Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã “về ngủ dưới miền cỏ lạ”

Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ngày 09 tháng 9 năm 1937, tại Thành phố Huế, ông người làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sinh thời nhiều năm sống và làm việc ở Thành phố Huế. Vì vậy, tuy là dân Quảng Trị, nhưng Huế là nơi ông có nhiều kỷ niệm từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành và già đi theo năm tháng. Huế còn là nơi có một gia đình vợ (nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ), con, anh chị em ruột thịt, với bếp lửa bập bùng nuôi giữ nếp sống Huế, tính cách Huế, hòa đẫm tình yêu thiên nhiên, tình yêu Huế xuyên suốt năm tháng.

Hoàng Phủ Ngọc Tường, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn khóa I, Ban Việt -Hán (1960). Cử nhân triết học Đại học Văn khoa Huế. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1978).

Trong những năm sống dưới chế độ Mỹ - ngụy, Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa dạy học, vừa tích cực tham gia phong trào học sinh, sinh viên và giáo giới Huế, đấu tranh chống đế quốc Mỹ can thiệp và bè lũ ngụy quyền Sài Gòn bán nước, đòi độc lập thống nhất Tổ quốc.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã “về ngủ dưới miền cỏ lạ” - 1

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường

Ngay từ lúc còn trẻ, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết văn, làm báo. Ông từng là Tổng Thư ký Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình thành phố Huế, Trưởng ty Văn hóa – Thông tin tỉnh Quảng Trị của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, Hoàng Phủ Ngọc Tường được bầu làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Trị, Tổng Biên tập tạp chí “Cửa Việt”. Khi tỉnh Bình Trị Thiên được thành lập, ông giữ chức Tổng Thư ký, rồi Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bình Trị Thiên. Sau ngày tỉnh Thừa Thiên, Huế được tái lập, ông làm Tổng Biên Tập tạp chí “Sông Hương”.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã “về ngủ dưới miền cỏ lạ” - 2

Hoàng Phủ Ngọc Tường tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam

Năm 1998, ông bị bạo bệnh, nhưng được sự giúp đỡ nhiệt tình của các y bác sỹ, bạn bè trong và ngoài nước và sự chăm sóc tận tình, chu đáo của gia đình, sức khỏe của ông đã được phục hồi một phần. Nhưng do tuổi cao, sức yếu ông đã qua đời vào hồi 2 giờ 30, ngày 24 tháng 7 năm 2023, hưởng thọ 86 tuổi.

Ông viết không nhiều, trang văn còn khá khiêm tốn nhưng đó lại là những trang rực lửa của một cây bút mạnh mẽ, xuất sắc của miền Trung, xứ Huế.

Nhắc đến nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, bạn đọc nhớ ngay tập bút ký “Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu” (1971); “Rất nhiều ánh lửa” (ký, 1979); bài bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông” (1985), đã làm xốn xang tình cảm bạn đọc; “Bản di chúc cỏ lau” (truyện ký, 1991); cùng với “Huế di tích và con người” (1996) và “Ngọn núi ảo ảnh” (NXB Thanh niên ấn hành, 2000) đã gây ấn tượng mạnh trong lòng độc giả.

Đọc Hoàng Phủ Ngọc Tường không thể không nhớ đến những áng văn làm say đắm lòng người với các bài: “Trong mắt tôi” (2001); “Rượu hồng đào chưa uống đã say” (2001). Ông là chủ nhân của tác phẩm thơ “Những dấu chân qua thành phố” (1976) và tập thơ “Người hái phù dung” (1992)...

Trong đó tác phẩm “Rất nhiều ánh lửa” được giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 1980. Năm 2001, ông lại được giải thưởng văn học của Hội Nhà Văn Việt Nam với tác phẩm “Miền gái đẹp”. Năm 2007, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT với tác phẩm “Ai đặt tên cho dòng sông”.

Có người so sánh rằng, nếu nhà văn Tô Hoài biết từng ngõ ngách, phố phường và nếp sống sinh hoạt của người Tràng An- Hà Nội và Sơn Nam nhà văn Nam Bộ biết tận chân tơ kẽ tóc của đất trời, lòng người Sài Gòn - Bến Nghé, thì nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường “nắm cả tâm hồn trong khuôn mặt cuộc đời  cùng với đất trời, sông núi của Huế” đẹp và thơ.

