Thi sĩ Bùi Giáng - Thơ điên hay thơ tiên

Nhà thơ Bùi Giáng sinh năm 1926, tại thôn Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, mất ngày 17 tháng 8 năm Mậu Dần (07/10/1998) tại Tp. Hồ Chí Minh. Bùi Giáng sinh trưởng trong một gia đình hào phú, là thứ nam của ông Bùi Thuyên, thường được gọi ông Cửu Tý, ông cũng bị chứng cuồng nhẹ. Có lẽ vì thế Bùi Giáng bị ảnh hưởng gen điên của cha, mẹ ông là bà Huỳnh Thị Kiểng. Ông cố nội Quản Nghị có đến 4.000 mẫu đất. Nhưng lớn lên Bùi Giáng sống cực khổ lang thang khắp miền Trung, đi chăn dê ở miền đồi núi Trung Phước, Quảng Nam. Ông lang thang lên các quả đồi hái hoa, hái lá kết vòng đeo vào cổ cho dê. Ông gọi dê là các em, mỗi con dê được ông đặt cho một cái tên.

Những ngày tháng chăn dê đã đi vào trong nhiều trang thơ của ông, mà tiêu biểu là nỗi lòng Tô Vũ:

Này em Đen chiếc vòng vàng tươi lắm

Này em Vàng chiếc trắng há mờ đâu

Này em Trắng chiếc hồng càng lóng lánh

Này em Hoa Cà hỡi! Chiếc nâu

Ngẩng đầu lên! dê ơi anh thong thả

Đeo vòng vào em nghển cổ cong xinh

Ngẩng đầu lên! Đây lòng anh vàng đá

Gửi gắm vào vòng mây nhuộm tơ duyên. 

Sau khi tốt nghiệp bậc phổ thông trung học, Bùi Giáng có ghi danh vào Đại học Văn khoa Sài Gòn, nhưng rồi ông không thích theo con đường cử nghiệp, Bùi Giáng ở nhà dành hầu hết toàn bộ thời gian cho việc tự học, nghiên cứu, dịch sách và sáng tác văn chương, đặc biệt là thơ.

Trong thập niên 60 - 70 của thế kỷ XX, thỉnh thoảng Bùi Giáng có nhận dạy một ít giờ tại một số trường trung học tư thục tại Sài Gòn.

Thi sĩ Bùi Giáng - Thơ điên hay thơ tiên - 1

Thi sĩ Bùi Giáng

Bùi Giáng vừa là học giả, là nhà nghiên cứu, là dịch giả, vừa là thầy giáo, nhưng trước hết ông là một thi sĩ đã để lại cho đời vô số giai thoại nửa thực nửa hư, bi hài trộn lẫn.

Người đời không hề ngần ngại gọi ông là nhà thơ điên. Thế nhưng cái điên của ông lại quá đỗi đặc biệt, như một tỷ lệ thuận với những lao động sáng tạo mà ông để lại cho đất nước. 

Chất điên ở Bùi Giáng rõ là không giống ai, đã gợi lên trong mỗi chúng ta một tâm hồn rất đỗi nhạy cảm trước cái đẹp, trước cuộc sống, trước những câu chuyện nhân sinh.

Và khi đi vào thơ, để điên trở thành một hình tượng nghệ thuật, người viết (bài này) cho rằng không có thi sỹ nào tạo ra một mật độ dày đặc như Bùi Giáng. Điên trong thơ Bùi Giáng giống như một hệ hình thẩm mỹ, đi từ tâm thân ra tới ngoại cảnh, có thể bao trùm hết không gian, thời gian, từ cái cụ thể đến cái trừu tượng và được dẫn dắt, kéo đi bằng một dòng cảm xúc ngập tràn:

Tờ điên trang điểm thêu thùa

Chữ điên càng viết càng đùa giỡn suông

Tình điên đổi ngọn thay nguồn

Mộng điên trút lục giũ hường đổ sông 

Một điên cuồng tưởng vời trông

Hai điên tường dại hư không đặt lời 

Ba điên dại niệm dài hơi

Bốn điên mê tưởng về nơi phiêu bồng

Năm điên chuốc não bỗng không

Sáu điên sầu tỏa chụm bông giữa hàng

Bảy điên thụ động đầu trang 

Tám điên đầu lá nhặt khoan tự tình 

Chín điên trường dạ dặm nghìn

Mười điên vĩnh viễn theo bình minh điên.

