Mỗi tháng gửi biếu bố mẹ 10 triệu, vô tình đọc tin nhắn trong máy vợ, tôi không gửi đồng nào nữa
Vợ tôi biết chuyện tôi gửi tiền cho bố mẹ từ những ngày đầu, nhưng chưa từng phàn nàn.
Tôi năm nay 35 tuổi, là con trai trưởng trong một gia đình ba anh em. Cưới vợ đã được 6 năm, hiện sống cùng vợ và con trai 5 tuổi tại Hà Nội, thuê nhà và đang trả góp một mảnh đất ở quê.
Cuộc sống của chúng tôi không giàu có, nhưng cũng không đến mức thiếu thốn. Tôi làm nhân viên kỹ thuật, thu nhập tầm 25-30 triệu mỗi tháng, còn vợ tôi làm kế toán cho một công ty nhỏ, lương hơn 10 triệu.
Từ ngày lập gia đình, tôi vẫn đều đặn gửi về quê 10 triệu mỗi tháng cho bố mẹ. Không ai ép buộc, không ai đòi hỏi, đơn giản là tôi muốn làm tròn đạo hiếu. Dù bố mẹ chưa bao giờ yêu cầu, tôi vẫn nghĩ, mình có thể lo được thì nên lo. Phần còn lại trong thu nhập, tôi và vợ chia nhau xoay sở tiền nhà, tiền học cho con, chi phí sinh hoạt. Không phải lúc nào cũng thoải mái, nhưng có thể nói là đủ sống.
Vợ tôi biết chuyện tôi gửi tiền cho bố mẹ từ những ngày đầu, nhưng chưa từng phàn nàn. Cô ấy luôn im lặng. Tôi từng nghĩ đó là sự tôn trọng, là hiểu chuyện. Tôi còn thấy biết ơn, vì cô ấy không giống những người phụ nữ tính toán, hơn thua bên nội bên ngoại.
Cho đến một buổi tối cách đây không lâu.
Vợ tôi biết chuyện tôi gửi tiền cho bố mẹ từ những ngày đầu, nhưng chưa từng phàn nàn. (Ảnh minh họa)
Hôm đó là một buổi tối bình thường như mọi ngày. Vợ tôi để điện thoại sạc ở phòng khách rồi đi tắm. Tôi vô tình chạm phải điện thoại vợ, rồi dòng tin nhắn hiện lên màn hình khiến tôi sững người. Tôi không có thói quen kiểm tra điện thoại vợ, nhưng lần này là một dòng tin không thể không đọc:
“Chị đừng có lấy cớ con nhỏ, không gửi tiền thì nói thẳng…”
Đó là tin nhắn mẹ tôi gửi cho vợ tôi. Tôi khựng lại. Do dự một lúc, tôi cầm điện thoại của vợ lên rồi mở máy. Không phải vì nghi ngờ vợ, mà vì tôi cảm thấy có điều gì đó không đúng, bởi trong lòng tôi, mẹ là một người hiền dịu, không bao giờ hạch sách con dâu. Nhưng rồi, những dòng tin nhắn hiện ra sau đó khiến tôi chết lặng.
Từng câu, từng chữ như lột bỏ hết những gì tôi vẫn nghĩ là êm ấm.
“Tháng này sao lâu thế chưa thấy tiền? Tôi không biết chị nói gì với thằng Hùng mà mấy hôm nay nó cứ lần lữa. Đừng tưởng tôi già rồi là dễ bị qua mặt.
Bảo thằng Hùng gửi sớm đi, tôi còn phải cho thằng Thắng đóng học. Mà nói thật nhé, chồng chị là con trưởng, phải có trách nhiệm lo cho bố mẹ và em trai, nếu không sau này chúng tôi không chia cho anh chị chút tài sản nào đâu”.
Tôi lặng đi. Suốt bao năm qua, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện tiền bạc là nghĩa vụ. Tôi gửi tiền cho bố mẹ vì thương, vì nghĩ mình nên làm vậy. Tôi chưa từng để vợ phải thiếu thốn, cũng không để nhà nội lấn át nhà ngoại. Nhưng sau tất cả, mẹ tôi lại coi đó là điều hiển nhiên, là quyền đòi hỏi, và trút sự bực dọc lên vợ tôi. Còn cô ấy lại im lặng chịu đựng mà không hề than nửa câu với chồng.
Tôi không nói gì tối hôm đó, cũng không hỏi vợ, chỉ nằm xuống bên con, lòng nặng như đá.
Đọc tin nhắn mẹ gửi cho vợ tôi mà lòng tôi nặng như đá. (Ảnh minh họa)
Sau một đêm suy nghĩ, tôi quyết định không gửi tiền về quê cho bố mẹ nữa. Bởi tôi nhận ra, nếu tiếp tục gửi tiền, tôi không còn cảm giác mình đang làm điều gì cao đẹp nữa. Tôi đang tiếp tay cho những lời cay nghiệt, cho sự phân biệt giữa người trong một nhà. Tôi vẫn thương bố mẹ, nhưng tôi không thể gửi tiền để đổi lại sự khinh miệt mà vợ tôi phải chịu sau lưng.
Vài tuần sau, mẹ tôi gọi điện, giọng đầy bực tức. Bà hỏi vì sao chưa thấy tiền, tôi đáp ngắn gọn:
- Từ nay, con sẽ không gửi tiền về hàng tháng nữa, con sẽ lo cho gia đình nhỏ của mình trước. Tin nhắn mẹ gửi cho vợ con, con đọc hết rồi. Con không ngờ mẹ lại là người như vậy.
Phía bên kia, bà lớn tiếng. Tôi không phản ứng. Tôi không muốn nói thêm lời nào nữa, vì tôi biết mọi lời giải thích lúc này đều vô nghĩa.
Tôi đã thôi gửi tiền về quê. Không phải vì hết tình, mà vì tôi cần đặt lại giới hạn. Không thể cứ nhân danh chữ hiếu để làm tổn thương người đang kề vai gánh vác cùng mình.
Tôi vẫn yêu quý bố mẹ. Nhưng giờ đây, tôi chọn cách khác để thể hiện sự quan tâm, bằng việc giữ im lặng và không để lòng tốt của mình trở thành thứ khiến người phụ nữ bên cạnh phải chịu tổn thương.
Bình luận