Hoàng Phủ Ngọc Tường là cây bút đặc sắc về thể ký, được bạn đọc đánh giá rất cao về mảng văn học này, trong đó tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là bút ký “Ai đặt tên cho dòng sông”, viết năm 1981, đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình ngữ văn phổ thông. Ông có được thành công trước hết bắt nguồn từ vốn sống và những hiểu biết sâu sắc của cả một quá trình tìm hiểu, quan sát, suy ngẫm và nghiên cứu.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã “về ngủ dưới miền cỏ lạ” - 3

Hoàng Phủ Ngọc Tường là cây bút đặc sắc về thể ký.

Nhận định về Hoàng Phủ Ngọc Tường, trong cuốn “Tác giả văn học” (tập II, NXB Giáo dục), viết: “Trong số không nhiều nhà văn đã dành gần như toàn bộ lao động nghệ thuật của mình cho thể ký hiện nay, Hoàng Phủ Ngọc Tường là một cây bút đặc sắc. Đóng góp của ông cho thể văn này, bắt nguồn từ vốn sống và tri thức chắc chắn do một quá trình quan sát, suy ngẫm và tìm đọc...

Sự nhạy bén trong việc nắm bắt hiện thực nhanh và chóng nảy ra những vấn đề đáng quan tâm, đáng bình luận, là nguồn gốc tạo nên thành công ở các trang viết của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường...”.

Sinh thời nhà văn Nguyễn Tuân, bậc thầy về thể ký, nhận xét: “Ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường“ rất nhiều ánh lửa”.

Đọc tập bút ký “Ngọn núi ảo ảnh”, nhà thơ Hoàng Cát viết “...Hoàng Phủ Ngọc Tường có một phong cách viết bút ký văn học riêng mình. Thế mạnh của ông là tri thức văn học, triết học, lịch sử, địa lý sâu và rộng, gần như đụng đến vấn đề gì, ở thời điểm nào và ở đâu thì ông vẫn có thể tung hoành thoải mái ngòi bút được...

Phải nói thành thật rằng, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc tường có một sức nhớ sâu các biến cố, biến thiên của lịch sử dân tộc. Tôi có cảm tưởng như phảng phất trong các trang viết của ông vấn đề tôn vinh dân tộc, tự hào dân tộc cũng được ông trân trọng và quan tâm thường trực...”.

Có thể nói rằng – Hoàng Cát viết tiếp “Những trang tùy bút hồi ức và ngẫu hứng đầy sự rung động thiết tha với quê hương, đất nước và dân tộc Việt Nam. Đọc nó ta thấy ta được giàu có lên về tâm hồn và trí tuệ. Văn chương bình dị, nhưng sang trọng, sắc sảo và lắng sâu...”

Cảm phục trước phong cách tùy bút văn học đặc biệt của Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, sinh thời đã có những câu thơ khẳng định tài năng của tác giả:

Sao thèm một điều gì xưa lắm,

Thèm đọc một đoạn văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Có ai đó rót chiều vào chén ngọc

Huế dịu dàng xây bằng khói và sương.

Viết về tập truyện – ký “Rất nhiều ánh lửa”, nhà văn Nguyễn Tuân viết trên tuần báo Văn nghệ số 25 (1980), cho rằng: “Tập truyện và ký “Rất nhiều ánh lửa” của Hoàng Phủ Ngọc Tường gồm chín tiết mục và mở đầu bằng một truyện ngắn về lớp học bình dân (...). Truyện “Rất nhiều ánh lửa”, dựng lại câu chuyện một ông giáo vùng tạm chiếm Huế, gặp lại một học trò lười cũ, nay là giáo viên lớp xóa mù chữ giữa Huế giải phóng. Trò lười cũ hồi đó rớt thi tú tài và phải học đúp lại, mà vẫn trễ nải, vào lớp thì vẫn ngủ gật, ông thầy vừa thất vọng vừa lo cho người học trò lười này, không khéo rồi nó tới bắt làm lính đi trận mất thôi (...). Thì té ra cái tên học trò lười đó của mình lại là một chàng trai của cách mạng, ngày nó ngủ gật giữa lớp, vì... đêm qua và nhiều đêm qua, nó phải làm nhiều công việc của cách mạng giao cho nó, chứ không phải nó không chịu học. Ông thầy thấy mình cần phải xét lại cái sự giáo điều ở mình. Rồi ông thầy cũng bỏ đi, đi theo người học trò bỏ trường. Ông thầy đã tỉnh ra bởi người học trò lười đó. Trò thành ra giác ngộ thầy mình (...).