(Quà Nguyên đán) 

Hơn nữa, thi sĩ còn coi điên như là một món quà mà Tạo hóa, Trời Đất, Cuộc đời đã ban tặng cho mình để mà mình vui thú khoái hoạt triền miên. Điều không có mở đầu, mà cũng không có kết thúc.

Bùi Giáng coi điên cũng tự nhiên như hơi thở:

Mẹ về ngủ giấc bình yên

Con đi suốt xứ còn điên như thường.

(Thơ điên tái điệp)

Đối với Bùi Giáng điên không chỉ gắn với từng phút giây của đời sống mà còn theo con người tới tận khi giã từ trần thế. Nhưng khi ấy, điên hình như vẫn không mất đi mà lại tiếp tục tái sinh trong một hành trình khác:

Cuộc điên đã chấm dứt rồi

Bây giờ điên nữa cho đời điên thêm.

Bùi Giáng là một thi sĩ đa tài, lúc tỉnh, lúc điên, mà người ta không biết ông điên lúc nào, rất ít người lý giải được. Ông không đứng ở hiện tại. Ông sống ở Tại thế bơ vơ. Khi tận cùng dĩ vãng, lúc chót vót tương lai. Cái có thì không, cái không thì có. Ông si tình và si Thượng đế, nhưng ngay cả tình cũng không, mà Thượng đế cũng không nốt. Ông sống với cõi Tiên, cõi Phật, nhưng thể xác đau đớn vì bệnh hoạn. Nhưng ông có thấy đau đâu. Quần áo tả tơi, nhưng ông không thấy nó rách nát. Ông buộc vào những chỗ lành bằng những túm chỉ xanh, đỏ, vàng. Những chỗ rách thấy thịt da thì ông cho là lành lặn, vì ông nghĩ da thịt ông đã mặc áo quần da trời.

Thi sĩ Bùi Giáng - Thơ điên hay thơ tiên - 2

Thi sĩ Bùi Giáng trong một lần đến nhà nghệ sĩ Kim Cương - Ảnh tư liệu

Ông chơi trò bảy sắc cầu vồng trong cái thế giới vô vị mà ông bày đặt ra và say mê nó như một cách để an ủi. Ông thương những người da bọc xương và cả những người no béo bị giam hãm trong nhà lầu, xe hơi. Khi trò chơi chưa đã, ông bắt đầu kéo căng dĩ vãng về đến chơi trong tương lai rồi ngược lại. Ông đứng chỗ nào trong thế giới này? Ta không lý giải nổi, nhưng ta hiểu1*. 

Nhà thơ Thu Bồn kể rằng: những người bà con “cố đưa ông về một chỗ để tiện việc nuôi nấng cấp dưỡng, nhưng ông đâu có chịu. Nhà của ông là vũ trụ. Hồi chiến tranh có lần nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường đến thăm, ông đang ngủ trong nghĩa 

trang thành phố. Hoàng Phủ Ngọc Tường đánh thức ông dậy. Ông từ từ ngồi dậy và có ý bảo Tường nói nho nhỏ đừng làm người dưới mộ thức giấc... ”

Nói Bùi Giáng điên, thực ra ông rất tỉnh. Thu Bồn kể tiếp: “Được biết ông bị một gã chủ quán vô lại đánh bị thương nặng phải cấp cứu ở bệnh viện Chợ Rẫy. Bùi Bảy (người nhà) làm đơn kiện tên chủ quán, thì ông ngăn lại. Ông nói hãy tha cho nó, nó ngu dốt mới đánh mình, vì nó không biết mình là con nhà Trời. Nếu kiện, nó ở tù, không ai bán hủ tíu cho bà con ăn...”.

