Hoàng Trung Thông - Đa tài, vươn xa từ quê hương xứ Nghệ

Nhà thơ Hoàng Trung Thông (1925 - 1993), hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam (từ năm 1957), là một tên tuổi đáng nhớ. Những năm 80 của thế kỷ trước, tôi có đến thăm nhà thơ Hoàng Trung Thông mấy lần tại nhà riêng. Đó là căn nhà hơi hẹp trên gác hai phố Ngô Quyền, Hà Nội, được gọi bằng cái tên văn chương là Tao Phòng. Tôi nhớ dáng người đứng tuổi, cao đậm, vạm vỡ, đôi mắt đen to đầy cảm mến cùng với cử chỉ thân thiện, giản dị, dễ gần. Nhiều người đã quá biết rằng Hoàng Trung Thông thường xuyên đến căn nhà số 41, phố Trần Hưng Đạo gần nhà ông để sum vầy vui vẻ Rượu và Thơ cùng các bạn văn, đông nhất là các bạn viết trẻ. Nhà thơ bậc trưởng lão đặt cho nơi ấy cái tên đẹp và sang là Trúc Viên thi quán. Tôi không biết uống rượu cho nên chỉ đến đôi lần, hình như cùng Lưu Quang Vũ, Định Nguyễn... Đối với Hoàng Trung Thông, rượu là một phần đời ông, một phần thơ ông.

Hồi thơ ấu, tôi đọc trên báo Văn học một bài thơ của Hoàng Trung Thông đậm chất thơ mộng, trữ tình. Đó là thi ảnh những cô thôn nữ ngồi trên thuyền bơi giữa hồ sen trong cảnh thanh bình, vui hái những bông sen vừa mới vươn nở: 

Thuyền chở đầy hoa thắm

Tay ôm đầy hương thơm

              ...

Thuyền đi trên lá biếc

Mặt người lồng bóng hoa

...

Ba cô con gái

Má hồng hây hây

Hoa lướt nhẹ trên tay

Thuyền đi êm trên lá

Tiếng hát bay ngời trong nắng hạ

Thuyền chở đầy hoa đầy ước mơ.

Từ đó, tôi càng ngày càng có ấn tượng tốt đối với thơ Hoàng Trung Thông và ngưỡng mộ nhà thơ tiêu biểu cho thế hệ chống Pháp, chống Mỹ này.

Hoàng Trung Thông - Đa tài, vươn xa từ quê hương xứ Nghệ - 1

Nhà thơ Hoàng Trung Thông

Nhiều bạn đọc căn cứ vào nguồn gốc Nghệ An, dáng vẻ bề ngoài của Hoàng Trung Thông và câu thơ nổi tiếng "Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm", trong Bài ca vỡ đất (1948), cùng một số bài khác như bài Bài thơ báng súng:

Ta lại viết bài thơ báng súng

Con lớn lên đang viết tiếp thay cha

Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống

Người hôm nay viết tiếp người hôm qua.

Để thấy rằng thơ Hoàng Trung Thông chủ yếu là rắn rỏi, mộc mạc... Thật ra, thơ ông còn có một phẩm chất khá đậm là trữ tình, tinh tế... mà bài thơ nói đến các cô gái hái hoa sen vừa nêu là một dẫn chứng. Tôi từng ghi ngẫu nhiên trong sổ tay cách nay năm mươi năm mấy câu thơ xúc động trong bài Mẹ Bường (tập Trong gió lửa, 1971): Nhìn tôi, mẹ thở dài/ Nghẹn ngào không nói được/ Trên chiếc nong, mẹ mời tôi chén nước/ Chén đau này, tôi biết uống làm sao// Ôi một chiều Vĩnh Linh/ Tôi nhớ mãi/ Từ dưới hầm bước lên chậm rãi/ Bà mẹ Bường tóc bạc phơ phơ.

Và đây là một trong những câu thơ mềm mại, uyển chuyển, phảng phất hương vị ca dao:

Hoa cau thơm ngát đầu nương

Anh đi là giữ tình thương dạt dào

Cùng những câu khác trong bài Bao giờ trở lại viết vào các năm 1949, 1951 (đến năm 1955 nhạc sĩ Lê Yên phổ nhạc với tên Bộ đội về làng; sau này, bài thơ được tuyển chọn vào sách giáo khoa tiểu học). Đến tập Mời trăng, tập thơ cuối cùng ông công bố trước khi mất vài năm, lại đầy tâm sự, rất đậm chất trữ tình, chất mơ mộng, đượm buồn; câu chữ, hình ảnh tinh tế, uyển chuyển.

Nói đến Hoàng Trung Thông, trước hết là nói đến một nhà thơ của quê hương Nghệ An "Non xanh nước biếc như tranh họa đồ" (ca dao), một vùng nổi tiếng về văn chương, học thuật, lừng danh những ông đồ, nổi tiếng về truyền thống cách mạng. Từ thời thơ ấu, Hoàng Trung Thông đã yêu văn thơ và sáng tác. Nhiều bài thơ của ông, trong đó có Bài ca vỡ đất quen thuộc và nổi tiếng, nói lên cảnh và người Xứ Nghệ, đề cao vẻ đẹp, thể chất và tâm hồn người dân Xứ Nghệ. Bài thơ Bao giờ trở lại được phác thảo tại lớp văn hóa kháng chiến khu Tư đóng trụ sở tại Thanh Hóa, một tỉnh thuộc khu vực ba tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh, cũng là một vùng quê địa linh nhân kiệt trong những năm kháng chiến.