Vào chuyện, chỉ mới đọc qua 13 dòng đầu đã thấy Ngọc Tường thật là người yêu thương gắn bó với cái thành phố của mình. Trên màu sắc độc đáo ấy của Huế, nổi lên chân dung thầy giáo vừa đánh xong giặc xâm lăng, thì lao luôn vào việc đánh giặc dốt và nổi lên cái sinh khí lớp tối vang nhịp của tuổi nhỏ, tuổi già đang được vỡ lòng.

Bố cục truyện này khá chặt chẽ, nhiều mảng có đức tính của thể văn kịch nói. Cách đây ít chục năm, tôi nhớ được đọc kịch nói “Lớp học vùng tề”. Nay đọc truyện “Rất nhiều ánh lửa”, thấy càng thích cái chủ đề thầy giáo cô giáo trong đề tài bao la của giáo dục...”.

Đọc “Rất nhiều ánh lửa”, Ngọc Trai khẳng định rằng; “...Tập “Rất nhiều ánh lửa” gồm chín truyện và ký. Điều vui mừng ở đây là cả chín truyện và ký không có cái nào yếu hoặc trung bình cả. Ngọc Tường viết chưa nhiều, nhưng những gì anh viết ra là kết quả của quá trình tích lũy, nghiền ngẫm và tâm đắc. Vì vậy, có những cái hay như “Rất nhiều ánh lửa”; “Chế ngự cát”; “Miếng trầu đỏ”; “Rừng đước mặn”... Có những bài bố cục thật đẹp “Như con sông từ nguồn ra biển”; “Còn mãi đến giờ”.

Hoàng Phủ Ngọc Tường cố gắng “là mình” khi anh nhìn, suy nghĩ và cảm xúc bằng “chính mắt mình” và anh nói lên bằng cái lối, cái giọng của riêng mình. Nhờ có ánh lửa từ trong lòng rọi lên mọi sự vật mà anh đã đem lại nhiều sắc thái, nhiều rung cảm mới mẻ cho những gì vốn rất phổ biến và quen thuộc của thực tại đất nước những năm kháng chiến.

...Một điểm nữa của Hoàng Phủ ngọc Tường, tôi muốn giới thiệu như là đóng góp thêm của anh vào văn học hiện nay. Đó là những điều anh viết về sự biến đổi của cuộc sống và tâm hồn người trí thức thành phố, trước những chuyển biến lớn lao của đất nước. Bởi chính anh là một trí thức thành phố giác ngộ và tham gia cách mạng; anh có thể xuất phát từ kinh nghiệm bản thân và thông qua bạn bè để nói về những tâm tình của người dân đô thị một cách khá tinh tế..."./.

Trần Mạnh Thường

Tin liên quan

Tin mới nhất

Mâm cơm hè miền Bắc giản dị mà cực hấp dẫn

Mâm cơm hè miền Bắc giản dị mà cực hấp dẫn

Mâm cơm mùa hè miền Bắc thường có sự kết hợp giữa món mặn, rau xanh, bát canh thanh mát và hoa quả theo mùa. Cà pháo muối, dưa chua, các món nộm,... giúp giải ngán, kích thích vị giác cũng rất được ưa chuộng.

Kỷ niệm với NSND Tường Vi - một đồng nghiệp, một đồng đội thân thiết

Kỷ niệm với NSND Tường Vi - một đồng nghiệp, một đồng đội thân thiết

Cuối năm 1955, ca sỹ Kim Ngọc của Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (nay là Đoàn Ca múa Quân đội) chúng tôi qua Quân y viện 108, bất giác nghe được giọng hát của cô y tá Tường Vy đang say sưa hát cho thương binh nghe ở ngay đầu giường bệnh. Đó là giọng ca của cô gái miền Trung vừa theo bộ đội khu V tập kết ra Bắc.

Khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của Thiên Môn Sơn

Khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của Thiên Môn Sơn

Công viên Quốc gia núi Thiên Môn là một điểm đến hấp dẫn tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), với cổng trời và đường núi với 99 khúc cua nổi tiếng trên toàn thế giới. Khám phá vẻ đẹp hùng vĩ và mênh mông của thiên nhiên tại địa điểm này.