Sự nghiệp văn học nhà thơ Bùi Giáng rất đồ sộ, ta có thể kể ra đây vô số tác phẩm: Nhận xét về Bà Huyện Thanh Quan (Sài Gòn, 1957); Nhận xét về lục Vân Tiên (Sài Gòn, 1957); Nhận xét về Truyện Kiều (Sài Gòn, 1957); Giảng luận về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (Sài Gòn, !959); Giảng luận về Chu Mạnh Trinh (Sài Gòn, 1959); Giảng luận về Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị (Sài Gòn, 1959); Tư tưởng hiện đại (Sài Gòn, 1960);  Martin Heidergger và tư tường hiện đại I và II (Sài Gòn 1963, tái bản NXB Văn học, 2001); Sao gọi là không có triết học Heidergger (Sài Gòn, 1963); Mưa nguồn (thơ, Sài Gòn, 1963, tái bản ở Hoa Kỳ, 1998); Lá hoa Cồn (thơ, Sài Gòn, 1963); Màu hoa trên ngàn (thơ, Sài Gòn, 1963); Sa mạc trường ca (thơ, Sài Gòn, 1963); Bài ca Quần đảo (thơ, Sài Gòn 1963); Thơ Bùi Giáng (Montreal, Canada, 1990, tái bản, California, Mỹ, 1994); Phong rêu (thơ, Đà Nẵng, 1996); Chớp biển (thơ, Hoa Kỳ, 1996); Bùi Giáng thi tuyển (thơ, Hoa Kỳ, 2000); Đi vào cõi thơ (Sài Gòn, 1969); Thi ca tư tưởng (Sài Gòn, 1969);  Mùa xuân trong thi ca (Sài Gòn, 1969); Mùa thu trong thi ca (Sài Gòn, 1970); Trăng Tỳ Hải (dịch, Sài Gòn, 1966); Khung cửa hẹp (dịch, Sài Gòn 1966, tái bản lần 5 tại Hoa Kỳ); Cõi người ta (dịch, Sài Gòn, 1966); Hoa Ngõ Hạnh/Othello (dịch, Sài Gòn, 1966); Bạo chúa Caligula (dịch, Sài Gòn, 1967); Ngộ nhận (dịch, Sài Gòn, 1967); Con người phản kháng (dịch, Sài Gòn, 1968); Mùa hè sa mạc (dịch, Sài Gòn, 1966); Kẻ vô luân (dịch, Sài Gòn, 1968); Ophelia Hamlet (dịch, Sài Gòn, 1969); Nhà sư Vương Lụy (dịch, Sài Gòn, 1968); Hòa âm điền dã (dịch, Sài Gòn, 1969); Hoàng tử bé (dịch, 1973); Mùa hương xuân sắc (dịch, Sài Gòn, 1974); Sa mạc phát tiết (dịch, Sài Gòn, 1969); Sương bình nguyên (dịch, Sài Gòn, 1969); Trăng châu thổ (Sài Gòn, 1969); Thúy Vân (Gòn, 1969); Biển Đông xe cát (Sài Gòn, 1970); Ngày tháng ngao du (Sài gòn, 1971); Đường đi trong rừng (Sài Gòn 1972); Lời Cố quận (Sài Gòn, 1972); Đêm ngắm trăng (NXB Tp. HCM, 1997); Như sương (NXB Văn nghệ, Tp. HCM, 1998); Tùy bút thần thoại Hy Lạp (Hoa Kỳ, 2001)

Ngoài ra Bùi Giáng còn một số tác phẩm in chung với Ngô Văn Tạo, Trịnh Công Sơn...

Thi sĩ Bùi Giáng - Thơ điên hay thơ tiên - 3

Bùi Giáng là một thi sĩ đa tài.