Ông đã có mười tập thơ trữ tình, hai tập tiểu luận phê bình, một tập thơ đả kích và một quyển văn xuôi. Hoàng Trung Thông còn dịch, giới thiệu văn học nước ngoài, đáng chú ý nhất là tác phẩm của các nhà thơ: Đỗ Phủ, Lục Du Adam Mickiewicz, Henrich Hainơ, Petôphi, Puskin, Maiacopxki...

Ngoài bài thơ Bao giờ trở lại Hoàng Trung Thông còn có bài Những cánh buồm cũng được tuyển chọn vào sách giáo khoa tiểu học trước năm 2000. Những cánh buồm là một bài thơ hay, nó được lấy làm tên chung của tập thơ, xuất bản năm 1964. Bài thơ thuật lại cảnh hai bố con dạo chơi trên bãi biển. Bài thơ không chỉ viết riêng cho trẻ em, viết về trẻ em mà còn viết chung cho mọi người. Đi vui bên con, nhân vật người cha có lúc lặng lẽ nghĩ suy sâu xa về quá khứ của mình, về hiện tại và tương lai của con. Hình như ông đã đoán được rằng con mình cũng đang mơ ước và muốn ước mơ trở thành hiện thực như người cha vậy. (Lời của con hay tiếng sóng thầm thì/ Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm?/ Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận/ Cha gặp lại mình trong những ước mơ con). Cha là tấm gương, là hình ảnh mẫu mà con cần noi theo, đồng thời con là niềm hy vọng, tình yêu của cha.

Hoàng Trung Thông - Đa tài, vươn xa từ quê hương xứ Nghệ - 2

Ông cũng là người có công lớn trong hoạt động quản lý văn học nghệ thuật.

Nhà thơ Hoàng Trung Thông là người có công lớn trong việc quản lý hoạt động văn học, nghệ thuật. Từng là bí thư chi bộ xã, chính trị viên huyện đội Quỳnh Lưu, Trưởng ban tuyên huấn Tỉnh ủy Nghệ An, ông có nhiều kinh nghiệm về tổ chức, quản lý. Sau này, hiểu thêm nghề nghiệp văn chương, học thuật, Hoàng Trung Thông đã giữ những cương vị quan trọng như: Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ thuộc Hội Văn nghệ Việt Nam (nay là Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam); Tổng biên tập báo Văn nghệ, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, Vụ trưởng Vụ Văn nghệ Ban Tuyên huấn Trung ương, Ủy viên thường vụ Ban Chấp hành Hội nhà văn Việt Nam, phụ trách Tạp chí Tác phẩm mới...

Những cương vị mà Hoàng Trung Thông đảm nhiệm nói trên đã giúp nhà thơ đi sâu vào lĩnh vực phê bình để rồi từ đó ông trở thành một cây bút phê bình nghiêng về hướng chính luận. Trước đó, có thể là trong thời gian làm việc ở Tỉnh ủy Nghệ An, Hoàng Trung Thông đã cho xuất bản cuốn Xô viết Nghệ An. Sau này, những tiểu luận bàn về văn học được tác giả soạn lại, đưa vào hai tập sách: Chặng đường mới của văn học chúng ta (1941) và Cuộc sống thơ, thơ cuộc sống (1979). Tiểu luận phê bình của Hoàng Trung Thông vừa giàu cảm xúc của tác giả sáng tác lại vừa có tính định hướng rộng về tư tưởng của người quản lý và kiến thức uyên thâm của một thầy đồ Xứ Nghệ cần cù học hỏi.

Hoàng Trung Thông từng tham gia điều hành, tranh luận, tổng kết về các tác phẩm tạo dư luận như: Cây táo ông Lành, Chuyện một đêm đợi tàu, Cái gốc, Tình rừng, Cửa mở... Ông đã từng ba lần làm Chủ tịch Ban giám khảo phim truyện Việt Nam.

Khi Hoàng Trung Thông về viện Văn học làm việc mười năm, ông đã đưa cơ quan nghiên cứu này trở lại thế ổn định, tạo mối quan hệ tốt giữa Viện văn học và Hội Nhà văn Việt Nam.

Hoàng Trung Thông am hiểu Hán học, sử dụng tốt tiếng Hán. Ông là dịch giả thơ Đường có hạng. Ông còn là tác giả thư pháp chữ Hán tiêu biểu, là tác giả của những câu đối, về đối được lưu truyền.

Với bút danh Đặc Công (dùng cho thơ đả kích địch), Bút Châm (dùng cho thơ châm biếm nội bộ), Hoàng Trung Thông cũng là cây bút quen biết một thời, sử dụng tốt thể loại đả kích - châm biếm. Ông còn có bút danh Hồng Vân.

Sáu mươi tám tuổi đời, bốn mươi tám năm hoạt động văn nghệ và sáng tác, Hoàng Trung Thông là một nhân cách văn học, một tên tuổi đa tài trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Hoàng Trung Thông đã được trao các Giải thưởng: Giải thưởng thơ Hội Văn nghệ Việt Nam hai năm 1954 - 1955; Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I, năm 2001.

Phạm Đình Ân

Tin liên quan

Tin mới nhất