Bình Thuận - Đất lành chim đậu

Vùng đất Bình Thuận nguyên từ xa xưa từng thuộc về địa phận của Vương quốc Nhật Nam, sau này vật đổi sao dời lại rơi vào tay Vương quốc Chiêm Thành. Đây là vùng yếu địa, giống như một dải đất độc đạo để những đạo quân hoặc đi chinh phạt vùng đất mới hoặc rút về trấn thủ hậu phương đều phải mượn đường đi qua. Các cuộc tranh chấp diễn ra liên miên giữa các thế lực dụng binh trong vùng khiến cho Chiêm Thành mất dần đất đai. Năm 1653 chúa Nguyễn Phúc Tần từ phía Nam đem quân đánh chiếm phần đất có tên Phan Lang (sau đổi thành Phan Rang), sau nhiều năm tranh chấp cuối cùng tất cả đất này lần lượt rơi vào tay Nhà Nguyễn Đàng Trong. Tên Bình Thuận được bắt nguồn từ hai chữ Bình Yên và Thuận Hòa, niềm khát khao hy vọng của những người dân sống trên mảnh đất máu lửa này, tên đó do các Chúa Nguyễn đặt ra. Năm 1692 chúa Nguyễn Phúc Chu đặt cho vùng đất mới chinh phục này là Thuận Phủ, đến 1694 đổi là Thuận Thành Trấn. Năm 1697 lập Bình Thuận Phủ sau cải là Bình Thuận Dinh. Đến thời vua Minh Mạng cho lấy lại tên cũ là Bình Thuận Phủ. Sau mấy trăm năm thay đổi các triều đại với hàng chục lần tách nhập, nhập tách thay tên đổi họ, cuối cùng đến tháng 4/1992, tỉnh Bình Thuận được Quốc hội Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định tái lập từ việc tách Thuận Hải thành hai tỉnh là Ninh Thuận và Bình Thuận. Bình Thuận ngày nay lấy Phan Thiết là thành phố tỉnh lỵ.

Địa hình Bình Thuận chủ yếu là đồi núi thấp, đồng bằng ven biển nhỏ hẹp, địa hình phân hóa thành bốn dạng là đất cát và cồn cát ven biển (chiếm 18,2% đất tự nhiên), đồng bằng phù sa (9,5%), gò đồi (31,6%), núi thấp (40,7%). Tỉnh có 6 con sông, đó là sông Lũy, sông Lòng Sông, sông Cái, sông Cà Ty, sông La Ngà, sông Phan. Gọi là những con sông lớn trong tỉnh nhưng tất đều rất ngắn chỉ vài chục cây số mỗi con, nước nguồn lại ít, lòng sông thường cạn, nước biển dâng ngập mặn, nên sông mang giá trị giao thông hơn là giá trị nguồn nước sinh sống.

Khí hậu ở đây khô nóng, nguồn nước ngọt cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp thiếu thốn trầm trọng, do vậy nông nghiệp nhìn chung kém phát triển, lương thực thực phẩm làm ra không đáp ứng nổi nhu cầu tại chỗ. Bù vào sự nghèo nàn khô hạn đất đai thì Bình Thuận lại có một bờ biển dài tới 192 km với một ngư trường có sản lượng hải sản đánh bắt trung bình 250 nghìn tấn/năm, là một trong ba ngư trường lớn nhất của nước ta.

Bình Thuận - Đất lành chim đậu - 1

Mũi Né Bình Thuận.

Một vài con số như trên để thấy rõ hơn một điều, với Bình Thuận trong hàng thế kỷ đi qua, nền kinh tế còn mang nặng dấu ấn tự nhiên đánh bắt, trồng tỉa, hái lượm và đều nhờ cậy vào thiên nhiên. Thiên nhiên thuận thì đủ ăn, thiên nhiên bất thường thì mùa vụ thất bát. Ngay như ngành đánh bắt và chế biến hải sản, ngành kinh tế lớn nhất, quan trọng nhất của địa phương với thương hiệu nước mắm Phan Thiết lẫy lừng trong cả nước, thì sự thành bại của sản xuất kinh doanh vẫn cứ thăng trầm bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào khí hậu thời tiết và sự biến động khôn lường của thiên nhiên.