Đọc Bùi Giáng, Bùi Văn Nam Sơn viết: “…Anh Giáng là sao Văn Khúc “hạ giáng” vào cửa họ Bùi ta chăng? Là một Thi Quỷ hay Thi Tiên có một không hai trong nền văn học dân tộc? Là một bậc La Hán tự phát nguyên trở thành xác thịt để khóc, cười an ủi chúng sinh? Khen hay chê? Thích hay không? Anh vẫn thuộc vào loại thiên tài không định nghĩa được (génie indéfinissable) làm bằng một thứ nguyên liệu hiếm, là một giống chim lạ dễ tuyệt chủng mà trời đất không nỡ làm đứt mạch văn, làm cạn nòi tình – lâu lâu lại cho phục sinh một lần… ”.

Bùi Văn Sơn Nam còn khẳng định: “Viết đôi lời hay nhiều lời về Bùi Giáng không bằng đọc Bùi Giáng. Đọc Bùi Giáng không bằng giao du với Bùi Giáng. Giao du với Bùi Giáng không bằng sống như Bùi Giáng. Mà sống như Bùi Giáng thì thật vui mà thật khó vậy!”

Nhận định về văn thơ Bùi Giáng, Mai Thảo cho rằng: Chỉ thích thơ văn Bùi Giáng thầy Thanh Tuệ chỉ in Bùi Giáng, dành trọn phương tiện cho ưu tiên xuất bản Bùi Giáng trước mọi tác giả khác. “Và giai đoạn đó có thể đặt tên là giai đoạn Bùi Giáng (…), vì những năm tháng đó chính là những năm tháng đánh dấu cho thời kỳ sáng tác kỳ diệu, sung mãn nhất của Bùi Giáng, cõi văn, cõi thơ Bùi Giáng bấy giờ ào ạt vỡ bờ, bát ngát, trường giang mênh mông châu thổ. Bùi Giáng bấy giờ mỗi tuần viết cả ngàn trang khiến chúng tôi bàng hoàng, khiếp đảm, ngôn ngữ và tư duy Bùi Giáng bấy giờ hiển lộng tới không bến, không bờ, vô cùng, vô tận…Bùi Giáng chất ngất một trời chữ nghĩa. Bùi Giáng trùng trùng một biển văn chương…

…Bùi Giáng là một cái hiện tượng dị thường của một suối thơ ăm ắp không ngừng (…). Nói đến mấy ngàn bài thơ Bùi Giáng là đúng. Mà nói thơ Bùi Giáng chỉ có một bài, vô tận, vô cùng là đúng hơn. Ngủ ra thơ, thở ra thơ, đi ra thơ, đứng ra thơ, chứ không phải nghĩ thơ, làm thơ. Ta cứ tạm hiểu cái tạng thơ kỳ lạ khác thường ở Bùi Giáng là như vậy (…)

…Điều kỳ lạ là không riêng một thể loại trước tác nào cũng có ngay sách, dễ dàng và nhanh mau vô tả. Từ thơ đến văn. Từ một cuốn tiểu luận về Camus đến một cuốn tiểu luận về Nguyễn Du. Từ dịch thuật tiểu thuyết tới phê bình triết học. Tất cả như đùa như chơi vậy…

…Bùi Giáng mang lại cho cuộc đời biết bao nhiêu châu ngọc. Bằng tài thơ trác tuyệt. Bằng cõi ngôn ngữ ảo diệu, vô tiền khoáng hậu. Có ông, thi ca mới đích thực có biển có trời. Từ ấy, thi ca mới không cùng không tận…”.

