Phan Cự Đệ với thành tựu khai mở một số vấn đề về lý luận văn học

Giáo sư, Viện sĩ, nhà lý luận - phê bình văn học Phan Cự Đệ (1933-2007) quê Nghệ An. Năm nay là năm kỉ niệm lần thứ 90 ngày sinh của ông. Ông từng giảng dạy tại Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) liên tục từ 1957. Phan Cự Đệ từng là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 1983- 1989, Ủy viên thường trực Hội đồng lý luận - phê bình. Giáo sư cũng là Giám đốc Trung tâm văn hóa quốc tế (RICC). Ông thuộc số những người khai mở một số vấn đề lý luận về phương pháp sáng tác, thể loại, phong trào, hiện tượng văn học, tác giả, và ở mức độ sơ khai, Giáo sư thuộc số những người đầu tiên chạm tới thi pháp học. Tiếp cận vào loại sớm nhất thành tựu lý luận của các học giả nước ngoài về thể loại tiểu thuyết, về chủ nghĩa lãng mạn và các trào lưu khác, Giáo sư Phan Cự Đệ đã trở thành một trong những chuyên gia lý luận đầu ngành về các vấn đề nói trên ở Việt Nam. Ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

1. Nếu không nói đến “Toàn tập”, thì “Tuyển tập Phan Cự Đệ” 4 tập (Nxb Văn học, 2000) thuộc những bộ sách đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam có số trang rất lớn (gần 3.000) mà giá trị của nó là hiếm thấy. Bộ sách là một hợp thể của ba cụm công trình khoa học lớn, được làm công phu, đạt chất lượng cao, rút ra từ các công trình đã xuất bản ở Việt Nam và nước ngoài từ năm 1959 đến năm 2000.

Nhằm khép lại, đồng thời góp phần tổng kết một thiên niên kỷ văn học viết - đỉnh cao, nơi tập trung nhất của văn hóa Việt Nam - và một thế kỷ văn học hiện đại nước nhà, chuẩn bị đón thiên niên kỷ thứ 3 cùng thế kỷ XXI, bộ sách “Tuyển tập Phan Cự Đệ” ra đời cùng những bộ sách quý khác (trong đó đặc biệt có bộ “Tổng tập Văn học Việt Nam” đồ sộ, dày nhiều nghìn trang), mang ý nghĩa tổng kết to lớn, sâu sắc, vượt ra ngoài phạm vi hẹp của bộ sách vốn mang tính học thuật chuyên sâu.

Phan Cự Đệ với thành tựu khai mở một số vấn đề về lý luận văn học - 1

Tập sách "Văn học Việt Nam thế kỷ XX"

Sau cuốn “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân, thì “Phong trào thơ mới 1932 - 1945” của Phan Cự Đệ là một chuyên luận khoa học đầu tiên đánh giá một cách có hệ thống toàn bộ hiện tượng văn học nói trên theo quan điểm mác - xít và cũng là một công trình lý luận đầu tiên ở Việt Nam nêu lên một cách có hệ thống những đặc trưng thẩm mỹ của chủ nghĩa lãng mạn ở Việt Nam và một phần nào trên thế giới.

“Tự lực văn đoàn”, “Con người và văn chương” là công trình khoa học đầu tiên của miền Bắc sau 1954, đánh giá lại Tự lực văn đoàn theo quan điểm mác - xít và cách nhìn của thời kỳ Đổi mới, trên cơ sở lý luận mới về hiện tượng văn học và tác giả văn học.

“Hàn Mặc Tử - Tác phẩm - Phê bình và Tưởng niệm” là công trình khoa học đầu tiên của miền Bắc sau 1954 đánh giá Hàn Mặc Tử theo quan điểm của thời kỳ Đổi mới, đi sâu vào nhiều vấn đề khoa học (lãng mạn và tượng trưng, siêu thực; Thiên chúa giáo, Khổng giáo, Lão giáo; đạo hay là đời; Hàn Mặc Tử và nhóm thơ Bình Định; Hàn Mặc Tử và ảnh hưởng của Paul Claudel, Edgar Poe ...). Công trình chứa đựng tư liệu khá phong phú về Hàn Mặc Tử (cung cấp thêm nhiều tác phẩm báo chí và văn xuôi), xác minh được một số tư liệu không phải của Hàn Mặc Tử mà Chế Lan Viên và Quách Tấn đã nhầm, khôi phục những bài thơ yêu nước của Hàn Mặc Tử.

“Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại” (2 tập, 800 trang) là công trình lý luận lớn đầu tiên ở Việt Nam về tiểu thuyết và nhìn chung, không bị thời gian xóa đi các nhận định khoa học chủ yếu. Tác giả nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam hơn bảy mươi năm (từ 1925 đến 1995) và tiểu thuyết thế giới dưới góc độ thể loại (nguồn gốc và quá trình hình thành của tiểu thuyết ở phương Đông và phương Tây, nhất là ở Việt Nam; đặc trưng thẩm mỹ của thể loại; những cuộc tranh luận về tiểu thuyết ở Việt Nam và thế giới trong mấy thập kỷ (1960 - 1990); nghệ thuật điển hình hóa nhân vật trong tiểu thuyết; lao động của nhà văn...). Nhiều bạn đồng nghiệp trong nước và nước ngoài đánh giá cao công trình này. 

Công trình “Nhà văn Việt Nam (1945 - 1975)” do Phan Cự Đệ chủ biên và viết, là bộ sách chân dung nhà văn được làm công phu đầu tiên sau bộ “Nhà văn hiện đại” của Vũ Ngọc Phan xuất bản trước năm 1945. Công trình đã tổng kết 30 năm văn học cách mạng bằng bốn tiểu luận về văn xuôi, lý luận - phê bình (Phan Cự Đệ viết), thơ, sân khấu (Hà Minh Đức viết), 29 chân dung văn học (Hà Minh Đức viết 15 chân dung, Phan Cự Đệ viết 14 chân dung).

Phan Cự Đệ với thành tựu khai mở một số vấn đề về lý luận văn học - 2

GS. Phan Cự Đệ

2- Thêm nữa, về hoạt động văn học mang ý nghĩa xã hội, Phan Cự Đệ cũng là người đầu tiên, vào năm 1990, ngay sau công cuộc đổi mới đất nước vừa được mở ra, đã kịp thời có ý thức và thực hiện giao lưu văn hóa, văn học với thế giới thông qua một tổ chức thuộc Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, gần như đại diện cho Việt Nam, do ông làm giám đốc, đó là Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Quốc tế (RICC). Từ đó đến khi ông mất, Phan Cự Đệ đã có nhiều đóng góp vào việc giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài. Ông là Chủ tịch 7 cuộc hội thảo quốc tế về Việt Nam học và văn học thế giới tổ chức tại Việt Nam và tại nước ngoài.

Năm 1992, Phan Cự Đệ là trưởng đoàn của RICC sang Đan Mạch dự cuộc hội thảo quốc tế về những vấn đề văn học, văn hóa, xã hội và lịch sử Việt Nam (từ 1930 đến 1990) do NIAS (Viện nghiên cứu châu Á của Bắc Âu) tổ chức. Trong tham luận "Mấy vấn đề về văn xuôi trong thời kỳ đổi mới", Phan Cự Đệ đã kịp thời khẳng định thành tựu đổi mới của các tác giả Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Hữu Mai. Chu Văn, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Nguyễn Kiên, Đỗ Chu, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Trí Huân, Ngô Ngọc Bội, Dương Hướng...

Bộ sách cho thấy tác giả là một nhà lý luận, phê bình, nghiên cứu luôn luôn nỗ lực lao động nghề nghiệp, luôn luôn khao khát vươn tới, cho thấy đậm nét một bản lĩnh và nhân cách khoa học. Khi tuổi đã cao, một số giáo sư như ông, dường như ít tiếp xúc với thời sự văn học, dẫn đến ít viết phê bình, đến mức gần như dừng hẳn, cốt dành tâm sức và quỹ thời gian còn lại để làm lý luận, tham gia biên soạn các công trình tầm cỡ.

Phan Cự Đệ với thành tựu khai mở một số vấn đề về lý luận văn học - 3

Phan Cự Đệ đã đi hầu như suốt một chặng đường dài của ngành lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học hiện đại nước nhà. 