Như người ta vẫn thường nói, ông trời chẳng cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai tất cả. Lại cũng có câu, sông có khúc người có lúc! Những câu ví như thế nếu vận vào mảnh đất Bình Thuận, thấy không sai chút nào. Là một vùng đất chạy dài ven biển, Bình Thuận sở hữu nhiều bãi biển tuyệt đẹp, nổi bật trong đó phải kể đến Mũi Né, được xếp vào hạng những bãi biển đẹp nhất Việt Nam. Bình Thuận còn là địa phương nằm trong chuỗi những vùng đất cổ, trầm tích trong lòng nền văn hóa Chăm Pa rực rỡ một thuở vàng son với những đền đài tháp cổ lưu giữ ngàn năm di sản văn hóa nhân loại...

Nhưng những tiềm năng như những hạt ngọc quý ấy, vào những giai đoạn binh lửa đói nghèo, ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, gạo châu củi quế, thì những hạt ngọc trời cho như thế cũng lại chẳng khác nào thân phận những viên đá cuội vùi lấp trong sóng nước lăn lóc bên bờ đại dương.

Bước vào giai đoạn kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập sâu rộng, Bình Thuận nói riêng cũng như tất cả các địa phương trong cả nước đã như được trợ lực và nâng đỡ bởi những chính sách tháo gỡ sự ràng buộc từ thời bao cấp, mở ra thời cơ và vận hội làm ăn mới. Khi mức sống của người dân trong nước không ngừng được cải thiện, nhu cầu nghỉ ngơi, tham quan du lịch hưởng thụ những giá trị tinh thần và văn hóa của mọi người tăng lên, thì một thị trường du lịch đã dần hình thành, theo thời gian nó được phát triển vững chãi và trở thành một lĩnh vực kinh tế quan trọng trong tổng thể cơ cấu nền kinh tế nước nhà. Thị trường du lịch trong nước phát triển với những sản phẩm du lịch độc đáo đã như một lời đồn đại tốt lành, một lời mời chào thân thiện, tự thân nó đã trở thành câu thần chú mở toang cánh cửa dẫn đường để ngày càng có nhiều du khách nước ngoài tìm đến thăm viếng du lịch đất nước chúng ta.

Thời cơ mới xuất hiện, Bình Thuận với những tiềm năng trời cho vẫn còn phải đắp chiếu bấy lâu, nay bỗng phát lộ và nhanh chóng trở thành nơi hội tụ của nhiều người dân trong nước và nước ngoài có nhu cầu du lịch tham quan khám phá. Giống như nàng công chúa đẹp ngủ trong rừng, nay bỗng tỉnh giấc và xuất hiện với vẻ đẹp mặn mà trời cho. Hoạt động du lịch thời gian đầu của Bình Thuận còn mang nặng tính tự phát, khởi thủy là những người ưa khám phá tìm tòi những vẻ đẹp độc đáo trong nước, mà trong đó không ít những nghệ sĩ nhiếp ảnh, họ tìm đến với những cồn cát rộng mênh mông như những tiểu sa mạc, mà ở Việt Nam duy nhất chỉ Bình Thuận được trời ban cho sở hữu hai tiểu sa mạc như thế, một sa mạc cát vàng, một sa mạc cát đỏ nằm ven biển phía Bắc tỉnh.

