Điểm tên những chủ nợ hàng trăm đến nghìn tỷ đồng trong ''hệ sinh thái'' của Shark Thủy

Không chỉ nợ học phí của học viên, nợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, lương nhân viên,… các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của Shark Thủy còn nợ cả trăm đến nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp và ngân hàng.

Trước khi bị bắt về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Egroup, Shark Thủy - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch hội đồng quản trị - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup; Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Anh ngữ Apax là một trong những cái tên nổi tiếng trong giới đầu tư khi đang là chủ hàng loạt doanh nghiệp khác.

Cụ thể, trước khi bị bắt, ông Nguyễn Ngọc Thủy cũng đang là lãnh đạo và là người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần tập đoàn hạ tầng giáo dục vốn điều lệ 390 tỷ đồng; Công ty cổ phần Apax Global có vốn điều lệ 30 tỷ đồng; Công ty cổ phần đầu tư và phân phối Egame có vốn điều lệ 162,2 tỷ đồng; Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư Ecapital có vốn điều lệ 500 tỷ đồng; Công ty cổ phần trường liên cấp Firbank Australia có vốn điều lệ 300 tỷ đồng.

Liên tục mở rộng hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của Shark Thủy cũng liên tục vay nợ để có nguồn vốn. Theo đó, chỉ tính riêng những doanh nghiệp công bố công khai về kết quả kinh doanh và phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã có số nợ lên tới cả nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, thống kê từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, nhiều doanh nghiệp trong "hệ sinh thái" của Shark Thủy đã nhận về nguồn vốn lớn từ kênh trái phiếu, với sự tham gia của cả nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân. 

Điểm tên những chủ nợ hàng trăm đến nghìn tỷ đồng trong ''hệ sinh thái'' của Shark Thủy - 1

Các doanh nghiệp trong 'hệ sinh thái' của Shark Thủy đã phát hành hơn 1.300 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 của Công ty cổ phần đầu tư Apax Holdings (IBC), doanh nghiệp duy nhất niêm yết trên sàn chứng khoán của hệ sinh thái của Shark Thủy cho thấy đến cuối năm 2022, IBC đang có tổng nợ phải trả lên tới hơn 3.076 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn hơn 1.762 tỷ đồng và nợ dài hạn là hơn 1.313 tỷ đồng.

Trong tổng số 1.762 tỷ đồng nợ ngắn hạn có gần 617 tỷ đồng là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn. Bên cạnh đó, IBC cũng có hơn 1.298 tỷ đồng là vay và nợ thuê tài chính dài hạn.

Chủ nợ cho vay ngắn hạn lớn nhất của IBC tính đến cuối năm 2022 là Ngân hàng BIDV chi nhánh Thanh Xuân với hơn 558 tỷ đồng. Một ngân hàng khác cũng cho IBC của Shark Thủy vay ngắn hạn là Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered với sốn tiền hơn 2 tỷ đồng. Ngoài ra, IBC cũng vay của Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ Sao Kim số tiền gần 5,7 tỷ đồng.  

Về phía cá nhân, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho IBC vay nhiều nhất hơn 14,2 tỷ đồng, đứng sau là bà Phùng Thị Thu Hiền với số tiền gần 13,2 tỷ đồng, cá nhân bà Trương Thị Tâm cũng cho doanh nghiệp này vay hơn 6,3 tỷ đồng,…

Trong danh sách chủ nợ cho vay dài hạn, Ngân hàng VCB chi nhánh HCM cho vay hơn 43,5 tỷ đồng, Ngân hàng BIDV chi nhánh Thanh Xuân cho vay hơn 51 tỷ đồng và IBC cũng có hơn 72,7 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi.

Bên cạnh hơn 784 tỷ đồng vay các ngân hàng và các cá nhân, IBC của doanh nhân sinh năm 1982 cũng đang nợ 1.131 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, lô trái phiếu AECH2123001 trị giá 200 tỷ đồng phát hành ngày 23/1/2021 với thời hạn 24 tháng cùng lãi suất cố định 12%/năm, trả lãi định kỳ 3 tháng 1 lần kể từ ngày phát hành.

Đến ngày 24/8/2023, IBC tiếp tục phát hành lô trái phiếu AECH2124002 với trị giá 300 tỷ đồng thời hạn 36 tháng, lãi suất cố định 12,5%/năm, trả lãi định kỳ 3 tháng một lần.

Ngoài ra, IBC còn 2 đợt phát hành trái phiếu trị giá lần lượt 300 tỷ đồng và 333,6 tỷ đồng. Trong đó, lô trái phiếu trị giá 300 tỷ đồng được phát hành vào tháng 12/2020 có thời hạn 3 năm, lãi suất cố định 12,5%/năm. Tài sản đảm bảo của lô trái phiếu này là 7,5 triệu cổ phiếu của Công ty CP Anh ngữ Apax.

Lô trái phiếu 333,6 tỷ đồng phát hành theo hai đợt, đợt 1 là 270 trái phiếu với mệnh giá 500 triệu đồng/trái phiếu với lãi suất 12,5%/năm. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm kể từ ngày 31/12/2020. Tài sản đảm bảo là 4,8 triệu cổ phần của Công ty CP Anh ngữ Apax. Đợt phát hành thứ 2 là 20.000 trái phiếu với mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu phát hành vào ngày 8/6/2021, trái phiếu có kỳ hạn 3 năm cùng mức lãi suất 12,5%/năm.

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Phát triển giáo dục Igarten là một doanh nghiệp khác thuộc hệ sinh thái Apax Holdings và tham gia phát hành trái phiếu. Cụ thể, từ tháng 6/2021-8/2021, doanh nghiệp này phát hành thành công 20.000 trái phiếu mã IGECH2124001 với mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu; tương ứng giá trị phát hành là 200 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu là 4,8 triệu cổ phần Apax English thuộc sở hữu của Shark Thủy và các quyền, lợi ích phát sinh đến số cổ phiếu kể từ ngày thế chấp. Công ty cổ phần Thẩm định và Đầu tư tài chính Hoa Sen định giá số cổ phần này trị giá 250 tỷ đồng. Trái chủ là 54 nhà đầu tư cá nhân trong nước. Thương vụ được thu xếp bởi Công ty cổ phần Chứng khoán Stanley Brothers và ABS.

Ngoài những khoản nợ nói trên, chuỗi Anh ngữ Apax Leaders của ông Thủy cũng đang nợ hơn 93,8 tỷ đồng học phí của học viên trên địa bàn TP HCM. Bên cạnh đó, Apax Leaders còn nợ lương giáo viên và nhân viên đến tháng 2/2023 là 11,5 tỷ đồng và tiền thuê mặt bằng là 9 tỷ đồng.

Bảo hiểm xã hội TPHCM ghi nhận chi nhánh của Apax Leaders còn chậm đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội là 31 tỷ đồng đối với người lao động Việt Nam và 1,3 tỷ đồng với người nước ngoài. Cùng với đó, Bảo hiểm Xã hội Hà Nội công bố, tính đến cuối tháng 11/2023, hàng loạt doanh nghiệp trong hệ sinh thái của Shark Thuỷ đã nợ lên tới hơn 100 tỷ đồng.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin mới nhất