Đánh giá về Bùi Giáng, Trương Vũ Thiên An viết: “…Rất nhiều người cho rằng Bùi Giáng hơi điên điên và thơ ông cũng…điên hơi hơi. Tôi không định viện dẫn trường hợp Hàn Mặc Tử cũng đã từng bị nhận định như vậy để chiêu tuyết cho Bùi Giáng. Những con người dị thường về cá tính, độc đáo về bản lĩnh như Hồ Xuân Hương, như Bùi Giáng là những con người không cần thiên hạ phải bảo vệ. Bảo vệ Bùi Giáng là làm tổn thương đến Bùi Giáng. Khó mà thấy được chính kiến của Bùi Giáng qua thơ ông. Không xác định được ông thuộc chính kiến nào nên người ở chính kiến nào cũng dè dặt khi viết về ông. Và công bằng mà nói, cách viết của ông nhiều lúc cực kỳ khó hiểu. Thành ra ông cứ…điên! Cả thiên hạ đổ xô xầm xì là ông điên, chỉ có mình ông là nói to một cách hồn nhiên, hăm hở “dzui dzẻ” là mình điên! Trong tiểu luận “Ngày tháng ngao du” Bùi Giáng khẳng định: “Nó điên! Nhưng điên một cách vui vẻ”… 

…Đó là cái điên của một con người đã hồn nhiên tin rằng cuộc đời là một cuộc chơi, sống ở đời chẳng qua cũng chỉ là làm một cuộc ngày tháng ngao du…”.

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh thời viết trong bài “Bùi Giáng trong cõi nào đây” đăng trên báo Thanh niên số 161 ra ngày 09/10/1998 kết luận: Bùi Giáng thi sĩ là ai? “Là hư không, là vô thường, là thiên niên kỷ trước, là lầu không, là vô biên mầu nhiệm, là bát quái trận đồ vô ra bế tắc, mà rốt cùng vẫn luân lưu một sự đời miên viễn nói cười hả hê vu vơ mầu nhiệm.

Ở cõi đời này, anh đã đến, đã sống và đã rơi vào một cơn hôn mê bất tận. Anh nói cười bằng một ngôn ngữ xa lạ với thế gian và từ đó sinh ra ngộ nhận. Ngộ nhận gây nên đớn đau ấy anh như kẻ đắm tàu mang đi cùng mình một nỗi tuyệt vọng bất khả tư nghi…”.

Thi sĩ Bùi Giáng - Thơ điên hay thơ tiên - 4

Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn

Bài “Mắt buồn” của thi sĩ Bùi Giáng là một điển hình của nỗi tuyệt vọng đó:

Bỏ trăng gió lại cho đời,

Bỏ ngang ngửa sống giữa lời hẹn hoa,

Bỏ người yêu, bỏ bóng ma,

Bỏ hình hài của tiên nga trên trời,

Bây giờ riêng đối diện tôi,

Còn hai con mắt khóc người một con.

…..

Nỗi tuyệt vọng đó ta còn thấy rõ trong bài “Phụng hiến”:

Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại,

Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu

Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi

Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu

Cây và cối bầu trời và mặt đất

Đã nhìn tôi dưới sương sớm trăng khuya

Mở buồng phổi đón gió bay bát ngát

Dừng bên sông bến cát buổi chia lìa

Hoàng hôn xuống, bình minh lên nhịp nhịp

Ngàn sao xanh lùi bước trước vừng hồng 

Ngày rực rỡ đêm êm đềm kế tiếp 

Đón chào tôi chúng cười khóc bao lần.

……

Người ta vẫn nói thơ Bùi Giáng là thơ điên điên, say say, nhưng lại bao hàm triết lý sống, qua bài “Chào nguyên Xuân”:

Xin chào nhau giữa con đường

Mùa xuân phía trước miên trường phía sau 

Tóc xanh dù có phai màu

Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng

Xin chào nhau giữa lúc này

Có ngàn năm đứng ngó cây cối và

Có trời mây xuống lân la 

Bên bờ nước có bóng ta bên người.

1*) Lược ý bài ‘”Tại thế bơ vơ” (thơ Bùi Giáng) của nhà thơ Thu Bồn

Trần Mạnh Thường

Tin liên quan

Tin mới nhất

Những điểm đến nổi bật nhất châu Á

Những điểm đến nổi bật nhất châu Á

Sự đa dạng về văn hóa và địa lý ở lục địa lớn nhất thế giới này thật đáng kinh ngạc và nó chính là một trong những điểm nhấn thu hút du khách kéo đến ngày một đông.