Hà Tiên miền đất mở cõi

Nhìn trên bản đồ Việt Nam thì Hà Tiên là một cái chấm nhỏ ven biển cuối trời phương Nam giáp với Campuchia, trong khi đó Móng Cái là cái chấm nhỏ ven biển địa đầu phương Bắc giáp với Trung Quốc. Có nghĩa là khi ta nghe nói bờ biển Việt Nam dài gần 3300 km, thì đó chính là khoảng cách giữa Móng Cái với Hà Tiên được đo từ độ dài ngoằn ngoèo bờ biển vậy.

Thành phố Hà Tiên ngày nav nằm ở phía Tây tỉnh Kiên Giang, giáp biên giới Campuchia ở phía Bắc và vịnh Thái Lan ở phía Tây. Thành phố nhỏ này có hai con sông lớn chảy qua đó là sông Giang Thành và sông Tô Châu. Thoạt nghe tên sông cứ nghĩ nó na ná giống như tên một địa danh nào đó tận bên Trung Quốc. Những con sông này được nối với nhau bằng những kênh rạch và những cây cầu, trong đó có cây cầu lớn đẹp nổi tiếng mang cái tên cũng rất Trung Quốc, cầu Tô Châu. Những kênh rạch này lại được nối vào kênh Vĩnh Tế, từ kênh lớn Vĩnh Tế, tàu bè có thể đi thẳng về Châu Đốc để  nối tiếp vào hệ thống giao thông sông nước chi chít Lục tỉnh Tây Nam Bộ.

Hà Tiên miền đất mở cõi - 1

Bên sông Tô Châu - Hà Tiên

Tôi đã có chuyến đi công tác bằng tàu chạy sông suốt từ sông Sài Gòn theo các sông Vàm Cỏ, sông Tiền, sông Hậu, luồn lách qua các kênh rạch lớn nhỏ nhiều tỉnh, tới Châu Đốc An Giang, xuôi kênh Vĩnh Tế xuống tận Hà Tiên. Chuyến đi thực địa dài ngày năm ấy, được mục sở thị nhiều thứ trên đường mới thấy được phần nào cái đẹp, cái lạ, cái thanh bình và giàu có của quê hương xứ sở và cũng thấy rõ hơn  sự cần cù, kiên gan nhưng lại rất dung dị, khoáng đạt và hào sảng của những người dân vùng Lục Tỉnh, những hậu duệ chân truyền của các bậc tiền nhân mở cõi.

Hà Tiên trước đây là tỉnh lỵ của tỉnh Hà Tiên, nhưng từ khi sáp nhập với Rạch Giá để trở thành tỉnh Kiên Giang thì Hà Tiên lại trở thành thị xã huyện lỵ của một huyện, nhưng là một huyện giàu có, gạo trắng nước trong, tôm cá trĩu lưới đầy khoang, phong cảnh hết sức hữu tình, núi non sông biển trên bến dưới thuyền. Đã giàu có lại nằm ở địa đầu cực Nam  đất nước, Hà Tiên trở thành mảnh đất yếu địa, có một vị trí chiến lược vô cùng đặc biệt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh chủ quyền Tổ Quốc.

Trong tầm nhìn lịch sử cận đại Việt Nam, nói đến Hà Tiên là nói đến lịch sử mở mang bờ cõi và khẳng định chủ quyền quốc gia của các triều đại phong kiến Nhà Nguyễn Đàng Trong. Và khi nói đến Hà Tiên, lịch sử cũng luôn gắn kết tên tuổi một con người kiệt hiệt có công lớn với nước nhà từ thời mở cõi, con người đó là Mạc Cửu.