Những bức ảnh ban đầu ghi lại hình ảnh những thiếu nữ Chăm đầu đội bình nước, áo dài thướt tha bước trên những triền cát sóng lượn để lại phía sau những vết chân trần như những bông hoa nở trên cát. Những bức ảnh đẹp và lạ như thế khi xuất hiện trên báo chí và các phương tiện truyền thông đã như một lời mời gọi, góp phần mở lối đưa khách du lịch bốn phương về với đất này.Sản phẩm du lịch có giá trị cao được đưa vào khai thác tiếp theo là du lịch tắm biển và nghỉ dưỡng.

Gần hai trăm cây số bờ biển của Bình Thuận có thể nói là chi chít dày đặc những bãi biển có thể khai thác thành các bãi tắm lớn nhỏ khác nhau, nhưng trong số đó trước hết phải kể đến bãi tắm Mũi Né. Mũi Né là một dải đất vòng cung giống như một chiếc gương cầu lõm khổng lồ quay mặt ra Biển Đông, tạo nên một cái vịnh biển nước sâu và kín gió.

Ở phía Nam vịnh, nước biển sâu hơn là bến đỗ của tàu thuyền đánh bắt cá trong vùng. Ở phía Bắc vịnh, nước nông hơn đã hình thành một bãi tắm tuyệt đẹp, cát trắng mịn màng, nước trong xanh biếc ôm sát mặt biển chạy dài nhiều cây số. Chỉ trong vòng chưa đầy chục năm, nơi đây đã hình thành một thị trấn du lịch với nhiều khách sạn cao cấp cũng như hàng trăm nhà nghỉ, homestay, nhà hàng ăn uống, cửa hàng bán đồ lưu niệm, các cơ sở dịch vụ… Thêm một ưu thế lớn nữa trời lại dành tiếp cho du lịch Bình Thuận là ở đây quanh năm gần như không có những ngày lạnh trời, du lịch tắm biển diễn ra suốt 12 tháng, không có khái niệm mùa du lịch như các tỉnh phía Bắc.

Từ những thành công ban đầu do những sản phẩm du lịch quý hiếm và đặc hữu đem lại, Bình Thuận dần dần đã nhận ra những tiềm năng vô giá vẫn còn đang ẩn chứa trong những biểu hiện đa dạng địa hình sinh học cũng như bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương cần được tiếp tục khai thác. Trong khoảng mươi năm trở lại đây, khách du lịch trong và ngoài nước đến với Bình Thuận không chỉ còn là những trải nghiệm khám phá sa mạc hay tắm biển Mũi Né, đến với Bình Thuận hôm nay mọi người còn có dịp đi thăm các đền đài Chăm Pa cổ kính lưu lại dấu vết huyền thoại ngàn xưa, sẽ được đi cáp treo dựng đứng vượt lên đỉnh núi Tà Cú để có dịp chiêm bái bức tượng bằng đá hoa cương trắng muốt nguyên khối tạc hình Phật Bà Quan Âm trong tư thế an nhiên tự tại nằm nghỉ trên đỉnh núi, bức tượng Phật nằm này được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á…

Đến với Bình Thuận du khách còn được đi thăm những cánh đồng bông trĩu quả mà vào mùa thu hoạch, bông nở trắng ngần như mây, khiến cho những cánh đồng bông bỗng chốc biến thành những cánh đồng bồng bềnh mây trắng trải rộng đến tận chân trời. Rồi những đồi thanh long thẳng tắp dọc ngang như những bàn cờ, thanh long là loại trái cây chủ lực đi tiên phong trong cuộc cách mạng xóa nghèo của người nông dân vùng đất cằn khô này. Chăn nuôi dê cừu cũng là một nghề khá phổ biến của nông dân Bình Thuận. Những đàn dê cừu gầy guộc lấm láp trước đây chỉ biết thui thủi kiếm tìm những ngọn cỏ xác xơ những mùa khô hạn, thì nay chúng đã được chăm sóc chu đáo, được ăn no đủ, được chải lông óng mượt tinh tươm, được hội tụ bầy đàn trong những hàng rào thâm thấp sơn trắng để thường xuyên ra mắt và chụp ảnh chung với những du khách yêu thiên nhiên và động vật… Nhiều và rất nhiều những sản phẩm du lịch độc đáo nở rộ khắp nơi đón chào bạn bè và du khách về với mảnh đất này.

