Nữ giảng viên Luật đam mê âm nhạc

“Kể từ khi bắt đầu bén duyên với nghệ thuật, tôi thấy cuộc sống vui tươi hơn, hạnh phúc hơn. Mỗi lần làm xong một bài thơ, tôi như thấy mình trẻ lại và xua tan hết ưu phiền. Thơ quả là một liều thuốc quý giá giúp giải nhiệt tâm hồn”.

Nhạc sỹ Ngọc Khuê, người rất nổi tiếng với bài hát “Tình yêu làng lúa làng hoa”, cũng là nhạc sỹ hoạt động rất tích cực của Hội âm nhạc Hà Nội, trong một ngày gần đây có giới thiệu với tôi về một gương mặt âm nhạc Hà Nội rất xinh đẹp, rất mới lạ là Vũ Thị Hương.

Ông tâm sự với tôi: Tình cờ tôi được nghe mấy ca khúc của chị Vũ Thị Hương trên Youtube, điều đầu tiên là tôi rất bất ngờ, bất ngờ vì được biết Vũ Thị Hương là một giảng viên một Trường đại học Luật! Những ca khúc: “Bến trăng xưa”, “Không thể rời xa” hay “Đừng hỏi vì sao” của chị đều là những ca khúc hay, rất tình cảm, ca khúc đã chứa đựng những nỗi riêng tư, thầm kín, mà đâu chỉ cho riêng mình? Khi ta nghe ta lại thấy nó đã gắn liền cái chung của nhiều người (“Đừng hỏi vì sao”, “Cơn gió mùa đông”)... đều là những ca khúc trữ tình, lãng mạn.

Tôi nhận thấy chị Vũ Thị Hương đã rất chăm chút cho những tác phẩm của mình, vừa lãng mạn, tình cảm nhưng cũng rất chỉn chu về khúc thức và đặc biệt, rất gần với thị hiếu của những người nghe nhạc trẻ.

Từ lời giới thiệu rất trân trọng của nhạc sỹ Ngọc Khuê, tôi đã tìm đến với âm nhạc của Vũ Thị Hương và lắng nghe những tâm sự rất chân thành, rất mộc mạc của cô. Trong thế giới âm nhạc và thi ca rộng lớn, người phụ nữ ấy đã ví mình giống như một ngọn cỏ trong sương mai hay như chiếc lá mùa thu giữa rừng chiều lộng gió.

Nữ giảng viên Luật đam mê âm nhạc - 1

Vũ Thị Hương - Một gương mặt âm nhạc Hà Nội.

Vũ Thị Hương sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo khó tại Thái Bình, cô có một tuổi thơ của lam lũ, gắn với ruộng đồng, với dòng sông quê thơ mộng mỗi khi hoàng hôn xuống. Cô yêu thơ ca nhạc họa từ nhỏ nhưng vì điều kiện gia đình khốn khó nên những ước mơ đó nhiều khi đã tưởng chừng không thể thực hiện.

Học xong lớp 12, cô quyết tâm thi vào trường Cao đẳng kiểm sát để kế tiếp đam mê nghề Luật đã được người cha truyền cảm hứng. Sau 4 năm học, cô công tác tại cơ quan Tư pháp 18 năm và chuyển về Học viện Tư pháp giảng dạy đến nay đã được 7 năm.

Hồi tưởng lại 10 năm trước, cô kể: Tôi  đã gặp một biến cố lớn trong cuộc đời! Tôi đã rất khổ tâm và không biết chia sẻ với ai, chỉ biết viết những vần thơ để bầy tỏ nỗi niềm. Ban đầu không ai để ý nhiều nhưng có lẽ người đầu tiên quan tâm, động viên cô bé làm thơ này là nhạc sĩ Đỗ Hoà An. Nhạc sĩ đã chọn một số tác phẩm thơ của tôi  để phổ nhạc, cũng cho ra đời một số ca khúc như “Thu mơ”, “Hạ Long biển đợi”, “Chỉ có thể là anh”…

Sau bước ngoặt đó, Vũ Thị Hương bắt đầu chuyên tâm vào viết thơ và đến nay cô đã có khoảng trên 300 bài thơ tình, chủ yếu là tình yêu đôi lứa và tình yêu quê hương đất nước.

Nữ giảng viên Luật đam mê âm nhạc - 2

Đến nay Vũ Thị Hương đã có khoảng trên 300 bài thơ tình, chủ yếu là tình yêu đôi lứa và tình yêu quê hương đất nước.