Mạc Cửu người Quảng Đông Trung Quốc sinh năm 1655. Vào những năm 70 thế kỷ 17, người Mãn ở vùng Đông Bắc tràn xuống Trung Nguyên, tiêu diệt Nhà Minh lập nên triều đại Nhà Mãn Thanh thống trị toàn cõi Trung Hoa. Năm 1680 khi nhà Minh mất hẳn vào tay nhà Thanh xâm lược thì trong cộng đồng những người gốc Hán, bộ phận dân cư đông đảo nhất Trung Hoa, khi phải sống trong cảnh nước mất nhà tan, những ai mang ý chí Diệt Thanh Phục Minh thường chọn cho mình một trong hai con đường, hoặc là tập hợp lực lượng đứng lên hoạt động vũ trang chống lại triều Mãn Thanh, hoặc tìm đường bỏ trốn ra nước ngoài tị nạn tìm cơ hội phục quốc từ nơi hải ngoại.

Trong dòng người rời bỏ quê hương trốn ra nước ngoài, Mạc Cửu, một thương nhân trẻ giàu có đã xuống thuyền đem theo gia quyến cùng đám gia nhân thuộc hạ trốn chạy về phương Nam. Trong khi rất đông người tị nạn đã dừng lại ở Đàng Ngoài hoặc Đàng Trong của nước Đại Việt để xin được lưu trú thì Mạc Cửu lại giong buồm cho tàu chạy thẳng sang nước Chân Lạp (Campuchia ngày nay) và xin được tá túc ở xứ này. Thời gian đầu ông cùng gia quyến sống tại phủ Nam Vang kinh đô nước Chân Lạp. Mạc Cửu bỏ tiền mua một chức quan ở địa phương và làm quan ở đây một thời gian. Chân Lạp khi đó là một đất nước có nền chính trị suy thoái. Tệ nạn mua quan bán tước, tham quan ô lại diễn ra khắp nơi. Triều đình phe phái chống đối, kéo bè kéo cánh hãm hại lẫn nhau…

Hà Tiên miền đất mở cõi - 2

Tượng đài Mạc Cửu - Hà Tiên

Cuộc sống ở những nơi quan trường luôn luôn bấp bênh, nguy hiểm rình rập. Trong khi đó  Sài Mạt (thuộc tỉnh Kampot Campuchia ngày nay) là một miền đất ven biển ngập nước hoang vu, dân nghèo tứ xứ đủ sắc tộc Miên, Hoa, Việt, Chà Và… tự phát trôi dạt về đây, giống như những bầy chim trời thiên di về những vùng đất hoang mầu mỡ tìm kế sinh tồn. Người có sức lao động hoặc tiền bạc thì thuê nhân công khai hoang lập ấp, người nhanh nhẹn tháo vát thì tổ chức mua gom sản vật rồi bán lại kiếm lời. Người làm nghề nông nuôi heo trồng lúa, kẻ lên thuyền giăng lưới buông câu…

Làng xóm hình thành, phố thị hình thành, cuộc sống dân cư ngày càng trở nên ổn định khá giả. Cùng với sự thay đổi về mặt kinh tế và mức sống thì những tệ nạn xã hội cũng phát triển kèm theo, trong đó đặc biệt là nạn cờ bạc sát phạt đã bùng phát không gì có thể ngăn cản. Khi nói về nghề cờ bạc trên thế giới này, tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây, không ai là không phải cúi đầu thần phục để tôn người Hoa là Vua cờ bạc!

Mạc Cửu đã phát hiện ra cái thế mạnh của vùng đất tự do Sài Mạt, ông cho rằng đây mới là mảnh đất dụng võ của mình, liền bỏ chức quan nhỏ bé trên Nam Vang để đến với vùng đất tự do mở sòng bài kinh doanh. Nhận thấy việc thu thuế Hoa chi, một loại thuế thu từ các hoạt động kinh doanh sòng bài ở đây là một công việc khó khăn và nguy hiểm, chính quyền trên Nam Vang luôn coi đây là miền đất hoang xa xôi hẻo lánh ngoài vòng quản lý, nên không quan tâm đến việc thu thuế nơi này, Mạc Cửu đã bỏ tiền thầu mua công việc thu thuế Hoa chi. Nhờ có  đội ngũ gia nhân đông đảo, lại có kinh nghiệm và phương pháp quản lý sòng bài nên ông đã tận thu được nguồn thuế to lớn này, nhờ vậy chỉ trong một thời gian ngắn Mạc Cửu đã trở thành giàu có khét tiếng và có thế lực hùng mạnh, nổi lên như một thủ lĩnh cai quản vùng đất  ven biển ngày một mở rộng này.