Nhưng nói đến những thành công của ngành công nghiệp không khói của Bình Thuận mà quên nhắc đến con người ở đây, e rằng đó lại là một thiếu sót. Dù bạn là khách du lịch người Việt hay người nước ngoài, một khi đã đến với xứ này, tin chắc rằng bạn sẽ cảm thấy rất hài lòng bởi bất cứ ở đâu, dù lên rừng hay xuống biển, dù lặn lội trên những cánh đồng bông hay leo lên núi cao ngắm cảnh bốn phương… bạn sẽ luôn nhận được sự săn sóc chu đáo và hướng dẫn tận tình của những hướng dẫn viên không chuyên, những con người bình dị mộc mạc, mà hôm qua họ còn là những nông dân làm ruộng hoặc ngư phủ đánh cá, nhưng khi đã trở thành những hướng dẫn viên du lịch hay nhân viên phục vụ, thì như có chiếc đũa thần vừa được vung lên, họ bỗng trở thành những con người ân cần, lịch lãm, hiểu biết và có tay nghề, khiến cho chúng ta dù chỉ qua đây có một lần, thì qua giọng nói Nam Trung Bộ ấm áp và truyền cảm của họ, ta sẽ nhớ mãi người và cảnh nơi đây để rồi thầm nghĩ sẽ có một ngày trở lại.

*

Đất lành chim đậu, quả đúng như vậy! Trong rất nhiều sản phẩm du lịch của Bình Thuận được du khách trong ngoài nước ưa chuộng, tôi muốn kể thêm các bạn nghe về một loại hình du lịch độc đáo mà theo  tôi, có lẽ mới xuất hiện lần đầu ở Bình Thuận.

Bình Thuận - Đất lành chim đậu - 2

Sa mạc Bình Thuận

Cung đường quốc lộ 1A chạy qua Bình Thuận, đoạn từ Mũi Né vào đến thành phố Phan Thiết đường dài chừng hai chục cây số hầu hết đều nằm sát biển. Hai bên đường lớp lớp những ngôi nhà vườn ẩn hiện thấp thoáng dưới những tán lá dừa và các loại cây ăn trái. Thỉnh thoảng lại xuất hiện một dãy phố dài trên dưới một cây số mà hai bên đường lại là những nhà hàng, khách sạn, quán ăn. Đằng sau những dãy nhà và vườn cây phía tay trái con đường theo hướng Bắc Nam bao giờ cũng là bãi biển. Những đoạn phố ở đây luôn được gió biển thổi sạch như li như lau, nhà cửa khang trang, xe cộ vắng vẻ, người đi kẻ lại bình thản như đi dạo. Những du khách ưa sự yên tĩnh, không khí trong lành, cảnh quan sạch đẹp họ thường tìm về đây nghỉ ngơi, thậm chí nghỉ ngơi dài ngày.

Trong số những khách nước ngoài tìm về đây ăn nghỉ, đông nhất là những người Nga. Họ đến đây ban đầu chỉ với mục đích được nghỉ dưỡng ở một vùng quê yên tĩnh, nơi quanh năm có biển nước ấm, có ánh nắng mặt trời, thứ mà ở quê hương, họ luôn phải đi tìm như một của hiếm hoi. Mới đầu là hàng chục, rồi hàng trăm, thậm chí có lúc lên tới hàng nghìn người. Lượng khách du lịch Nga thường xuyên có mặt và đông đảo tới mức, tại các cụm dân cư thị trấn thị tứ đều đã hình thành những nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, home stay mà ở đó có các món ăn và nơi nghỉ ngơi, đọc sách, uống trà đều được phục vụ theo phong cách Nga.

