Bức tranh "Những vết rạn nứt": lời cảnh báo

(Arttimes) - Bức tranh là một lời cảnh báo: Hãy dừng lại sự tàn phá thiên nhiên để con người bớt đi những tai họa thảm khốc đau lòng!

Những năm gần đây đã xuất hiện nhiều trận lũ gây tình trạng sạt lở, làm thiệt hại không nhỏ đến sinh mạng cũng như tài sản của nhiều người. Những trận lũ thường xảy ra ở những vùng cao có nhiều núi non, và thiệt hại nặng nề không ai khác hơn là cư dân ở ven dưới chân núi. Nguyên do ở đâu thì ai cũng rõ. Ngoài lý do biến đổi khí hậu theo quá trình biến đổi tự nhiên của vũ trụ, thì việc khai thác, triệt hạ vô tội vạ cây cối trên rừng góp phần không nhỏ tạo nên cái nguyên nhân của những trận lũ quét và sạt lở.

Đó là hiện tượng xẩy ra ở những vùng rừng núi. Còn miệt đồng bằng thì sao? Nhiều hố tử thần, nhiều vết rạn nứt và lún đất xảy ra mỗi ngày một nhiều, càng ngày phạm vi càng lớn hơn. Nó không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà xảy ra nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở các nước đang trên đà phát triển. Hiện tượng này do đâu mà có?

Cũng như lũ lụt, sự sụp lún mặt đất ngoài nguyên nhân kết cấu và sự dịch chuyển của vỏ trái đất thì con người cũng góp tay không ít. Biết bao nhiêu là giếng khoan hoạt động suốt ngày đêm, có độ sâu đến vài chục mét, hút lên không chỉ là nước mà cả đất cát. Ngoài việc làm cho lượng nước chứa trong lớp vỏ trái đất ngày một cạn kiệt nó còn tạo ra những lỗ hổng bên dưới mặt đất. Bị tác động bởi sự rung chuyển của các phương tiện giao thông, sức nén của các công trình xây dựng, các lỗ hổng nầy dần sẽ bị sụp xuống, đó là nguyên nhân của các vết rạn nứt và các hố tử thần.

Để lưu ý về nguy cơ sạt lở và sụp lún mặt đất tôi vẽ bức tranh có tên Những vết rạn nứt.

Bức tranh "Những vết rạn nứt": lời cảnh báo - 1 Bức tranh Những vết rạn nứt của Nguyễn Bá Trình

Những vết rạn nứt được diễn tả bằng những vết nứt từ những khối đá của một vách núi dựng đứng. Từ những khe nứt nước suối tuôn những dòng trắng xóa. Các khe nứt liên kết nhau vẽ nên hình ảnh một người đàn bà nằm nghiêng, tóc phủ bờ vai. Một người đàn ông như đang cúi xuống  muốn hôn lên chiếc vai trần của người đàn bà đồng thời có dáng vẻ như đang dịu dàng đặt người đàn bà nằm xuống, trên một chiếc nệm phủ tấm chăn trắng tinh khiết, mà thực chất nó cũng là hình ảnh của một thác nước, đang tuôn trào xối xả. Tất cả bức tranh nhìn theo chiều hướng đó là hình ảnh một đôi tình nhân trẻ đang yêu nhau trong niềm hạnh phúc!

Giữa lúc đó thì điều gì xẩy ra? Hãy trở lại với thực tế của bức tranh: Những tảng đá chồng lên nhau, những vết rạn nứt báo hiệu một sự sụp đổ, một sự sạt lỡ kinh hoàng với những dòng nước tuôn trào xối xả. Cả người đàn bà, lẫn người đàn ông cùng với niềm hạnh phúc của họ đã bị vùi lấp dưới lớp đất đá!

Bức tranh là một lời cảnh báo: Hãy dừng lại sự tàn phá thiên nhiên để con người bớt đi những tai họa thảm khốc đau lòng!

Bức tranh này tôi hoàn tất vào cuối tháng 4 năm 2020 với mong mỏi nó sẽ là lời cảnh báo để mọi người ngưng ngay việc khai thác bừa bãi những cánh rừng bảo hộ đầu nguồn hòng tránh những tai họa do thiên tai gây nên. Thế nhưng tai họa đã xảy đến. Ngày 12 tháng 10 đã xẩy ra vụ sạt lở kinh hoàng ở Rào Trăng vùi lấp 16 công nhân, sau đó đoàn người cứu hộ gồm 13 người cũng đã  thiệt mạng do một trận sạt lở khác. Cuối cùng thì tôi chỉ còn mong ở bức tranh này một điều, giá như có cá nhân hay tập thể nào tổ chức triển lãm bán tranh để giúp đỡ những gia đình có người thân bị nạn trong vụ Rào Trăng thì tôi xin góp bức tranh để tham gia. Dù chỉ là sự đóng góp nhỏ nhoi, nhưng đó là những gì tôi có thể làm được để san sẻ nỗi đau quá lớn.

NGUYỄN BÁ TRÌNH None

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phi tần từng được hoàng đế sủng ái nhất hậu cung, sinh 6 người con nhưng cuối đời chịu cảnh cô quạnh

Phi tần từng được hoàng đế sủng ái nhất hậu cung, sinh 6 người con nhưng cuối đời chịu cảnh cô quạnh

Từng là phi tần được hoàng đế sủng ái nhất chốn hậu cung, người phụ nữ này đã hạ sinh 6 người con, giữ vững địa vị cao quý và sự yêu thương từ nhà vua. Tuy nhiên, cuộc đời không mãi êm đềm, khi về già, bà phải đối mặt với sự cô độc, lẻ loi trong những năm tháng cuối đời khiến bao người cảm thán.