Hà Tiên miền đất mở cõi - 3

Xã Mỹ Đức (nay là phường Mỹ Đức) thành phố Hà Tiên, nơi bọn Polpot sát hại 130 người dân rạng sáng ngày 14-3-1978.

Trong vùng đất mình cai quản, Mạc Cửu khuyến khích việc khai hoang lập ấp tự do, khuyến khích sản xuất chăn nuôi, không thu thuế sản xuất, chỉ đứng ra thu mua sản phẩm để bán lại cho khách thương hồ. Nhờ có chính sách khuyến nông tích cực mà dân tứ xứ nghe tiếng lành đồn xa, đã rủ nhau hội tụ về đây ngày một đông đảo. Trong khoảng mươi năm, những vùng đất hoang vu ven biển được khai hoang lập ấp dưới sự cai quản của Mạc Cửu đã mở rộng và kéo dài từ Kompongsom cho tới Rạch Giá, Cà Mau. Ông chọn cửa khẩu Mang Khảm (mà người Hoa gọi là Phương Thành ) làm thủ phủ đại bản doanh, sau này vùng đất thủ phủ được đổi tên thành phủ Hà Tiên.

Cũng trong khoảng thời gian này, các chúa Nguyễn đã bình định xong vùng đất trung tâm châu thổ và lập ra phủ Gia Định, trở thành một nhà nước hùng mạnh cát cứ một địa bàn rộng lớn trải dài từ sông Gianh Quảng Bình tới gần hết vùng Lục Tỉnh Nam Bộ ngày nay. Mạc Cửu là một chính khách có tầm nhìn xa trông rộng, nhận thấy với lực lượng nhỏ bé của mình muốn tồn tại và phát triển được tại vùng đất châu thổ trù phú này, không có cách nào khác là phải biết dựa vào một thế lực hùng mạnh đang lên ở khu vực. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, năm 1708, Mạc Cửu sai thuộc hạ là Trương Cầu và Lý Xá mang lễ vật đi Phú Xuân ra mắt và thỉnh cầu chúa Nguyễn Phúc Chu, xin được dâng đất và thần phục Nhà Nguyễn. Tháng Tám năm đó, chúa Phúc Chu ban cho Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên và phong tước là Cửu Ngọc Hầu.

Dưới quyền thống lĩnh của Mạc Cửu, vùng đất Hà Tiên ngày càng trở nên phát triển, trù phú và trở thành mảnh đất tiền đồn vững chãi của Nhà Nguyễn Đàng Trong. Năm 1735 Mạc Cửu mất, thọ 80 tuổi, ông được Khai Trấn Thượng Trụ Quốc, Đại Tướng Quân Vũ Nghị Công. Lăng  mộ ông cùng lăng mộ vợ con và các vị tướng soái dưới quyền sau này lần lượt được xây dựng trên ngọn đồi Bình San, trước đây là ngoại ô, nay trở thành trung tâm thành phố Hà Tiên. Khu lăng mộ họ Mạc được tôn tạo xây dựng đẹp đẽ uy nghi, trở thành nơi thờ phụng và thăm viếng của nhân dân quanh vùng cũng như du khách thập phương.

*

Hơn một thế kỷ yên hàn trôi qua, những tưởng Hà Tiên cùng cả nước sẽ bước vào giai đoạn xây dựng trong hòa bình thống nhất, hướng tới một cuộc sống ấm no hạnh phúc dài lâu, thì chiến tranh lại nổ ra trên suốt một dải biên giới Tây Nam đất nước, mà trong đó vùng Hà Tiên lại là nơi đầu tiên bước vào trận chiến. Ngay sau ngày 30-4-1975 đất nước vừa mới im tiếng súng sau mấy chục năm binh lửa, niềm vui hòa bình thống nhất mà người dân đất Việt tận hưởng chưa được bao lâu thì bè lũ Polpot Khơ Me đỏ phản trắc đã khơi mào một cuộc chiến tranh mới.