Có lẽ vì thơ của Vũ Thị Hương có duyên nên đã được nhiều nhạc sĩ đồng hành cảm xúc như Nhạc sỹ Giao Tiên, Nhạc sỹ Lê Xuân Hoà, Nhạc sỹ Vũ Thiết, Nhạc sỹ Nhựt Phương; Nhạc sỹ Lê Thống Nhất, Nhạc sỹ Mạnh Hồ, Nhạc sỹ Vũ Quốc Nam, Nhạc sỹ Võ Xuân Hùng, Nhạc sỹ Vũ Việt Hồng, Nhạc sỹ Hoàng Thành, Nhạc sỹ Bùi Hoàng Uyên Minh, Nhạc sỹ Dương Hồng Kông, Nhạc sỹ Phan Huy Hà,  Nhạc sỹ Hoàng Nhật Dương, Nhạc sỹ Nguyễn Xuân Tuấn Dương, Nhạc sỹ Đinh Văn Bình, Nhạc sỹ Phạm Bốn…

Trong đó, một số tác phẩm đã được Đài Truyền hình Quảng Ninh, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội, Quân Đội, VTV phát sóng và có một số tác phẩm được biểu diễn trong live show của ca sĩ Đức Long năm 2021 và ca sĩ Đinh Hiền Anh vào cuối năm nay.

Cô chia sẻ: Kể từ khi bắt đầu bén duyên với nghệ thuật, tôi thấy cuộc sống vui tươi hơn, hạnh phúc hơn. Mỗi lần làm xong một bài thơ, tôi như thấy mình trẻ lại và xua tan hết ưu phiền. Thơ quả là một liều thuốc quý giá giúp giải nhiệt tâm hồn. Viết được ra, tôi cảm nhận như như được giải thoát những suy tư trăn trở, những cảm xúc ấy được ghi nhận từng ngày thông qua các chuỗi sự kiện và gắn với từng nhân vật vừa mới đi ngang qua. Đến giờ, tôi cũng không hiểu tại sao tôi không được học nhạc, cũng không nhận biết được nốt nhạc nào mà có thể sáng tác được 10 ca khúc trong khoảng thời gian rất ngắn.

Nữ giảng viên Luật đam mê âm nhạc - 3

Vũ Thị Hương tâm sự: "tư vấn pháp luật và sáng tác thơ, nhạc để bổ trợ cho nhau".

Gắn bó với nghề Luật, cô đã chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh, nhiều hoàn cảnh éo le cần sự trợ giúp về pháp lý. Cô tâm sự, trong thời gian gần đây, cô đã chứng kiến được rất nhiều cuộc chia ly và mỗi cuộc chia ly lại là một câu chuyện khác nhau, cho cô những cảm nhận khác nhau.

Tác phẩm đầu tay của cô là ca khúc “Không thể rời xa” được ra đời trong lễ giáng sinh năm 2021, nói về tình cảm của một cô gái yêu thương người đàn ông của mình trong sự hờn ghen nuối tiếc.

Ca khúc “Dại khờ” của cô được viết trong trạng thái cảm xúc được chứng kiến một người mẹ của ba đứa trẻ thơ dại đang bị chồng ruồng rẫy bỏ mặc, bạo lực tinh thần giữa chốn phồn hoa tưởng như là hạnh phúc.

Cô quan niệm, trong cuộc sống có những điều rất đỗi giản dị nhưng khi được ghi chép bằng thi ca và âm nhạc, nếu gặp may nó sẽ trở thành một bữa tiệc tinh thần thực sự đắt giá. Và ca khúc “Đừng hỏi vì sao” của cô cũng là một trong những tác phẩm được bắt đầu từ một câu chuyện thực tế sau một lần cô nhận lời tư vấn hỗ trợ pháp lý về hôn nhân gia đình cho một phụ nữ.

Hiện tại cô đang hướng đến sự kết hợp hài hoà giữa công việc giảng dạy tại Học viện Tư Pháp, tư vấn pháp luật và sáng tác thơ, nhạc. “Nghĩ cho cùng, tôi biết rằng có lẽ tôi là người rất may mắn khi được nhiều nhạc sĩ đồng hành cùng cảm xúc, cũng là chữ “duyên” mà mình được sở hữu. Tôi tự thấy rằng mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa và không ngừng học hỏi trong chuyên môn cũng như niềm đam mê với âm nhạc và thi ca” – Vũ Thị Hương chia sẻ.

Trương Nguyên Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất