng hơn. Về quan niệm thẩm mỹ, Angkor Thom là một đối cực của Angkor Wat. Angkor Thom được xây dựng theo một kết cấu hết sức tự do, bay bổng. Phủ lên ngôi đền là 54 ngọn tháp, nhấp nhô trên những độ cao khác nhau. Đỉnh mỗi tháp là tượng Phật 4 mặt. Mỗi mặt mang một nụ cười khác nhau, gọi là Nụ cười Bayon. Bốn mặt quay về 4 hướng, tạo nên một rừng mặt người.

Theo sự chứng kiến của người viết, từng khuôn mặt lúc bừng sáng, mỉm cười, lúc lắng xuống trầm ngâm, suy tư, tùy theo góc độ chiếu sáng của mặt trời. Rừng mặt người Bayon không chỉ đơn thuần có giá trị nghệ thuật mà còn có giá trị biểu tượng.

Theo sự tìm hiểu của tôi, trước thời Bayon, chuyện Đức Phật thể hiện quyền lực của mình trước bọn ma quỷ dữ, được xuất hiện trong nghệ thuật tạo hình qua ngôn ngữ điêu khắc phù điêu (barelief), thể hiện rõ ở đền Angkor Wat, nhưng đến Angkor Thom Bayon, hình ảnh Đức Phật được tung mình lên cao, rồi thiên biến vạn hóa ra hằng hà sa số Đức Phật nhỏ, khiến bọn quỷ dữ phải khuất phục và được tạo trên quy mô kiến trúc điêu khắc tròn. Đó chính là rừng tháp mặt người (gồm 216 mặt người). Ngoài ý nghĩa tôn giáo, rừng tháp mặt người còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc: Nó được vật chất hóa sự hiện diện khắp nơi trong nước của nhà vua Jayavarman VII.

Với Angkor Thom, nhiều đề tài Phật thoại được tái tạo trên quy mô hoành tráng của ngôn ngữ điêu khắc tròn, như huyền thoại khuấy sữa tìm thuốc trường sinh. Điều này thể hiện rõ dọc hai bên đường đến cổng Thắng lợi ( Victoria Gate) dẫn vào Angkor Thom là hai hàng tượng tròn, một bên là 54 vị Thần Deva và bên kia là 54 con quỷ  Asura, đang ôm thân “con rắn khổng lồ Vazuki”, quấn quanh trục vũ trụ là đền Angkor Thom Bayon. Các vị Thần và quỷ dữ đang khuấy biển sữa (là con hào bao quanh ngôi đền) để tìm thuốc trường sinh.

Bên cạnh quy mô hoành tráng kiến trúc, Angkor Thom Bayon còn có nền nghệ thuật điêu khắc tinh tế với những Devata, Apsara…, ngoài ra còn có các cảnh chiến đấu, sinh hoạt, tình yêu, cảnh làm ruộng, săn bắn, buôn bán, chợ búa…

Nghệ thuật kiến trúc Angkor Thom Bayon cũng như Angkor Wat, khiến con người kinh ngạc chính vì nó được tạo dựng bởi những tảng đá nặng hàng chục, hàng trăm tấn, lại được đưa lên ở những độ cao khác nhau (trong điều kiện kỹ thuật nâng theo đòn bẩy chưa ra đời), để ghép lại tạo nên những tác phẩm điêu khắc kiến trúc hài hòa, hoàn mỹ mà không cần một chất kết dính như vôi vữa… Đặc biệt người ta ngạc nhiên hơn là tại vùng này không có núi đá, để có những đá xây dựng phải khai thác từ xa, tối thiểu cách đó hàng trăm cây số. Việc vận chuyển vật liệu bấy giờ chắc chắn chỉ có sức người!  

Nghệ thuật Angkor, một di sản văn hóa vô giá của nhân loại, mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Campuchia nói chung của Xiêm Riệp nói riêng và là đề tài nghiên cứu của nhiều thế hệ học giả bởi giá trị toàn cầu về nghệ thuật của nó còn nhiều bí ẩn mà con người chưa hoàn toàn nắm hết.

Nếu Angkor Wat là ngôi sao nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc sáng chói của nhân loại giữa thế kỷ XII, thì Angkor Thom với nụ cười Bayon sẽ là ngọn lửa nghệ thuật kỳ mỹ bùng cháy dữ dội giữa thế kỷ XIII của nhân dân Khơme…

Trần Mạnh Thường

Tin liên quan

Tin mới nhất

Truyện cổ tích: Vua Ếch

Truyện cổ tích: Vua Ếch

Một hôm, quả cầu vàng tung lên lại không rơi vào tay nàng mà rơi trượt xuống đất rồi lăn thẳng xuống giếng nước...

Chính trường Nhật Bản chao đảo, đồng yên bất ngờ tăng vọt

Chính trường Nhật Bản chao đảo, đồng yên bất ngờ tăng vọt

Đồng yên Nhật tăng nhẹ sau khi liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shigeru Ishiba thất bại trong việc giữ thế đa số tại Thượng viện. Kết quả bầu cử gây ra lo ngại về sự bất ổn chính trị, làm dấy lên nghi ngờ về tương lai của các cuộc đàm phán thương mại giữa Nhật Bản và Mỹ.