Bình Thuận - Đất lành chim đậu - 3

Băng qua sa mạc bằng mô tô địa hình.

Ở những nơi ấy, nhiều gia đình Nga quây quần sinh hoạt nghỉ ngơi kéo dài nhiều tháng, và dân địa phương quen gọi một cách thân thiện là những Làng Nga. Người Nga sôi nổi nhưng ưa sự yên tĩnh, hiền hậu và sâu lắng đã nhanh chóng nhận được cảm tình và quý trọng của người dân địa phương. Sự giao lưu thân thiết giữa khách và chủ ở một vùng quê thanh bình đã mau chóng hình thành một nhu cầu giao lưu thông qua phương tiện ngôn ngữ giao tiếp, và thế là những lớp dạy tiếng Nga đã lần lượt ra đời. Thầy dạy ban đầu là những sinh viên ngoại ngữ từ Sài Gòn trở ra, sau nữa là các du khách người Nga cư trú tại các Làng Nga. Việc dạy và học lúc đầu chỉ là dạy nói theo lối truyền khẩu, ngôn ngữ ở đây cũng chỉ là ngôn ngữ giao tiếp giản đơn.

Ở ngoài đường phố đã xuất hiện những biển hàng cửa hiệu tạp hóa, quán cà phê, văn phòng du lịch… được viết bằng chữ Nga. Rồi những biển hàng lớp dạy tiếng Nga cũng xuất hiện nhiều nơi. Cùng với đó là cảnh những người đàn ông, những phụ nữ người Nga xuất hiện trong làng ngoài phố, từ lâu đã không còn là điều xa lạ ở nơi đây.

Thời gian cứ êm ả trôi đi qua vùng đất bình yên này, và đến hôm nay, nếu bạn có dịp ghé qua Mũi Né - Bình Thuận, rồi xuôi tiếp về Nam theo con đường quốc lộ 1A, bạn có thể tìm đến nghỉ ngơi ăn uống trong một quán hàng bình dân bất kỳ ven biển, nghe những chàng trai cô gái người địa phương nói chuyện với bạn bằng một thứ tiếng Việt ngọt ngào đằm thắm, và đôi khi họ quay sang nói chuyện với khách nước ngoài khi thì bằng tiếng Anh, lúc khác lại tiếng Nga, thì tin chắc rằng bạn sẽ có chung một ý nghĩ, thì ra ở đâu cũng vậy, hễ cứ có đất lành là chim đàn sẽ thiên di đến đậu!

Và Bình Thuận, từ một mảnh đất binh đao máu lửa và nghèo khó nhiều bề đã mau chóng chuyển mình để trở thành một tỉnh khá giả của đất nước. Sự biến đổi về chất như thế đã như một lời tri ân của các thế hệ hậu sinh dâng lên các bậc tiền nhân dựng nước, để tưởng nhớ khi các người đặt tên cho mảnh đất này là Bình Thuận, mang theo niềm khát khao muôn thuở về sự bình yên và thuận hòa cho mọi người dân xứ sở.

Nguyễn Đắc Như

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tiểu thuyết và cuộc sống

Tiểu thuyết và cuộc sống

Đọc bài “Tiểu thuyết Việt Nam năm 2023, nhìn lướt từ một góc” của nhà phê bình Hoài Nam trên Thời báo Văn học Nghệ thuật số Tết Giáp Thìn 2024, tôi chia sẻ nỗi niềm của anh khi anh nói: “Trách nhiệm của nhà văn thể hiện ở mối bận tâm, sự lo lắng của họ trước những vấn đề xã hội quan thiết. Nhưng còn phải hơn thế nữa: trách nhiệm của nhà văn viết tiểu thuyết là phải làm sa

Đồng chí Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội

Đồng chí Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội

Chiều 20/5, tại Kỳ họp thứ 7, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội khóa XV đã bầu đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.