Ngày 14-6-1975, một toán lính Polpot có vũ trang đã tràn qua biên giới Việt Nam tại xã Mỹ Đức ngoại thành Hà Tiên giáp biên giới Campuchia. Chúng mới kịp gây ra tội ác với người dân ở một vài nơi thì đã bị bộ đội địa phương đánh trả khiến chúng phải nhanh chóng rút chạy về nước.

Tháng 6-1977, địch chuyển hướng tấn công vào tuyến Giang Thành – Vĩnh Điều ở phía Bắc Hà Tiên mong tạo ra một bàn đạp để tấn công đánh chiếm thị xã Hà Tiên. Tiểu đoàn 207 Quân khu 9 đã ngăn chặn thành công, phá vỡ ý đồ chiến lược của kẻ thù,

Đêm 13-3-1978 quân Khơ Me đỏ từ bên kia biên giới tổ chức pháo kích dữ dội vào thị xã Hà Tiên gây nên rất nhiều thiệt hại, tổn thất về nhà cửa tài sản và con người. Cũng thời gian ấy, bọn chúng đổ quân theo đường biển tấn công vào Xóm Eo, Bãi Nai khu vực Giếng Tượng, gây nên nhiều tội ác thảm khốc cho người dân nơi này.

Cũng trong đêm 13 cho đến rạng sáng ngày 14-3-1978, một lực lượng đông đảo quân Polpot đã tràn qua biên giới bao vây xã Mỹ Đức, ngoại thành Hà Tiên. Chúng lùa quân tràn vào mọi nhà dân, lùng sục mọi ngõ ngách xóm thôn, chỉ trong một đêm, chúng đã sát hại một cách dã man 130 người dân của xã này, trong đó có nhiều người già, phụ nữ và trẻ em. Chúng đóng quân trong chùa Xà Xía, một ngôi chùa lớn trong xã. Từ nơi này chúng tỏa đi các hướng cướp bóc và giết hại dân  thường. Tiểu đoàn 207 quân khu 9 phối hợp cùng bộ đội địa phương đã phải nhiều ngày đánh trả mới đẩy lùi được chúng về bên kia biên giới.

Sau một thời gian tổ chức phòng ngự giữ đất và bảo vệ người dân địa phương, tháng 12-1978, tiểu đoàn 207 tăng cường phối hợp với lực lượng quân đội chủ lực tiến công quân Khơ Me đỏ trên toàn tuyến biên giới, quân ta tràn qua biên giới như thác nước vỡ bờ, nhanh chóng tiến về Phnom Penh tiêu diệt bọn diệt chủng Polpot, giải phóng đất nước Campuchia, kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh bảo vệ toàn vẹn bờ cõi biên cương Tổ Quốc mà các bậc tiền nhân dựng nước, mở cõi đã truyền lại cho con dân nước Việt ngày nay.

*

Trong những năm tháng công tác tại thành phố Hồ Chí Minh và một vài địa phương vùng Tây Nam Bộ, do yêu cầu công việc mà tôi có nhiều dịp đi về vùng đất Rạch Giá Hà Tiên. Hà Tiên những ngày ấy đi lại khó khăn lắm. Từ Sài Gòn qua Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần thơ đường còn tốt, nhưng từ cuối Hậu Giang trở xuống, qua Núi Sập, Lộ Tẻ, Rạch Sỏi, xuôi tới Rạch Giá, Hà Tiên thì nhiều cung đường dài bị bong tróc hết lớp nhựa phủ, đường đá trơ trọi, ổ gà ổ voi hầm hố. Sông ngòi kênh rạch chi chít nên cầu phà chờ đợi suốt ngày.

Ngại ngùng nhất là cung đường từ Rạch Giá xuống Hà Tiên, chỉ vài chục cây số qua Hòn Đất, Kiên Lương, nhưng đây là con đường độc đạo ven biển, hư hỏng nặng trong chiến tranh lại không có điều kiện nâng cấp sửa chữa kịp thời, nhiều đoạn ngập nước biển khi triều dâng xe qua là chết máy. Bởi vậy từ Rạch Giá đi Hà Tiên nhiều khi chọn phương tiện ghe tác ráng lại nhanh và tiện, chỉ phải cái là hơi đắt tiền. (Tác ráng là một kiểu thuyền tam bản lắp máy công suất lớn tốc độ khá nhanh chuyên chở khách trên sông, là phương tiện di chuyển khá phổ biến vùng sông nước Nam Bộ, tương tự như kiểu xe taxi chở khách trên bộ).

Sau chiến tranh biên giới Tây Nam, tiếp đến là giai đoạn nước ta bị Mỹ và Trung Quốc lôi kéo các nước chư hầu thuộc loại hổ báo cáo chồn liên kết với nhau tiến hành một cuộc chiến tranh mới, chiến tranh bao vây cấm vận kinh tế đối với nước ta. Đất nước rơi vào thảm cảnh nghèo túng khánh kiệt, thiếu ăn thiếu mặc, thiếu thốn trăm chiều. Những địa phương trù phú Nam Bộ kiểu như Hà Tiên, tuy không đói rách như nhiều tỉnh phía Bắc, nhưng đời sống muôn mặt cũng nghèo nàn đơn điệu.

Tiền kiếm chẳng ra, mà có kiếm được thì cũng chẳng biết mua gì, bởi có gì đâu mà mua. Nhà cửa đường xá đổ nát sau chiến tranh lấy đâu xi măng sắt thép mà xây dựng lại. Các ngành sản xuất đình đốn vì không thể nhập được nguyên vật liệu và vật tư…! Thế mới biết cái độc cái ác của bọn xâm lược Đông Tây kim cổ xưa nay bao giờ cũng giống nhau, hèn hạ và hết sức tàn độc! Thua trận rồi nhưng vẫn cùng nhau ngồi ủ mưu  tìm mọi cách trả thù người chiến thắng. Tiểu nhân đấy chứ còn thế nào mới gọi là tiểu nhân?

Những năm sau đó, do phải chuyển vùng công tác tôi không có dịp trở lại Rạch Giá Hà Tiên. Nhưng những hình ảnh của một miền đất trù mật thanh bình một thuở nay vẫn còn mang trên mình biết bao dấu tích hoang tàn đổ nát chiến tranh, những hình ảnh như thế cứ như đã neo chặt trong tiềm thức mỗi khi tôi nghĩ về miền đất ấy.

Năm ngoái tôi có việc vào TP. Hồ Chí Minh, bất ngờ gặp lại anh bạn thân thiết hồi công tác dưới Rạch Giá. Anh vốn là dân lính thủy, trước đó từng tham gia tiểu đoàn thủy quân lục chiến tấn công tiêu diệt bọn lính Polpot chiếm đoạt đảo Thổ Chu của ta, rồi thu hồi đảo ấy về cho đất nước. Anh ra quân lên bờ nhận công tác ở Rạch Giá, lấy vợ, sinh con đẻ cái tại đây, được phân đất rồi xây nhà tại phố Mạc Cửu thị xã Rạch Giá.

Hồi đó mỗi khi về Rạch Giá tôi vẫn thường đi lại tá túc nhà anh. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, 30 năm có lẻ, từ những chàng trai chân cứng đá mềm tung hoành bốn cõi, thời gian trôi đi chúng tôi nay đã thành những ông già quá đát. Những kỷ niệm xưa sống lại khiến cả hai bỗng cùng thấy ngùi ngùi. Anh mời tôi xuống Rạch Giá thăm gia đình. Lúc này tôi đã nghỉ hưu, tỷ phú thời gian, chẳng vướng bận gì nhiều trong những chuyến đi xa. Thế là chúng tôi cùng về Rạch Giá. Ô tô riêng anh tự lái, tay lái vẫn lụa như thời còn trẻ, khi hồi ấy mỗi lần đi công tác anh thường lái chiếc Dalat đưa đón tôi.