Phan Cự Đệ thì ngược lại, đã ngoài sáu mươi tuổi, vẫn dấn thân vào một phương trời  mới: giao lưu văn hóa quốc tế, như vừa nêu ở trên. Cụm bài tiểu luận về văn hóa, văn học nước ngoài (mà bộ sách này chỉ chọn tuyển một số ít) cho thấy kiến văn rộng, sâu và năng lực nhạy cảm, hòa đồng cao của ông đối với ngoại cảnh rộng lớn, phức tạp, ngày một biến đổi đến ngỡ ngàng.

Ngỡ như vậy là Phan Cự Đệ đã rẽ sang một lối khác của chuyên môn. Thật ra, đấy là ông tự tạo điều kiện cho mình vừa thấy xa lại vừa hiểu gần, trông vượt ra bên ngoài để biết thấu bên trong hơn. Nhằm khẳng định đường lối văn nghệ đúng đắn đã chọn, đấu tranh chống các khuynh hướng "đổi mới" cực đoan, lợi dụng đổi mới, muốn phủ nhận thành tựu văn học cách mạng, tác giả bài “Mấy vấn đề lý luận về văn xuôi” đăng báo vào năm 1990 (trang 393 - 428, tập 4 Tuyển tập) cho thấy ông là một cây bút bám sát thời cuộc, nhạy cảm, sắc sảo và mới mẻ. 

3 - Cũng như nhiều tác giả khác, không phải tất cả các ý kiến của Phan Cự Đệ đều hoàn toàn đúng hoặc có sức thuyết phục cao. Ông cũng có những hạn chế thuộc hạn chế chung mang tính lịch sử - cụ thể và hạn chế của cá nhân ông nữa. Ông biết, vì thế, trên hành trình tiến nhanh về phía trước, ông luôn luôn ngoái lại, lắng nghe để học hỏi rồi điều chỉnh, sửa chữa, bổ sung luận điểm của mình. 

Tuy là người coi trọng tính nguyên tắc về các luận điểm học thuật, Phan Cự Đệ từ rất lâu (và nhất là mấy năm trước khi ông mất) cũng biết uyển chuyển, mềm mại tùy thuộc vào những trường hợp nào đó, nhằm phù hợp với quy luật vận động của lịch sử, của hoàn cảnh, khiến trí tuệ và tâm hồn ông thêm óng ánh sắc màu. Chính ở thời điểm này, tố chất tài hoa nghệ sĩ của nhà văn được phát rộ. Trước đó, niềm khao khát tìm đến vùng đất hoang vu, rậm rạp để khai mở sớm một số vấn đề lý luận; đức tính kiên trì theo đuổi có khi đến cực đoan phần nào về  một số luận điểm khoa học, phải chăng cũng xuất phát từ một trái tim nghệ sĩ? Những trang lý luận về thơ, về tiểu thuyết của Phan Cự Đệ không gây cho người đọc cảm giác khô khan, nặng nề, ngược lại, cuốn hút bởi ở đó chứa mỹ cảm nồng nhiệt.

Sinh thời, với dáng vẻ rắn rỏi, vững chãi, đầy tự tin mà không kém phần linh hoạt, nhanh nhạy; bằng một ý chí và nghị lực luôn luôn vươn tới mạnh mẽ, có phần lãng mạn, phiêu lưu, ông đã làm bộc lộ cá tính mạnh và tố chất nghệ sĩ của mình. Bốn mươi sáu năm, kể từ khi in tác phẩm đầu tiên (1961) đến khi mất đột ngột (2007), Phan Cự Đệ đã đi hầu như suốt một chặng đường dài của ngành lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học hiện đại nước nhà. 

Phạm Đình Ân

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhiều điểm mới trong Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2024

Nhiều điểm mới trong Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2024

Lễ hội Hoa Phượng Đỏ của Hải Phòng 2024 được tổ chức với quy mô cấp thành phố gắn với Kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2024) và đón nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà của Uỷ ban Di sản thế giới UNESCO.

Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024: “Thăng Long – Hà Nội, Thủ đô quyến rũ”

Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024: “Thăng Long – Hà Nội, Thủ đô quyến rũ”

Lễ Hội Du Lịch Hà Nội năm 2024 hứa hẹn sẽ mang tới cho du khách và nhân dân địa phương những trải nghiệm đầy màu sắc cùng nội dung phong phú, đa dạng. Với nhiều lần tổ chức thành công, Lễ hội tập trung vào khai thác những giá trị độc đáo, đặc sắc của di tích, làng nghề, ẩm thực Hà Nội và các địa phương.