Ngôi nhà phố Mạc Cửu nhỏ bé ngày trước nay đã được thay thế bằng một tòa nhà cao 6 tầng, mặt tiền choán gần hết thửa đất rộng tới 20 mét. Bạn tôi giới thiệu đây là trụ sở chính của công ty xuất nhập khẩu thủy hải sản do con trai anh làm giám đốc. Trụ sở công ty chiếm ba tầng dưới. Ba tầng trên là nơi sinh hoạt của đại gia đình anh. Anh bảo công ty còn có mấy chi nhánh dưới Hà Tiên, Hòn Đất và Tri Tôn. Nói đến Hà Tiên tôi bỗng thấy nhớ. Bạn tôi bảo nhớ thì về luôn chứ còn đợi chi nữa! Thế là anh lại lái xe đưa tôi về Hà Tiên.

Hà Tiên giờ đã khác xưa hoàn toàn. Bến sông Tô Châu kè bê tông hai bờ kiên cố gọn gàng trên bến dưới thuyền. Qua cầu Tô Châu ngược về thượng nguồn là bến tàu cao tốc. Hàng chục con tàu hiện đại mua của Hàn Quốc, của Nhật Bản túc trực bến cảng đưa  đón khách du lịch đi thăm Phú Quốc, thăm đảo Hải Tặc và các điểm du lịch trong tỉnh. Nhà cửa, phố phường, chợ búa, các công trình công cộng được xây mới gần như hoàn toàn. Những con phố mới đẹp như vườn hoa mang tên những vị chúa thời đầu Nhà Nguyễn như Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Chu…, điều mà có lẽ chỉ thấy ở  những vùng đất mở cõi như Rạch Giá, Hà Tiên. Nổi lên giữa công viên thành phố là bức tượng Mạc Cửu cao lớn đứng hiên ngang trên bệ cao cả chục mét. Tay trái Mạc Cửu cầm đốc kiếm trong tư thế trấn thủ, sẵn sàng rút kiếm  ra khỏi vỏ, tay phải cầm cuộn sớ dâng đất tình nguyện trở về thần phục Nhà Nguyễn Đàng Trong…

Một vòng dạo quanh cái thành phố xinh đẹp mới mẻ này, được mục sở thị sự thay đổi đến không ngờ của vùng chiến địa Mở Cõi mà lòng dạ tôi không khỏi nao nao xúc động khi nghĩ đến những bước thăng trầm miền địa đầu biên ải mà tôi từng có thời gian gắn bó.

Và rồi khác với những lần chia tay trước đây, trước lúc lên xe tạm biệt Hà Tiên trở về Sài Gòn lần này, những vần thơ hào sảng của vị tướng quân  thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ năm xưa, bỗng như một ánh thép bay vút lên trong tâm hồn tôi:

Từ thuở mang gươm đi mở cõi

Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long!

Vâng, thương nhớ lắm những mảnh đất quê hương mỗi lúc đi xa, và với tôi lúc này lại thấy dạt dào thương nhớ Hà Tiên, mảnh đất mở cõi Phương Nam của nước Việt mến yêu.

Nguyễn Đắc Như

#
Hải yến: chưa được đến Hà Tiên bao giờ mà nay đọc bài viết này thấy sao yêu và muốn đến Hà Tiên một lần quá, thấy cứ như Hà Tiên thân quen như quê mình vậy

Tin liên quan

Tin mới nhất

Văn học với mùa xuân thống nhất đất nước 1975

Văn học với mùa xuân thống nhất đất nước 1975

Chiến dịch mùa xuân năm 1975 và đại thắng 30/4 đã qua đi nhưng dư âm vẫn còn ngân vang mãi, trong văn học đương đại, đây là đề tài luôn giữ vị trí quan trọng, tạo nên một trong những dòng chủ lưu của nền văn học dân tộc và hiện đại.